Thời gian qua tiết mục Trong Hầm Rượu trên Tuần san Trẻ đã giới thiệu đến bạn đọc ba tập 15 Truyện Mùa Xuân, 15 Truyện Rừng và 15 Truyện Biển do Nhà Sống Mới in tại Sàigòn đầu thập niên 70. Từ tuần này tiếp tục với 15 Truyện Mạo Hiểm vẫn do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác. [Trần Vũ]
Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác
Ông Mát tiếp người khách lạ với thái độ dè dặt thường thấy ở các trại chủ miền sơn cước quạnh hiu này. Sự khác biệt giữa chủ, khách thực rõ rệt: Ông Mát dong dỏng cao, gầy đôi chút, rắn rỏi trong bộ áo chàm may bó lấy người. Khách, trái lại, vừa mập vừa lùn, ăn mặc đỏm dáng như một phú thương, với dáng dấp kênh kiệu của con người sẵn tiền.
Túy đang ngồi sửa chiếc bẫy chim, liếc nhìn người lạ bằng cặp mắt thiếu thiện cảm; anh khó chịu nhất khi thấy ông ta đã vào nhà mà còn sùm sụp chiếc nón trên đầu. Cậu bé nghĩ thầm:
– Nón đẹp quá!… Bằng lông lạc đà chắc!… Đắt tiền lắm nhe!… Nhưng bất lịch sự quá!
Dù sao, Túy cũng phải nhận là lão sang thiệt!… Từ quần áo giày dép, cho tới chiếc nhẫn kim cương lấp lánh trên ngón tay út, điếu xì-gà đắt tiền trên môi, tới sợi dây đồng hồ vàng y dễ tới hơn một lạng!
Giọng lão oang oang, rõ ra người quen ăn to nói lớn:
– Tôi là Hai Phú, thương gia… Tôi từ thủ đô về đây tính với ông một chuyện làm ăn…
Ông Mát đăm đăm nhìn khách, chỉ vào chiếc ghế mây kê sát cửa sổ:
– Dạ, mời ông ngồi chơi… Ông cần gì đây?… Hồi này tôi có sẵn sữa bò, giống tốt lắm…
Chiếc ghế mây rên cọt kẹt dưới thân hình nặng nề của Hai Phú. Lão lắc đầu:
– Bò tôi có dư…
Ông Mát nói tiếp:
– Vậy ngựa. Toàn ngựa tơ… Có con ngựa ô hay lắm…
Hai Phú cười hô hố:
– Kể ra tôi còn có giống ngựa để bán lại cho ông kia… Tôi tới đây về chuyện khác…
Lần này thì Túy cũng ngạc nhiên như cha. Ngoài bò, ngựa…trại còn gì đáng giá đâu?… Sự ngạc nhiên của hai cha con tới tột độ khi người khách cho biết ý định của ông ta:
– Tôi tính tới…mua trang trại này!
Túy trố mắt nhìn cha. Ông Mát đứng phắt dậy như bị điện giật:
– Mua trại này?… Mà tôi đâu có bán?
Lão thương gia vẫy tay, mời ông ngồi xuống, ngọt ngào:
– Biết vậy… Nhưng được giá thì bán chứ… Ông yên tâm điều đó…
Lão chờ cho ông Mát bớt sửng sốt đôi chút… Thong thả rút chiếc bật lửa loại đắt tiền, mồi lại điếu xì gà thơm… Đoạn lão đề nghị một số tiền ít ra cũng đáng giá gấp đôi khu trại!…
Túy nghĩ chừng với số tiền đó, hai cha con có thể mua nổi cánh đồng cỏ bạt ngàn, gồm cả khu rừng thưa với ngọn đồi ngoài xa nữa… Khéo ra còn có tiền xây cất nhà kho, làm thóc, và tậu hàng đàn bò nái, ngựa tơ… Thực là may mắn bất ngờ!
Ông Mát không nghĩ vậy: con người lao động từ tấm bé đã biết thế nào là giá trị của đồng tiền, và rành rẽ tâm lý con buôn… Chẳng bao giờ họ quăng tiền qua cửa sổ: cái gì cũng suy tính, đắn đo… Lão Hai Phú bỏ món tiền lớn như vậy, không phải không biết thời giá đất cát… Lão còn rành hơn hai cha con nữa!… Lão có chủ đích gì đây!
Người chủ trại thong thả lắc đầu:
– Khu trại này đâu đáng giá ấy… Vả lại, tôi không tính bán… Dù ông trả vậy hay hơn nữa cũng thế thôi… Quanh đây còn nhiều đất khác, rộng rãi hơn…
Hai Phú gạt phắt:
– Tôi chỉ ưa khu này…
Ông Mát giơ hai tay lên trời:
– Kỳ há! Để tôi dẫn ông qua cánh rừng thông coi… Phía bển đất tốt nhiều…
– Tôi thích trại này hơn…
Lão vừa nói vừa rút tập chi phiếu trong túi:
– Tôi vui lòng đặt tiền trước…
Ông Mát giữ bàn tay béo nẫn đang lăm lăm cây viết máy:
– Vô ích… Tôi không bán mà!
Nét mặt Hai Phú chảy dài:
– Bất cứ ai được giá phải hài lòng, trừ có ông. Nhưng không sao, tôi biết chiều người khó tính… Ta có thể bàn với nhau về chuyện này… Tôi trả thêm một nửa số tiền đó để bồi thường mọi phí tổn, được không?
Ông Mát đứng dậy, tỏ ý chấm dứt câu chuyện:
– Ông vui lòng vậy… Tôi không bán, mà cả làm gì!
Hai Phú vẫn dai dẳng:
– Ông nghĩ kỹ đi… Lợi lắm chứ!
Lần này ông Mát mở rộng hai cánh cửa:
– Tôi cần đi thăm đồng… Ông tha lỗi nhé!
Lão nhà buôn sầm nét mặt:
– Tôi gấp đôi giá đó, ông tính sao?
Giọng người chủ nhà vẫn giá băng:
– Tính làm gì… Tôi đã nhất quyết không bán mà!
Hai Phú lẳng lặng đứng dậy… Trước khi lên xe, lão còn dặn với lại:
– Tôi sẽ tới gặp ông lần sau… Ông có thể thay đổi ý kiến, ai biết đâu, phải không?
Túy không ngờ con người như lão lại kiên nhẫn trong việc mua bán như vậy… Thực ra trong thâm tâm cậu bé cũng thấy tiếc đôi chút: đã từ lâu, Túy mong mỏi có một trang trại rộng hơn… Chắc chẳng có dịp nào để bán khu đất này với giá cao như vậy.
Nhưng cậu biết tính cha…một khi đã quyết định chẳng ai ngăn cản được. Người nông dân cần cù này tin vào sức đôi cánh tay hơn những may mắn bất ngờ.
–oOo–
Chừng một tuần, sau chuyến thăm của Hai Phú, bắt đầu có nhiều chuyện phiền muộn xảy tới cho hai cha con. Thoạt tiên, Túy tìm ra một con bò sữa nằm nghiêng ngay ven ao: con vật chết đứ đừ hồi nào, chút dãi vương bên mép đã khô, vạch thành một đường trắng dưới chiếc mồm hé mở. Cậu bé đã quen những cảnh này: đôi khi gia súc chết, vì chứng bệnh gì không ai biết nữa… Vài ngọn cỏ độc, chút nọc rắn, đủ làm con vật đương khỏe mạnh, héo hắt rồi chết dúi một chỗ.
Nhưng cách đó vài bữa, lại thêm đôi bò khác nằm lăn ra đất và qua hôm sau, tới phiên 4 con nữa… Lần này, hai cha con Túy lo ngại thực sự. Viên thú y già được mời tới cũng chỉ đoán chừng bò bị trúng thực, thế thôi. Ít thuốc tiêu trộn với cám hay cỏ ướt chẳng tỏ ra công hiệu gì.
Trong vòng non tháng trời, hai chục bò ngựa chết vì chứng bệnh bí mật. Ông Mát gầy đi trông thấy.
Túy nghĩ tới người khách lạ bữa nào:
– Biết đâu lão chẳng đánh thuốc độc đàn gia súc để mình bán trại cho lão?
Có điều anh không hiểu tại sao lão chỉ thèm khát có cánh trại này? Phải có lý do thầm kín nào thúc đẩy lão, chắc vậy.
Giữa lúc đó Hai Phú lại mò tới; giọng lão ngọt xớt:
– Tôi không vì những chuyện xảy ra mà bớt tiền đâu… Xin trả ông đúng giá cũ… Ta làm giấy tờ, nghen!
Nhưng nhìn nét mặt hầm hầm của ông Mát với vẻ lầm lì của Túy đang xót xa vì mất non nửa đàn gia súc, lão không dám nói gì thêm, lặng lẽ bỏ đi.
–oOo–
Ông Mát tưởng chừng phát điên lên được: con người gan lì, nhẫn nại tới độ bướng bỉnh, nhất định không chịu thua bất cứ ai, kể cả trời…nếu trời vô cớ làm hại ông.
Nhưng…bò, ngựa vẫn lăn ra chết… Ông đành thải bớt người làm… Công việc chăn nuôi kể như thất bại.
Thiên hạ xầm xì nhiều về khu trại không may mắn này:
– Dễ có ma chắc!… Hay hai cha con ăn ở sao đó khiến trời Phật trừng phạt…
– Không phải… Đâu lúc lập trại không chọn ngày, trông hướng, cũng chẳng cúng kiếng gì nên mới vậy…
– Đã bảo thổ thần vùng này thiêng lắm mà!
Người trong vùng bắt đầu đặt cho trang trại xấu số cái tên “Trại trời đánh”. Thiên hạ tránh không lui tới đó nữa, ngại xui xẻo.
Đôi lúc hai cha con lo lắng nghĩ tới tương lai; ông Mát nhìn Túy, băn khoăn: sản nghiệp có vậy, sau này chẳng biết xoay sở ra sao!
Túy không nghĩ như cha, cậu bé mười lăm tuổi không hé răng phàn nàn nửa lời; nhưng lúc nào rảnh việc lại loanh quanh ngoài đồng cỏ, chăm chú quan sát mươi con bò gầy còn sót…
– Phải có lý do nào súc vật mới chết… Cũng như phải có lợi lộc gì, Hai Phú mới mặn mà với khu trại?…
Trí óc non nớt của Túy không thể hiểu tại sao tới lúc này mà lão nhà buôn vẫn đeo đẳng khoảng đất ma quái, gần như chẳng có gì để khai thác này?
–oOo–
Bữa đó trời nắng gắt. Con ngựa non mang Túy trên lưng đã thấm mệt. Lớp lông nâu đậm bóng loáng mồ hôi… Túy rẽ về phía ao nước dưới rặng sung gần đó: ít khi cậu bé lang thang tới đây. Mấy chiếc ao tù, nước xanh lè với khóm sậy hoa trắng lợt chẳng có gì hấp dẫn… Nhưng lúc này cần cho ngựa đỡ khát đã!
Con ngựa hăm hở đến bờ ao. Túy tưởng chừng nó vục đầu hay đẫm mình xuống nước chắc… Vậy mà vừa ghé mũi tới làn nước mát lạnh, con vật đã ngoắt vội lên, không chịu uống, mới kỳ!
Chẳng lẽ giác quan tinh tế của con vật biết nước không uống được?… Túy thong thả vục nước vào lòng bàn tay, đưa lên miệng: một thứ mùi nồng, hắc như chẹn lấy họng… Đôi mắt Túy chợt lóe sáng, cậu bé thì thầm với con ngựa:
– Chẳng lẽ vậy… Có phải vì thế mà bò ngựa trong trại chết chăng?… Để coi!
Túy tháo bình nước đeo bên yên, rót vào miệng cho con vật, vỗ về:
– Uống đỡ nhé… Ta còn phải đi nữa mà!
Cậu bé vục đầy bình nước ao, thót lên lưng ngựa thúc mạnh hai gót chân vào sườn con vật… Cậu cần xuống tỉnh ngay giờ.
–oOo–
Đây là lần thứ ba Hai Phú tới trại. Quang cảnh buồn tẻ nơi đây chẳng ảnh hưởng gì tới quyết định của lão… Ông Mát tưởng chừng người thương gia kỳ quặc này còn tỏ ra mặn mà hơn buổi đầu. Trong khi đó, lòng ông nguội lạnh, chẳng tha thiết gì. Tiếng Hai Phú vui vẻ:
– Thế nào, ông?… Vẫn giá cũ đó… Văn tự tôi làm sẵn đây rồi, chỉ việc ký là xong… Ông không hợp với đất này đâu… Thiếu gì vùng khác phì nhiêu…
Lần này ông Mát thấy lão không hẳn vô lý: ông còn hy vọng gì ở trang trại này mà mong!… Nghề của ông là chăn nuôi mà bò, ngựa chết như vậy đó!
Đi nơi khác là phải… Túy sẽ có một tài sản lớn gấp hai, một tương lai vững vàng hơn… Đằng nào cũng chẳng thiệt thòi gì mà ngại. Ông thẫn thờ đỡ lấy cây viết máy trên tay lão lái buôn… Có cái gì quặn lên từ ruột, gan làm ông tức tưởi… Hai giọt nước mắt hiếm hoi trào ra từ đôi khóe mắt già nua… Lão Hai Phú đứng đó, nhẹ nhàng vuốt thẳng tờ giấy, chỉ vào khoảng trắng dưới bức văn tự:
– Đây… Ông ký vào đây cho… Một chữ là đủ rồi!
Chợt có tiếng vó ngựa dồn dập ngoài cửa làm người trại chủ dừng tay, ngửng đầu lên… Có tiếng Túy thét to:
– Khoan, đừng ký… Cha!… Đợi con đã!
Cậu bé thót từ trên ngựa xuống, tay nâng cao bình nước, tiến lại trước mặt lão nhà giàu… Ông Mát chưa biết con sẽ làm gì nhưng đã thấy hả dạ: dáng điệu ngang tàng, ánh mắt đầy tự tin đó, đúng là hình ảnh ông thuở nào!
Túy lắc bình nước nghe róc rách, dằn từng tiếng:
– Bây giờ tôi biết tại sao ông trả giá đắt như vậy. Tôi vừa phân chất nước ao tại phòng thí nghiệm dưới tỉnh… Ông biết chất gì không?… Dầu lửa, phải, dầu lửa…mà hạng tốt nữa kìa!
Cậu bé quay lại cha:
– Trại của ta nằm trên mỏ dầu lửa… Khai thác, ta có cả trăm triệu, không phải ít!… Gia súc bị chết vì uống thứ nước có dầu, chẳng có gì lạ cả!
Ông Mát tưởng mình mơ ngủ chắc!… Ông ghì lấy con, không ngờ thằng bé chừng ấy tuổi mà tinh khôn hơn người lớn.
Khi hai cha con ngửng đầu lên, lão lái buôn đã bỏ đi từ hồi nào, lão khôn chán, ông Mát tuy luống tuổi, nhưng còn dư sức cho lão ốm đòn, nếu lão còn bén mảng tới đây.
NMT phóng tác
(Theo S.Thomas)
Trần Vũ đánh máy lại tháng 9-2023 từ tuyển tập 15 Truyện Mạo Hiểm của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.