Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu

Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo

Mình đồng da sắt không phai mầu

Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao

Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi

Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao

Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi…

Tháng 5-1975 tôi trong đám nam sinh Lasan Taberd chứng kiến cán bộ Mặt trận Giải phóng Miền Nam vào tiếp thu trường, hò hét và quát tháo các sư huynh. Cả sân trường im phắt chịu đựng. Cùng với họ là thứ ngôn ngữ kỳ dị mà chúng tôi chưa hiểu. Tan trường lội bộ về nhà vì không còn xe trường, tôi lại nghe thứ ngôn ngữ ấy của họ hàng từ Bắc vào thăm. Cậu tôi từ Hà Nội mới vào, nói với mẹ tôi: “Em báo cáo cho chị nắm, là con cả của em sắp đứng ra tổ chức.” Mẹ tôi sinh ở phố Hàng Đào trước di cư, nhưng bà không hiểu cậu muốn nói gì. Mãi rồi chúng tôi mới hiểu là sắp đám cưới. Hiểu, nhưng tôi vẫn thắc mắc vì sao tổ chức lại là đám cưới? Phải đến hôm qua, đọc các diễn giảng của Trung Tâm Ngày Ngày Viết Chữ, tôi mới biết: Tổ là xếp các sợi dây nằm dọc; Chức là dùng các sợi dây ngang đan vào các sợi dây dọc. Tổ chức là cùng nhau làm một việc, sắp xếp kết hợp với nhau. Là từ ngữ gốc Hán. [Trần Vũ]

“Tự sướng” hay “Tự xướng”?

Hôm qua mình hỏi mọi người, tự chụp hình (selfie) thì mọi người kêu là “tự sướng” hay “tự xướng”? Cái này chẳng qua chỉ để làm tiền đề cho bài viết hôm nay thôi, chứ không cần hỏi thì cũng biết mọi người đa số dùng “tự sướng” rồi. Báo chí cũng dùng như thế!

Nhớ lại độ bốn năm năm về trước, khi “tự sướng” theo nghĩa tự chụp hình …mới manh nha, có vài lần mình được nghe người khác bàn về hai chữ này. Theo đó, các ý kiến đều cho rằng không nên dùng “tự sướng” để chỉ việc tự chụp hình, vì nó vốn dính líu đến một nghĩa, được coi là nghĩa gốc của từ này, là tự thủ dâm. Lúc đó, có người nói với mình, rằng nên dùng “tự xướng”. “Xướng” ở đây là khởi xướng, nó có nghĩa là “nêu ra, nêu lên, phát động, bắt đầu việc làm gì đó.”

Giả sử chữ nên dùng là “tự sướng”, thì chúng ta hiểu rằng tự chụp hình mình là một việc khiến mình thích, mình sướng, nên tự chụp thì gọi là “tự sướng”. Vậy, “tự sướng”gọi theo cảm xúc.

Giả sử chữ nên dùng là “tự xướng”, thì chúng ta hiểu rằng đó là hành vi tự mình giơ điện thoại lên và bấm máy. Hành động giơ điện thoại lên và bấm máy này chính là “xướng”. Một cách không quá khắt khe, có thể nói vui câu “phu xướng phụ tùy” là anh giơ điện thoại lên là em liền giơ hai ngón tay hình chữ V làm duyên với camera trước. (Ðấy là nói vui thôi nha chứ cái câu “phu xướng phụ tùy” tất nhiên đẹp và ý nghĩa hơn thế nhiều.) Vậy, “tự xướng” là gọi theo hành vi.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Vậy nên dùng từ nào? Nên dùng từ nào thì cũng chẳng dám khuyên các bạn. Nhưng nếu hỏi mình lựa chọn từ nào trong hai từ này, thì mình xin chọn từ “tự xướng”. Lý do thì chắc các bạn cũng đoán ra rồi, vì “tự sướng” vốn cũng mang nghĩa nhạy cảm. Có người nói – thủ dâm – tạm coi là nghĩa đầu tiên của “tự sướng” – là một nhu cầu sinh lý của con người, có phải chuyện gì xấu xa đâu mà nhạy cảm, mà kỳ thị. Lý lẽ này cũng coi như phải. Nhưng mà, cũng như những từ ngữ nhạy cảm – những từ liên quan “phụ khoa” và “nam khoa” – nó cũng chỉ là tên gọi các bộ phận cơ thể hoặc hành vi quan hệ tình dục, chả có gì xấu xa, nhưng mình cũng không muốn dùng đó thôi. Ấy là do mình lựa chọn thế.

Tiếc là năm đó, khi mình được nghe người khác bàn về hai chữ “tự xướng”, thì cả người nói và người nghe là mình cũng không có động thái hay sức lực gì để phổ biến từ này ra rộng rãi. Giờ thì lại càng không đủ sức vì người người, nhà nhà dùng “tự sướng” rồi.

Chính tả, hiểu nôm na là cách viết được cộng đồng người sử dụng chấp nhận một cách chính thức (có văn bản của Bộ Giáo dục chẳng hạn) hoặc rộng rãi. Nên nếu theo tình hình này thì “tự sướng” đã thành chính tả rồi. À, trên là nói nếu bắt buộc giữa hai từ “tự xướng” và “tự sướng”, còn nếu không bắt buộc thì mình dùng “tự chụp”, “ảnh tự chụp” cho nó vừa rõ nghĩa vừa chẳng sai.

Ờ, tính viết sương sương vài dòng mà cũng dài dòng quá hén. Nói chứ bài viết này không nhằm mục đích khuyên mọi người dùng “tự xướng” thay cho “tự sướng”. (Ai thấy dùng chữ nào thì dùng.) Bài viết này chỉ để góp một tiếng nói xíu xiu, rằng sau này có sáng tạo ra chữ gì, chúng ta nên cẩn thận một chút, dụng tâm một chút, thế mới tạo ra được những từ vừa đẹp vừa hay, tránh chuyện nhập nhằng giữa “tục” và “nhã”.

Xem thêm:   Hang gấu

Chiềng làng chiềng chạ

“Chiềng làng chiềng chạ

Thượng hạ Tây Ðông

Con gái phú ông…

Tên là Mầu Thị

Tư tình ngoại ý

Mãn nguyệt có thai

Già trẻ gái trai

Ra đình ăn khoán.”

Ðây là lời rao của mõ trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Xưa mỗi khi làng có việc, thằng mõ lại vác loa đi loan báo. Lời mở đầu thường là “Chiềng làng chiềng chạ”. Thế “chiềng” là gì?

“Chiềng” là âm cổ của “trình”. “Chiềng làng chiềng chạ” tức là “trình làng trình chạ”. Có nhà nghiên cứu cho rằng, “chạ” ở đây tức là xã, “chiềng làng chiềng chạ” là “trình làng trình xã”, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không phải. Mình chưa đủ cơ sở nên xin phép miễn bàn chữ “chạ” trong nội dung bài này.

Về mối quan hệ chiềng – trình, nó cũng giống như mối quan hệ giữa (mắt) kiếng – (mắt) kính, (tháng) giêng – chinh* (nguyệt), chiêng – chinh (một loại nhạc khí), (thiêng) liêng – linh (thiêng).

Truyện Kiều của Nguyễn Du, sau khi Thúy Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh, nhờ Thúy Vân và gia đình trả tình trả nghĩa cho Kim Trọng có câu:

“Lạy thôi nàng mới thưa chiềng:

Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi.”

“Thưa chiềng” nghĩa là thưa trình.

Ờ, ờm, như nhiều lúc khác, mỗi khi cần ví dụ cho cái hay, cái đẹp, cái nét xưa của tiếng Việt, giở “Truyện Kiều” ra xem là có.

(*) Chinh nguyệt, tức  thường được biết đến là “chính nguyệt”, tức tháng Giêng. Chữ  có ba âm, chính/chánh/chinh. Âm “chinh” ít phổ biến nên ít người biết. Theo An Chi và một số học giả khác, âm đúng của  phải là “chinh nguyệt” chứ không phải “chính nguyệt”.

Mai Phương Vy và Cao Phương Oanh sắm vai Thúy Vân và Thúy Kiều trong Ngưng Bích Lầu.

Thất bát

Tại sao ‘thất bát’ lại dùng để nói làm ăn thất bại?

Xem Ðại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của thì thấy có giải thích rằng “thất bát” là “lạc mất, không toàn vẹn, ấy là nghĩa câu chữ ‘thất linh bát lạc’.”

“Thất linh bát lạc”, chữ Hán viết  dịch nôm na là “bảy lẻ tám rụng”, là một thành ngữ chỉ sự phân tán rải rác, không tập trung. “Linh” là lẻ tẻ, vụn vặt (như mình nói hai nghìn linh ba tức là hai nghìn lẻ ba). “Lạc” là rơi rụng (âm Nôm của chữ này là “rác” trong rơm rác, rác rưởi, chỉ những thứ vụn vặt rơi rụng không giá trị).

Từ “thất linh bát lạc” đến “thất bát”, chữ này thường dùng trong nông nghiệp, chỉ sự mất mùa, thu hoạch không như mong đợi. (Ca dao có câu “Ðược mùa chớ phụ ngô khoai, Ðến khi thất bát lấy ai bạn cùng”.) Ngoài ra, “thất bát” cũng dùng để chỉ làm ăn thua lỗ, như “làm ăn thất bát”.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Khúc mắt

Ðại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: “Khúc” là “vạy (*), đoạn, khoản, có mắt, có lóng” và cho ví dụ “Khúc mắt” là “mắt mỏ; có nhiều đoạn nhiều mắt. Chuyện khúc mắt là chuyện rất khó gỡ; người khúc mắt thì là người thiểm thước (**)”.

Chiếu theo trên thì trong hai từ “khúc mắt” và “khúc mắc”, có lẽ “khúc mắt” mới là từ gốc. “Khúc mắt” là từ được tạo ra từ thiên nhiên quanh ta,… hình tượng như một thân tre trúc, nhiều khúc nhiều mắt, không thẳng một đường, không trơn tru.

Kỳ thực, ngôn ngữ nước ta có rất nhiều từ đi ra từ thiên nhiên, bao gồm thế giới thực vật (như “tảo tần”) và động vật (như “do dự”). Ngoài ra, còn vô số từ đi ra từ hai nền kinh tế nông nghiệp (như “mầm mống”) và tiểu thủ công nghiệp (như “mực thước”). Cho nên, cũng không có gì lạ trong trường hợp dùng thân cây nhiều khúc nhiều mắt để chỉ chuyện gì đó còn chưa thông thuận

Thế nhưng, chính tả thì thay đổi. Ngày nay chúng ta dùng “khúc mắc” theo nghĩa có “khúc khuỷu và vướng mắc” chăng? Ðiều này cũng không sao cả. Chính tả, suy cho cùng không phải đúng hay sai mà là sự lựa chọn của thời đại. Thời đại chọn từ nào thì từ đó đúng.

Và thời đại này chọn “khúc mắc”, vậy “khúc mắc” đúng. Người yêu ngôn ngữ thì nên biết thêm “khúc mắt” cho nó phong phú cái biết của mình vậy thôi.

(*) vạy cũng có nghĩa là đoạn, lóng.

(**) thiểm thước nghĩa là mập mờ, úp mở, không rõ ràng không thẳng thắn.

Tảo tần

Từ ghép, chữ Hán viết là  giản thể viết  phiên âm là , trong đó:

– tảo là một loại cỏ nước, cũng kêu là rong hay rau tảo;…

– tần cũng là một loại cỏ nước, còn kêu là rau tần.

Người xưa dùng rau tảo rau tần để hiến tế, để cúng gia tiên. Ngoài “tảo tần” ta còn dùng là “tần tảo”. Từ này dần dần dùng để chỉ đức hy sinh của người phụ nữ, vì việc kiếm rau tảo rau tần thường do phụ nữ làm.

Tinh tế

Từ gốc Hán, viết là  trong đó:

– tinh là gạo giã cho trắng sạch, những thứ đã lọc hết tạp chất gọi là tinh;

– tế là những vật, những thứ nhỏ, mịn.

“Tinh tế” là từ ghép đẳng lập (như mọi khi, những thứ có vẻ là từ láy lại không phải là từ láy) dùng để chỉ những thứ, những cảm xúc tỉ mỉ, kỹ lưỡng, chi tiết, sâu sắc, mang yếu tố tinh túy.

(còn tiếp)