Prince of Wales là tước hiệu của Thái tử Charles, quân vương tương lai sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà. Tước hiệu này nói lên vị trí của đại thiết giáp hạm Prince of Wales trong Hải quân Hoàng gia Anh. Nặng 44 ngàn tấn, tốc độ 54 km/g, bọc thép 15 inch, võ trang 10 hải pháo 360 ly, 16 hải pháo 133 ly và 64 phòng không 40 ly, Prince of Wales là niềm kiêu hãnh của đế chế Anh. Một chi tiết khác: Ngày 14 tháng 8-1941 Winston Churchill ký Hiến Chương Đại Tây Dương (The Atlantic Charter) với Franklin Roosevelt trên thiết giáp hạm Prince of Wales. Một Hiến Chương quan trọng đặc biệt vì Anh-Mỹ cùng cam kết “Không một sự thay đổi lãnh thổ nào trái với ý nguyện của các dân tộc liên quan. Chủ quyền của một quốc gia bị một quốc gia khác dùng sức mạnh tước đoạt phải được khôi phục”. Churchill đã có thể gặp Roosevelt ở Toronto hay Québec là vùng đất của Nữ hoàng, không quá xa Washington DC nhưng Churchill đã muốn ký kết Hiến Chương trên thiết giáp hạm Prince of Wales, ngoài khơi Canada, để phô diễn sức mạnh của Vương Quốc Mặt Trời Không Bao Giờ Lặn.  

Cùng với chiếc Prince of Wales, thiết giáp hạm Repulse 38 ngàn tấn, võ trang 6 hải pháo 380 ly, bọc thép 9 inch, hợp thành Hải Lực Z. Nhiệm vụ: “Trừng trị giặc Nhật!”(Punish the Japanese enemy!).

Ngày 10 tháng 12-1941, Đô đốc Tom Phillips chỉ huy Hải Lực Z tiến đánh các dương vận hạm Nhật đang đổ quân lên Mã Lai Á, tại Kota Bharu, cách Sàigòn 400 dặm về phía Tây Nam của biển Đông. Đề đốc Sadaichi Matsunaga, Tư lệnh Liên Phi đoàn Đông Dương với hai phi đoàn 22 và 23 trú đóng tại Tân Sơn Nhất Thủ Dầu Một, tung 96 máy bay phóng ngư lôi. Vài giờ sau, cả hai chiến hạm Anh chìm vào biển sâu.

Một thập niên sau, trong tập VI trang 259 của hồi ký The Second World War, Nobel Văn Chương 1953, Churchill ghi lại giờ phút thảm khốc: “Trong đêm khuya chuông điện thoại reo cạnh giường. Giọng nói của bộ trưởng hải quân run run lạ lùng và ho khan liên tục làm tôi không hiểu ngay câu chuyện. “Tôi trình lên Thủ tướng là cả hai thiết giáp hạm Prince of Wales và Repulse đã bị quân Nhật đánh đắm. Đô đốc Tom Phillips chết đuối, còn Đại tá John Leach chết theo tàu.” Tôi gác máy. Trong suốt chiến tranh tôi chưa từng nhận cú đấm nào khốc liệt bằng. Tất cả các nỗ lực và hy vọng chìm theo hai chiếc tàu này. Tôi xoay ngang xoay dọc trên giường, suốt đêm không tài nào chợp mắt. Tất cả kinh dị hiện ra sáng trưng: Không còn một thiết giáp hạm nào của Hải quân Anh-Mỹ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã thành ao hồ của Nhật Bản!”

Sau chiến thắng, nhật ký hành quân của Liên Phi đoàn Đông Dương ghi: đích thân Đề đốc Sadaichi Matsunaga rót rượu và tháo huân chương danh dự Jugun Kisho (Military Medal of Honor) của chính ông gắn lên ngực Phi đội trưởng Nakanishi trong câu lạc bộ Sakura no hana (Hoa Anh Đào), về sau là câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc của Không quân VNCH. Riêng hạm trưởng Hara theo dõi trận đánh từ xa.

Thắc mắc cá nhân: Hiến Chương Đại Tây Dương không dành cho Tây Tạng, Tân Cương và Việt Nam? [Trần Vũ]

Chương XI

“Thưa Hạm trưởng, có công điện…”

Tôi xoay người sang anh thủy thủ chạy việc. Thủy thủ Takeo Murata 18 tuổi, phục vụ trên tàu chỉ mới một tháng nay. Anh ta là một trong những người đã thay thế các thủy thủ đau yếu. Murata chào tôi kính cẩn.

Tôi nói: “Cám ơn Murata.” và mở mảnh giấy anh ta vừa trao. Tim tôi đập mạnh vì nghĩ mảnh giấy này sẽ chứa phản lịnh của cuộc hành quân đang diễn ra. Nhưng đó chỉ là một tin tức tình báo.

“Một tàu chở thủy phi cơ cùng lớp với loại tàu Bristol và một khu trục hạm Hoa Kỳ bỏ neo ở hải cảng Davao lúc 6 giờ chiều ngày 6 tháng 12.”

Tôi thở dài và tiếp tục nhìn đại dương đen sẫm.

“Thưa Hạm trưởng, công điện…” Murata lại xuất hiện, mồ hôi nhỏ giọt trên khuôn mặt non choẹt của anh ta. Anh ta phải chạy từ phòng truyền tin lên đây. Một gã được việc! Tôi bỗng nghe buồn bã, không ngờ gã con nít này lại đang chia sẻ vận mạng của cuộc chiến với những người đáng cha anh.

Nội dung công điện: “Không có tàu nào của địch quân được phát hiện ở Legaspi lúc 7 giờ tối ngày 6 tháng 12.” Hai công điện kế tiếp là mẫu tin báo chí: “Hai vị Ðại sứ Nomura và Kurusu đã trao cho Ngoại trưởng Hull và Tổng thống Roosevelt đề nghị cuối cùng…” và phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nhựt hôm nay cho biết tàu chở hành khách Tatsuta Maru, đã rời Yokohama tuần rồi để đến Los Angeles, vừa được chỉ thị ghé Mễ Tây Cơ. Hiện tại tàu này đã sắp xếp ngày đến Los Angeles là ngày 14 tháng 2-1942, và sẽ rời khỏi nơi đây vào ngày 16 tháng 2 để đến Manzanillo vào ngày 19…”

Chắc chắn không có chứng cớ nào cho thấy cuộc chiến đang chuyển động qua các diễn biến vừa rồi. Nhưng có ai ngờ rằng chiếc tàu Tatsuta Maru sẽ được lịnh quay về Nhựt Bản 30 tiếng đồng hồ sau đó?

Churchill và Roosevelt trên thiết giáp hạm Prince of Wales  

Ngày hôm sau, 7 tháng 12-1941, vẫn là một ngày yên tĩnh như thường lệ. Chỉ có mạch máu của tôi là bị căng cứng do các công điện như loại đã nhận được vào đêm hôm trước. Ðêm thứ hai trên đại dương, kim đồng hồ của tôi chỉ đúng nửa đêm, và ngày ló dạng, nhưng không có một phản lịnh nào được gởi đến. Tôi vẫn còn cách xa tuyến xuất phát cuộc tấn công, là phải cách phía Ðông mũi San Augustin 50 dặm và phía Ðông Davao 100 dặm.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Tôi bỗng nghe mệt mỏi sau hai ngày và hai đêm ngồi trên đài chỉ huy, nên sau khi giao quyền chỉ huy cho Ðại úy Toshio Koyama, hoa tiêu trưởng trẻ tuổi nhưng đầy đủ khả năng của tôi, tôi đã thiếp ngủ trên ghế ngồi. Những hạt nước giá lạnh đã đánh thức tôi dậy khi đoàn tàu của chúng tôi chạy vào vùng mưa bão mù mịt giữa đại dương đen thẫm. Lúc ấy là 3 giờ 30 sáng của ngày D, tức ngày 8 tháng 12 năm 1941 (Phi Luật Tân cách múi giờ Hawaii +18 tiếng, tức là đang 11 giờ 30 trưa mùng 7 tháng 12 tại Pearl Harbor, tấn công Trân Châu Cảng đã diễn ra).

Ngủ thiếp trong thời khắc quan trọng thế này quả là ngu ngốc biết bao! Tôi tự rủa thầm và gọi Phòng Truyền tin mang lên cho tôi các công điện mới. Không có công điện nào hết. Cơn mưa bão lướt qua, và cơn buồn ngủ của tôi lại kéo đến. Tôi lấy làm tức giận, vì như thế làm sao tôi còn đủ sáng suốt để theo dõi cuộc chiến trên đà bùng nổ.

Vào bình minh, khoảng 5 giờ sáng, 20 oanh tạc cơ hạng nhẹ và chiến đấu cơ cất cánh từ hàng không mẫu hạm hộ tống Ryujo. Bấy giờ chúng tôi đã ở ngay tuyến xuất phát cuộc tấn công, nghĩa là cách phía Ðông mũi San Augustin 50 dặm và phía Ðông Davao 100 dặm. Hình ảnh của các phi cơ Nhựt đã khiến tôi tỉnh táo và phấn kích. Bao nhiêu cảm giác thiếu nồng nhiệt của tôi đối với cuộc chiến sắp xảy ra, bây giờ, đứng trên đài chỉ huy của khu trục hạm Amatsukaze, đã tan biến, và tôi cương quyết dứt khoát thi hành các mạng lịnh.

Sau khi các phi cơ của Ryujo xuất phát, các khu trục hạm Hayashio (Thủy Triều Sớm), Natsushio (Thủy Triều Mùa Hạ), Kuroshio (Dòng Hắc Thủy) và Oyashio (Dòng Nước Lạnh) rời bỏ đội hình di chuyển cũ, gia tăng tốc độ lên 30 hải lý, chạy về phía trước để tham dự một cuộc tấn công phối hợp nhằm vào các lực lượng Hoa Kỳ ở Luzon. Tám chiếc còn lại, một chiếc rẽ về phía Ðông, một chiếc rẽ về phía Tây, cách 1,500 thước, và giữ đội hình bất thường này để chờ đợi các phi cơ của hàng không mẫu hạm Ryujo trở về.

Ryujo là hàng không mẫu hạm duy nhứt sử dụng trong cuộc hành quân Phi Luật Tân. Nguyên trước đó tàu này được dự định phối hợp với 2 hàng không mẫu hạm biến cải khác cho cuộc tấn công Luzon, nhưng vì khả năng chở phi cơ của chúng quá giới hạn, thành thử cuối cùng có quyết định sử dụng phi cơ ở phi trường Ðài Loan cho cuộc tấn công này. Do đó, Ryujo đến Palau và 2 hàng không mẫu hạm kém khả năng hơn quay trở về Nhựt.

Ánh nắng mặt trời lúc ẩn lúc hiện trên đại dương. Gió đứng hẳn. Chúng tôi ướt đầm mồ hôi sau bốn tiếng rưỡi đồng hồ chạy tới chạy lui trên biển. Mười chín chiếc phi cơ trở về hàng không mẫu hạm Ryujo lúc 9 giờ 30. Chiếc thứ 20, một oanh tạc cơ, bị trục trặc máy móc và đâm chúi xuống biển. Sau đó, chúng tôi nghe tin phi hành đoàn của chiếc phi cơ này đã được khu trục hạm Kuroshio cứu thoát.

Cuộc tấn công Davao của lực lượng đặc nhiệm hoàn toàn thất bại. Phi cơ và khu trục của chúng tôi đã chui đầu vào cái túi rỗng. Hai tàu chiến của Hoa Kỳ, bỏ neo tại hải cảng theo báo cáo, đã biến mất trước khi lực lượng của chúng tôi đến. Chỉ có 2 thủy phi cơ của Hoa Kỳ trên bãi biển và bị máy bay của chúng tôi xạ kích hủy diệt. Sau đó, máy bay của chúng tôi quần trên không phận Davao hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng không gặp một phi cơ nào của Hoa Kỳ cất cánh từ phi trường này hoặc bất kỳ phi trường nào khác lên nghinh chiến. Ðó là một cuộc hành quân kỳ quái nhất.

Thái độ của lực lượng Hoa Kỳ ở Davao ngày hôm đó vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Dù thái độ của lực lượng Hoa Kỳ như thế nào, ít ra họ cũng phải báo cáo cho Tổng hành dinh của họ biết về cuộc tấn công mạnh mẽ của chúng tôi. Nhưng Tổng hành dinh Hoa Kỳ ở Manila đã tọa thủ bàng quan, và ngay cả cuộc tấn công phi trường Clark ròng rã suốt bốn tiếng đồng hồ của các phi cơ Nhựt xuất phát từ Ðài Nam, tiếp liền sau cuộc tấn công Davao của chúng tôi, họ cũng chẳng cho bất kỳ một máy bay nào của họ cất cánh để chống trả lại.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Sự thiếu chuẩn bị của Không lực Hoa Kỳ ở Clark Air Base vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Như Louis Morton viết trong cuốn The Fall of Philippines (Phi Luật Tân thất thủ): “Tất cả các đơn vị Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân đều biết có cuộc tấn công Trân Châu Cảng nhiều tiếng đồng hồ trước đó, trước khi các oanh tạc cơ Nhựt xuất hiện trên không phận Luzon. Cuộc tấn công Davao là dấu hiệu cho thấy Nhựt quyết ý đập tan các hải đảo có căn cứ không quân quan trọng của Hoa Kỳ tọa lạc, và cuộc tấn công Luzon ngay buổi sáng cùng ngày cho thấy rõ quyết ý này của Nhựt.

Theo lời của Ðại tá William A. Campbell, chỉ huy Liên Phi đoàn 332 (332d Expeditionary Operations Group), phi trường Clark đã nhận được tin phi cơ Nhựt đang đến trước khi xảy ra cuộc tấn công. Ðại tá Eugene Lowry Eubank (về sau lên chuẩn tướng tư lệnh binh chủng oanh tạc cơ) lại nói rằng việc biết trước này không hề có. Một số sỹ quan khác lại cho biết các hệ thống liên lạc đều gián đoạn trong suốt thời gian nguy cấp này. Qua những chi tiết trái ngược do các nhân chứng cung cấp, vấn đề trên còn nằm trong vùng tăm tối…”.

Tám năm sau biến cố, Ðại tướng Henry Harley Arnold, từng là Tổng tham mưu trưởng USAAF đã viết rằng: “Tôi chưa bao giờ biết câu chuyện thật ở Phi Luật Tân. Nhưng kết quả của cuộc tấn công ai ai cũng đồng ý: 18 trong tổng số 35 chiếc B17, pháo đài bay tối tân nhứt của Hoa Kỳ vào thời đó bị hủy diệt, 35 chiếc P40 Curtiss, 3 chiếc P39 Cobra, khoảng 30 phi cơ quan sát mọi loại và nhiều oanh tạc cơ hạng nhẹ cũng bị thiệt mất.” Như vậy, “sau một ngày của cuộc chiến”, Arnold viết, “với năng lực bị cắt xén hết phân nửa, Không Lực Viễn Ðông của Hoa Kỳ (Far East Air Force) không còn được xem là một lực lượng chiến đấu hữu hiệu nữa.” Thiệt hại của Nhựt Bản: 7 chiến đấu cơ.

Tuần dương hạm Jintsu (Thần Ðạo) và khu trục hạm Hatsukaze (Nhất Phong) và chiếc tàu của tôi rời lực lượng đặc nhiệm để hướng đến cửa vịnh Davao kết hợp với bốn khu trục hạm vừa trở về sau chuyến đi không kết quả. Tất cả các tàu gặp nhau vào lúc 2 giờ. Tôi đã sửng sốt khi nghe đài phát thanh công bố kết quả vượt mức của hai cuộc tấn công ở Trân Châu Cảng và phi trường Clark. Không thể nào ngờ được đó là sự thật hoàn toàn.

Tuy nhiên, tôi tỉnh táo ngay do sự xuất hiện của một oanh tạc cơ B24. Chiếc phi cơ bay cao khoảng 30,000 bộ và hình như đã phát hiện các tàu của chúng tôi. Ðề đốc Tanaka quyết định thi hành kế nghi binh trước khi kết hợp với hàng không mẫu hạm Ryujo, nhằm ngăn ngừa oanh tạc cơ Hoa Kỳ khám phá ra sự hiện diện của hàng không mẫu hạm này. Chúng tôi đổi hướng 180 độ và chạy với tốc độ 18 hải lý một giờ, sau đó đổi hướng 90 độ và gia tốc lên 21 hải lý, trước khi xoay trở lại 60 độ để gặp gỡ Ryujo.

Hàng không mẫu hạm Ryujo

Chiếc B24 vẫn bay trên đầu, nhưng không có ý định tấn công, và cuối cùng chiếc phi cơ mất dấu các tàu của chúng tôi trước khi chúng tôi hướng về vị trí sơ khởi. Chiếc oanh tạc cơ này là một bí ẩn khác đối với tôi. Không sao biết được nó xuất phát từ đâu và định làm gì?

Vào lúc chúng tôi trở lại phía Ðông San Augustin 50 dặm, tôi và hạm trưởng khu trục hạm Hatsukaze nhận được lịnh mới. Theo đó, chúng tôi chạy đến Legaspi để kết hợp với hai tuần dương hạm Nachi và Myoko lúc đó đang di chuyển phía trước chúng tôi. Hàng không mẫu hạm Ryujo và 2 khu trục hạm hộ tống đã hướng về Palau, và soái hạm Jintsu của Ðề đốc Tanaka cùng 4 chiếc khu trục hạm chạy tiếp sau.

Tôi ở trong hải phận Legaspi một tuần lễ với nhiệm vụ tuần tiễu và chống lại các tàu ngầm cùng các tàu trên mặt biển mang quân tăng viện của Hoa Kỳ. Không thấy gì hết, nhiệm vụ thật đáng chán, nhưng tất cả chúng tôi đều biết sự giữ gìn hải vực hậu phương nầy rất quan yếu, có tánh cách hỗ trợ cho cuộc hành quân đổ bộ chánh của Nhựt lên Luzon.

Trong khi thi hành nhiệm vụ này, khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ bắt đầu từ 5 giờ 10 chiều ngày 9 tháng 12, thích thú duy nhứt của tôi là hiệu thính viên nhận một công điện đánh đi từ tiềm thủy đĩnh I-65 báo cáo việc phát hiện 2 chiến hạm Anh đang hướng mũi về đoàn tàu chuyển quân đổ bộ của Nhựt lên Mã Lai Á. Sau đó, truyền tin của tôi chuyển đến các báo cáo tin tức về cuộc tấn công của Nhựt chống lại thiết giáp hạm nặng Prince of Wales và thiết giáp hạm nhẹ Repulse của Hoàng gia Anh. Mồ hôi tôi đổ như tắm khi tôi đọc hết công điện này sang công điện khác liên quan đến trận chiến cách tàu của tôi 1,000 dặm.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Thoạt đầu cuộc tấn công đã gây cho tôi cảm giác phức tạp. Ðó là cảm giác lẫn lộn kính nể và cảm phục mức độ dàn trận nhanh chóng của hải quân Anh, đồng thời tôi bỗng thấy hăng hái chiến đấu và mong muốn thử sức ngay với kẻ thù. Nhưng ý nghĩ tham dự vào trận đánh đang diễn ra chỉ có tánh cách ước muốn thuần túy, vì tôi không thể nào rời bỏ nhiệm vụ riêng ở đây.

Khi các báo cáo sơ khởi của cuộc tấn công vào các tàu chiến Anh được gởi đi, tôi đã quan tâm rất nhiều. Lúc đó Nhựt chỉ có một khu trục hạm và 2 thiết giáp hạm trong hải phận Mã Lai Á. Ðó là 2 chiếc Haruna và Kirishima, cả hai đều 27,500 tấn. Ðược đóng năm 1912 và 1913, đó là 2 thiết giáp hạm nhiều tuổi nhứt còn hoạt động trong Hải quân Nhựt. Tôi đã nghĩ 2 chiếc tàu này không thể chịu nổi bất kỳ một đấu pháo nào với 2 thiết giáp hạm Prince of Wales “không thể chìm” và Repulse “võ trang tận răng” của Anh quốc. Chiếc Prince of Wales 44 ngàn tấn, hạ thủy 1939 mới tinh, 10 đại bác 360 ly trong lúc chiếc Haruna chỉ có 8 pháo 356 ly. Chiếc Repulse nặng 32 ngàn tấn với 6 đại bác 380 ly trong lúc chiếc Kirishima chỉ có pháo 356 ly. Ðiều cần biết là tầm xa của pháo 380 ly là 41 cây số, trong lúc pháo 360 ly chỉ bắn xa 32 cây số. Ngay cả khi đó là “lý thuyết tác xạ” thì chênh lệch vẫn quá lớn.

Trận bão “công điện” từ vùng phụ cận Mã Lai Á thổi đến hỗn loạn. Ðề đốc Shintaro Hashimoto (Tư lịnh Phân Hải đoàn 3 Khu trục hạm) báo cáo rằng các chiến hạm của ông gặp khó khăn khi chạm trán sơ khởi với các chiến hạm Anh. Tiềm thủy đĩnh I-62 lúc 4 giờ 30 sáng qua báo cáo thứ 10 cho biết đã mất dấu 2 thiết giáp hạm Anh vì gặp phải mưa bão dữ dội. Sau đó, liên lạc vô tuyến giẫm chân lên nhau, và các hệ thống truyền thanh cũng nghe không rõ.

Ðiều đáng lấy làm lạ là lúc ấy không có một chiến hạm nào của Hoa Kỳ xuất trận để chống lại chúng tôi ở Phi Luật Tân. Hiện thời chỉ có hải quân Anh quần thảo với chúng tôi trên tất cả các hải phận trong khu vực. Bầu trời bỗng nhiên quang đãng vào lúc 2 giờ trưa, và chúng tôi bắt được công điện này: “Không có phi cơ hộ tống nào được nhìn thấy bay trên các tàu chiến Anh.” Sau đó thêm nhiều công điện dồn dập cho biết diễn tiến của cuộc tấn công:

“Phi đoàn 22 oanh tạc thiết giáp hạm địch lúc 2 giờ 20.”

“Thiết giáp hạm địch bị trúng ngư lôi do phi cơ thả xuống lúc 2 giờ 30.”

“Ngư lôi của phi cơ trúng trực tiếp vào thiết giáp hạm địch lúc 2 giờ 40, và hiện chiếc tàu này nghiêng hẳn về tả mạn.”

“Một trong 5 khu trục hạm địch bốc cháy.”

“Một thiết giáp hạm địch nổ tung và chìm lúc 2 giờ 50.”

Bấy giờ tôi ngơ ngác, không tin những gì đã xảy ra. Phi cơ Nhựt đã đánh chìm hai chiếc Prince of Wales và Repulse!!

Tôi không bao giờ tin thành công của cuộc tấn công Trân Châu Cảng là do khả năng hoàn toàn của không quân, bởi vì lúc ấy địch quân bị đánh trong lúc bất ngờ. Trong tư cách một chuyên viên khu trục hạm, cái nhìn của tôi quá hạn hẹp. Nhưng bây giờ tôi thật sự xúc động qua chiến thắng mà tôi đang theo dõi. Tôi không ngờ khả năng của phi cơ Nhựt đã đạt đến mức ấy, đã có thể đánh chìm thiết giáp hạm bọc thép dầy 379 mm! Với chúng tôi, những sỹ quan hải quân, mỗi thiết giáp hạm là một pháo đài, một tòa thánh! Một kim tự tháp trên mặt biển chỉ có thể bị đánh đắm bởi một thiết giáp hạm khác…

Nhưng sự cố chấp của tôi vẫn không thay đổi, ngay cả sau trận đánh ngoạn mục ở Mã Lai Á, tuy niềm tin bị lung lay chút ít. Tôi tin rằng hoạt động của phi cơ thường bị thời tiết gây trở ngại, các tàu chiến vẫn phải giữ vai trò then chốt, bất chấp mọi thời tiết. Do đó, trong khi tôi bắt buộc phải tin phi cơ đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh, tôi vẫn bướng bỉnh cho rằng các khu trục hạm mới thực sự giải quyết các trận đánh trên mặt biển.

Sự bướng bỉnh nầy có thể là một thái độ tốt, vì nó gây cho tôi niềm tin đặt vào các khu trục hạm, khiến tôi càng thêm cố gắng “ghi điểm”, và còn sống sót sau nhiều trận đánh dữ dội nhứt.

Tôi nghiên cứu kỹ lưỡng chiến thắng Mã Lai Á của chúng tôi ngoài khơi Kuantan phía Tây biển Nam Hải mà không ngờ rằng vào cuối cuộc chiến Nhật Bản sẽ mất một thiết giáp hạm nặng với một tuần dương hạm nhẹ trong cùng hoàn cảnh, và thuyền trưởng chiếc tuần dương hạm ấy lại là tôi.

Tuần sau:  Chương XII  

Đổ bộ lên Phi Luật Tân

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships