Yêu ai, ai hiểu được lòng
Thầm kín những đớn đau với riêng lòng ta
Ấp ủ lạnh lùng tình yêu kia mà người nào hay.

Yêu ai, yêu cả một đời
Tình những quá khắt khe khiến cho đời ta
Đau tủi cả lòng vì yêu ai mà lòng hằng nhớ
Năm tháng trôi lạnh lùng hoài
Tình đó nhắc nhở luôn đến ta tình ai
Nhớ cả một trời
Tình yêu kia mà lòng nào quên.

Chương 29 của tập hồi ký làm nghĩ đến nhạc phẩm Nỗi Lòng của Nguyễn Văn Khánh! 

[Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 32

Chương 29

Nhiệm vụ thí nghiệm phi cơ đã cho tôi cơ hội thăm viếng gia đình người chú ruột một lần nữa. Tôi rời Yokosuka vào một sáng sớm Chủ Nhựt để đến nhà chú tôi, lộ trình đi ngang qua Ðông Kinh.

Trong thời gian tôi vắng mặt, thủ đô sa sút hơn. Mặc dù từ năm 1942 không có trận oanh tạc nào xảy ra, nhưng phố xá có vẻ buồn tẻ và mất sinh khí. Hầu hết các tiệm buôn đều đóng cửa. Việc này có ý nghĩa rõ rệt. Không có hàng để bán và các chủ nhân vắng mặt, họ vô làm việc trong các cơ xưởng chiến tranh. Một vài tiệm buôn gượng gạo mở cửa, nhưng không còn sắc thái rộn rịp như tôi đã từng thấy trước đây, chỉ lèo tèo vài món hàng meo mốc. Sự phong toả của Ðồng Minh đã làm cho bao tử của Nhựt Bản thắt lại.

Tôi không ngớt đi qua những đám đông công nhân đang phá hủy nhà cửa dọc theo hai bên đường. Hàng mấy trăm người làm công việc này, nhằm dọn những khoảng trống để lửa không bắt qua, phòng ngừa trước các cuộc oanh tạc. Nhiều gia đình bắt buộc ra khỏi nhà, đứng thành từng nhóm nhỏ trên đường, đưa mắt buồn bã nhìn người ta xé nát căn nhà của mình ra mảnh vụn.

Tôi đã từng chứng kiến các trận oanh tạc. Ðối với tôi công tác phá hủy này là một cố gắng đáng thương hại, một nỗ lực hoang phí, ít có hiệu quả trong việc chống lại loại bom cháy.

Hầu hết dân chúng đi trên đường đều mặc đồng phục làm việc, hoặc loại quần áo căn bản của thời chiến, na ná như quân phục. Ðàn ông đã bị động viên hết chỉ còn toàn phụ nữ nhưng tôi không nhìn thấy một người đàn bà nào mặc y phục “Ngày Chủ Nhựt”, những chiếc Kimono màu sặc sỡ thời tiền chiến. Thay vào đó, họ mặc áo thô màu nâu sậm, và quần vải trơn rộng thùng thình.

Mỗi góc phố đều có đàn bà và trẻ con nối đuôi dài ngoằng, kiên nhẫn chờ đợi mua thức ăn. Mặt mày họ gầy tóp và lạnh lùng, chứng minh hùng hồn tình trạng thiếu thực phẩm đang đè nặng lên đời sống dân chúng.

Không phải mọi thứ đều đổi thay. Mấy chiếc loa phóng thanh đặt ở mỗi góc phố vẫn còn xỉa xói vô tai những lời hò hét, ca ngợi các chiến thắng tưởng tượng. Bích chương tràn ngập thành phố, kêu gọi dân chúng sản xuất mạnh mẽ hơn, chịu đựng thiếu thốn nhiều hơn, cho đến khi Nhựt Bản hạ gục đối phương.

Tôi cảm thấy bịnh hoạn. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng mình sẽ được nhìn thấy nỗi khổ tận cùng hằn sâu trên gương mặt của dân chúng Nhựt đến mức ấy.

Tôi chờ nhiều phút trước cửa nhà chú tôi. Có người đang dạo dương cầm… người đó là Hatsuyo chớ không ai khác. Tôi lắng nghe trong giây lát, khúc nhạc đầu tiên của nhiều tháng trước đây. Tiếng nhạc ngưng lại khi tôi gõ cửa. Tôi nghe tiếng chân của Hatsuyo chạy hấp tấp. Và nụ cười của nàng rạng rỡ như tia nắng ban mai. “Saburo! Trời ơi, gặp lại anh thật tuyệt diệu!” Nàng kêu lên. Nàng nhìn tôi chăm chú hồi lâu. “Tất cả gia đình đều cầu nguyện cho anh trở về, Saburo,” giọng nàng êm ái. “Em đã khấn nguyện hàng đêm cho anh lành lặn…”, nàng nhìn tôi mãn nguyện. “Anh trở về rồi đây, và đã trở thành một sĩ quan.” Hai má Hatsuyo hồng thắm sung sướng, sực nhớ đã quên chào, nàng vội khom lưng rồi mở rộng cửa.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Ngôi nhà quen thuộc không có gì đổi khác. Ðối với tôi, vẫn là ngôi nhà đẹp hơn bất kỳ ngôi nhà nào khác, bởi ngôi nhà này là của Hatsuyo. “Em càng ngày càng đẹp,” tôi nói. Tôi không thể ngăn mình ngợi khen Hatsuyo vì nàng thật đẹp. Tôi nói thêm “Em là vật mỹ lệ nhứt mà anh được thấy trong nhiều tháng nay. Nhưng tại sao em ăn mặc như vầy? Em làm anh choá cả mắt,” tôi tỏ vẻ lạ lùng. Nàng mặc một chiếc áo Kimono trang nhã, thẳng nếp và gọn ghẽ trên thân hình mảnh khảnh của nàng. Vải áo sẫm tôn thêm vẻ thùy mị ở Hatsuyo.

Nàng cười ròn tan. “Saburo, thỉnh thoảng em thấy anh giống như một gã ngù ngờ! Anh không biết đây là một trường hợp đặc biệt lắm hay sao? Em mặc áo này là mặc cho anh. Em kiên nhẫn chờ đợi để được mặc nó khi tiếp đón một tân sĩ quan!” Nàng tươi như hoa. “Ðây, anh hãy nhìn hai cái tay áo này!”, “hai tay áo bị cắt cụt phân nửa!”

“Chính phủ ra lịnh cho chúng em cắt ngắn tay áo,” nàng cười thích thú, xoay vòng quanh, hai cánh tay đưa về phía trước. “Anh không biết hả,” nàng thì thầm với dáng vẻ nghiêm trọng, “tay áo dài không thích hợp với tình trạng nguy cấp hiện thời.”, “ống tay ngắn mới làm lụng nhanh chóng!”

Tôi mỉm cười. “Hatsuyo, mọi người đi đâu hết rồi?” tôi hỏi. “Chú thím không có ở nhà hả?”

Nàng lắc đầu. “Chỉ một mình em ở nhà để đón anh, Saburo. Ba em không có ngày nghỉ. Ông tình nguyện tham gia vào công việc bảo vệ quê hương. Ông gia nhập vào Quân đoàn Trừ bị Lục quân và hiện đang thao dược ở một ngôi trường trung học gần đây. Ðêm nay Michio phải làm việc phụ trội trong cơ xưởng.”
Mặt nàng trở nên u ám. “Má em cũng đi khỏi, Saburo. Bà định mua một cái gì đặc biệt để tiếp đãi anh ở… …ở chợ đen.”

Tôi nhìn Hatsuyo. Nếu thím tôi làm như vậy, bà sẽ gặp rắc rối với cảnh sát. “Tại sao thím lại làm như vậy? Tôi lo lắng. “Thím không biết việc gì có thể xảy ra cho thím hay sao?”

“Em biết, em biết, Saburo”. “Nhưng má em cứ muốn được tiếp đón anh một cách chu đáo.”

Tôi lắc đầu. “Hy vọng mọi việc đều êm xuôi. Khi gọi dây nói cho thím, anh có cho thím biết hiện thời không một quân nhân nào đến thăm một gia đình dân sự lại không mang theo phần ăn của mình bao giờ”. Tôi chỉ cho Hatsuyo thấy cái hộp thức ăn tôi mang theo, cũng như nhiều nhu yếu phẩm khác mà tôi đã mua ở Quân Tiếp Vụ.

Hatsuyo bối rối. “Cám ơn anh, Saburo… Em … cám ơn anh.”

Hatsuyo lúng túng, chưa khi nào tôi thấy nàng lúng túng như vậy, điều này có nghĩa là gia cảnh chú thím tôi cũng đã khó khăn nhưng nàng lảng nhanh sang vấn đề khác. “Anh về rồi, em mừng lắm. Hãy đến ngồi đây, Saburo. Ngồi với em đi. Rồi, bây giờ kể cho em nghe mọi chuyện từ ngày anh ra đi. Những gì đã xảy ra ở Iwo Jima? Gia đình không nghe đài phát thanh đề cập đến, chỉ toàn là tin tức về cuộc chiến đấu khủng khiếp ở Saipan.”

Tôi bối rối. Chúng tôi có nhận nghiêm lịnh không được tiết lộ những gì đã xảy ra ở Iwo Jima. Thảm họa mà lực lượng chúng tôi hứng chịu ở đó được xếp vào hàng tối mật, không cho ai bên ngoài quân đội biết đến sự thật xảy ra.

Tôi xoay vấn đề, kể về chuyện những chiến đấu cơ mới mà tôi đã bay thử. “Nếu chúng ta có đủ những chiến đấu cơ mới này, chúng ta có thể lật ngược tình thế,” tôi nói “Với tốc độ phi thường, võ trang hùng hậu, loại phi cơ mới đủ sức tiêu diệt bất kỳ loại phi cơ nào của địch quân.” Tôi nói dối, tôi ý thức được điều đó. Nếu cuộc huấn luyện cứ giữ một mức, với các khoá sinh đâm đầu xuống đất hàng ngày, chúng tôi chỉ có một vài phi cơ may mắn lên được trên không cho tới lúc ra trận.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Sau nửa giờ nói chuyện quanh quẩn mọi thứ, có một vấn đề tối thiết nhứt mà tôi chưa nói. Tôi liếc nhìn dáng ngồi nghiêng của nàng, nhìn điệu bộ khi nàng nói, đôi mắt ngời sáng khi nàng thích thú, đôi má lúm đồng tiền khi nàng cười. Gương mặt ấy, vóc dáng ấy sống trong đầu tôi. Tôi muốn nói với Hatsuyo, nói một mạch không cần suy nghĩ. Tôi yêu nàng. Tôi muốn nàng biết tất cả mọi suy nghĩ của tôi. Hai tháng qua, nhưng đối với tôi hình như chỉ mới một đôi phút đây thôi, khi tôi quay đầu lại và nhìn thấy Iwo Jima tan biến dần ở chân trời thì hình ảnh của nàng hiện đến. Lúc ấy tôi nguyện với lòng rằng, nếu có một phép lạ nào đó mà tôi còn sống sót, tôi sẽ kể cho nàng nghe hết những cảm nghĩ của mình. Tôi yêu nàng. Tôi nghĩ đến nàng hàng ngày dưới chân núi lửa Suribachi, lúc uống nước mưa đầy tro nham thạch, lúc sắp xếp vật dụng tùy thân cho người ta gửi về cho má tôi, lúc bay giữa mưa bão trong mù mịt sa mù… nàng luôn hiện ra, với ánh mắt lúc này, với đôi môi này, sóng mũi này. Tôi đã bất tuân trong phi vụ chót, đã quay trở về vì nàng. Bây giờ… tôi không thể nói!

Không có gì thay đổi cả! Tôi vẫn là một phi công khu trục, cho dù tôi đã bước lên hàng ngũ sĩ quan. Tôi biết, tôi sẽ bay chiến đấu trở lại, và những chiếc Zéro bùng cháy mà tôi đã nhìn thấy rơi xuống trước họng súng của những chiếc Hellcat vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi. Tôi biết, chúng tôi phải đương đầu với những đối thủ vượt trội. Nếu chiến đấu trở lại, tôi sẽ đâm đầu xuống đất và chết cháy. Không biết giây phút nào. Không có gì thay đổi cả! Tôi vẫn là một phi công thương phế binh và phải biết tránh cho Hatsuyo hai chữ góa bụa.

Chỉ mới hai tháng đây thôi, mạng lịnh của của Ðại tá Miura còn vang vang bên tai tôi: “Các anh phải chúi xuống các hàng không mẫu hạm của địch cùng một lúc. Chúi xuống! Cùng với thủy lôi, đời sống và linh hồn của các anh!”, “Các anh không trở về. Các anh đã nhận lịnh xong!” Làm sao tôi có thể kể cho nàng nghe về tử lịnh này, chỉ làm cho nàng thêm hốt hoảng vô ích. Làm sao tôi có thể cãi lịnh thêm lần nữa mà không bị kỷ luật, đưa ra tòa án binh hay tệ nữa, bị đuổi ra khỏi Hải quân với tủi hổ và nhục nhã? Tôi biết tôi sẽ còn nhận tử lịnh khác nay mai khi hoàn cảnh bắt buộc Nhựt dốc hết sinh mạng vào cuộc chiến. Phải tránh cho nàng thành góa bụa, ít nhất là điều tôi còn có thể làm được.

Bỗng nhiên Hatsuyo làm tôi bừng tỉnh. “Saburo,” nàng dịu dàng nói, “Anh có biết Fujiko đã lấy chồng rồi không?”

Tôi không biết. “Sau khi mọi chuyện êm lắng,” nàng nói tiếp, “Fujiko kết hôn với một phi công. Một phi công. Giống như anh.” Nàng thêm, giọng châm chọc.

Tôi muốn nói, nhưng nàng tiếp. “Saburo, tại sao anh chưa chịu lập gia đình? Anh không còn trẻ nữa, anh biết rồi. Anh đã hai mươi bảy tuổi đầu. Anh đã nên người. Anh đã là một sĩ quan. Anh nên lo việc hôn nhân.”

“Nhưng anh đã nói với em, Hatsuyo, anh không quen biết một cô gái nào hợp với anh cả.”

“Anh không yêu Fujiko?”

Tôi không biết nói sao. Một nỗi im lặng nặng nề vây lấy chúng tôi. Hatsuyo bước đến vặn nút chiếc máy phát thanh, bắt giờ nhạc êm dịu buổi trưa. Âm nhạc phá tan không khí nặng nề.

Nàng quay lại và ngồi xuống bên tôi. “Ðược rồi, Saburo” nàng nói, “dĩ nhiên, Saburo, anh cần phải tìm một người vợ thích hợp với anh mọi mặt. Anh cần một người vợ biết chăm sóc cho anh, có đạo đức, lễ phép.”

Xem thêm:   Hang gấu

Hatsuyo đang làm tôi bối rối. Nàng không chịu nhìn đi nơi khác, mắt của nàng cứ nhìn tôi đăm đăm. Nàng nhìn thẳng tôi chờ đợi một lời đáp. Tôi trở nên luống cuống, định nói nhưng miệng cứ ấp úng mãi.

Tôi đứng ngay dậy và bước đến cửa sổ, đưa mắt nhìn ra ngoài. Vườn hoa xinh xắn đã biến mất, thay vào đó là những luống rau.

“Còn nhiều người đẹp hơn Fujiko nữa, Saburo,” Hatsuyo nói. Nàng đã bước đến phía sau tôi, và hiện tại hầu như thân thể nàng chạm vào tôi. “và đoan trang nhu mì như anh muốn.”

“Hatsuyo!” Tôi la lớn. “Anh không muốn nói đến chuyện này nữa!” Cơn thịnh nộ của tôi khiến nàng bất ngờ. “Chúng ta đã nói đi nói lại bao nhiêu lần rồi. Nhưng thực tế không hề thay đổi. Không có gì thay đổi hết. Anh vẫn là một phi công, em biết chớ? Mỗi lần anh cất cánh là có thể anh không bao giờ trở về. Mỗi lần! Mỗi lần! Ðiều đó chắc chắn xảy ra, không chóng thì chầy. Không chóng thì chầy!”

Tôi bực bội và phiền não. Tại sao nàng cứ nói đi nói lại về chuyện hôn nhân? Tôi thấy tôi đáng ghét, do những lời lẽ mà tôi đã thốt ra. Tôi thấy tôi đáng ghét, vì không dám nói ra cảm nghĩ của mình cho nàng nghe.
“Hiện tại không có một phi công nào mà không chuẩn bị để chết, Hatsuyo,” tôi giải thích. “May mắn của chúng anh đặt ra ngoài. Vì không còn may mắn nào nữa. Tài ba vô dụng. Việc này…”

“Anh nói giống như trẻ con. Saburo!” Ðôi mắt nàng bừng lên nỗi giận dỗi. Tiếng nàng trầm xuống đến nỗi tôi phải cố lắng nghe. “Anh cứ nói vòng quanh, và anh không biết những gì anh đang nói. Anh không biết trái tim của một cô gái.”

Nàng giơ tay lên trong một dáng điệu giận dữ. “Anh nói về chuyện bay bổng, anh nói về chuyện chết chóc, Saburo. Anh không biết nói gì khác hơn. Anh không biết nói về sự sống còn. Anh không bao giờ nghĩ đến đời sống.”

Nàng bước đến tắt chiếc máy thâu thanh với một cử động giận dữ. Không thèm để ý đến tôi, nàng ngồi xuống trước chiếc dương cầm, mấy ngón tay uể oải trên phím đàn. Tiếng nhạc thiểu não.

Tôi câm miệng. Nhiều phút trôi qua, tôi đứng chôn chân một chỗ, không nói một lời. Cuối cùng, tôi lên tiếng. “Hatsuyo, anh… anh không biết. Có lẽ, nếu… Ðó là lỗi của anh. Anh có thể làm gì được một khi chúng ta đang ở vào thời chiến?” Tôi nói lớn. “Tại sao em cứ nói mãi vấn đề này?”.

“Gặp em trong ngôi nhà này, như vầy đã là quá đủ đối với anh rồi.” Tôi tiếp. “Anh muốn… anh không biết,” tôi ấp úng. “Tất cả những gì anh muốn biết, tất cả những gì mà anh ao ước là được thấy em vẫn còn sống sót và hạnh phúc.”

Nàng đập mạnh đôi tay lên phím đàn và quay lại. “Em không muốn sống nữa! Sống để làm gì và… và…” Nàng đặt tay lên ngực: “Trống rỗng ở đây? Không một ai trong chúng ta, ngay cả một phi công, ngay cả những người trong ngôi nhà này có thể nhìn thấy trước sự sống còn. Anh không hiểu như vậy sao, Saburo? Anh không hiểu sao?”

Cơn giận của nàng khiến tôi giật mình. “Một người đàn bà chỉ hạnh phúc,” nàng nói thẳng, “một khi được sống với người đàn ông mà mình yêu thương. Cho dù, cho dù chỉ một đôi ngày cũng được.”, “Một đôi ngày cũng đủ, Saburo.”

Nàng quay khuôn mặt bi thiết đi, dồn hết giận dữ lên chiếc dương cầm. Tiếng nhạc oán trách, dữ dội, mạnh mẽ. Tôi đứng như trời trồng, không biết nói hoặc làm gì.

Tuần sau: Chương 30

Thần Phong Kamikaze

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956,

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa ảnh minh tinh Ayase Haruka