Vào năm 1921, cựu Tư lệnh không quân Ý, tướng Giulio Douhet thiết lập chiến lược oanh kích trải thảm qua lý thuyết Khống chế Không Trung (IL Dominio dell’Aria). Cho mục đích phá hủy sản xuất của đối phương và triệt hạ tinh thần dân chúng của kẻ địch. Douhet nhấn mạnh: Không thể phân biệt quân nhân với thường dân dưới thảm bom.

Lý thuyết trên được Hoa Kỳ xem là kim chỉ nam và áp dụng trong suốt thế chiến.

Không tập hải cảng Hamburg Đức của 8th Air Force (US Air Forces Strategic) vào tháng 7-1943 giết chết 43,000 thường dân, 80,000 bị thương và 350,000 nhà cửa bị phá hủy. Không tập Dresde vào tháng 2-1945 gây thêm 56,000 thương vong. Đến không tập Đông Kinh vào tháng 3-1945 là cuộc tàn sát: 130,000 dân Nhật tử vong trong đường kính 16 square miles. Nếu mục đích hủy diệt kỹ nghệ sản xuất của kẻ thù đạt được, thì mục đích triệt tiêu ý chí đối phương mà Douhet đề ra là một thất bại. Tại Đức, cũng như tại Nhật, binh sĩ cùng dân chúng của cả hai dân tộc Đức-Nhật chống cự đến cùng.

Hoa Kỳ không áp dụng phương thức “trải thảm bom” tại Cao Ly, Bắc Việt, Ba Tư và A Phú Hãn.  [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 36

Chương 32

Trở về Yokosuka, chúng tôi trải qua bốn mươi giờ mệt mỏi và mất ngủ trên xe lửa.  Chúng tôi phải ngừng lại hơn hai mươi lần để đổi hỏa xa. Bên ngoài, các đô thị lúc ấy đang nhận sự trừng phạt nặng nề của oanh tạc cơ địch. Chúng tôi lướt qua những khung cảnh hoang tàn, đổ nát, dọc theo thiết lộ. Hai mươi chuyến hỏa xa dằn xóc trên những băng ghế gỗ làm Hatsuyo mệt lả. Ưu tiên chiến tranh khiến các toa hành khách không còn chút tiện nghi nào và chúng tôi bị nhồi nhét như nêm thuốc đạn. Hatsuyo xanh mướt vì mệt nhưng không một lần than van, nàng luôn mỉm cười trìu mến mỗi một khi tôi đăm chiêu nhìn nàng với đầy âu lo. Bằng giọng nói nhỏ vì kiệt sức, Hatsuyo vẫn giữ sự âu yếm, cố gắng nói với tôi là nàng vẫn khỏe cho tôi an tâm. Nhưng tôi biết nàng mệt lắm. Chúng tôi, những phi công đã trải qua khóa huấn nhục khắc nghiệt ở Tsuchiura, đã trải qua gian khổ ở Lae, Rabaul và Iwo Jima thì đoạn đường thiết lộ dài 820 cây số từ đảo Shikoku, từ Matsuyama-shi, Tùng Sơn Thị về đến Yokosuka xuyên qua Kobé, Osaka, đế đô Kyoto, Nagoya rồi Shizouka thì có thấm gì. Tôi có thể chịu đựng hơn thế nữa như đã chịu đựng cuộc mổ mắt không thuốc tê ở bệnh viện hải quân. Nhưng với Hatsuyo thì khác, nàng được chú thím tôi cưng chiều và đã sống cuộc sống đầy đủ trong yên ấm ít ra ngoài cho đến khi lấy tôi. Hatsuyo ít biết gì khác ngoài những buổi tập dương cầm, đến trường học hay cùng phụ thím tôi nấu ăn và tập luyện cho em Michio may áo. Ngay cả công việc của nàng trong phân xưởng trong nỗ lực chiến tranh của nước Nhựt cũng không quá nặng nhọc, chỉ là may quân phục cho quân nhân. 40 tiếng đồng hồ đối với một thân thể mảnh mai như Hatsuyo, trên một băng gỗ không nệm, cứng còng và thậm chí rất ít không gian để nhúc nhích vì trước mặt, hai bên cạnh chúng tôi là hàng núi người khác, là một thử thách. Sự nhọc nhằn đó hiện lên trên khuôn mặt của nàng, cho dù nàng hết sức che giấu cho tôi không lo lắng. Cũng trên đoạn đường này tôi tự hỏi có phải mình đã làm đúng khi cưới nàng, tôi đem đến cho nàng được gì, ngoài góa bụa? Thần chết vẫn hãy còn trước mặt.

Xem thêm:   Hang gấu

Xe hỏa dừng ở Shiga, rồi Toyota-Aichi. Xuyên qua các đô thị là cảnh tượng hãi hùng của từng dãy chung cư cháy đen. Các khu phố còn những vách tường mang màu úa nếu chưa là những đống gạch vụn phủ ngập tro trong không khí. Nhiều hành khách phải lấy khăn che mũi vì khí quyển trở nên nồng rát. Tôi tự nhủ mùi diêm sinh của Iwo Jima…

Toa tàu lại rục rịch chuyển bánh. Mỗi khi xe lửa rời một ga là như cất đi một sự nặng trĩu nhưng những cảnh quan điêu tàn vừa nãy sẽ lại tái xuất hiện ở ga tiếp theo. Xứ sở chúng tôi bị tàn phá không một chút thương tiếc. Tôi ý thức rất rõ là không cách gì, không một cách chi có thể ngăn sự hủy diệt mỗi ngày một thêm trầm trọng.

Nhưng chúng tôi đã kinh ngạc xiết bao khi nhìn hải cảng to lớn Yokosuka vẫn còn nguyên vẹn. Thật lạ lùng, người Mỹ đã tránh né Yokosuka, trong khi hơn 140 thành phố khác bị họ thiêu rụi sạch và san bằng;  nhiều nơi không có giá trị chiến lược nếu đem so với phố cảng được xem là pháo đài hải quân này.

Có lẽ do Yokosuka không còn một chiến hạm hoặc hàng không mẫu hạm nào để làm mục tiêu cho phi cơ địch dội bom. Tôi chỉ thấy loại thuyền máy nhỏ chạy ngang chạy dọc đang thao dược trong hải cảng vĩ đại. Ðây là những chiếc ca-nô giống như loại phi cơ Kamikaze. Mỗi chiếc đều chất đầy chất nổ với nhiệm vụ đâm đầu vô chiến hạm địch để cùng hủy diệt. Một lần nữa Nhựt Bản phải trả giá đắt về sinh mạng. Nhưng sẽ có bao nhiêu kẻ thù chết vì loại ca-nô nhỏ bé này?

Hải quân cấp cho chúng tôi một căn nhà ba phòng gần phi trường Oppama, ở phía Bắc Yokosuka. Ðời sống của chúng tôi thiếu thốn mọi bề. Hatsuyo đã xoay sở hết cách trên số thực phẩm quân tiếp vụ ít ỏi của chúng tôi. Thức ăn dành cho sĩ quan và binh sĩ không còn khác nhau. Ðã hết tiêu chuẩn. Các kho tồn trữ của Yokosuka trống rỗng vì thiếu cung cấp và vì hàng hóa đã trưng thu cho chiến trường. Tất cả các hợp tác xã và câu lạc bộ cũng đã cạn nhu yếu phẩm từ lâu. Hầu hết các tiệm buôn trong thành phố đều đóng cửa. Mặc dù thoát khỏi các cuộc không tập nghiền nát như đã xảy ra ở các thành phố khác, Yokosuka cũng ảm đạm và thê lương. Lác đác dân chúng suy nhược vì đói ăn, bước nặng nhọc trên đường phố.

Oanh tạc cơ B29 vẫn tiếp tục tấn công với số lượng đông đảo hơn, thả bom nhiều hơn. Những cuộc không tập mà chúng tôi nghĩ khủng khiếp nhứt, ngay hôm sau bị vượt quá mức độ kinh hoàng. Bom lửa, rớt xuống từ không trung hàng triệu quả, gây ra những đám cháy khổng lồ vượt trên thảm kịch của Dresde và Hamburg.

Vào đêm 10 tháng 3-1945 khắp nước Nhựt rúng động bởi cuộc không tập Ðông Kinh. 334 siêu pháo đài bay B29 san phẳng 30 cây số vuông thủ đô. Theo tin tức, có hơn 130,000 người thiệt mạng.

Nguyên thủy, Lục quân lãnh trách nhiệm ngăn chặn các oanh tạc cơ địch trên lĩnh thổ Nhựt, còn Hải quân phụ trách vành đai, nhưng trong thực tế Lục quân không bao giờ hoàn tất nhiệm vụ. Hiện tại, trách nhiệm bảo vệ quê hương nằm hoàn toàn trong tay Hải quân. Mỗi ngày chiến đấu cơ của chúng tôi đều đụng độ với oanh tạc cơ B29, và mỗi ngày hiệu năng mỗi giảm đi. Phi công chúng tôi đã tận lực, nhưng tận lực chưa đủ để chống các siêu pháo đài bay.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Từ Atsugi gần Yokosuka, các chiến đấu cơ Lôi điện Raiden cất cánh thực hiện nhiều phi vụ nghinh chiến pháo đài bay B29 với vài kết quả khả quan trong một giai đoạn ngắn. Sau đó, địch quân tung chiến đấu cơ P-51 Mustang hộ tống đông đảo B29 trong các cuộc không kích vào ban ngày. Chiến đấu cơ Raiden bó tay trước những chiếc Mustang vượt trội nhiều mặt. Hầu như mỗi ngày đều có chiến đấu cơ mới của chúng tôi bị cháy, cánh đứt lìa, phi công thiệt mạng.

Trong cuộc tàn sát khủng khiếp này, một phi công sáng chói xuất hiện, một người có khả năng bay siêu quần. Trung úy Teimei Akamatsu, một phi công khác biệt hẳn với các đồng đội, khác biệt có thể nói như đêm với ngày. Một phi công chiến đấu không cần sách vở, một loại anh hùng rơm, ồn ào và luôn luôn vui vẻ. Akamatsu gia nhập hải quân trước tôi gần mười năm, nhưng thăng cấp chậm chạp nếu so với những phi công khác có cùng một thời gian phục vụ. Thật ra, hắn bị giáng cấp nhiều lần, và bị đe doạ cho giải ngũ vì lý do hạnh kiểm. Hắn vẫn không cải hoá, nhưng phải công nhận đó là một thiên tài trên không, và do đó, hải quân phải miễn cưỡng sử dụng hắn.


Ghi chú quân sự:

Khu Trục cơ Mitsubishi A7M Reppu “Liệt Phong”

Chiều dài: 10.99 m, Sải cánh: 14 m

Tốc độ tối đa: 630 km/g 

Trọng lượng: 4,700 kg

1 động cơ công suất 2000 lực

Trần bay: 10,900 m, 12,000 m theo Sakai

Tốc độ lên cao: 1,600 m/phút

Tầm xa: chưa kịp kiểm định

2  đại liên 13 ly, 2 đại bác 20 ly

Số máy bay chế tạo: 10 chiếc, 7 theo Sakai

Khu Trục cơ tầm xa North American P-51 Mustang

Chiều dài: 9.83 m, Sải cánh: 11.28 m, Tốc độ tối đa: 703 km/g, 

Trọng lượng: 4,175 kg, 1 động cơ công suất 1695 lực

Trần bay: 12,770 m, tầm xa: 2656 km 

Tốc độ lên cao: 975 m/phút

6  đại liên 12 ly 7, 2 bom 450 kg, 6 rocket 127 ly

Số máy bay chế tạo: 15,875 chiếc


Hạnh kiểm của Akamatsu đã làm cho các sĩ quan thượng cấp của hắn muốn chết giấc. Trong các phi vụ, thay vì chờ đợi và nghe thuyết trình như những người khác, hắn nằm lì trong nhà điếm với một hệ thống thông báo riêng, và thường chạy như giông như gió ra sân bay trong một chiếc xe hơi cũ kỹ, một tay cầm lái, một tay cầm chai rượu. Trên không trung, hắn cũng làm loạn như ở dưới mặt đất, và đó là phi công duy nhứt đạt chiến thắng khi đụng độ với cả hai loại chiến đấu cơ Mustang và Hellcat. Với chiến đấu cơ Raiden trong tay, Akamatsu đã bắn rơi có hơn 10 chiếc cả hai loại phi cơ địch được coi là tuyệt hảo này, một hiển hách ít ai khác có thể với tới.

Akamatsu chiến đấu liên tục hơn sáu năm ở Trung Hoa, rồi sau đó chiến đấu khắp nơi trong khu vực Thái Bình Dương, và thường thường trở về căn cứ với chiếc phi cơ bị bắn tả tơi, vừa cười vừa la hét vang dội.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Chính Akamatsu cũng không biết hắn đã bắn hạ được bao nhiêu phi cơ tất cả. Khi nhậu say, hắn đấm tay lên bàn và rống lớn rằng mình đã thổi bay xuống đất ít nhứt 350 phi cơ Ðồng Minh. Hắn không bao giờ khoe khoang như thế khi còn tỉnh táo. Nhiều phi công khác từng chiến đấu với hắn và còn sống sót sau cuộc chiến đã điều chỉnh con số này xuống khoảng 50.

Tôi thường thấy Akamatsu đáp xuống Oppama vì thiếu xăng, không bay về tới căn cứ Atsugi. Mọi người trên mặt đất lấy làm phấn khích khi nhìn thấy hắn bước xuống phi cơ, gí mũi của hắn vô mấy lỗ đạn, và luôn luôn nhe răng cười. Thấy tôi hắn thét lên và chĩa nhiều ngón tay lên trời, cho biết con số phi cơ mà hắn đã hạ trong ngày hôm đó.

Ðã hơn một lần Akamatsu cất cánh thực hiện một phi vụ gồm từ năm đến tám chiếc Raiden, và hắn là phi công duy nhứt còn sống sót sau các trận đánh. Các chiến đấu cơ P-51 Mustang là những con mồi mà hắn khoái nhứt, và hắn tỏ ra kính nể các chiếc Mustang thật lòng.

Akamatsu sống sót sau chiến tranh, hiện thời hắn làm chủ một quán ăn nhỏ ở Kochi, thành phố sinh quán của hắn trên đảo Shikoku (lúc này là năm 1956, vài năm sau Akamatsu chết vì bệnh ung thư gan).

Căn cứ không quân Oppama là một phi trường thử phi cơ chánh. Tôi không có cơ hội để chiến đấu trở lại, vì vị chỉ huy trưởng căn cứ cho rằng kinh nghiệm lâu năm của tôi có ích lợi trong việc thử nghiệm các loại phi cơ mới hơn. Tuy nhiên, tôi biết rằng ra tác chiến lại chỉ là vấn đề của thời gian. Bất kỳ ai có thể bay được, bất kỳ phi cơ nào cất cánh được đều sẽ được quăng ra để chống lại hạm đội đổ bộ của địch quân.

Vào tháng Sáu, tôi được thăng chức Hải quân Trung úy và nhận lịnh trình diện căn cứ Nagoya để bay thử một loại chiến đấu cơ mới. Ðó là chiến đấu cơ Mitsubishi A7M Reppu “Liệt Phong”, có tốc lực mau hơn bất kỳ loại phi cơ nào mà tôi đã từng bay thử trước đây. Với một động cơ cực mạnh và nhiều phương diện khác, có thể nói Reppu vượt xa mọi loại phi cơ của Nhựt Bản lẫn Hoa Kỳ, và theo các kỹ sư chế tạo, nó sẽ chiến đấu hữu hiệu dầu ở cao độ 40,000 bộ, tức là 12,000 thước, là cao độ thích hợp để tấn công siêu pháo đài bay B29 vì trần bay của B29 là 10,000 thước.

Tuy nhiên, các cơ xưởng Mitsubishi, sản xuất chiến đấu cơ Reppu, biến thành đống gạch vụn trước khi công việc sản xuất xúc tiến mạnh. Chỉ hoàn tất được đúng 7 chiếc. Sau chiến tranh, còn lại một chiếc, phi công Hoa Kỳ bay thử loại phi cơ Reppu này đã tỏ vẻ kinh ngạc với sự nhanh nhẹn của nó.

Tuần sau: Chương 32 (Kết) 

Tử chiến với B29 và đầu hàng

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956,

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa War Thunder và minh tinh Haruka Ayase