Mùa Thu 1943, Tư lệnh US Pacific Fleet là Nimitz lệnh cho Đô đốc Halsey, chỉ huy South Pacific Area, đánh chiếm Bougainville cực Bắc quần đảo Solomon. Bougainville diện tích 10,049 km2 rộng gấp 17 lần đảo Phú Quốc (diện tích 585 km2) là tấm khiên cuối cùng của Nhật ở Nam Thái Bình Dương. Vượt qua, là Nimitz đặt chân lên New Ireland và New Britain ngay sát phía sau, với căn cứ Rabaul là trung tâm hành quân của Hải quân Thiên hoàng. Với Nhật, là một bất ngờ.

2/3 tinh binh của Lộ quân XVII (17th Army) của Trung tướng Hyakutake trấn đóng trên các đảo Choiseul, Santa Isabel, Kolombangara là chuỗi đảo phía trước Bougainville. Tướng Hyakutake chỉ còn 25 ngàn quân đóng phía Đông Bougainville nhằm bảo vệ các phi trường, phía Tây do địa lý hóc hiểm của cạnh sườn duyên hải nên Hyakutake chỉ cắt đặt 1 tiểu đoàn với 270 binh sĩ canh phòng. Chính đây là ưu điểm của chiến pháp “Nhảy đảo” (Island hopping) của Nimitz, đánh vào nơi kẻ thù không hiện diện “Knock where they are not”.

Ngày 1 tháng 11, Quân đoàn 3 Thủy quân Lục chiến dưới quyền tướng Vandegrift, khi đó còn mang tên The 3rd Marine Expeditionary Force (III MEF), đổ bộ lên mũi Torokina trong vịnh Nữ hoàng bên bờ Tây Bougainville. Rừng già cùng dãy núi Balbi cao 2,715m cắt dọc đảo, khiến Hyakutake không thể tiếp viện Torokina. Đô đốc Koga lập tức tung hạm đội của Đề đốc Omori ra khơi với hai mục đích: đổ lính Nhật lên cửa sông Koromokina ngay sát mũi Torokina để phản công và cùng lúc hủy diệt các tàu tiếp tế Hoa Kỳ. Phía Mỹ, Task Force 39 của Đề đốc Merrill nghênh chiến. Đưa đến thủy trận vịnh Nữ hoàng.

Riêng The 3rd Marine Expeditionary Force (III MEF) về sau tân cải thành The 3rd Marine Amphibious Force (III MAF), với Sư đoàn 1 TQLC là sư đoàn đánh Guadalcanal và Sư đoàn 3 TQLC là sư đoàn đánh Bougainville, sẽ đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 6 tháng 5-1965 và được nữ sinh Quảng Nam trao vòng hoa.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXXI

Trong khi đó, vào ngày 27 tháng 10, địch quân đã thực hiện một cuộc đổ bộ lên đảo Mono, một căn cứ nhỏ của Nhựt cách phía Nam Bougainville 20 dặm. Ngày hôm sau, lực lượng nhảy dù của địch cũng được thả xuống Choiseul, và Ðô đốc Koga nhận thấy thời gian quyết định đã đến, dù ông muốn hay không. Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia yêu cầu ông, bằng tất cả mọi giá, phải giữ Bougainville cho đến ngày 30 tháng 10.

Koga lập tức lịnh cho 3 hàng không mẫu hạm của Ðề đốc Ozawa, bao gồm 173 phi cơ, đến Rabaul. Ðồng thời, ông ra lịnh cho Rabaul mở các cuộc phản công quanh Bougainville. Nhưng thời khóa biểu điều binh của Hoa Kỳ không chờ đợi Koga. Khi lực lượng hùng hậu của địch đổ bộ lên mũi Torokina, nằm ở bờ biển phía Tây Bougainville thì 3 hàng không mẫu hạm Zuikaku, Shokaku và Zuiho vẫn còn cách phía Bắc Rabaul khá xa. Cuộc đổ bộ diễn ra vào lúc 7g sáng ngày 1 tháng 11, hiển nhiên là không gặp một sự đề kháng nào. Phó Ðô đốc Kusaka tung tất cả phi cơ thuộc Không Hạm đội 11 của ông đến Torokina. Nhưng 104 chiến đấu cơ và 16 oanh tạc cơ này không thể nào ngăn chặn được địch quân như cơn thủy triều dâng ngập hòn đảo. Ba hàng không mẫu hạm của Ozawa, ban đầu còn dè dặt, sau đó đã cho 173 phi cơ cất cánh khi còn cách phía Bắc 200 dặm.

Ở Truk, Ðô đốc Koga muốn tránh các sai lầm của 15 tháng trước đây khi địch đổ bộ lên đảo Guadalcanal, qua việc Ðề đốc Mikawa hướng dẫn 7 chiến hạm của ông đến một chiến thắng ngoạn mục, nhưng ông lại không tiếp tục rượt đuổi đoàn tàu chuyển vận của địch. Do đó, hiện tại Koga quyết định tung tất cả chiến hạm khả dụng đến Torokina và tiếp liền theo sau là một đoàn tàu chở bộ binh Nhựt để mở một cuộc đổ bộ phản công.

Huy hiệu TQLC Mỹ tại Việt Nam  

Koga chỉ định Ðề đốc Sentaro Omori chỉ huy cuộc hành quân này. Omori vừa mới đến Rabaul với 2 tuần dương hạm nặng Myoko và Haguro của ông. Mặc dù trước đây Omari chỉ ở Nhựt hoặc ở Truk, nhưng lại được Koga kỳ vọng ông ta sẽ vượt qua chiến công của Mikawa. Có nghĩa là ông ta không chỉ nhận chìm chiến hạm Mỹ mà còn quét sạch tàu vận tải của địch quân.

Hai tuần dương hạm nặng của Omori được yểm trợ bởi hai đơn vị bao che. Sườn trái của ông bao gồm tuần dương hạm nhẹ của Ijuin và 3 khu trục hạm của tôi – đây là đơn vị duy nhứt có kinh nghiệm trận mạc. Ðơn vị bao che sườn bên phải, dưới quyền của Ðề đốc Hiroshi Matsubara, cũng bao gồm một tuần dương hạm nhẹ và 3 khu trục hạm – nhưng không có chiếc nào trong 4 chiếc tàu này hoạt động chung với nhau trước đây, và Ðề đốc Matsubara chưa từng biết đến dạ chiến là gì.

Trong một cuộc thuyết trình ngắn ngủi mở ra trên soái hạm Myoko, Ðề đốc Omori nói: “Trước đây chúng ta chưa từng bao giờ hành quân chung với nhau, điều đó có thể gây bất lợi trầm trọng trong chiến đấu. Nhưng Ðề đốc Mikawa, đã xúc tiến nhiệm vụ thành công với các chiến hạm không hề có sự huấn luyện phối hợp trước đó của ông. Do đó, hiện tại chúng ta có thể làm được như vậy. Tôi vững tin vào tài năng của mỗi sỹ quan và khả năng của mỗi thủy thủ dưới quyền. Tôi tin tưởng chúng ta tất thắng.”

Xem thêm:   Andropov & Lenin

Khi buổi thuyết trình chấm dứt, Ðề đốc Ijuin vỗ vào vai tôi nói: “Hara, công tác khó khăn đó. Tôi sẽ tựa vào anh.” Tôi cười: “Vậy tôi phải chuẩn bị bơi để không chết đuối và bơi như cá voi mới được.” Nhưng tôi nhận thấy ngay là Ijuin không một chút đùa cợt. Ông tiếp, có vẻ buồn bã: “Tôi không ưa tuần dương hạm Sendai. Nó già nua và chạy chậm như rùa.” Tôi biết ông muốn nói gì rồi, nhiều tháng nay ông không sử dụng tuần dương hạm 9 tuổi này, mặc dù nó là soái hạm của Hải đoàn 3 Khu Trục hạm do ông chỉ huy. Ông thích đặt soái kỳ trên khu trục hạm.

Ijuin thêm: “Nhưng chiếc Sendai còn nhỏ tuổi hơn chiếc Shigure của anh. Cuộc hành quân này tôi thấy bất an, tôi đặt hy vọng vào các chiến hạm vừa từ Truk đến, chúng sẽ thi hành nhiệm vụ tốt đẹp hơn. Mặc dù thủy thủ đoàn của các chiến hạm này thiếu kinh nghiệm nhưng họ đều còn trẻ và chưa hao sức như chúng ta.” Chúng tôi đi im lặng cho đến cầu thang của soái hạm Myoko, Ijuin bắt tay rồi nói: “Phiền muộn không tốt với chúng ta, Hara. Chúng ta phải chiến đấu và chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Nhựt Bản sẽ sụp đổ nếu Bougainville thất thủ.” Trở về chiếc Shigure, tôi không thể nào xua đuổi sự phiền muộn. Tôi không hiểu tại sao Koga có thể chọn Omori chỉ huy một cuộc hành quân quan trọng như thế này. Ông ta mới vừa được huấn luyện về chiến thuật ở trường ngư lôi và chưa bao giờ tham dự một trận hải chiến quan trọng nào.

Vào lúc 15g20 phút ngày 1 tháng 11-1943, mười chiến hạm của chúng tôi rời khỏi Rabaul. Ngay khi ra khỏi hải cảng, chúng tôi lập tức di chuyển theo đội hình đã vạch ra. Chiếc Sendai (5,595 tấn) của Ijuin chạy dẫn đầu, tiếp theo là 3 khu trục hạm Shigure (Mưa Thu), Samidare (Mưa Hạ), Shiratsuyu (Bạch Sương) của tôi – trong đội hình hàng dọc chặt chẽ ở bên trái và hơi nhích về phía trước 2 tuần dương hạm Myoko và Haguro. Ở bên phải của 2 tuần dương hạm nặng 13,500 tấn này là tuần dương hạm nhẹ Agano (7,170 tấn) của Matsubara và theo kế đó là 3 khu trục hạm Naganami (Trường Triều), Hatsukaze (Nhứt Phong) và Wakatsuki (Son Nguyệt). Ðoàn chuyển vận binh sỹ gồm 5 chiếc dương vận hạm, được 5 khu trục hạm hộ tống, chạy cách nhiều dặm ở phía sau.

TQLC Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 6 tháng 5-1965

Ban ngày trời lạnh lẽo, và mưa phùn u ám, tầm quan sát rất giới hạn. Ngoài cơn gió Ðông Nam thổi lao xao, mặt đại dương hoàn toàn lặng yên. Lực lượng chúng tôi chưa qua khỏi eo biển Saint George, truyền tin của chúng tôi đã chặn bắt được các công điện chuyển đi của địch quân quanh quẩn đâu đó. Chúng tôi không nhìn thấy gì hết, nhưng những công điện này rõ ràng là của các trinh sát cơ địch có trang bị radar đã phát hiện ra chúng tôi từ trong những đám mây dày đặc. (Ðây là hai chiếc B24 Liberator có trang bị radar thuộc Không đoàn 5 Hoa Kỳ (5th Bomb Wing), bay cách phía Ðông mũi Saint George khoảng 15 dặm, đã thông báo từng giây phút hướng tiến về vịnh Nữ hoàng Augusta của các chiến hạm Nhựt cho Ðề đốc Merrill chỉ huy Task Force 39).

Vào lúc 19g45, một trong hai oanh tạc cơ B24 thoát ra khỏi đám mây, chúi xuống chiếc Sendai và thả nhiều quả bom, nhưng không quả nào trúng đích. Cũng vào thời gian này, các thám thính cơ Nhựt báo cáo tình hình của đối phương phía Nam: “Ba thiết giáp hạm, nhiều tuần dương hạm và khu trục hạm đang ở vịnh Empress Augusta, gần Torokina.” Hải lực địch mạnh mẽ hơn tiên đoán, và dường như họ đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp chúng tôi.

Omori hội ý với Tổng Hành Dinh Rabaul, và lúc 21g30, Ðô đốc Kusaka ra lịnh cho đoàn tàu chuyển vận thối lui. Ông kết luận rằng một cuộc đổ bộ phản công trực diện với một hải lực địch mạnh mẽ như vậy khó thể thực hiện. Nhưng ông vẫn ra lịnh cho Omori tiếp tục tiến về phía trước để hạ gục các chiến hạm của địch quân.

Mười chiến hạm Nhựt chia ra làm 3 nhóm tiếp tục lướt xuyên qua mây mù dày đặc với tầm quan sát chưa đầy 5,000m. Hải đội của tôi gần quần đảo Bougainville nhứt nhưng không phân biệt được gì dọc bờ biển đen thẫm. Tôi nghĩ tình trạng này không khác với tình trạng ở vịnh Vella vào ngày 6 tháng 8. Tốc lực của chúng tôi vẫn giữ nguyên 18 hải lý. Tôi vẫn lo lắng khi nhìn quang cảnh gần như đui mù ở mạn trái. Các chiến hạm địch đều được trang bị radar, nhìn ban đêm cũng như ban ngày, có thể tấn công chúng tôi bất cứ lúc nào.

Vào lúc 23g24, một chiếc Liberator khác lộ diện khỏi bóng tối, nhào xuống oanh tạc tuần dương hạm Haguro, nhưng không trúng trái nào. Kẻ thù luôn luôn bám sát vì biết rõ vị trí cũng như hướng tiến của chúng tôi. Khi cuộc oanh tạc chấm dứt, Haguro tung lên một thủy phi cơ, và 14 phút sau đó phi cơ báo về: “Phát hiện một tuần dương hạm và 3 khu trục hạm địch cách mũi Mutupina 50 dặm, hướng 330 độ.”

Xem thêm:   Trên lưng trời

Vị trí này chỉ cách phía Nam đoàn tàu của chúng tôi 20 dặm. Omori chỉ thị thủy phi cơ tiếp tục tìm kiếm thêm sự hiện diện của các tàu địch khác, và ra lịnh cho tất cả các chiến hạm của ông đồng loạt xoay hướng ngược lại trong chờ đợi một báo cáo mới của thủy phi cơ. Mười chiến hạm Nhựt, với đội hình chặt chẽ, xoay 180 độ, lướt tới trước khoảng 10,000m, và xoay một lần nữa về hướng Nam. Cách điều động này, nhằm nghi binh, rất hữu hiệu vào năm 1942, nhưng từ năm 1943 tỏ ra vô hiệu trước một kẻ địch được radar thông báo liên tục và chính xác các động tĩnh của chúng tôi. Trong suốt vòng quay tròn này, chúng tôi nôn nóng chờ đợi các báo cáo khác của thủy phi cơ, nhưng vô ích. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng Task Force 39 của Ðề đốc Stanton Merrill, gồm 4 tuần dương hạm và 8 khu trục hạm, được phi cơ thông báo đầy đủ diễn tiến hải trình của chúng tôi, đang cấp tốc lướt về phía Nam để chặn đánh chúng tôi.

Hai mươi lăm phút sau nửa đêm, khi chúng tôi tiếp tục hướng tiến sau vòng xoay thứ hai, tôi nhìn thấy một trái chiếu sáng màu đỏ lập lòe trên nền trời ở 70 độ tả mạn, không phù hợp với vị trí địch do thủy phi cơ của chiếc Haguro báo cáo ban nãy. Trái hỏa châu nhìn thấy lờ mờ, chứng tỏ khoảng cách xa ít nhứt 20,000m, và biến mất sau 2 hoặc 3 giây. Tôi mãi lo nhìn mục tiêu xa này mà không biết có những thay đổi gần. Ðây là một lỗi lầm của tôi.

Nếu tôi nhìn gần hơn trong thời gian này, tôi sẽ nhận thấy đội hình của các chiến hạm Nhựt đang rối loạn và ép sát vào nhau một cách nguy hiểm. Ðó là hậu quả mấy lần xoay hướng phức tạp mà chúng tôi thực hiện. Chiếc Samidare chạy ra khỏi đội hình về mạn phải và 3 chiếc tàu khác chạy sát vào nhau trong vòng 300m thay vì 500m bắt buộc.

Tôi đoan quyết trái chiếu sáng là do một trong những thám thính cơ khác của chúng tôi thả xuống để đánh dấu vị trí của địch quân. Tôi gửi ngay một công điện khẩn cấp cho tất cả các chiến hạm Nhựt. “Phát hiện địch 70 độ mạn trái”, và ra lịnh chuẩn bị chuyển cấp tốc một chỉ thị thứ hai cho các khu trục hạm thuộc hải đội của tôi.

Không có một ai trong hải đoàn Nhựt hồ nghi hải lực chính của đối phương đang từ phía Nam tiến lên và nhắm thẳng vào mặt trước của chúng tôi. Khi quan sát viên của tôi la to: “Bốn chiến hạm địch, 70 độ mạn trái!”, tôi ra lịnh chuyển ngay chỉ thị thứ hai của tôi. Lúc đó là 0g45 ngày 2 tháng 11.

Tôi đoán 4 chiến hạm địch, từ vị trí của trái chiếu sáng hồi nãy, vẫn tiếp tục tiến thẳng đến. Tuy nhiên, 4 trong số 8 khu trục hạm thuộc lực lượng này đã xoay hướng để tiến từ Nam lên Bắc. Chúng tôi chỉ phát hiện 4 chiến hạm này sau khi chúng đã xoay xong hướng nhắm để phóng ngư lôi.

Quan sát viên của tôi báo cáo: “Khu trục hạm địch phân hai nhóm. Một nhóm tách ra xa, một nhóm song song với chúng ta. Khoảng cách 7,000m!” Tôi rùng mình, vì hiểu rằng tàu địch đang phóng ngư lôi. Tầm quan sát hiện thời nằm trong tay đối phương có radar.

Tôi ra hai lịnh liên tiếp: “Phóng ngư lôi tức khắc! Bẻ hẳn tay lái về bên phải!”

Lịnh được lập tức thi hành. Chiếc Shigure xoay về bên phải đồng lúc với 8 quả ngư lôi xé nước lướt đến các mục tiêu trong vòng hai giây. Tôi bình tĩnh lại, chắc chắn đã tránh thoát tất cả các ngư lôi do tàu địch phóng ra. Nhìn theo hướng tiến của mấy quả ngư lôi do Shigure phóng đi, thân thể tôi lạnh toát khi nhận thấy chiếc Sendai đang hướng thẳng mũi vào chiếc tàu của tôi. Cùng lúc với chiếc Shigure, chiếc tuần dương hạm này cũng xoay sang phải, nhưng xoay cực mạnh và gấp rút vượt hẳn quy tắc, đoạn tiến sát vào chiếc Shigure đến nỗi làm tôi xanh cả mặt mày vì sợ hãi. Chiếc tuần dương hạm khổng lồ này, lớn gấp 3 lần chiếc Shigure, đâm thẳng mũi vào mạn trái chúng tôi.

Tôi hét: “Bẻ hết lái về bên phải! Xả hết tốc lực!”

Mồ hôi lạnh chảy dài xuống, và hơi thở của tôi như một người sắp chết đuối khi thân tàu nặng nề của chiếc Sendai lướt ngang qua phía sau bánh lái của chiếc Shigure, chỉ cách một kẽ tóc.

Giây phút hiểm nghèo đã trôi qua, tôi lo lắng hướng mắt về chiếc Samidare, mặt tôi xanh xám một lần nữa. Chiếc khu trục hạm này đã xoay hẳn về phía phải, chắn ngang hướng tiến điên cuồng của chiếc Sendai, và va vào lườn của chiếc Shiratsuyu đang chạy cùng hàng. Vỏ mạn trái và sàn tàu của chiếc Shiratsuyu vỡ vụn ra từng mảnh, tất cả pháo khẩu và ống phóng ngư lôi hầu như bị nghiền nát.

Chiếc Shiratsuyu mới gia nhập chưa hề mang một lợi ích nào cho hải đội của tôi mà đã hư hại rồi. Nhưng điều gây xúc động nhứt cho tôi là việc đổi hướng thình lình của chiếc Sendai mà không đưa ra một dấu hiệu nào để lưu ý các chiến hạm chạy theo sau. Bối rối, Ijuin ra lịnh cho chiếc Sendai trở ngược tay lái ngay sau khi vừa thoát khỏi va chạm với chiếc Shigure trong gang tấc. Chiếc Sendai đảo sang trái và chạy tụt về phía sau.

Xem thêm:   Dubai

Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng hơi thở lại đứt quãng ngay khi tôi nghe thấy tiếng của một loạt đại pháo bay đến, và cho dù chạy quờ quạng, chiếc Sendai đã lãnh trọn một trái ngay giữa tàu. Tôi chưa từng chứng kiến cảnh pháo kích nào đạt mức chính xác một cách ngoạn mục như vậy, ngay loạt đầu đã trúng đích!

Chiếc Sendai tiếp tục hứng loạt pháo thứ hai rồi thứ ba, với mức chính xác kỳ dị không thua gì loạt đầu, và bùng cháy như một bó đuốc khổng lồ. Mạch sống của chiếc tàu đã ngừng đập, nhưng vẫn gom hết sức tàn phóng một loạt 8 quả ngư lôi nhắm đại khái vào kẻ tử thù.

Cột khói khổng lồ của chiếc Sendai, lan rộng 500m, ngăn hẳn tầm mắt khiến tôi không thể nhìn thấy nơi xuất phát các quả đạn của đối phương. Nhưng chiếc Samidare, chạy ngoài vòng 500m, có thể định vị các chiến hạm địch. Hạm trưởng đầy kinh nghiệm của chiếc Samidare là Thiếu tá Yoshiro Sugihara đã phóng một lượt 8 quả ngư lôi vào lúc 0g52.

Bốn tuần dương hạm Hoa Kỳ không nhìn thấy trước đó, bây giờ xuất hiện cách chúng tôi khoảng 15,000m. Vào lúc 0g51, tất cả các chiếc tàu này đảo mạnh về bên phải, tránh thoát 8 quả ngư lôi của Samidare. Tuy nhiên, khu trục hạm USS Foote, chạy cuối cùng trong nhóm tàu thứ hai của Hoa Kỳ, hơi chậm chân nên lĩnh một quả ngư lôi vào lúc 1g08 phút. Chiếc Foote bể đuôi bị loại khỏi vòng chiến nhưng không chìm.

Nhưng chiến công này không lấy gì làm chắc, sự vui mừng trên các khu trục hạm thuộc hải đội của tôi không trọn vẹn, trong lúc đó, sự hỗn loạn và kinh hoàng đã xảy ra trong hai nhóm chiến hạm khác của chúng tôi.

Thời gian tôi báo cáo phát hiện địch quân, lúc 0g45, Ðề đốc Omori lại không nhìn thấy gì hết. Năm phút sau đó, ông mới thấy chiếc Sendai bao trùm trong lửa đỏ và ông đồ chừng chiếc tàu đang cháy này ở ngay phía trước, cách ít ra là 1,000m và cùng một hướng tiến với soái hạm Myoko của ông. Nhưng thực ra chiếc Sendai nằm ở ngay phía trái của ông.

Sau đó, Omori đã phải sửng sốt khi nhận ra sự sai lầm này. Phản ứng của ông – ảnh hưởng bởi tư tưởng bảo thủ đang thịnh hành trong giới chỉ huy – thay vì điều chỉnh các chiến hạm của ông cho đúng lại với đội hình nguyên thủy, ông vội vã ra lịnh quay đầu.

Qua hành động này, Omori đã bị chỉ trích mạnh mẽ sau đó, nhưng ông không bao giờ đưa ra một lý lẽ nào để biện minh. Quay đầu là một việc có thể làm được với điều kiện là tất cả các chiến hạm đều phải đáp ứng nhịp nhàng. Nhưng hai nhóm trong số các nhóm tàu của Omori lại do các sỹ quan thiếu kinh nghiệm dạ chiến, và kết quả đã đưa đến sự rối loạn. Nhóm tàu thứ ba của Ðề đốc Matsubara còn phạm thêm một sai lầm khác.

Mặc dù thiếu kinh nghiệm tác chiến, Matsubara nổi tiếng là một tay hăng hái và bướng bỉnh. Khi nghe báo cáo phát hiện địch của tôi, ông ra lịnh cho nhóm tàu của ông xả hết tốc lực đổ xô về hướng mà tôi đã báo cáo. Nhưng chạy liên tục như vầy trong 10 phút, ông vẫn không tìm thấy địch ở đâu. Cuối cùng, khi nhìn thấy hai tuần dương hạm Myoko và Haguro xoay hướng, ông đâm ra bối rối, vội vã ra lịnh cho các chiến hạm của ông xoay theo một cách vụng về, phạm phải điều cấm kỵ nhứt khi di chuyển vào ban đêm. Sau khi xoay hướng, tuần dương hạm Agano, soái hạm của Matsubara, và 4 khu trục hạm nối đuôi nhau chạy về phía Bắc, Matsubara không lưu ý đến việc các chiến hạm của ông lúc này chạy xiên ngang qua hướng tiến của hai chiếc Myoko và Haguro ở một góc thẳng. Kết quả, tuần dương hạm Myoko lướt ngang phía trước khu trục hạm Hatsukaze, chiếc tàu chạy hàng thứ ba trong đội hình hàng dọc của Matsubara, và chạm nhẹ vào mũi chiếc khu trục hạm 2,500 tấn này. Hai chiến hạm chạy theo sau Myoko và Hatsukaze là tuần dương hạm Haguro và khu trục hạm Wakatsuki, vội vã né tránh nhưng lại đụng nhau dữ dội gấp mấy lần hai đồng đội phía trước.

Cực kỳ bối rối, Matsubara cho tàu của ông quay lại chiếc khu trục hạm hư hại nặng của ông. Chỉ cần xem sơ qua, ông hiểu ngay là không thể làm gì kịp cho chiếc tàu này trong lúc địch quân đã đuổi theo đến nơi, một lần nữa, ông quay tàu để chạy song song với 2 tuần dương hạm hạng nặng.

Vào lúc 1g15, đạn đại pháo Hoa Kỳ bắt đầu rơi dọc theo cả mạn trái và phải của hai chiếc Myoko và Haguro. Các khẩu đại pháo của hai tuần dương hạm này đều khai hỏa khái quát vào những mục tiêu không nhìn thấy và phóng một loạt 24 quả ngư lôi vài phút sau đó. Dĩ nhiên, tất cả đều hoang phí một cách vô ích. Radar của địch quân đã đè bẹp ưu thế dạ chiến của Nhựt Bản trước đây.

Tuần sau: 

Chương XXXXII

Thảm kịch Empress Augusta Bay (tiếp theo)

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships