Là một sĩ quan hải quân nên hồi ký của Hara, tập trung vào thủy chiến, không cho thấy những trận đánh khốc liệt trên bộ trong vùng quần đảo New Georgia. Phải mất 5 tuần lễ để 32 ngàn lính bộ binh cùng với 1,700 Thủy quân Lục chiến Mỹ chiếm đảo Munda, là vị trí tiền tiêu phía trước đảo Vella, do 5 ngàn tinh binh Nhật phòng thủ. Hoa Kỳ chết 1,200 và gấp đôi số bị thương. Đô đốc Halsey, tục danh Big Bull (bò mộng) với phương châm “hit hard, hit fast, hit often” (đục mạnh, đục nhanh, đục liên tục) ta thán: “We must be wary of the prospect of another tussle!” (Phải coi chừng trước khi đục nữa!)

Là chiến lược của Nhật, bắt Hoa Kỳ trả giá máu trên từng mỏm đá để công chúng Mỹ chán nản buộc Roosevelt thương thuyết. Vì huyết chiến đến giọt máu cuối cùng không mang lợi ích gì cho hai bên. Để thực thi chiến lược này, các khu trục hạm bé nhỏ như chiếc Shigure của Hara phải đảm trách nhiệm vụ hy sinh, tiếp tế và đoạn hậu. Đô đốc Nimitz sẽ tìm ra chiến pháp “Nhảy đảo” (Island hopping) để đối phó. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXIX

Lực lượng của Ðại tá Frank R. Walker nhanh chóng tiến sát đến các khu trục hạm Nhựt trong khi Ðề đốc Ijuin đánh đi công điện kế tiếp của ông, ra lịnh cho hai chiếc tàu của tôi kết hợp với ông “càng nhanh càng tốt.” Tôi nhận công điện này vào lúc 20g10 và cấp tốc đáp ứng lịnh đưa ra bằng cách xả hết tốc lực 30 hải lý, trực chỉ về hướng nhóm tàu của Ijuin.

Ijuin vẫn chưa biết gì về vị trí và động tĩnh của đối phương. Mối đe dọa này đã bị sương mù của đêm che khuất. Nhưng, trong cố gắng nhằm để các khu trục hạm của tôi gặp ông dễ dàng, Ijuin đã xoay hướng nhóm tàu của ông về phía Tây vào lúc 20g29. Sáu phút sau, tôi đánh đi một công điện kêu cứu: “Không thể nào tìm thấy anh, bởi lẽ sương mù quá dày đặc. Yêu cầu khu trục hạm Yugumo bật đèn lái màu xanh.” Ngay lúc đó, 20g35, Ijuin lại xoay hẳn hướng các chiến hạm của ông sang trái trong khi chiếc Yugumo (Mây Hoàng Hôn) cho biết đã bật đèn lái theo lời yêu cầu của tôi. Nhóm tàu của Ijuin lại nhanh chóng xoay trái hai lần nữa, lần xoay sau cùng thực hiện vào lúc 20g38, khi tôi đã nhìn thấy đèn hiệu màu xanh của chiếc Yugumo. Một phút sau đó, Ijuin phát hiện hải lực địch đang tiến đến từ hướng Ðông. Cấp tốc 4 khu trục hạm Nhựt tăng gia tốc lên 35 hải lý chạy về hướng Nam. Hơi nước lúc ấy bốc lên mù mịt, che khuất hẳn tầm nhìn. Ijuin đăm đăm nhìn về phía địch quân, nhưng ông vẫn chỉ thấy lờ mờ và vẫn tin rằng hải lực địch bao gồm 4 tuần dương hạm và 3 khu trục hạm theo như báo cáo của thám thính cơ. Xuyên qua màn hơi nước, ông ước lượng khoảng cách của các chiến hạm ẩn hiện như bóng ma của địch quân độ chừng 10,000m, và ông quyết định lặp lại chiến thuật mà ông đã từng sử dụng vào ngày 17 tháng 8.

Theo đó, Ijuin dự định quay về hướng Tây-Tây Nam với tốc độ cao để vừa chạy vừa phóng ngư lôi. Nhưng, một việc thường thấy ở biển, mục tiêu xuất hiện thường thấy gần hơn là khoảng cách thực sự. Vì vậy, Ijuin đã sai lầm khi ước lượng khoảng cách giữa ông và địch quân. Ông cho tàu vung nhẹ sang hướng Nam-Ðông Nam, và vào lúc 20g40 ông xoay về hướng Tây-Tây Nam. Chỉ huy trưởng 4 chiếc tàu săn ngầm, Ðại tá Nakayama gửi công điện báo cáo đoàn chuyển vận hạm đã hướng thẳng đến Horaniu, cách 20 dặm. Tin này khiến Ijuin vui mừng, vì như vậy là đoàn tàu sẽ di chuyển an toàn ngang qua phía sau đối phương.

Vào lúc 20h45, Ðề đốc Ijuin khám phá ra sai lầm của mình. Lực lượng địch vẫn duy trì hướng tiến cũ, nhưng khoảng cách giữa ông và họ xa hơn ông tưởng. Ông lập tức xoay về hướng Nam-Ðông Nam trở lại và, sau đó, khi đã điều chỉnh lại sự ước lượng khoảng cách sai lầm và sắp xếp một kế hoạch tấn công bằng ngư lôi, vào lúc 20g48, ông ra lịnh cho  tất cả các chiến hạm của ông đồng loạt xoay về bên phải 45 độ. Tới đây, Ijuin lại tạo ra một lỗi lầm khác. Ðồng loạt xoay hướng là một hành động vô cùng khó khăn. Việc này đòi hỏi sự chính xác của thời gian, đó là không nói đến sự rắc rối khi thi hành, bởi lý do các khu trục hạm đang chạy trong một đội hình hàng dọc khít khao. Muốn thi hành sự xoay hướng này, điều kiện tuyệt đối là soái hạm phải biết đầy đủ tình trạng và vị trí chính xác của từng chiếc tàu một trong đội hình. Nhưng ở hiện tại, các đường liên lạc vô tuyến của soái hạm chỉ liên lạc được với 3 khu trục hạm, còn liên lạc với 2 chiếc Shigure (Mưa Phùn) và Samidare (Mưa Hạ) của tôi, bị cắt đứt hoàn toàn.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Sau sai lầm ước lượng khoảng cách của địch, đến sai lầm trong lịnh xoay hướng đồng loạt, Ijuin cho nhóm chiến hạm của ông kết hợp thành đội hình hàng dọc tạm thời tiến về hướng Nam. Nhìn qua tình hình này, Ijuin có vẻ lo ngại, vì ông hiểu rằng các chiến hạm của ông hiện thời đã trở thành mục tiêu lộ liễu. Ông nhớ lại hình ảnh xoay hướng về bên phải khéo léo và thần tốc của 4 khu trục hạm Hoa Kỳ trong trận đánh ngày 17 tháng 8 trước đây. Nếu lúc này địch cũng làm như vậy, hải đoàn của ông sẽ lãnh một cú đấm tàn khốc, để rồi tiếp sau đó, chiến hạm địch sẽ đổ xô về phía Nam và dọn sạch đoàn tàu hải vận. Ám ảnh mạnh mẽ bởi mối đe dọa này, cộng thêm với thể xác mệt mỏi vì chiến trận, và thói quen không chịu lưu ý hoặc nghe theo khuyến cáo của các thuộc cấp đầy kinh nghiệm, Ðề đốc Ijuin đã tạo nên một sai lầm thứ ba, một sai lầm vĩ đại nhứt trong cuộc đời ông. Ông ra lịnh cho tất cả chiến hạm của ông đồng loạt xoay hướng một lần nữa, lần này xoay về bên trái. Bây giờ các chiến hạm Nhựt nằm trong đội hình hàng ngang so le, từ phía Nam tiến về phía Ðông, và như vậy càng khiến cho hải đoàn của Ijuin trở thành mục tiêu dễ nuốt hơn đối với địch.

Ijuin không bao giờ đưa ra bất kỳ lý lẽ nào khác để bào chữa cho hành động này ngoài việc thừa nhận lỗi lầm của mình. Nhưng theo tôi tin, sở dĩ ông đưa ra hành động này là cố ý nhử địch bỏ hướng tiến về phía Nam của họ, nhằm để cứu đoàn chuyển vận hạm thoát khỏi một cuộc tấn công.

Lúc 20g56 nhóm tàu 4 chiếc của Ijuin lại đồng loạt xoay hướng qua phải, để chạy về phía Nam, với đội hình hàng dọc như cũ, nghĩa là quay lái vào mạn tàu địch. Do đó, chiếc Yugumo, chạy cuối cùng, chỉ cách các họng súng điều khiển bằng radar của địch có 3,000m.

Ngay khi 4 khu trục hạm vừa xoay hướng xong, các chiến hạm địch lập tức khai hỏa và phóng ngư lôi. Trúng một loạt 5 quả pháo, chiếc Yugumo liền lách qua trái để tách rời khỏi đội hình, các pháo khẩu bắn trả địch và đồng thời phóng 8 quả ngư lôi. Chiếc Kazegumo (Phong Mây), chạy kế phía trước, cũng khai hỏa nhưng không dám phóng ngư lôi vì sợ trúng đồng đội đã bị hư hại của mình. Xạ trường bị 2 khu trục hạm đang lâm chiến án mất, 2 chiếc Isokaze (Phong Hải) và Akigumo (Mây Thu) không bắn được phát nào. Khu trục hạm Yugumo lĩnh thêm nhiều quả đạn nữa, tay lái hoàn toàn tê liệt, trôi dạt dần về hướng Ðông-Nam. Lúc 21g03, mạn trái của chiếc tàu này hứng trọn một quả ngư lôi địch, lảo đảo nhiều phút rồi sau đó biến mất trên đại dương. Toàn thể thủy thủ đoàn 241 người của Yugumo không một ai sống sót. Ba chiếc tàu còn lại của Ijuin tháo chạy tán loạn, mất 10 phút sau mới vầy đoàn, và sắp xếp lại đội ngũ di chuyển về hướng Tây.

Ba khu trục hạm Hoa Kỳ, được điều động một cách tài tình, hiện tại có vẻ như đã hả hê với chiến thắng, nên vội bỏ rơi các nạn nhân còn tồn tại. Lúc 20g56, sau khi khai hỏa và phóng ngư lôi đánh chìm chiếc Yugumo, các chiến hạm Hoa Kỳ vung sang bên phải.

Nếu các chiến hạm này cứ chạy theo đúng hướng mới này thì niềm vui chiến thắng của chúng sẽ được trọn vẹn. Nhưng sau khi chạy được một phút rưỡi, 3 chiến hạm địch phát hiện 2 khu trục hạm khác của Nhựt (tức hai chiếc Samidare và Shigure của tôi) chạy ngay phía trước, cách 13,000m. Chiến hạm địch vội vã xoay hướng để chạy song song với hai mục tiêu mới này, và chuẩn bị tấn công. Cách điều binh của địch như vậy là rất đúng, nhưng khi làm như vậy, địch lại không chịu để ý đến cú đấm ngư lôi cuối cùng trước khi giãy chết của chiếc Yugumo. Phấn kích với dịp may hiếm có, 3 chiến hạm Hoa Kỳ đã cấp tốc vung sang phải và tất cả trọng pháo được nâng lên nhắm thẳng vào hai nạn nhân mới mà không hề hay biết các quả ngư lôi vô hình vô ảnh của Nhựt đang lướt về phía chúng.

Lúc 21g, một trong các quả ngư lôi do chiếc Yugumo phóng đi trúng thẳng vào buồng chứa đạn của khu trục hạm Chevalier của Hoa Kỳ. Chiếc tàu này nổ tung và chìm trước chiếc Yugumo hai phút. Nhiều tin tức loan đi trên báo chí Hoa Kỳ nói rằng chiếc Chevalier bị trúng ngư lôi trong lúc đang chuẩn bị “đấu súng” với một số ngư lôi đĩnh Nhựt. Các tin tức này hoàn toàn tưởng tượng hoặc có tính cách câu độc giả. Không hề có một ngư lôi đĩnh nào của Nhựt trong khu vực này vào thời gian đó.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Vào lúc 21g5, đúng ngay lúc chiếc Yugumo biến mất trên mặt đại dương, hải lực Hoa Kỳ nhận lĩnh thảm họa thứ hai. Khu trục hạm O’Bannon đụng dữ dội vào chính giữa mạn tàu của chiếc Chevalier đang giãy chết. Sự đụng chạm này có lẽ là do tín hiệu cấp cứu sai lầm của chiếc Chevalier. Cũng có thể giải thích là do màn khói dày đặc giữa 2 chiến hạm hoặc sự xoay hướng bất thình lình của chiếc tàu khi bị trúng ngư lôi, nên sự va đụng không sao tránh khỏi.

Selfridge, khu trục hạm thứ ba của Hoa Kỳ, chiếc tàu duy nhứt còn nguyên vẹn, vẫn tiếp tục thẳng tiến đến 2 chiến hạm Nhựt Samidare và Shigure. Tất cả các họng súng trên chiếc tàu này đều rực lửa, nhưng không hiệu quả. Cảnh tượng này chỉ kéo dài hai phút rưỡi. Chiếc Selfridge nhận lĩnh một quả ngư lôi ngay mũi. Ðây là một trong số 16 quả ngư lôi tầm xa do Shigure và Samidare phóng đi.

Ðó là tất cả những chi tiết thực sự đã xảy ra cho 4 chiếc tàu của Ijuin trong trận đánh này. Bây giờ tôi xin thuật những chi tiết này dưới mắt nhìn riêng của tôi khi đứng trên đài chỉ huy của chiếc Shigure.

Vào lúc 20g38, ba phút sau khi chiếc Yugumo báo cho biết đã bật đèn tín hiệu theo lời yêu cầu của tôi, tôi nhìn thấy một ánh đèn xanh lờ mờ cách trước mặt khoảng 15,000m nên ra lịnh xả hết tốc lực chạy về đó.

Một khối màu đen bỗng xuất hiện ở mạn trái, giống như một hòn đảo nhỏ. Nhưng trong khu vực này không có đảo gì cả. Trong lúc tôi còn đang tự hỏi khối màu đen đó là cái gì, quan sát viên Yamashita la to: “Nhiều vật không nhận diện được, ở 50 độ mạn trái! Hình như là các tuần dương hạm địch, đang tiến tới!”

Tôi dùng ống nhòm khổng lồ 20 tấc để quan sát. Chúng kia kìa, các chiến hạm! Tôi không thể nào đếm được, vì chúng chạy theo đội hình hàng dọc thực thẳng, tiến về phía chúng tôi. Một ánh đèn chớp lên từ phía Samidare vào lúc 20g40, cho biết chiếc tàu này cũng đang theo dõi các mục tiêu: “Chiến hạm địch, ở hướng 30 độ”.

Tàu địch tiến sát thực nhanh chóng. Tôi vẫn quan sát qua ống nhòm và tính xem phải phản ứng ra sao. Khoảng cách đôi bên ở hiện tại là 13,000m. Tôi quyết định tốt nhứt là nên tấn công bằng ngư lôi tầm xa. Hướng tiến của chúng tôi là Nam-Tây Nam, trong lúc hướng tiến của địch là Tây-Nam, nghĩa là từ hướng Ðông tiến đến, bây giờ khoảng cách còn chừng 11,000m. Như vậy, hai bên gần như chạy cùng hướng, chỉ xê xích khoảng 10 độ. Mục tiêu ở một góc độ phóng ngư lôi khó trúng. Do đó, để thích hợp, tôi ra lịnh xoay hướng từ từ về phía trái. Vào 20g55, khoảng cách của đôi bên chỉ còn 10,000m và hiện tại chúng tôi đang nằm trong tầm súng điều khiển bằng radar của đối phương. Tôi không còn nhìn thấy ánh đèn màu xanh của chiếc Yugumo. Khi khoảng cách sinh tử thâu ngắn lại còn 9,000m, cho thấy một cách rõ ràng ý định của địch là cố đẩy một cái chốt vào giữa 4 chiếc tàu của Ijuin và 2 chiếc tàu của tôi. Lúc 20g56, tôi ra lịnh xoay hướng cấp tốc sang phải. Chiếc Samidare cũng xoay hướng giống như chúng tôi. Sở dĩ tôi phải làm như vậy là nhằm để tránh sự đe dọa của các mũi súng địch, đồng thời cải đổi góc độ phóng ngư lôi khác thích hợp hơn.

Khi Shigure và Samidare đang bận xoay hướng, chúng tôi không nhìn thấy các quả ngư lôi trao đổi giữa chiếc Yugumo và đối phương. Hơn nữa, thời tiết quá xấu, chúng tôi khó thể quan sát rõ từng chi tiết một của cuộc đụng độ này.

Hai khu trục hạm của tôi bị áp lực nặng nề. Làm sao chúng tôi có thể chống trả nổi lực lượng địch “mạnh mẽ” (mà lúc ấy chúng tôi vẫn tin tưởng bao gồm 4 tuần dương hạm và 3 khu trục hạm, theo như báo cáo của trinh sát cơ). Nếu để địch nắm phần chủ động, họ có thể đập tan chúng tôi. Nhưng làm sao để chúng tôi giựt lấy sự chủ động? Hơi thở tôi dồn dập vì hồi hộp.

Vào lúc 20g58, nhìn thấy tàu địch xoay sang phải, tôi cũng ra lịnh cho chiếc tàu của tôi xoay nhanh sang phải. Các mục tiêu bây giờ ở khoảng cách 8,500m như dự trù của tôi. Lối chạy song song cùng hướng và chếch lên phía trước mũi tàu của đối phương là một trong những công thức nằm trong lý thuyết phóng ngư lôi của tôi. Lối chạy này làm dự tính tung ra một cuộc tấn công bằng ngư lôi của địch trở nên khó khăn và cho phép tôi chọn lựa thời gian, góc độ để ra tay.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tôi ra lịnh cho chiếc Samidare bằng đèn hiệu và vô tuyến: “Chuẩn bị pháo khẩu và ngư lôi nhắm vào mục tiêu mạn phải.” Trong lúc đó, mạn trái của tàu địch hướng về phía chúng tôi, do đó tất cả súng ống của họ đều chĩa vào chúng tôi. Biết được điều này, tôi ra lịnh xoay phải một lần nữa vào lúc 20g59, để tiến sát vào địch càng nhanh càng tốt, nhằm loại bỏ điểm nhắm và thời gian đã chuẩn bị của họ. Tôi phát khùng khi hạm trưởng của chiếc Samidare đã ngu dại sử dụng vô tuyến hỏi tôi xem có phải lần xoay hướng này chúng tôi sẽ tấn công đối phương hay không? Cố dằn cơn nóng giận xuống, tôi ra lịnh cho truyền tin: “Nói với ông ấy là chúng ta sẽ lại xoay sang trái trước khi khai hỏa.”

Tiến sát vào hải lực Hoa Kỳ thêm 500m nữa, tôi ra lịnh xoay sang trái và phóng ngư lôi. Lúc ấy là 21g30. Ðịch ở ngay 50 độ và cách 7,000m mạn phải chúng tôi, một góc độ phóng ngư lôi lý tưởng. Từ hai khu trục hạm Nhựt, 16 con cá chạy xuyên dưới mặt nước, và các thủy thủ lập tức đưa vào ống những con cá khác.

Ngay khi loạt ngư lôi đầu tiên của chúng tôi đang trên đường hướng đến mục tiêu, nhiều cột nước mọc lên hai bên tàu của chúng tôi. Ðó là loạt pháo đầu tiên của địch. Những quả đạn bắn “dang chân” này hiển nhiên là do các pháo khẩu có radar điều khiển nên trông rất đẹp mắt, nhưng không trúng chiếc tàu nào của chúng tôi. Lối bắn “dang chân” này vẫn tiếp tục trong lúc các thủy thủ của tôi đang nạp các quả ngư lôi khác vào ống phóng, làm họ trở nên vụng về bối rối. Khi công việc này hoàn tất, tôi nhận thấy loạt phóng thứ hai đã mất đi thời gian tính, nên ra lịnh cho các pháo khẩu khai hỏa.

Chiếc Shigure chao đi chao lại khi các pháo khẩu 127 ly gầm thét dữ dội. Các họng súng không ngớt rực lửa khiến đôi mắt của mọi người hầu như mù lòa, hiện tượng này rất quen thuộc trong những trận dạ chiến xảy ra trong bóng đêm mù mịt của đại dương. Các cột khói đã che hẳn tầm quan sát trên đài chỉ huy của tôi trong chốc lát. Tiếng la đầu tiên vang lên trong cảnh náo động và âm u khét lẹt khói là tiếng kêu to của quan sát viên Yamashita. Hắn cho biết ngư lôi của chúng tôi đã trúng mục tiêu!

Khi mắt tôi quen với quang cảnh hiện tại, tôi nhìn thấy lửa cháy bùng từ lườn tàu dẫn đầu của địch, nhưng ngoài chiếc tàu này ra không còn chiếc tàu nào khác. Hai chiếc tàu địch còn chạy theo sau chiếc dẫn đầu chỉ một vài phút trước đây không còn thấy đâu nữa. Hỏi lại các quan sát viên, họ xác nhận chỉ còn nhìn thấy một chiến hạm địch duy nhứt mà thôi. Việc này khiến chúng tôi tin rằng cả 3 chiếc tàu đều trở thành nạn nhân của các quả ngư lôi của chúng tôi. Ðây là ý kiến của tàu bạn Samidare đưa ra. Nhưng chúng tôi không thể nào tưởng tượng được hai khu trục hạm địch bị mất tích này, tức hai chiếc Chevalier và O’Bannon, đang thả trôi lênh đênh cách 6,000m phía sau chiếc tàu dẫn đầu. Lý do quan sát kém cỏi của chúng tôi vào lúc ấy là bởi hỏa lực và khói súng che phủ tầm mắt.

Vẫn còn tin tưởng có sự hiện diện của các tuần dương hạm địch theo như báo cáo của phi cơ, tôi đã tự hỏi hiện tại chúng lảng vảng ở đâu? Tôi ra lịnh cho tất cả súng ống đều hướng về mạn phải và đưa ống nhòm lên, mở to mắt ra tìm kiếm mấy tuần dương hạm không có thực này. Cuối cùng, xuyên qua bóng đêm và sương mù, tôi thấy hai chấm đen nhỏ bé. Tôi vội cho ngay đó là các tuần dương hạm địch chứ không còn gì khác. Hai chấm đen này không tiến đến chúng tôi vì vậy tôi cho rằng tàu địch đang bỏ chạy. Thực ra, đây là hai khu trục hạm địch: Chiếc O’Bannon đã què quặt và chiếc Chevalier sắp chìm.

Nhằm kiểm soát kết quả của cuộc tấn công ngư lôi của chúng tôi vừa qua, tôi ra lịnh cho 2 khu trục hạm Shigure và Samidare quay sang phải. Sự quan sát hiện thời rất khó khăn, chúng tôi không thể nhìn thấy vật gì hết. Khoảng 10 phút tìm kiếm vô hiệu quả, tôi ra lịnh xoay 90 độ tả mạn và trực chỉ căn cứ.

Tuần sau:

Chương XXXX

Giận dữ của sĩ quan trẻ

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships