Tameichi Hara là sĩ quan cấp tá đầu tiên sau chiến tranh phê phán kịch liệt Thủy sư Đô đốc quá cố Yamamoto. Tuy nhiên bên cạnh những thất bại cá nhân của Yamamoto còn có yếu tố kỹ thuật: Kể từ trận Guadalcanal, các chiến hạm Hoa Kỳ trang bị radar SG (Microwave Surface and Low Air Search Radar) xoay vòng phát sóng và tiếp nhận trên màn hình PPI (Plan Position Indicator), xác định hướng và khoảng cách của đối phương trên không cũng như trên biển. Cùng lúc US NAVY sáng chế thành công hệ thống vô tuyến TBS Talk Between Ships: Đàm thoại giữa các chiến hạm Mỹ bằng phát sóng VHF (Very High Frequency). Thông điệp chuyển đi chỉ đến những tàu nhìn thấy trực tiếp trong tầm mắt qua viễn vọng kính, với đường kính tối đa là 40 cây số. Khoảng cách này khiến các tàu Nhật ở xa không thể nghe được các trao đổi giữa các tàu Mỹ. Là một lợi thế vượt bực. Vì để tránh bị nghe lén, các tàu Nhật khi hải hành vẫn còn phải dùng kỳ hiệu hoặc đèn là một phương pháp cổ lỗ sĩ. Ưu thế dạ chiến từ huấn luyện thủy thủ tinh nhuệ của Nhật giảm dần rồi mất hẳn. Phải lâu về sau, Trung tá Hara mới biết đến những tiến bộ khoa học này.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXIII

Khu trục hạm Amatsukaze, chở đầy những người còn sống sót, lặng lẽ tiến vào hải cảng Truk vào ngày 25 tháng 8-1942. Tôi chắc chắn sẽ sớm nhận lịnh trở lại nhiệm vụ ngay khi đổ xong người, nhưng không một ai trong chúng tôi ngờ rằng Amatsukaze phải đậu ở Truk một tháng trời, giữa lúc trận chiến bước vào giai đoạn ác liệt nhứt. Ở đây, tôi đã thâu thập được nhiều chi tiết về trận hải chiến ở biển San Hô ngày 7 và 8 tháng 5 trước đây, tức là trong thời gian tôi đi phép.

Trận hải chiến này bùng nổ là do hậu quả kế hoạch đổ bộ của Nhựt nhằm chiếm giữ hải cảng Moresby, một cứ điểm then chốt của Ðồng Minh nằm trên bờ phía Nam New Guinea, sát Úc châu. Trận đánh đã làm Nhựt chìm một hàng không mẫu hạm nhẹ Shoho (Triển Phụng: nghĩa là phượng hoàng tốt lành), và 2 hàng không mẫu hạm hạng nặng là Shokaku (Tường Hạc: chim hạc bay liệng) và Zuikaku (Thụy Hạc: chim hạc may mắn) bị hư hại đến nỗi không thể tham dự vào trận đánh ở Midway xảy ra một tháng sau đó. Qua công bố, Hải quân Hoàng gia không đề cập đến sự thiệt hại của Nhựt, chỉ cho biết là Nhựt đã đạt chiến thắng qua việc đánh chìm được 3 hàng không mẫu hạm địch trong trận này. Nhưng mất mát thật sự của địch gồm có: hàng không mẫu hạm Lexington 48,000 tấn, hàng không mẫu hạm Yorktown 26 ngàn tấn bị thiệt hại nhẹ, tàu dầu Neosho và khu trục hạm Soins bị đánh chìm. Mặc dầu các công bố đều nói đến hai tiếng chiến thắng, nhưng rõ ràng Nhựt đang bắt đầu thoái bộ.

Một tháng sau, Nhựt bị đánh tơi bời ở Midway, thiệt mất các hàng không mẫu hạm Akagi (Xích Thành), Kaga (Gia Hạ), Hiryu (Phi Long) và Soryu (Thanh Long) cùng với tuần dương hạm nặng Mikuma (Sông Mikuma), và với sự tham chiến của hàng không mẫu hạm Yorktown của Hoa Kỳ (hư hại trong trận biển San Hô được sửa chữa lại) đã khiến cho Nhựt ngẩn ngơ, nhưng cuối cùng chiếc Yorktown cùng với khu trục hạm USS Hammann cũng bị Nhựt đánh chìm trong trận này.

Vào tháng 7, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt lại vấp thêm một lỗi lầm nữa qua cuộc đổ bộ một sư đoàn bộ binh lên Buna, nằm ở bờ biển Ðông Papua. Sư đoàn này sau khi đổ bộ đã vượt qua dãy núi Owen Stanley, mưu tấn công hải cảng Moresby. Nhưng con số binh sỹ thiệt mạng do núi non, rừng rậm hiểm trở và khí hậu độc địa gây ra dọc lộ trình di chuyển nhiều hơn là do địch gây ra.

Tem kỷ niệm chiến công của Sư đoàn 1 TQLC 

Một sự việc quan trọng là Ðồng Minh đã đổ bộ lên đảo Guadalcanal vào ngày 7 tháng 8, đúng ngày lực lượng Nhựt sa lầy ở Papua. Yamamoto đã đánh giá một cách sai lầm các cuộc hành quân ở Papua và Guadalcanal. Hồi ở Midway ông đã phân chia lực lượng của ông để tấn công cùng một lượt vào các hòn đảo vô giá trị ở Aleutian, đến Guadalcanal ông cũng chia hai lực lượng, một tấn công hòn đảo này và một vào bán đảo Papua. Các cuộc tấn công phân tán đã không kết quả mà còn đưa đến hậu quả tàn khốc.

Vào đêm 24 tháng 8 trong lúc chiếc Amatsukaze đang giải cứu 2 phi công, 7 khu trục hạm Nhựt đã đột kích Guadalcanal một cách gần như phí công. Vào hai ngày kế, các phi cơ Nhựt lại tấn công hòn đảo này, nhưng cũng không đạt kết quả là bao. Trong khi đó thành phần chánh của Hạm đội Hỗn hợp dàn quanh các đảo Solomon, nhưng lại không nhắm vào một mục đích rõ rệt nào. Sự do dự của Yamamoto hiển nhiên ai cũng thấy.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Bốn ngày sau đó, đoàn tàu chuyển quân của Ðại tá Ichiki một lần nữa cố gắng tiến về Guadalcanal. 20 khu trục hạm hộ tống đoàn tàu này bị phi cơ Ðồng Minh tấn công, đánh chìm chiếc Asagiri (Sương Mù Bình Minh) và gây thiệt hại nặng cho 3 khu trục hạm khác là Shirakumo (Bạch Mây), Yugiri (Dạ Sương), Amagiri (Mây Tầng). Yamamoto chần chờ khá lâu mới tung 30 chiến đấu cơ và 30 oanh tạc cơ của 2 hàng không mẫu hạm Shokaku và Zuikaku để yểm trợ đoàn tàu. Nhưng khi các phi cơ này đến nơi thì đoàn tàu đã xuôi hướng trở về quần đảo Shortland. Trong khi đó, tiền quân thuộc Chiến đoàn Sendai của Ichiki, nằm kẹt cứng ở một góc đảo Guadalcanal đã lên tiếng kêu cứu. Do đó, sáng ngày 29 tháng 8, binh sỹ lại được đưa xuống 6 khu trục hạm để lên đường tăng viện. Lực lượng 1,000 người này đã đổ bộ thành công lên mũi Taivu, nằm chính giữa bờ biển phía Bắc Guadalcanal, ngay trong đêm.

Lữ đoàn của Chuẩn tướng Kawaguchi, thoạt đầu dự định đổ bộ lên Papua, đã khởi hành từ Truk để tăng cường thêm cho cánh quân của Ichiki. Trên đường, lữ đoàn ghé Bougainville, và ngày 30, tiểu đoàn đầu tiên thuộc lữ đoàn này được 3 khu trục hạm vận chuyển đến đảo Guadalcanal. Tiếp theo đó, vào ngày 31, tám khu trục hạm khác đã vận chuyển thêm 1,200 quân nữa. Và vào ngày 1 tháng 9, đơn vị thứ ba của lữ đoàn xuống 4 khu trục hạm và sau đó đổ bộ lên phía Nam hòn đảo. Ngày kế, 20 chiến đấu cơ và 18 oanh tạc cơ Nhựt tấn công Guadalcanal. Cuộc đổ bộ của toàn thể Lữ đoàn Kawaguchi hoàn tất vào ngày 4 và 7 tháng 9-1942.

Trong suốt giai đoạn xảy ra các hoạt động tăng viện này, chiếc Amatsukaze của tôi nằm bất động ở Truk, nhưng tôi hình dung được mọi diễn tiến. Tôi biết binh lính được các khu trục hạm đổ lên bờ chỉ có thể mang theo vũ khí nhẹ, và điều này khiến tôi lo ngại. Bởi vì, cho dù lực lượng Nhựt đông đảo đi nữa, cũng không thể nào chịu đựng nổi trước sức đề kháng của nguyên 2 sư đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trang bị vũ khí nặng, đã nằm sẵn trên đảo. Sư đoàn 1 TQLC của Thiếu tướng Alexander Vandegrift với 4 trung đoàn 1, 5, 7, 11 và Sư đoàn 2 TQLC của Chuẩn tướng Alphonse Decarre với 2 trung đoàn 2 và 10 (tăng cường trung đoàn 6 và 8 sau đó). Vào thời điểm đó TQLC Mỹ đã lên đến 22 ngàn binh sỹ. Trong lúc Lữ đoàn 35 Bộ chiến Nhựt của Chuẩn tướng Kiyotaki Kawaguchi chỉ có 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 124 Bộ binh, tăng cường thêm 1 tiểu đoàn của Chiến đoàn Sendai của Ðại tá Ichiki, với 2 tiểu đoàn trọng liên miền núi và 1 trung đoàn pháo binh dã chiến. Chênh lệch quá lớn.

Tấn công ban đêm của Lữ đoàn Kagawuchi

Truk hoàn toàn yên tĩnh sau khi đoàn tàu chở Lữ đoàn Kawaguchi ra đi. Mặt nước hải cảng lặng lờ. Khung cảnh an bình làm tiêu tan cơn mệt mỏi của thủy thủ đoàn Amatsukaze. Quanh hòn đảo san hô này đầy dẫy mọi loại hải sản. Mỗi ngày thuyền chài đều mang cá tươi về. Ðó là một cơ hội tốt để đổi món ăn cho những kẻ quanh năm chỉ biết đồ hộp như chúng tôi. Sushi và Sashimi tươi là thức ăn hàng ngày của chúng tôi, nhưng tâm trí tôi vướng bận với các trận đánh.

Chính vì vào lúc đó, thành phần chánh của Hạm đội Hỗn hợp chấm dứt 10 ngày “lang thang” vô ích và tiến vào quân cảng Truk ngày 5 tháng 9. Hải cảng rộng lớn này bỗng nhiên hẹp lại khi 50 chiến hạm, với thiết giáp hạm Yamato, 72 ngàn tấn trí 9 đại bác 460 ly dẫn đầu, lần lượt ùa vào.

Suốt ba ngày liền thay phiên trên các soái hạm, toàn thể các hạm trưởng và sỹ quan chỉ huy luân phiên hội họp để bàn thảo các chi tiết chiến thuật. Cuộc họp cuối cùng mở ra trên đại soái hạm Yamato, dưới sự chủ tọa của Yamamoto. Các cuộc bàn thảo sơ khởi trước đó đều xoay quanh các phương cách đối phó với những vấn đề không quan trọng. Không thấy ai đề cập đến những khiếm khuyết đã gặp phải trong các cuộc hành binh trước đây. Sự thực, nếu ai mang các vấn đề này ra bàn thì khó tránh đụng chạm đến thượng cấp. Do đó, các cuộc bàn thảo sơ khởi không đi đến đâu.

Chủ tọa buổi họp cuối cùng này, Ðô đốc Yamamoto ngồi im lặng nghe, và sau cùng để kết thúc, ông lên tiếng cảnh cáo sự khinh thường khả năng chiến đấu của Hoa Kỳ và đưa ra chỉ thị đơn giản:

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

1- Phải che đậy hành tung của các hàng không mẫu hạm Nhựt.

2- Ưu tiên tận dụng sức mạnh không lực để chống lại địch quân.

Tôi trở về tàu với tâm trạng trống rỗng, cảm thấy các buổi họp hoàn toàn vô bổ. Gặp Ðại úy Shimizu, thấy mặt ông bí xị tôi hỏi: “Gặp rắc rối gì rồi, phải không?”

“Chúng tôi vừa để sẩy một con cá. Ba ngày nay, hạm đội siêu đẳng của chúng ta đã làm lũ cá quanh hòn đảo san hô này khiếp đảm!”

Một hôm, tiếng động ồn ào lôi tôi ra khỏi buồng. Các thủy thủ đang xúm quanh một chiếc lồng nan nhốt một con ó đã đến đậu trên cột buồm hôm trước mà họ bắt được. Tiến đến gần, tôi thấy đám thủy thủ bỏ một con chuột bên trong. Con ó đứng yên, dửng dưng, hai mắt khép hờ như ngủ gật trong lúc con chuột khiếp hãi tìm cách thoát thân. Bất thình lình con ó phóng tới mổ vào mắt con chuột. Ðám đông reo hò. Con ó đi vòng trong lồng với thái độ tự tin rồi mổ tiếp vào mắt kia của con chuột đã trở nên mù lòa. Tất cả diễn ra bằng những động tác khéo léo vừa chính xác vừa nhanh nhẹn cùng cực. Nhóm thủy thủ vỗ tay trong lúc con ó lại trở lại trạng thái bất động, vô cảm và ngạo mạn. Tôi quay về buồng, không muốn xem thêm nữa. Ðoạn kết sẽ là một hành hình đầm đìa máu. Với tôi, chú chuột đáng thương là khu trục hạm, còn con ó là máy bay. Hình ảnh ấy bám theo tôi rất lâu.

Vào ngày 9 tháng 9, Hạm đội Hỗn hợp rời khỏi Truk, và khu trục hạm Amatsukaze gia nhập trở lại Lực lượng Ðặc nhiệm Nagumo. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tiến công xả láng Guadalcanal vào ngày 12 tháng 9, đồng lúc với cuộc tấn công của Lữ đoàn Kawaguchi trên bộ. Tuy nhiên, chúng tôi phải nằm chờ qua đêm 12 để đợi tin tức dứt khoát xem có phải phi trường Henderson Field ở Guadalcanal hiện nằm trong tay quân Nhựt hay không. Theo kế hoạch, ngay khi không lực Hoa Kỳ, Cactus Air Force tại Henderson Field bị vô hiệu hóa, các thiết giáp hạm Nhựt sẽ áp sát và dùng hải pháo phá hủy tất cả các căn cứ của Thủy quân Lục chiến Mỹ dọc phía Bắc đảo Guadalcanal, cùng lúc tiêu diệt đoàn tàu tiếp tế. Ngày kế đó, chúng tôi tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi, cho đến quá nửa đêm, Tổng Hành Dinh ở Rabaul gọi vô tuyến báo tin: “Theo các phi cơ thám thính, phi trường Guadalcanal dường như nằm trong tay chúng ta”.

Sáng sớm ngày hôm sau, 7 phi cơ thám thính của chúng tôi trở về với đầy đủ các báo cáo trái ngược hẳn với tin tức của Rabaul. Cuối cùng, vào ngày 15, công điện mong đợi cũng đã đến tay chúng tôi, do Kawaguchi gởi. Theo đó lực lượng của ông đã gặp sức chống cự ác liệt của địch, chịu đựng thiệt hại nặng nề, và bắt buộc phải thối lui khỏi Henderson Field.

Buổi chiều cùng ngày, phi cơ tuần thám và các tàu ngầm của chúng tôi báo cáo một Task Force hùng hậu của địch quân, gồm nhiều hàng không mẫu hạm và thiết giáp hạm, ở cách Ðông Nam Guadalcanal 260 dặm. Thiếu tá Takaichi Kinashi, hạm trưởng của tiềm thủy đĩnh I-19, qua một “công điện vui vẻ đầu tiên” trong tuần lễ đầy đen tối này, cho biết tàu ngầm của ông đã phóng ngư lôi đánh chìm hàng không mẫu hạm Wasp của Hoa Kỳ và khu trục hạm O’Brian, gây hư hại nặng cho thiết giáp hạm North Carolina. (Wasp bị trúng 3 trái thủy lôi của I-19 vào ngày 16 tháng 9, hư hại trầm trọng, nên sau khi di tản thủy thủ đoàn, chiếc tàu được khu trục hạm Lansdowne của Hoa Kỳ ban thêm phát “ân huệ” để nhận chìm hẳn). Ðây là cú phóng ngư lôi hiệu quả nhứt trong suốt cuộc chiến.

Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng và nôn nóng chờ đợi thử sức với hạm đội địch. Nhưng sau một tuần chạy lang thang, tất cả chiến hạm Nhựt đều gần cạn nhiên liệu. Chúng tôi phải lấy thêm nhiên liệu từ các tàu chở dầu ở một hải vực cách phía Bắc Guadalcanal 200 dặm. Công việc này đã mất hết 3 ngày, vì vậy hy vọng đụng độ của chúng tôi tiêu tan.

Trong lúc đó, Ðô đốc Yamamoto cuối cùng cũng quyết định cần phải có một sư đoàn đầy đủ quân số để tăng viện cho các đơn vị Nhựt bị kẹt ở Guadalcanal. Do đó, sau khi tiêu thụ một số nhiên liệu khổng lồ mà không thâu hoạch được một lợi lộc gì, Hạm đội Hỗn hợp quay lại Truk để chờ viện binh.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Cũng trong thời gian này, Yamamoto ra lịnh cho Ðề đốc Kakuji Kakuta, hiện đang đảm trách huấn luyện 3 hàng không mẫu hạm mới trong hải phận Nhựt, đem các tàu này đến Truk càng sớm càng tốt. Yamamoto cũng quyết định ngưng các cuộc hành quân để chờ Ðệ Nhị Hạm đội của Kakuta. Cho mãi đến ngày 9 tháng 10, hạm đội này mới đến Truk. Do đó, sau khi địch đổ bộ lên Guadalcanal, Nhựt phải mất 2 tháng tròn mới chuẩn bị được một lực lượng phản công đầy đủ.

Ở chương thứ XI của Binh Pháp, Tôn Tử đã viết: “Một chiến thuật gia khôn khéo có thể ví như một con rắn: đầu bị đánh thì đuôi sẽ quật, còn đuôi bị đánh thì đầu sẽ mổ. Còn nếu bị đánh ở lưng thì đầu và đuôi cùng bật dậy.”

Tháng 10 năm 1942, Hạm đội Hỗn hợp của Ðô đốc Yamamoto lần đầu tiên áp dụng “xà trận” này. Ðầu của con rắn là Lực lượng Ðặc nhiệm của Nagumo, thân con rắn là hạm đội chánh của Yamamoto, và đuôi của con rắn là các chiến hạm mới đến, dưới quyền chỉ huy của Ðề đốc Kakuta.

Hàm răng sắt của Nagumo là 2 hàng không mẫu hạm Zuikaku và Shokaku (29,800 tấn và tổng số trang bị và chuyên chở lên đến 40,000 tấn mỗi chiếc). Ðây là 2 hàng không mẫu hạm tối tân nhứt của Nhựt thời ấy, gồm toàn thủy thủ và phi công chọn lọc. Thêm vào đó còn có 3 hàng không mẫu hạm biến cải Hiyo (Phi Ưng), Junyo (Chuẩn Ưng), mỗi chiếc 27,500 tấn và Zuiho (Thụy Phụng) 14,200 tấn của Ðề đốc Kakuta. Các chiếc tàu sau gồm thủy thủ đoàn và phi công mới huấn luyện, nhưng dưới bàn tay trui rèn của Kakuta, sự thiếu kinh nghiệm của họ cũng được bù đắp phần nào. Kakuta là vị Ðề đốc trẻ tuổi nhứt dưới quyền Yamamoto, và là một tay chiến đấu chưa hề biết lùi bước. Ông đến Truk với ý định phục thù cho hàng không mẫu hạm Ryujo, chiếc tàu mà ông từng chỉ huy trước đây. Theo Kakuta, Ryujo sở dĩ bị đánh chìm trong trận hải chiến ở Ðông Solomon là do sự cẩu thả của giới chỉ huy cao cấp của Hải quân Nhựt. Ông cũng tỏ ra tức tối cuộc đại bại ở Midway. Lúc đó ông đang bận chỉ huy Hải lực 2 Xung kích tấn công các đảo Aleutian ở cực Bắc bán cầu, nên không rảnh tay để nhảy vào tham chiến. Lúc đó ông không khác nào cái đuôi con rắn bị kéo đi quá xa, nên không thể nào quật ngược khi cái đầu của nó bị đánh.

Vào tháng 9 năm 1942, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng gia ở Ðông Kinh ý thức được tình thế nghiêm trọng nên đã cho phép Yamamoto tập trung nỗ lực vào cuộc phản công ở Guadalcanal và “bỏ rơi” mặt trận Papua. Do đó, Yamamoto có cơ hội trở thành “một chiến thuật gia khôn khéo” như lời răn của Tôn Tử, nhưng Yamamoto không thực sự tự do hầu khai thác hết cơ hội này. Lục quân vẫn giữ các quyết định tối hậu.

Lục quân Nhựt đã đưa Sư đoàn 2 Bộ chiến Sendai của họ đang đóng ở Java đến Rabaul và đòi hỏi “một cuộc hành quân phối hợp Hải-Lục ở Guadalcanal”. “Hành quân phối hợp Hải-Lục” có nghĩa là Lục quân cung cấp binh sỹ và vũ khí, còn Hải quân chỉ có nhiệm vụ chuyển vận và yểm trợ mà thôi. Lục quân có trong tay phân nửa tổng số phi cơ chiến đấu của Nhựt Bản, nhưng họ không cung cấp một chiếc nào cho cuộc hành quân này. Như vậy, ý niệm về một cuộc “hành quân phối hợp” của Nhựt khác xa của Hoa Kỳ.

Riêng các khu trục hạm mang danh “Những chuyến tàu tốc hành Ðông Kinh” lãnh nhiệm vụ chuyên chở Sư đoàn 2 Sendai. Ðây là các khu trục hạm thuộc Ðệ Bát Hạm đội của Ðề đốc Gunichi Mikawa ở Rabaul.

Ðệ Nhị Hạm đội của Ðề đốc Kakuji Kakuta rời khỏi Truk vào ngày trước đó để bắn phá đảo Ndeni, thuộc nhóm phía Bắc Santa Cruz, vì chúng tôi cho rằng các thủy phi cơ của Hoa Kỳ hiện đóng tại đây. Nhưng khi chúng tôi đến, địch quân đã rút đi hết. Chúng tôi quay lại phía Bắc quần đảo Solomon vào ngày 15 tháng 10, để kết hợp với Lực lượng Ðặc nhiệm Nagumo đã rời Truk ngày 11.

Toàn thể sỹ quan, phi công, binh sỹ và thủy thủ cùng chuẩn bị thư hùng. Kỳ hiệu “Isamu-heidan”  có nghĩa là “Anh Dũng” kéo lên các cột buồm. Chúng tôi biết đây là trận sống mái.

Tuần sau:  Chương XXIV

trận Santa Cruz

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships