Thủy sư Isoroku Yamamoto là vị đô đốc lừng danh đã thiết lập kế hoạch đánh Trân Châu Cảng. Tên ông cũng lừng danh với thảm bại Midway mà các sử gia chê trách quá phương Đông khi dụng binh hư-thực, khiến phân tán lực lượng mà vào thời điểm ấy Nhật Bản sở hữu sức mạnh của số đông. Chiến tranh với Hoa Kỳ phải là chiến tranh của áp đảo bằng số lượng. Thay vì vậy, thay vì tập trung 8 hàng không mẫu hạm, 12 thiết giáp hạm tấn công thẳng vào Wake để nhận chìm 3 hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ của Đô đốc Halsey, Yamamoto đã chia hải lực ra làm bốn đạo, đánh lên quần đảo Aleutian phía Bắc, nghi binh phía Tây, phô trương phía Đông, nhằm nhử Đô đốc Nimitz vào những hải vực giả; khiến thủy lực chính của Nhật chỉ còn 4 mẫu hạm; hướng tấn công chính thức thiếu đi sức mạnh nghiền nát.

Yamamoto cũng bị trách cứ đã không chiếm Hawaii ngay sau không kích, để triệt tiêu dài lâu trạm trung chuyển chính yếu của Hoa Kỳ nằm giữa Thái Bình Dương. Các hải đoàn US NAVY  không thể từ San Diego đến Úc, hay sang Phi Luật Tân mà không tái tiếp tế nhiên liệu ở Trân Châu Cảng. Không kích Pearl Harbor nhưng không chiếm đóng là một lỗi lầm. Tuy nhiên, Yamamoto vẫn được xem là bộ óc của Hải quân Nhật và Nimitz quyết định nhổ chiếc gai. Chương 21, Sakai nhắc đến việc ám sát Yamamoto bằng các máy bay Lockheed P38 Lightning. Việc ám sát thành công không kỳ lạ. Việc kỹ nghệ Hoa Kỳ sản xuất nhanh chóng kiểu máy bay Interceptor tầm xa, trang bị hỏa lực hùng hậu, mới gây kinh ngạc. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 24

Chương 21

Tôi rời khỏi bệnh viện hải quân Sasebo vào hạ tuần tháng Giêng 1943. Những tháng dài điều trị đã chấm dứt. Tôi trình diện đơn vị gốc, Không đoàn Ðài Nam thuộc Không Hạm đội 11, hiện trú đóng ở Toyohashi, miền Trung nước Nhựt.

Tôi từng gia nhập không đoàn này vào tháng 9 năm 1941 ở Ðài Nam, trên đảo Ðài Loan. Trong số 150 phi công rời khỏi Ðài Loan tham gia cuộc tấn công vĩ đại của Nhựt xuyên qua Thái Bình Dương, vỏn vẹn 20 người sống sót. Những kẻ chưa chết làm nòng cốt giúp thành lập một không đoàn mới, quân số phần nhiều là phi công mới tốt nghiệp Tsuchiura và một số trường phi hành khác. Khi tôi đến Toyohashi, Trung tá Tadashi Nakajima đích thân tiếp đón tôi. Cả hai chúng tôi đều không ai nghĩ sẽ gặp lại nhau ở đây, thay vì Rabaul. Nhờ trời, Nakajima vẫn là thượng cấp của tôi. Ông không tỏ vẻ nghi ngờ việc tôi có thể bay lại được hay không.

Ngay ngày hôm sau tôi quay về với tình yêu đầu của mình, chiếc Zéro. Tôi không thể nào diễn tả hết cảm xúc thích thú khi tôi trở lên không trung với chiếc chiến đấu cơ ngoan ngoãn và ngoạn mục này. Nó giống như một giấc mơ. Tôi đã bay thử mọi cách, nhào lộn, lướt thẳng đứng, chúi xuống, rơi như chiếc lá. Không gian khiến tôi ngây ngất.

Trong tư cách một sĩ quan, tôi bắt buộc phải biết qua viễn cảnh mới của toàn thể cuộc chiến. Lính trơn hay hạ sĩ quan không được phép xem các báo cáo mật về chiến trận, hải quân chỉ dành đặc ân cho sĩ quan mà thôi.

Tôi đến Toyohashi nhiều ngày, nhưng Nakajima không nói một lời nào liên quan đến cuộc rút lui khỏi Guadalcanal của chúng tôi vào ngày 7 tháng Giêng năm 1943, đúng sáu tháng sau ngày Hoa Kỳ đổ bộ. Ðài phát thanh đã công bố đây là cuộc rút lui chiến lược, hoặc, phải thâu hẹp các tuyến phòng thủ của chúng tôi, nhưng các phúc trình mật cho thấy đó là một chiến bại choáng váng với những mất mát khủng khiếp.
Cả hai sư đoàn bộ binh trên đảo đã bị địch quân đánh tan tành. Hải quân hầu như mất trọn một hạm đội thời bình. Nằm phơi thân rỉ sét trong bùn ở Guadalcanal ít ra là hai thiết giáp hạm, một hàng không mẫu hạm, năm tuần dương hạm nặng, mười hai khu trục hạm, tám tiềm thủy đĩnh, hàng mấy trăm chiến đấu cơ và oanh tạc cơ, đó là không kể con số phi công khu trục và phi hành đoàn oanh tạc cơ bị chôn vùi theo.
Chúng tôi đã làm gì? Chúng tôi đã tung ra những cú đấm trừng phạt xuyên qua Thái Bình Dương. Chúng tôi đã quét sạch chiến đấu cơ địch hết lượt này sang lượt khác. Các cơ quan tuyên truyền Nhựt đã cho biết như vậy. Nhưng các phúc trình mật từ mặt trận cho biết đối phương có nhiều loại phi cơ mới, còn tối tân hơn loại P-39 Airacobra và P-40 Warhawk.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Lần đầu tiên tôi biết sự thật xảy ra ở Midway vào cuối tháng 6-1942. Bốn hàng không mẫu hạm, và gần trọn 300 phi cơ với hầu hết phi công đã biến mất. Những con số không thể tin được.

Tim tôi như chìm xuống khi tôi nhìn thấy những tân phi công vừa mới được bổ nhiệm. Họ nhiệt thành, thừa can đảm! Nhưng sự nhiệt thành và lòng can đảm không dính dáng gì đến tài ba của một phi công. Những người này thiếu hẳn sự tinh nhạy để đương đầu với phi công Hoa Kỳ càng lúc càng gia tăng số lượng đông đảo chưa từng thấy ở Thái Bình Dương.

Những người có khuôn mặt rạng ngời ấy có thể lấp đầy khoảng trống bỏ lại bởi những phi công lão luyện như Sasai, Honda và Ota không? Công cuộc huấn luyện mà họ phải trải qua ở Toyohashi rất đứng đắn. Từ bình minh cho đến hoàng hôn, các huấn luyện viên chạy theo họ không rời một bước. Những bài học trong lớp cũng như các chuyến bay thực tập liên tục và tất cả những trận đánh trong quá khứ được làm sống lại, nhét vô đầu óc những người mới này. Làm sao giữ đội hình không chiến. Làm sao giữ cần lái cho thật chính xác. Thân thể trở nên gắn liền một khối với phi cơ, biết rung động, biết cảm và biết lắng nghe mọi tiếng động thoát ra từ thân máy bay. Không xem khối sắt như phương tiện nhấc mình lên mà bay bổng như chính thân thể được chấp cánh. Biết cách tiết kiệm xăng trên cao độ nào với vận tốc nào, và phải biết cách nhả từng loạt đạn ngắn bằng cách nhấc ngón tay ra khỏi cơ bẩm đúng lúc để không tiêu hết hộp đạn ngay loạt đầu. Nhưng chúng tôi lại không có đủ thời giờ. Chúng tôi không thể xem xét những lỗi lầm của từng cá nhân một để sửa chữa. Không ngày nào trôi qua mà không có xe cứu thương rú còi inh ỏi chạy xuống phi đạo: một người chúi đầu xuống đất hoặc nhiều người văng ra khỏi những chiếc phi cơ vỡ tan khi cất cánh hoặc đáp xuống.


Ghi chú quân sự:

Interceptor Lockheed P38 Lightning (Tia Chớp)

Trọng lượng cất cánh tối đa: 9,798 kg

2 động cơ 1,600 mã lực, trần bay 7,620 m

Vận tốc tối đa: 667 km/h, đường kính 3,640 km

1 đại bác 20 ly, 4 đại liên 12 ly 7

4 rocket 112 ly, 10 rocket 127 ly, 4 bom 500 cân


Không phải tất cả những phi công mới đều yếu kém. Nhiều người đã tỏ ra có triển vọng nối bước những phi công đại tài thế hệ 1939-1940. Nhưng đáng buồn là họ không có dịp bay nhiều, không thâu thập kinh nghiệm chiến đấu nào, trước khi được tung ra đối đầu với phi công Hoa Kỳ.

Khoảng một tháng sau khi Guadalcanal thất thủ, chúng tôi được triệu tập tham dự một phiên họp gồm toàn sĩ quan để nghe tin tức liên quan đến một thảm họa khác. Tin tức này được duy trì độ mật trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến, và không bao giờ được tiết lộ ra ngoài công chúng. Phía sau các cánh cửa đóng kín, tôi đã đọc và biết rằng một đoàn công-voa của Nhựt bao gồm 12 quân vận hạm, 8 khu trục hạm và nhiền tàu hộ tống nhỏ hơn, mưu toan đổ quân lên Lae, căn cứ không quân cũ của tôi. Có ít nhứt 100 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ địch đã tấn công đoàn công-voa đang lướt trên mặt biển bao la, đánh chìm tất cả quân vận hạm và khoảng 5 khu trục hạm. Thảm họa này lớn hơn thảm họa Guadalcanal, vì nó nêu bật rằng chúng tôi đã bất lực không thể nào chận đứng nổi các cuộc tấn công hiệu quả không thể tưởng của đối phương nhắm vào các hải lực trên mặt biển của chúng tôi.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Vài ngày sau đó, Không đoàn Ðài Nam được lịnh di chuyển cấp tốc đến Rabaul. Trung tá Nakajima hỏi tôi có thể theo ông trở lại Tây Nam Thái Bình Dương được không? Tại sao ông có thể nghĩ là tôi muốn làm khác hơn? Nakajima nói với tôi rằng mặc dù tôi đui mắt bên mặt, ông vẫn xem tôi tài ba hơn bọn phi công tập tễnh. Ðêm đó, Bộ Chỉ Huy đưa ra một danh sách các phi công được thuyên chuyển đến Rabaul, bao gồm tên tôi.

Nhưng chúng tôi đã thất bại trong việc đối đầu với y sĩ trưởng của bịnh viện Toyohashi. Ông ta nổi nóng khi thấy tên tôi trong bảng danh sách. Ông ta bước ào vô văn phòng của Trung tá Nakajima và để cơn giận bốc lên trước mặt vị chỉ huy trưởng đang đầy khó chịu. “Tư lệnh mất trí rồi!”. Ông ta rống lên. “Có phải Trung tá muốn giết người này không? Sao lại cho phép một tên phi công chột mắt ra trận? Tôi không cho phép Sakai thuyên chuyển đến Rabaul!”. Chúng tôi có thể nghe cuộc cãi vã của họ lồng lộng từ phía bên này sân bay.

Nakajima cãi lại rằng tôi còn tốt hơn bọn phi công mới, rằng hai mắt hoặc một mắt cũng vậy thôi, đâu có ảnh hưởng gì đến sự khéo léo phía sau những dụng cụ trong phòng lái của một chiếc Zéro, mà cũng không thành vấn đề đối với kinh nghiệm chiến đấu lâu dài của tôi. Vị y sĩ trưởng không nhượng bộ. Bấy giờ Nakajima nổi nóng. Họ cãi qua cãi lại mấy tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng vị y sĩ trưởng bước ra khỏi phòng trong vẻ đắc thắng. Ông ta đã thuyết phục được Nakajima thay đổi ý kiến.

Tôi chạy ùa vô phòng của chỉ huy trưởng, van nài ông duy trì ý định. Lần đầu tiên ông nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, ông cố nói, nhưng mặt ông càng lúc càng đỏ bừng. Cuối cùng, ông hét lớn, “Im đi!” và bước ra ngoài, miệng làu nhàu rằng tất cả bọn phi công đều điên hết.

Do đó, tôi được chỉ định làm huấn luyện viên phi hành ở căn cứ không quân Omura, gần Sasebo.

Không đoàn Ðài Nam đến Rabaul ngày 3 tháng 4-1943, khoảng một tuần sau, tôi đọc báo cáo tiền tuyến, biết được không đoàn đã thực hiện nhiều phi vụ tấn công quan trọng ở Guadalcanal, vịnh Milne, hải cảng Darwin và nhiều mục tiêu khác. Trong bốn phi vụ, chiến đấu cơ và súng phòng không địch đã hạ 49 chiếc trong tổng số phi cơ của không đoàn.

Hết thảm hoạ này đến thảm hoạ khác. Vào ngày 19 tháng 4, một tin đồn khủng khiếp, được xác nhận không lâu sau đó, lan rộng giữa các sĩ quan. Vào ngày trước đó, Ðô đốc Isoroku Yamamoto, Tổng tư lịnh Hải quân Hoàng gia Nhựt đáng kính phục của chúng tôi đã thiệt mạng. Tôi đọc đi đọc lại phúc trình của vụ này. Theo đó, Ðô đốc Yamamoto đáp một trong hai chiếc oanh tạc cơ Mitsubishi G4M, với 6 chiến đấu cơ Zéro hộ tống, trên đường đi thanh sát mặt trận đã bị 18 chiến đấu cơ Lockheed P38 Lightning hai máy của Hoa Kỳ lướt xuyên qua vòng đai hộ tống, bắn rơi cả hai oanh tạc cơ này.

Và tôi vẫn ngồi ở Omura, với nhiệm vụ huấn luyện bọn phi công mới. Tôi nhận thấy khó thể giữ sự tin tưởng khi nhìn đám tân khoá sinh chạy chập choạng trên phi đạo và lướt vụng về lên không. Hải quân thiếu hụt phi công trầm trọng, các khoá học mở ra hầu như hàng tháng nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu đòi hỏi. Trước khi bị quăng ra mặt trận, có nhiều người chưa rờ đến một cần lái khu trục cơ.
Mọi thứ đều cấp bách! Chúng tôi được chỉ thị dạy vội vàng, bỏ qua những điểm chi tiết. Ðúng hơn là chỉ dạy họ bay và bắn. Nhiều tháng dằng dặc và buồn chán, tôi cố đào tạo những người được quăng đến tay chúng tôi ở Omura thành những phi công chiến đấu. Phương tiện của chúng tôi quá kém cỏi, đòi hỏi quá lớn, thiếu thốn mọi bề và khóa sinh quá nhiều .

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Tôi cảm thấy đang chết lần mòn. Xứ sở của tôi lâm vào tình cảnh bối rối, không còn nghi ngờ gì nữa. Công chúng không biết sự thật này, cả sinh viên sĩ quan lẫn tân binh cũng không biết. Nhưng các sĩ quan đã nhìn tận mắt các báo cáo, ý thức tầm mức nghiêm trọng của tình thế.

Vào tháng 9 năm 1943, tôi đã xúc động khi hay tin một người bạn thiết  của tôi, một trong những phi công vĩ đại nhứt của Nhật Bản, Trung sĩ Kenji Okabe, đã bị bắn rơi và thiệt mạng ở Bougainville. Hắn là bạn đồng khoá với tôi ở Tsuchiura, một “Sát tinh” đã lập được thành tích vô song: bắn hạ bảy phi cơ địch trong một ngày chiến đấu trên không phận Rabaul. Sau thành tích phi thường này, Ðô đốc Ninichi Kusaka, Tư lịnh Không hạm đội 11, có yêu cầu Bộ Tư Lịnh Hải Quân ở Ðông Kinh ân thưởng một huy chương cho Okabe. Không có gì thay đổi. Ðông Kinh đã từ chối dựa trên căn bản “chưa có tiền lệ” giống như lời từ chối được đưa ra cho Ðại tá Saito một năm trước đây. Tuy nhiên, Ðô đốc Kusaka không chịu gạt vấn đề một cách dễ dàng như vậy. Bất cần quyết định của từ Bộ Tư Lịnh ở Ðông Kinh, đô đốc đã ban tặng thanh kiếm chỉ huy của ông cho Okabe, trong một buổi lễ danh dự đặc biệt. Ba ngày sau, Okabe đã bị chết cháy trong chiếc Zéro rơi xuống như cây đuốc của hắn.

Vào tháng 4 năm 1944, sau rất nhiều tháng huấn luyện dài dằng dặc đầy mệt mỏi ở Omura, tôi được thuyên chuyển đến Không đoàn Yokusuka. Trước chiến tranh, việc được bổ nhiệm về Không đoàn Yokosuka là một mơ ước, vì đây là đơn vị không quân phòng vệ cho hoàng gia, có nhiệm vụ bảo vệ không phận Ðông Kinh. Hiện thời, không đoàn này đã đổi khác. Thời gian của những sự bổ nhiệm gọi là “mơ ước thủ đô” đã trôi qua hẳn rồi.

Qua những phúc trình mật, tôi đã lượng định cuộc chiến đúng sự thực của nó. Các phúc trình mật là một tiếng thét lớn hơn tiếng thét của đài phát thanh hướng đến đám quần chúng cả tin. Khắp nơi ở Thái Bình Dương, các lực lượng của chúng tôi thối lui liên hồi. Những lực lượng đặc nhiệm cực mạnh mẽ, những hạm đội đồ sộ không thể tưởng của Hoa Kỳ mặc tình ngao du trên Thái Bình Dương.

Tôi đọc hết phúc trình này đến phúc trình khác, và tất cả đều nói đến sự hủy diệt khủng khiếp do các hạm đội đánh mạnh đánh mau Task Forces này gây ra. Không lực của địch quân càng ngày càng nắm quyền bá chủ trên không. Cả mấy trăm chiếc P38 Lightning xuất hiện cùng lúc, tràn ngập chiến đấu cơ của chúng tôi. Chiến đấu cơ Grumman F6F Hellcat và pháo đài bay tầm xa B29 loại mới của đối phương hầu như ra mặt hàng ngày, và những câu chuyện hài hước liên quan đến khả năng của phi công địch báo hiệu đen tối cho tương lai. Không Hải đoàn Nhựt không có vũ khí nào khác ngoài những câu chuyện hài.

Chúng tôi vẫn còn giữ vững Rabaul, nhưng pháo đài có lần được coi là kiên cố này, không còn mảy may đe doạ nào đối với Moresby và các căn cứ khác của đối phương. Người Mỹ đang sử dụng pháo đài này để thực tập dội bom.

Kỳ sau: Chương XXII

Tình yêu của Hatsuyo

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa từ trang War Thunder