Protectionism và Isolationism là phương thức truyền thống của Hoa Kỳ trước những cuộc chiến lớn hoặc khi có tranh giành giữa các đế quốc. Tổng thống Woodrow Wilson đã bế môn tỏa cảng trước thế chiến thứ nhất cho đến 1917. Tổng thống Franklin Roosevelt không làm khác trước thế chiến thứ nhì, cho đến 1941.

Từ 1937 Nhật xâm chiếm Thành Đô, Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Uyển Thành, Thẩm Quyến, Hán Khẩu rồi Nam Kinh nhưng Roosevelt không can thiệp, như đã không can thiệp trước những van nài khẩn thiết xin giúp đỡ của Âu châu đang bị Đức uy hiếp. Áo, Hung, Tiệp, Ba Lan, Đan Mạch, Hòa Lan, Bỉ, Pháp, Nam Tư, Hy Lạp lần lượt gục ngã và Phần Lan bị Nga chiếm đất. Roosevelt dửng dưng vì chiến lược của Roosevelt là tách rời ra khỏi những xung đột thế giới để có thể làm ngư ông hưởng lợi phút cuối. Trong mục đích sâu thẳm là Âu châu phải suy yếu để Hoa Kỳ giành lấy vị trí của Anh-Pháp. Trong phối cảnh to lớn ấy, Nhật Bản là một cái gai.

Nếu Roosevelt tương nhượng cho Nhật hùng cứ Bắc Á, với hy vọng Nga-sô kềm chế, như đã xảy ra trận chiến Nga-Nhật vào tháng 5-1939 trên đất Mông Cổ, thì việc Nhật tiến xuống Nam Á là một thách thức.

Chính việc quân Nhật tiến vào Đông Dương tháng 8-1940 đã đưa đến lệnh phong tỏa quyết liệt của Roosevelt. Embargo luôn là đối sách của Hoa Kỳ. Vì sao embargo Nhật khi ấy? Vì Nhật thiết lập căn cứ quân sự ở Gia Lâm, Cát Bì, Cam Ranh và Tân Sơn Nhất; Việt Nam trở nên đầu cầu tấn công của Nhật xuống bán đảo Mã Lai uy hiếp trực tiếp Nam Dương, Tân Gia Ba và Phi Luật Tân. Từ 1941 Hoa Kỳ phong tỏa gắt gao Nhật Bản. Trong suốt nhiều tháng các nỗ lực hòa đàm của Nhật đều thất bại vì Roosevelt vụt cứng rắn: Nhật phải rút quân. Mùa thu 1941 Nhật đứng trước chọn lựa: Hoặc lui binh nhục nhã, hoặc đầu hàng khi trữ lượng dầu hỏa cạn kiệt.

Vài tháng trước khi chết, vào tháng 1-1945, Roosevelt tuyên bố: “I will do nothing to liberate Indochina from Japanese hold” (Tôi sẽ không làm gì để giải thoát Đông Dương khỏi ách Nhật). Lịch sử đầy bí ẩn.  [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Phần 2: 

Từ Trân Châu Cảng đến Guadalcanal

Chương IX

Ngày 9 tháng 10 năm 1941 là một ngày mà tôi không thể nào quên được. Ngày đó, có khoảng 200 tàu chiến của Hạm đội Hỗn hợp quy tụ về vịnh Hiroshima. Toàn thể Hạm đội Hỗn hợp Nhựt (Kido Butai/ Combined Fleet) tập trung vào một nơi như thế được xem là hiện tượng bất thường.

Tôi đang là hạm trưởng của khu trục hạm Amatsukaze (Thiên Phong), một trong bốn tàu cùng loại thuộc Hải đoàn 16, Phân Hải đoàn 2 Khu Trục hạm – Ðệ Nhị Hạm đội. Amatsukaze hạ thủy cách đấy hai năm, bố trí 6 pháo 127 ly với 8 ống phóng ngư lôi là một tàu khu trục tối tân.

Hôm đó, một sáng tiết thu êm đềm, các tàu chiến buông neo bất động trên mặt vịnh. Mặt nước trong suốt như gương, phản chiếu dãy núi xanh rì ở chân trời xa xa. Lũ hải âu bay lượn quanh quẩn bên trên các cột tàu. Vạn vật êm ả và bình lặng.

9 giờ sáng, một hồi còi hiệu rúc lên từ soái hạm Nagato (Trường Môn), khiến muôn mắt hướng về phía chiếc thiết giáp hạm nặng 42 ngàn tấn với dàn đại bác 410 ly này. Cờ hiệu kéo lên thông báo: “W.Y.Z”. Ám hiệu này là một bất thường, có nghĩa: “Tất cả sỹ quan chỉ huy trình diện soái hạm”. Hoạt động rộn rịp trên mỗi tàu diễn ra. Vài phút sau, một ca-nô đưa tôi đến chiếc Nagato. Trên sân tàu rộng lớn của soái hạm, hàng trăm sỹ quan đã tề tựu, già trẻ lẫn lộn.

Giữa những đồng ngũ hiện diện, tôi thấy các thượng cấp của mình: Ðề đốc Raizo Tanaka, Tư lịnh Phân Hải đoàn 2 Khu Trục hạm và Phó Ðô đốc Nobutaké Kondo, Tư lịnh Ðệ Nhị Hạm đội. Mọi người mang dáng vẻ nghiêm trọng. Mặc dù tiết thu mát mẻ, không khí vẫn ngột ngạt oi bức.

9 giờ 30, ba tiếng chuông réo vang. Tất cả thủy thủ đều biến dạng, chỉ còn cấp thiếu tá trở lên. Sự bất thường này làm căng thẳng gia tăng.

Trung tá Hajime Yamaguchi, sỹ quan của Tổng Hành Dinh, đứng trên một bục cao, nói lớn:

“Quân nhân lưu ý! Tổng tư lịnh đến!”… “Nghiêm!”

Tất cả chúng tôi lập tức chập gót chân, đứng thẳng và im phăng phắc khi Thủy sư Ðô đốc Isoroku Yamamoto bước ra. Trong Hải quân Hoàng gia, quân kỷ là điều cứng rắn nhứt, không cho phép bất kỳ một lả lơi nào. Ngay cả khi Yamamoto không nói gì hết thì chúng tôi vẫn phải đứng nghiêm như thế suốt buổi cho đến khi gục chết, nếu Yamamoto vẫn đứng đó. Nhưng Yamamoto tiến lên bục. Trong khung cảnh im lìm, bước chân ông vang vang. Ðại Ðô đốc chào chúng tôi và bắt đầu lên tiếng:

“Tôi hân hoan gặp gỡ tất cả sỹ quan các cấp. Hạm đội Hỗn hợp của chúng ta đã hoàn tất mọi chuẩn bị để sẵn sàng lâm chiến. Trong thời gian chờ đợi, chúng ta tiếp tục trui rèn trên căn bản đó.

Xem thêm:   Đông dược

“Tình hình gần đây cho thấy Nhựt Bản có thể bắt buộc phải ra tay chống lại Anh, Mỹ, Úc và Hòa Lan, thay vì để cho cuộc phong tỏa kinh tế của bọn họ bóp nghẹt chúng ta.

“Mâu thuẫn lên đến mức độ trầm trọng, điều này đã nhìn thấy rõ ràng. Một khi tổ quốc quyết định lâm chiến chống lại Ðồng Minh, thì bổn phận của chúng ta, Hạm đội Hỗn hợp, là bảo vệ quê hương và đánh bại kẻ thù. Nhiệm vụ sẽ đạt thành quả, nếu mỗi cá nhân các anh dốc hết nỗ lực của mình.

“Tôi yêu cầu các anh chu toàn bổn phận, và cùng với tôi, thực hiện mọi công tác giao phó, có như vầy chúng ta mới đền nợ nước.”

Yamamoto nói thật vắn tắt, và qua một giọng thật trầm, nhưng chẳng khác nào tiếng sấm động. Mọi sỹ quan choáng váng. Tôi như bị chôn chân.

Khi ngừng nói, Yamamoto nghiến chặt hai hàm răng và nhìn quanh, như tìm đôi mắt của từng người một. Ông có vẻ hòa dịu hơn khi chậm rãi rời khỏi bục.

Isoroku Yamamoto

Phó Ðô đốc Matome Ugaki, tham mưu trưởng của Yamamoto lên tiếng kế đó. Ông đưa ra một phân tách tình hình, về các hậu quả do việc phong tỏa tàu bè đi lại của Ðồng Minh. Nhựt Bản đang lâm vào cảnh thiếu hụt trầm trọng dầu hỏa, quặng sắt, cao su, nhôm, thiếc, kẽm, kền và đất thiết phàn (Bô-xít), vì gặp Hoa Kỳ ngưng bán và ngăn cấm mọi giao dịch của Nhựt. Ông cho biết, theo tính toán, Nhựt sẽ sụp đổ trong vòng một hoặc hai năm nữa nếu tình thế hiện tại vẫn tiếp tục. Trữ lượng dầu chỉ còn đúng 18 tháng. Có nghĩa là không cần Hoa Kỳ tuyên chiến, Nhựt vẫn phải đầu hàng một khi các tàu chiến của chúng tôi thành những khối sắt vô dụng. Ông nói rằng Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã tiến đến quyết định cuối cùng là đưa ra một tấn công trả đũa, nhằm chống lại sự bóp nghẹt của Ðồng Minh.

“Có thể cuộc họp tất cả sĩ quan hôm nay…”, tới đây Ugaki hơi ngần ngừ, và sau đó tiếp: “… là cuộc họp cuối cùng thời bình…”

“Kể từ bây giờ các anh sẽ đảm nhiệm trọng trách khó khăn nhứt… Ðây không phải là sự cố gắng tập luyện thông thường, mà cho mục đích chiến đấu thực sự. Các anh phải chuẩn bị cho binh sỹ lâm chiến. Tôi có lời khuyên: trong bất cứ trường hợp nào thì các anh cũng phải trông chừng sự nghỉ ngơi thích hợp cho họ, phải luôn luôn theo dõi việc này, là không để tiêu hao một thủy thủ nào… Mỗi người chúng ta phải sẵn sàng… Luôn luôn sẵn sàng! Ngay cả đối đầu với cái chết!”

Một nỗi yên lặng trùm lấp khi Ugaki dứt lời. Trung tá Yamaguchi tuyên bố buổi họp chấm dứt, tan hàng và Ðô đốc Yamamoto bắt đầu cuộc họp riêng với Bộ Tham Mưu.

Tôi vẫn đứng bất động, những câu nói của Yamamoto và Ugaki vẫn còn vang vang trong tai. Tôi phải chờ ca-nô đem tôi trở về chiếc Amatsukaze. Thình lình tôi như lâm vào trạng thái mộng du và dần dần hướng bước về đài chỉ huy. Tôi nhứt quyết đến gặp riêng Phó Ðô đốc Ugaki.

Khi tôi đang bước, một vị đô đốc xuất hiện và tôi đưa tay chào như máy. Ðó là thượng cấp cũ của tôi. Phó Ðô đốc Chuichi Nagumo, Tư lịnh Ðệ Nhứt Không Hạm đội. Nagumo đang chỉ huy sáu hàng không mẫu hạm hùng mạnh nhứt. Ông chào đáp lễ và cười khi gọi tên tôi. Chúng tôi trao đổi một vài câu. Khi ông bước đi, đôi vai rộng của ông như nghiêng về phía trước, trạng thái này khiến tôi nghĩ ra nụ cười của ông vừa rồi là một nụ cười gượng gạo. Tôi kinh ngạc. Nagumo từ trước đến nay là một người vồn vã, gặp thuộc cấp cũ là ông nhảy xô đến với những cử chỉ, lời nói thật thân thiết và ồn ào. Trạng thái kỳ lạ không mấy hăng hái của Nagumo đã khiến tôi hoang mang khi bước xuống cầu thang tiến về phía phòng của Phó Ðô đốc Ugaki.

Tôi gõ cửa và bước vào, sau tiếng nói rổn rảng cho phép của Ugaki.

Tôi hỏi thẳng:

“Thưa Ðô đốc, Ðô đốc có thể dành cho tôi một vài phút không?”

“Ðược Hara,” ông đáp. “Hãy ngồi đi.”

Tôi ngần ngừ, và sau một giây yên lặng, tôi tiếp “Thưa Ðô đốc, hành vi của tôi có thể khiến Ðô đốc cho là quá vô lễ, nhưng khi đến gặp Ðô đốc, tôi đã đắn đo cân nhắc. Tôi hy vọng Ðô đốc sẽ hiểu cho tôi. Tôi cũng hy vọng Ðô đốc không xem tôi như là một kẻ chống đối hoặc nhút nhát trước… những mạng lịnh hoàng gia…”

“Tôi hiểu anh, Hara. Ðừng rào đón nữa. Hãy nói thẳng những gì anh muốn nói. Có phải anh muốn thảo luận với tôi về cuộc chiến sắp được phát động chống lại Ðồng Minh?”

“Dạ đúng, thưa Ðô đốc. Tôi chỉ là một chuyên viên khu trục hạm, kiến thức hạn hẹp, và chắc chắn tôi không đủ tư cách thảo luận một quyết định đã được thượng cấp đưa ra. Xin Ðô đốc tha thứ những lời thẳng thắn của tôi, nhưng thực sự tôi hoàn toàn bi quan trước tình thế. Chúng ta có thể tránh né cuộc chiến toàn diện bằng cách chọn một lối khác hơn là tấn công vào Phi Luật Tân? Và nếu nói là vì nguồn tài nguyên mà chúng ta bắt buộc phải tấn công, chúng ta nhắm cả vào Hòa Lan là có thích đáng hay không?”

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Ugaki cười gượng gạo, giống như Nagumo. Sau đó ông hắn giọng: “Tôi nói anh nghe Hara. Ý kiến của anh được chia sẻ bởi một số sỹ quan cấp cao khác, nhưng tất cả đều bị gạt ra ngoài. Quyết định đã được ban bố. Một việc mà tôi cần nhấn mạnh: Chúng ta lấy quyết định là chỉ để chuẩn bị đối phó với tình thế tệ nhứt mà thôi. Như anh biết, Ðô đốc Kichisaburo Nomura, đại sứ của chúng ta ở Hoa Thạnh Ðốn đang cố gắng mở các cuộc thương thuyết dàn xếp cuối cùng. Nhà ngoại giao chuyên nghiệp Saburo Kurusu cũng sẽ sang Hoa Kỳ giữ nhiệm vụ cố vấn đặc biệt cho Nomura, và cả hai sẽ nỗ lực gấp đôi trong cuộc đàm phán này. Chúng ta không gây chiến tranh, nhưng nếu không còn cách nào khác, chúng ta phải đánh, và phải đánh nhanh và mạnh! Là giải pháp sau cùng mà Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã chọn.”

Matome Ugaki

Tôi ngồi bất động, biết rằng không còn gì để thảo luận thêm nữa. Tôi kiếu từ, và Ugaki nói: “Anh hãy cẩn trọng. Anh là sỹ quan khu trục hạm tài ba nhứt của hải quân. Chúng tôi trông chờ nhiều vào tài năng của anh. Nhưng tài năng không thay thế kỷ luật! Anh nhớ chớ? Mong gặp lại anh, Hara!”

Cuộc gặp gỡ đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa tôi và Ugaki. Ông sống sót khi 2 oanh tạc cơ hai máy Mitsubishi G4M Betty chở Yamamoto và bộ tham mưu bị 18 chiến đấu cơ P38 Lightning của Hoa Kỳ tấn công vào ngày 18 tháng 4-1943. Cuộc ám sát xảy ra gần Bougainville, ở Solomon. Cả hai oanh tạc cơ đều bốc cháy, và Yamamoto thiệt mạng. Nhưng Ugaki sống sót cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến và tử trận khi dẫn đầu một nhóm các phi công không chấp nhận lệnh đầu hàng và tất cả đều lao ra biển trên máy bay của mình. Ðó là cuộc tấn công Kamikaze cuối cùng trong cuộc chiến Thái Bình Dương.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết có phải Ugaki nằm trong nhóm đô đốc chống đối phương thức tấn công Trân Châu Cảng hay không. Tuy nhiên, tôi luôn có cảm giác là Ugaki và Nagumo chống đối. Yamamoto đã chứng tỏ sự cương quyết qua việc lựa chọn phương thức ấy, nhưng bên trong, Yamamoto có vẻ như chống đối khi xét đoán: “Hải quân chỉ đủ sức chiến đấu hai năm”. Yamamoto cũng từng ngỏ ý mong muốn giới ngoại giao Nhựt sẽ tìm kiếm một nền hòa bình danh dự trước khi thảm kịch xảy ra.

Sau hội kiến Ugaki, tôi trở lên sân tàu, vẫn trong trạng thái bàng hoàng. Các sỹ quan trẻ đứng tụ tập và tôi nghe một thiếu tá lên giọng khoác lác: “Khu trục hạm chúng ta phải đi tiên phong và đánh cho địch quân không còn manh giáp. Cả cuộc chiến sẽ dựa vào sức chiến đấu của chúng ta!”

Tôi tự nhủ “hắn nói vậy mà đúng”, rồi tôi trở về Amatsukaze, vào phòng riêng và quơ lấy cuốn sách Tôn Tử Binh Pháp trên giá sách. Ðây là quyển sách chứa đựng chiến lược của Trung Hoa thời cổ, được xem là Thánh Kinh của các nhà quân sự Ðông phương hơn 2500 năm nay.

“Nghệ thuật lãnh đạo cuộc chiến là một vấn đề sống còn của quốc gia, một con đường đưa đến sự hủy diệt hay tồn tại. Vì thế, nghệ thuật này đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách tỉ mỉ dưới mọi khía cạnh.”

Chương thứ ba của quyển sách kết luận: “Khi chiến tranh phát khởi, điều quan trọng duy nhứt là phải bảo toàn quốc gia hơn là đánh bại một quốc gia khác. Bảo vệ đơn vị của mình quan trọng hơn là khuất phục đơn vị của địch. Một vị chỉ huy trăm trận trăm thắng chưa hẳn là một vị chỉ huy giỏi. Một vị chỉ huy vĩ đại thực sự là một vị chỉ huy chiến thắng địch mà không cần dụng binh.

“Không kinh sợ dầu phải đánh hàng trăm trận, nếu biết tri bỉ, tri kỷ. Nếu biết rõ mình mà không biết rõ địch, thì có ngày phải trả giá cho mọi chiến công đã gặt hái được. Nếu không biết mình và cũng không biết người thì chắc chắn đánh đâu thua đó.”

Các lời khuyên này cũng chẳng làm tôi vơi bớt phiền muộn. Tôi cho rằng quyển sách triết lý thái quá và quăng sang một bên. “Cái túi khôn” này chỉ có thể thích hợp cho một vị vua hoặc một vị tổng tư lịnh, nhưng vô bổ với một sỹ quan cấp bậc nhỏ nhoi như tôi. Niềm bi quan trong tôi vẫn không ngớt.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Theo dõi các biến cố đang xảy ra, tôi càng thêm thất vọng, xem như chiến tranh đã được quyết định. Cuộc họp lịch sử trên soái hạm Nagato trùng hợp với việc từ chức cùng lúc của Thủ tướng Konoye và toàn thể nội các. Người kế nhiệm là Ðại tướng Hideki Tojo (Ðông Ðiều Tú Thụ) thuộc Phái Chủ Chiến. Tôi hiểu rằng, sự thay đổi vào ngay lúc đầy khủng hoảng này là một điềm xấu.

Trải qua nhiều ngày, tôi dò dẫm tìm cách chuẩn bị bản thân sẵn sàng đón nhận cuộc chiến toàn diện. Sau binh thơ Tôn Tử, tôi đọc thêm nhiều binh pháp của Hải quân Hoàng gia, nhưng cũng chẳng có quyển nào soi đường. Tôi tự hỏi: “Tôi đã biết năng lực của địch và năng lực của chính tôi chưa?”.

Tôi được cho là một sỹ quan khu trục hạm tài ba nhứt. Tôi luôn luôn chiến thắng trong các diễn tập; “kẻ thù” luôn luôn bị “dứt điểm” bởi những trái thủy lôi chính xác của tôi. Thông thường, tôi chỉ cần sử dụng phân nửa trong tổng số tám trái thủy lôi trang bị đầu phóng là mục tiêu đã được thanh toán. Ðiều này đã chứng tỏ năng lực của tôi, nhưng còn năng lực của kẻ thù?

Tôi chỉ hiểu mù mờ. Là nếu các giới hạn của Hội nghị Giải trang Luân Ðôn vẫn còn hiệu lực (việc này đáng nghi ngờ sau khi Nhựt Bản xé bỏ thỏa hiệp năm 1934), thì tính ra nếu hải lực Hoa Kỳ và Anh quốc phối hợp thì cứ 10 tàu của họ chống lại 3 hoặc 3.5 của Nhựt. Như vậy có nghĩa là tôi phải đánh chìm ít nhứt 4 tàu chiến của địch mới mong duy trì một lần sống sót. Nếu mỗi hạm trưởng Nhựt đều làm được như thế, chúng tôi có thể ngang ngửa với địch quân. Nhưng đây chỉ là ảo tưởng. Như Nagumo từng nói với tôi nhiều lần rằng tiềm năng kỹ nghệ đáng sợ của Hoa Kỳ là một yếu tố bất lợi không thể đo lường đối với Nhựt Bản. Tất cả những ưu tư này khiến tôi đắm chìm vào u ám và bi quan.

Nỗi dằn vặt kéo dài thêm nhiều ngày nữa cho đến cuối cùng khi tôi nhận thức vị trí thực sự của mình: Tôi là một quân nhân, một thuộc cấp thừa hành, không phải một sỹ quan cao cấp, điều này có ý nghĩa dứt khoát rằng nhiệm vụ của tôi là phải chuẩn bị chiến đấu để bảo toàn binh sỹ và giữ gìn khu trục hạm của mình. Tôi không thể cho phép mình chui đầu vào guồng chỉ rối của cuộc chiến sắp tới, mà phải sẵn sàng tác chiến với tất cả năng lực trong vai trò của mình.

Có vẻ lạ lùng khi tôi nói rằng vào lúc ấy, tháng 10 năm 1941, chính quyển tự truyện cổ xưa Ngũ Luân Thư (Go Rin Sho) của Miyamoto Musashi (Cung Bản Vũ Tàng) viết cách đây ba thế kỷ là quyển sách đã soi sáng mọi thắc mắc và phục hồi sự trấn tĩnh của tôi. Nội dung sách chứa lời tự thuật của một kiếm khách phi thường, đã chiến thắng 66 trận quyết đấu, và sau đó trở thành nhà văn kiêm triết gia vĩ đại nhứt của Nhựt Bản. So với binh thơ Tôn Tử, tự truyện của Miyamoto hoàn toàn khó hiểu. Nếu dịch nguyên văn quyển sách này, chắc độc giả Tây phương cũng khó mà lãnh hội. Miyamoto sanh năm 1584 và sống trong một thời đại đầy loạn lạc. Vào thời đó một kiếm sỹ mới xuất thân muốn gây tên tuổi, phải thách đấu những kiếm sỹ đã nổi danh khác so tài. Cuộc so tài này không phải là một môn thể thao đơn giản, mà cả hai tay kiếm đều đấu với nhau chí mạng. Kiếm của họ thường làm bằng thép hoặc gỗ. Ðối với một cao thủ về kiếm thuật, thanh kiếm gỗ trong tay họ hữu hiệu không khác mấy so với kiếm thép.

Chiến thắng 66 lần liên tiếp của Miyamoto, một kỷ lục chưa từng thấy, được ông kể lại tỉ mỉ trong quyển tự truyện này. Ông đã đánh bại các đối thủ qua yếu quyết: “Xoay sở tùy tình thế, không để bị trói buộc vào bất kỳ công thức hoặc nguyên tắc nào.” Bí quyết này chỉ có những cao thủ thượng thừa mới dám áp dụng trong các cuộc so tài thí thân, vì chỉ sơ sẩy một đường tơ là có thể mất mạng ngay.

Quyển sách đó đã thức tỉnh tôi, đã giải đáp tất cả những gì mà tôi đang dò dẫm. “Xoay sở tùy theo tình thế..” có thể giúp tôi vượt qua sức mạnh số đông của Ðồng Minh. Tôi đọc thêm Ðộc Hành Ðạo (Dokkodo) cũng của kiếm khách này. Về sau, tôi tin rằng những thành tích rực rỡ và sống sót qua suốt cuộc chiến của tôi, là nhờ đã áp dụng quyết sách của Miyamoto Musashi.

Tuần sau:  Chương X

Tấn công Phi Luật Tân

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships