Hồi ký của Saburo Sakai từng làm biết bao nam sinh của tư thục Lasan Taberd si mê Hatsuyo Hirokawa, thiếu nữ đã đứng suốt nhiều tuần lễ dưới trời Đông buốt giá để xin một ngàn mũi kim thêu trên khăn lụa gửi cho Sakai thắt quanh mình, chứng tỏ lòng thành của cô trước Trời Phật, xin độ trì cho Sakai. Cũng Hatsuyo đã nhẫn nại khẩn cầu hằng đêm cho Sakai an lành và chấp nhận định mệnh: Vào tháng 2-1945 mạng sống của một phi công Nhật gần như là cái chết trước mắt. Nếu không phải trên không trung khi đối mặt với một không lực Hoa Kỳ áp đảo và tối tân hơn, thì cũng là cái chết khi đâm sầm xuống tàu sắt. Kamikaze là lấy cái chết đền nợ nước mà Sakai khó tránh thoát. Dù vậy Hatsuyo vẫn cương quyết khi bước chân vào phòng khánh tiết của Không đoàn Matsuyama cất tiếng: “Saburo, em đến đây để làm vợ anh. Em được giáo dục để chết theo một Samurai.”

Hôn lễ cử hành dưới chuỗi bom của các siêu pháo đài bay B29 gầm thét. Sáu tháng sau, bom nguyên tử. “Hạnh phúc một đôi ngày thôi cũng đủ, Saburo.” ước nguyện của Hatsuyo.

Tôi trong số nam sinh Lasan từng ước mơ sau này lớn sẽ một người yêu như Hatsuyo.

[Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 34

Chương 30 (tiếp theo)

Tin tức về cái chết của Nishizawa đã gây cho tôi một dao động kỳ dị. Tôi cảm thấy toàn thân mình run bần bật và những giòng nước mắt không ngừng dâng trào lên từ đáy lòng nhưng chúng khô cạn ngay ở khóe mắt bởi cơn thịnh nộ lớn lao khác. Chấn động khắp châu thân vì phẫn uất làm tôi muốn gào la cho cái chết tức tưởi của Nishizawa trong buồng lái của một vận tải cơ cổ lỗ sĩ bay chậm chạp không quá 350 cây số giờ trước họng súng của những chiếc Hellcat nhanh như cắt. Tôi đã chiến đấu với những chiếc Hellcat có thể lên đến 610 cây số ở Iwo Jima để biết chúng lợi hại vô cùng, làm sao Nishizawa với 21 phi công khác trong một khoang tàu bay nặng nề có cơ may thoát hiểm? Tôi nhớ đến chuyến hải hành đưa chúng tôi, tám mươi phi công từ Bali đến căn cứ Lae trên một thương thuyền cũ nát ọp ẹp không hộ tống có thể bị đối phương đánh chìm bất cứ lúc nào. Tôi nhớ đến chiếc vận tải cơ cũ rích hỏng máy hai bận và lảo đảo cất cánh đưa tôi rời Iwo Jima trong mưa bão về Ðông Kinh. Chúng tôi, những phi công ưu tú của Hải quân đã có thể mất mạng như chơi trong những cỗ quan tài bay này mà không thể tự vệ. Ðến bao giờ các cấp chỉ huy của chúng tôi mới ý thức rằng họ đang tiêu phí sinh mạng của những phi công tài ba nhứt? Ai đã ra lệnh cho Nishizawa lái chiếc Showa đó? Trung tá Nakajima? Trung tá là thượng cấp trực tiếp của Nishizawa nhưng vì sao ông không dám nhận mà nói “Ai đó đã ra lệnh…”. Vì sao? Vì Nishizawa và các đồng ngũ của hắn phải bay đến căn cứ Clark để nhận các khu trục cơ mới nên họ không thể tự lái lấy máy bay của chính họ? Nhưng vì sao không để Nishizawa cầm đầu một toán chiến đấu cơ Zéro hộ tống những phi công khác trong vận tải cơ Showa? Với tài nghệ lanh lợi phi thường của hắn, Nishizawa dư sức bảo vệ chiếc Showa đến đích. Tôi muốn gào la vì giận dữ nhưng ích gì nữa, hắn đã chết.

Tôi chập gót giày chào Trung tá Nakajima và hấp tấp rời văn phòng của ông để tránh sự thái quá vỡ òa. Cơn xúc động theo tôi về chỗ trú khu tiếp tục sôi sục cho đến khi hóa thành một bó đuốc. Như thế, Sasai, Ota, Honda, Nishizawa… các đồng đội chí thiết nhứt của tôi đều đã ra đi. Tôi cũng sẽ ra đi nay mai vì tất cả các phi công phải tự thiêu rụi bản thân mình để cứu quốc. Không còn nhiều thời giờ nữa và mỗi một khắc trôi qua làm cơn tuyệt vọng thêm cùng cực.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Tôi lấy giấy và viết ra. Tôi không thể tự ngăn các động tác của mình tuy tôi rất tỉnh táo. Lý trí ngăn tôi viết nhưng nỗi ưu quốc làm tôi muốn viết, muốn cất tiếng, muốn bộc bạch. Ít nhứt, tôi nghĩ, trước khi chết tôi phải bày tỏ với Hatsuyo những gì mà tôi muốn nói, những gì mà tôi cảm thấy nàng muốn biết. Tôi nhìn trang giấy, bấy lâu nay tôi đã bắt trang giấy trắng tinh không cho Hatsuyo biết đến, lúc này không còn cần thiết nữa. Tôi viết những gì thống thiết nhứt trong lòng mình.

“Hatsuyo,

“Anh đã được chỉ định vào nhiệm vụ chiến đấu trở lại,” tôi viết. “Từ đây trở về sau, Nhựt Bản sẽ phải chống chọi lại với một kẻ thù vượt trội mọi mặt. Hôm nay, anh vừa nghe tin người bạn thân nhứt của anh, Hiroyoshi Nishizawa, đã thiệt mạng ở Phi Luật Tân. Nishizawa là phi công vĩ đại nhứt của xứ sở chúng ta. Anh cảm thấy nếu một người như vầy mà không thể sống sót được thì đối với anh, bất lợi vì mất một mắt, chắc chắn anh sẽ nối bước theo hắn không lâu.

“Có lẽ đây là bức thơ cuối cùng anh viết cho em. Thật là ngại ngùng, Hatsuyo, nhưng mà anh không thể nào chờ đợi lâu hơn nữa để bày tỏ những gì mà anh muốn nói từ lâu.

“Lần nói chuyện cuối cùng vừa rồi, em đã nói rằng anh không hiểu trái tim của một người đàn bà. Em đã sai lầm, Hatsuyo. Sai lầm quá đỗi.

“Em có nhớ lại những ngày thơ ấu của chúng ta không? Những ngày huyền diệu, tràn ngập tiếng cười đùa ấy? Anh và em đã sống như tình ruột thịt, và ngay cả thời gian sau này chúng ta vẫn còn cảm thấy như vậy.

“Những gì mà anh muốn nói với em từ lâu, Hatsuyo, là trong tim anh, em chính là người anh yêu mến nhứt trên quả đất này. Bây giờ, anh biết, anh đã coi em như một người mà anh đặt tình yêu duy nhứt vào đó. Có lẽ nói như vậy thật bậy, có lẽ điều này anh nói ra không phải lối nhưng anh tin rằng hình ảnh của em không lúc nào vắng bóng trong tim anh. Trước đây anh chưa ý thức, nhưng anh đã biết rõ điều đó trong những tháng cuối cùng này.

“Anh đã yêu em từ rất lâu, Hatsuyo, và yêu em sâu đậm. Lúc ấy anh đã chôn giấu tình cảm thật sự của anh. Anh yêu em! Anh đã chờ đợi để thốt ra những lời này từ lâu lắm rồi. Chiến tranh đã dựng lên một hàng rào vĩ đại ngăn cách chúng ta. Anh ý thức rằng tình cảm của anh không bao giờ bày tỏ được, rằng tình yêu này sẽ chôn kín mãi mãi trong lòng.

“Hơn tất cả, chúng ta là anh em họ gần. Có lẽ đó là điều tốt nhứt để đặt cuộc hôn nhân nằm phía bên kia tầm tay của chúng ta. Nhưng bây giờ, anh đã nói ra những gì cần nói. Và bây giờ, tình yêu của anh, Hatsuyo, em là tình yêu duy nhứt mà anh dành cho sự cầu nguyện. Mong em sống dài lâu, mong hạnh phúc thuộc về em mãi mãi.”

Saburo Sakai.”

Sáng hôm sau công việc huấn luyện chiến đấu của chúng tôi vụt sôi động. Các phi công la hét ồn ào, khi họ nhìn thấy hàng mấy chục chiến đấu cơ tân kỳ, loại mới toanh bóng mượt đáp xuống phi trường. Kawanishi N1K-J “Shiden” (Tử Ðiện) là loại chiến đấu cơ mà tôi đã từng bay thử không lâu trước đây. Bọn phi công mừng quýnh khi đưa các chiến đấu cơ mới này rời khỏi mặt đất. Tốc lực cao! Bốn đại bác! Bọc thép! Lướt lên dữ dội! Chúi xuống như chớp!

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Chiếc Shiden là phiên bản thứ nhì của khu trục cơ thử nghiệm Kawanishi “Kyofu” (Cường Phong) nhưng trang bị động cơ mạnh hơn, nó như con chiến mã chờ đợi kỵ sĩ. Các kỵ sĩ la ó vì kích động, đã chấm dứt thời kỳ của những chiếc Zéro thua sút những chiếc Hellcat mọi mặt! Ai ai cũng nóng lòng cất cánh tức khắc để kiểm tra những tính năng tinh diệu của chiếc Tử Ðiện này. “Bọn Hellcat cứ đến đây! Chúng sẽ biết chúng ta bay như thế nào!” Các phi công la oang oang, tinh thần của mọi người lên cao trở lại. Không đoàn Matsuyama khí thế bừng bừng. Ða số các phi công trong tân không đoàn này đã từng tham dự nhiều trận đánh và nhiều người đã hạ trên mười phi cơ địch. Chúng tôi là thành phần kiệt xuất của toàn thể các đơn vị không quân thuộc Hải quân Hoàng gia, điều này giải thích tại sao chúng tôi được cung cấp những phi cơ mới. Cùng với chúng tôi là các tân khóa sinh xuất sắc nhứt tuyển lọc từ các khóa thi tuyển, nên mặc dù rất cần những người tình nguyện sang các đơn vị Thần Phong, các phi công của không đoàn mới này, tập hợp lại, được xem là vũ khí trên không mạnh mẽ nhứt của Nhựt Bản từ trước đến nay, và Trung tá Nakajima đã bác bỏ tất cả những lời thỉnh cầu thuyên chuyển qua các đơn vị Kamikaze.

Hơn mười ngày trôi qua, thời gian thăm thẳm nhưng bức thơ tôi gởi cho Hatsuyo không thấy hồi âm. Tôi không hiểu tại sao nàng không trả lời tôi.

Lo lắng vì nghĩ đã vô tình xúc phạm gia đình chú thím mình do lời lẽ trong thơ quá đường đột, nhưng tôi không thể để cho tình cảm chi phối nhiệm vụ, nhứt là ở hiện tại. Tôi lao vào công tác khái quát đội hình chiến thuật cơ bản nhằm đánh chặn oanh tạc cơ B29.

Ngày hôm sau nữa, Hatsuyo vẫn lặng im. Tim tôi bồn chồn như lửa đốt. Không một người anh họ nào viết thơ cho em họ như thế. Tôi đã phạm lỗi quá lớn!

Vào ngày thứ mười hai sau khi tôi gởi lá thơ, lúc tôi rời khỏi lớp giảng huấn mà tôi vừa dạy về kỹ thuật không chiến, một liên lạc viên hấp tấp chạy đến báo cho tôi biết có hai người khách đang đợi tôi ở phòng khách. Tôi ra khu Tiếp tân ngay lập tức.

Tôi nhìn thấy Hatsuyo và thím tôi đang chờ. Ngay khi tôi bước vô phòng, Hatsuyo đứng bật dậy.

“Saburo, em đến đây để làm vợ anh.”

Tôi kêu lên:

“Hatsuyo!”

Nàng dịu dàng lặp lại, chậm rãi:

“Em đến đây, Saburo, để bàn về cuộc hôn nhân của chúng ta.”

Tôi đứng bất động, không thốt nên lời.

“Nếu anh chuẩn bị để chết, Saburo, em cũng sẽ chuẩn bị như anh. Nếu chúng ta chỉ được một đôi ngày hoặc một đôi tuần bên nhau, ít ra chúng ta cũng sẽ có khoảng thời gian ấy trong tay khi chết. Ðó là ý muốn của Thượng đế dành cho chúng ta…”

Nàng nhìn tôi đăm đăm rồi nói với tất cả quả quyết, điềm tĩnh:

“Chúng ta thuộc dòng dõi Samurai, nếu anh phải chết, Saburo, em được giáo dục để chết theo một samurai. Thì không vì cớ gì mà em không được làm vợ anh. Em đến đây để làm vợ anh, Saburo.”

“Hatsuyo!” Tôi kêu lên lần nữa. Chuyện này khó thể tin là sự thật. Tất cả hoàn toàn kỳ diệu đối với tôi.

Xem thêm:   Hang gấu

Thím tôi góp lời để tác hợp chúng tôi.

“Saburo, không có gì ngăn trở hôn nhân của các con. Chung huyết thống không là vấn đề. Cả hai con đều có thể chất lành mạnh. Tác hợp giữa con với Hatsuyo cũng là ước muốn của chú thím.”

Tôi sung sướng đến phát điên lên. Tất cả như một giấc mộng vụt hiện thực nhưng trước khi bàn xa hơn về hôn lễ, tôi cần phải viết thơ cho má tôi để yêu cầu người ưng thuận. Trong thơ hồi đáp, má tôi cho biết bà rất tán thành nhưng không thể tham dự hôn lễ. Ðường hoả xa hoàn toàn gián đoạn. Trận bom sau cùng đã phá hủy nhà ga Kyushu. Ngay cả thuyền bè cũng tạm ngưng vì không một tàu nào của Nhựt không bị máy bay Ðồng Minh oanh tạc. Má tôi yêu cầu chú thím tôi lo liệu mọi chi tiết cần thiết.

Hatsuyo và tôi kết hôn vào buổi chiều ngày 11 tháng Hai năm 1945, là ngày Quốc Khánh của Nhựt Bản. Hôn lễ cử hành đơn giản. Không một phi công nào tham dự, vì xế trưa hôm đó có báo động không tập. Thay cho ban nhạc là tiếng kèn báo động của hàng trăm loa phóng thanh. Sau lễ lạy tạ chú thím, tôi với Hatsuyo đi bộ trong một phố tối đen vì cúp điện đến một đền Shinto là quốc giáo của Nhựt, để xin ơn trên chứng giám tâm nguyện thành thân của tôi với Hatsuyo.

Tuần trăng mật dĩ nhiên bị gạt ra ngoài vì hoàn cảnh hiện tại. Chủ Nhựt kế đó, chúng tôi mời 50 phi công của Không đoàn Matsuyama tham dự một bữa tiệc để đền bù sự vắng mặt của họ vào đêm hôn lễ của chúng tôi. Các phi công cười rũ vì chi tiết “dàn nhạc giao hưởng” còi hụ ngân vang và siêu pháo đài bay B29 đến chung vui cùng chúng tôi. (Là không tập “thử nghiệm” đầu tiên của B29 dội bom xuống thủ đô, mười ba ngày sau đó 174 siêu pháo đài bay này sẽ thiêu hủy chu vi 2.5 km vuông phố xá Ðông Kinh). Các đồng đội tôi đem đến nhiều rượu saké và thức ăn để bù thêm vào các món ăn mà Hatsuyo cùng với em Michio đã cố gắng hết sức. Họ đem theo cả đàn Bầu, đàn Tây ban cầm và Phong cầm cùng hát bè nhạc vu quy. Họ đồng ca hết bản này đến bản khác để chúc tụng chúng tôi. Các phi công không ngớt ca ngợi nhan sắc của Hatsuyo làm tôi phỉnh mũi vì kiêu hãnh. Rồi Hatsuyo cùng đệm dương cầm chung làm thành ban nhạc sống của đêm thâu. Thím tôi dành cho chúng tôi một bất ngờ, thím lặn lội xuống các miền quê xa tìm mua cho bằng được thịt bê và tôm tươi mà ở Ðông Kinh không còn trông thấy nữa, tôi không biết thím làm cách nào nhưng các đồng đội của tôi đã hưởng ứng nhiệt tình đến bóng láng các mâm đồng trong niềm vui tột cùng của chú thím và ánh mắt long lanh của Hatsuyo. Buổi tiệc kéo dài quá nửa đêm. Thỉnh thoảng Hatsuyo ngó tôi đẵm trìu mến. Ðó là những giờ phút sung sướng nhứt mà tôi chưa từng biết trước đây. Tất cả những hạnh phúc của quá khứ như bị hạnh phúc của hiện tại che mờ hết.

Mắt tôi không lúc nào rời khỏi Hatsuyo. Nàng thật huyền diệu. Nàng là một giấc mơ có thật, một công chúa trong những câu chuyện thần tiên, xinh đẹp tuyệt trần và rực rỡ. Nàng là vợ tôi.

Tuần sau: Chương 31

Tuyên dương công trạng

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956,

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa minh tinh Chương Tử Di và Haruka Ayase