Cánh thư đầu tiên của Hatsuyo viết cho Sakai không là thư tình mà nhằm mai mối cô bạn xinh nhất lớp cho Sakai. Một tình cảm cao thượng nói lên sự trìu mến và kính phục của Hatsuyo dành cho người anh họ của mình. Có thể trong thâm tâm Hatsuyo biết hôn nhân cùng huyết thống tuy không cấm chính thức nhưng thường bị dị nghị nên tránh nghĩ đến, hoặc tình yêu sẽ đến chậm rãi hơn khi cả hai cùng ý thức rất gắn bó… Những trang hồi ký viết từ một phía, phía Sakai, không cho thấy rõ tình cảm nảy nở trong tâm tư Hatsuyo khi nào, vì tất cả chìm dưới trận bom của oanh tạc cơ Nga Sô Ilyushin. 

Ngày 3 tháng 10-1939 đi vào lịch sử chiến tranh Trung-Nhật khi Thượng úy Kulichenko chỉ huy phi đội 12 chiếc Ilyushin DB-3 của Chí Nguyện đoàn Sô-Viết ném bom căn cứ Hán Khẩu. Phía Nhật là một bất ngờ, vì cho đến khi ấy đường kính của phóng pháo cơ SB Tupolev ANT-40 không cho phép bay xa. Chi tiết bất ngờ trên, nhìn thấy rất rõ trong hồi ký của Sakai, vì Sakai vẫn tin các oanh tạc cơ Nga hôm ấy là SB Tupolev do chung kích thước với cùng hình dáng hai động cơ. Trong thực tế, từ cuối Hè 1939, 2 phi đội Ilyushin DB-3 đã âm thầm vận chuyển qua cảng Hải Phòng với đồng ý của toàn quyền Catroux và tiền nhiệm Jules Brévié. Là lý do vì sao Nhật Bản quyết chiếm Đông Dương ngay sau đó, để ngăn đường tiếp vận cho quân Tưởng.

So với phóng pháo cơ SB Tupolev ANT-40 chỉ mang được 800 kg bom với tầm xa khứ hồi 2300 km, oanh tạc cơ Ilyushin DB-3 mang 2500 kg bom và đường kính hoạt động 3800 km có thể xuất phát từ Tứ Xuyên tấn công Hán Khẩu cách 1500 km, là một bước ngoặt không kích. Cũng là lần đầu Không lực Nhật Bản thiệt hại nặng trên đất Trung Hoa, tuy không ngăn Lục quân Nhật chiếm Vũ Hán ngay sau đó. Thượng úy Kulichenko bị bắn hạ và tử thương hôm sau khi quay lại oanh kích Hán Khẩu lần nữa. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 5

Chương 5

Vào thời gian này chúng tôi không thể truy ra quốc tịch các phi công lái loại chiến đấu cơ do Nga Sô chế tạo. Có nhiều lý do để tin rằng có một số “phi công chí nguyện Nga” lái phi cơ vượt biên giới để giúp đỡ Trung Hoa, nhưng chúng tôi đã thất bại trong việc nhận dạng xác phi công Nga bên cạnh các phi cơ địch bị bắn hạ. Hải quân Nhật tin tưởng mạnh mẽ rằng có một nhóm phi công “Lê dương” đã gia nhập không lực Trung Hoa. Nhóm phi công này đủ quốc tịch, lái nhiều loại phi cơ khác nhau, vì chúng tôi đụng đầu không chỉ với phi cơ Nga mà còn phi cơ Mỹ, Anh, Pháp và của vài quốc gia khác. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng các phi công Trung Hoa Dân Quốc cũng lái những phi cơ này. Có lần một phi cơ do Hoa Kỳ chế tạo rơi gần Thượng Hải, binh sĩ của chúng tôi vội vã tiến đến nơi và mang về xác của một phi công Mỹ. Giấy tờ trong xác chết đã cho biết như vậy.

Tài nghệ nghèo nàn đáng chán nản của tôi được khỏa lấp bởi việc tôi hạ được chiến đấu cơ Nga Sô Polikarpov I-16. Ngay ngày hôm sau, tôi kẻ ngay một ngôi sao xanh dương trên thân chiếc Claude mà tôi đã lái, như vậy có tất cả 6 ngôi sao. Các phi công Nhật, nhứt là các phi công mới ra trường như tôi, không thực hiện các phi vụ với cùng một phi cơ, bởi lẽ không đủ số. Cứ mỗi khi đến lượt bay, chúng tôi nhảy đại lên chiếc nào có thể sử dụng được. Ðiều này lại hỗ trợ cho các phi công thiếu kinh nghiệm, bởi lẽ phi công địch mỗi khi thấy hàng tá ngôi sao xanh, hoặc nhiều hơn nữa kẻ trên thân phi cơ của chúng tôi, hắn sẽ nể mặt ngay! Mỗi ngôi sao xanh dương là một phi cơ địch bị hạ. Cuộc chiến ở Trung Hoa là một cuộc chiến không thể tin được. Nó không bao giờ được xem là một “cuộc chiến” giữa các lực lượng của chúng tôi. Ðó chỉ là một biến cố Hoa – Nhật. Tôi phỏng đoán lúc người Mỹ tung quân vào Triều Tiên, trong khi Quốc hội của họ không tuyên chiến chánh thức, đó chỉ là một “hành động chính trị” , như chính phủ Nhật đã cảm thấy nhiều năm trước khi xảy ra cuộc xung đột hiện thời. Chúng tôi không tuyên chiến, vì vậy cuộc xung đột chỉ là một “biến cố” đối với chúng tôi. Ngay khi tình thế cho phép, chúng tôi dựng lên một chính phủ bù nhìn dưới sự lãnh đạo của Uông Tinh Vệ, công khai chống đối với Quốc Dân Ðảng của Thống chế Tưởng Giới Thạch. Tuy nhiên, viễn ảnh ngại nhất của cuộc chiến là sự xung đột ác liệt trong xứ giữa các lực lượng Tưởng và Cộng Sản Mao. Cộng Sản Trung Hoa lợi dụng mọi cơ hội chận đánh lực lượng Trung Hoa Quốc Gia khi bị quân chúng tôi đẩy lui.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Các lực lượng trên bộ và trên không của Nhật Bản ở Trung Hoa thường phải đối đầu với chiến thuật biển người. Hàng nhiều đạo quân với cả triệu binh sĩ Tàu cố gắng tràn ngập chúng tôi. Tuy cán cân quân số chênh lệch hẳn nhưng người Trung Hoa hiếm khi nắm được ưu thế, bởi vì binh sĩ của họ huấn luyện kém cỏi và trang bị nghèo nàn. Hết loạt này đến loạt khác, địch quân ùa đến các đơn vị võ trang hữu hiệu của chúng tôi, nhưng chỉ để bị đánh bật ra và rước lấy những thương vong trầm trọng. Ngay cả sự yểm trợ như thác lũ của Ðồng Minh trên phương diện tiếp tế xuyên qua Miến Ðiện, Mông Cổ, Mãn Châu, vẫn không giúp được quân của họ Tưởng hay quân Cộng sản Mao trên chân quân của chúng tôi. Các nguồn tiếp tế này tỏ ra hữu hiệu trong việc giúp họ Tưởng chạy vắt giò về Trùng Khánh, hơn là giúp ông ta tập trung một cuộc phản công xứng hợp nhằm chống lại chúng tôi. Ðúng là một cuộc chiến chỉ có một bên đánh, và tình trạng này kéo dài cho đến khi Nhật Bản đầu hàng Ðồng Minh vào tháng 8 năm 1945.

Tuy nhiên, Nhật không có ý định chinh phục, hoặc không thể chinh phục cả khối người Trung Hoa khổng lồ, và chiếm lấy lãnh thổ bao la này. Thay vào đó, lực lượng của chúng tôi chỉ chiếm lấy những thành phố then chốt tại khu vực chiến lược, cắt đứt hệ thống giao thông của địch quân và góp các sắc thuế của nhiều nông dân Trung Hoa nằm trong thẩm quyền của các lực lượng chiếm đóng Nhật Bản mà thôi. Nhưng bên ngoài các thành phố quan yếu có thành lũy bao quanh, tử thần luôn luôn chờ đợi các đơn vị Nhật Bản. Du kích của họ Tưởng, cũng như của Cộng Sản Mao, phục kích sẵn hết để chờ tiêu diệt các nhóm quân Nhật rơi vào tròng. Có nhiều viên chức Trung Hoa trong các thành phố chiếm đóng làm việc với chúng tôi. Tuy nhiên, bên ngoài họ ton hót và hợp tác rất chặt chẽ nhưng bên trong họ lại tiếp xúc với du kích quân hoạt động ở các vùng quê và miền núi. Nhiều khi các cuộc tiếp xúc như vậy lại được duy trì với sự chấp nhận của các vị chỉ huy Nhật Bản nhằm gây thuận lợi cho nhiều vấn đề cai trị trong các thành phố chiếm đóng.

Quả thật đây là một cuộc chiến kỳ lạ. Nhiều lần thực hiện các phi vụ yểm trợ bộ binh, quang cảnh phía dưới đã làm cho tôi kinh ngạc. Tôi thấy các nông dân Trung Hoa cắm cúi làm ruộng, không để ý đến các trận đánh xáp lá cà hoặc khai hoả vào nhau giữa quân Hoa – Nhật cách đó không đầy 2 cây số. Nhiều lần tôi cũng bay sà trên đường phố của các thị trấn có tường lũy xung quanh đang bị chúng tôi bao vây và pháo kích. Những dãy hiệu buôn dọc theo đường phố vẫn hoạt động, mua bán như thường lệ, mặc dù máu của quân phòng thủ Trung Hoa vung vãi trên mặt đường.
Tuy nhiên, nhiệm vụ ở Trung Hoa không có gì gay go, nếu không nói là đáng chán, đối với các đơn vị không quân Nhật. Hiển nhiên, ưu thế trên không nghiêng hẳn về phía chúng tôi. 16 tháng sau khi tôi đến Cửu Giang (Kiukiang), lực lượng bộ binh của chúng tôi tiến sâu vô lãnh thổ địch quân, đánh chiếm Hán Khẩu (Hankou) dễ dàng và chúng tôi dời đến phi trường ở đây. Lúc bấy giờ báo chí có loan tải vụ tôi hạ được chiếc chiến đấu cơ I-16 của Nga Sô. Má tôi có gởi cho tôi một bức thơ với lời lẽ tràn đầy hãnh diện. Ðiều làm tôi thích thú nhứt là bức thư của Hatsuyo Hirokawa, con gái của chú tôi, hiện thời đã 16 tuổi. Nàng viết cho tôi: “Ba em vừa được bổ nhiệm vào chức Giám đốc Chánh sở Bưu điện ở Shikoku. Em đang theo học trường nữ trung học Tokushima, và anh có thể tưởng tượng được không, là đã có sự thay đổi lớn lao nhường nào giữa Ðông Kinh với Shikoku. Bức thơ hôm trước của anh đã khiến em cực sung sướng và xúc động, và đã làm cho tất cả các bạn em trong lớp đều thích thú. Mỗi ngày tụi em đều chúi mũi trên báo để dò thêm tin tức của anh. Chúng em không muốn bỏ sót tin tức nào về chiến công của anh ở Trung Hoa. Bỗng nhiên, Saburo, em muốn giới thiệu với anh cô bạn thân nhứt của em ở Tokushima, tên là Mikiko Niori. Mikiko đẹp nhứt lớp của em, và cũng học giỏi “số dách”. Ba cô ta dạy học ở đại học Kobe. Trong số mấy cô được em cho coi qua thơ của anh, Mikiko tỏ vẻ thích anh nhứt. Nàng năn nỉ em giới thiệu anh cho nàng đó!”

Thơ có gởi kèm bức hình chụp chung của Hatsuyo và một lá thơ của cô gái mà tôi chưa từng gặp mặt. Cô ta đẹp, đúng như lời Hatsuyo đã nói, và những lời cô ta mô tả về thành phố và gia đình cô ta khiến tôi khoái chí.
Mấy bức thơ gây phấn chấn tinh thần của tôi vô cùng, làm tôi không ngớt ca hát. Tôi nhớ rõ cái ngày vui sướng tột độ ấy, ngày 3 tháng 10 năm 1939, tôi vừa đọc thơ vừa lau chùi mấy khẩu đại liên trên chiếc chiến đấu cơ của mình. Mọi người ở phi trường được nghỉ xả hơi. Còn gì đáng lo? Chúng tôi hầu như đã quét sạch bọn phi công quốc tế và Trung Hoa trong mỗi cuộc đụng độ.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Nhưng không khí an ổn thình lình bị phá vỡ. Còi báo động trên đài kiểm soát hụ vang. Ngay lúc đó, một loạt tiếng gầm thét lướt đến và mặt đất rung chuyển với những làn sóng bom đinh tai nhức óc. Có ai đó thét lớn một cách không cần thiết: “Không kích!”. Không có thời giờ để chạy vô hầm trú ẩn. Tiếng bom nổ kéo thành dây như tiếng sấm liên tục. Khói bốc cao trên phi đạo. Tôi nghe cả tiếng miểng bom lướt vèo vèo qua không khí. Nhiều phi công khác cùng với tôi chạy ra khỏi xưởng cơ khí để chui vô hầm trú ẩn. Tôi bò dưới đất để tránh miểng bom, và sau đó chúi đầu vô giữa 2 bồn chứa nước vĩ đại. Tôi cũng khá mau chân. Một kho súng gần đó nổ tung lên, bao trùm lửa và mấy trái bom như những cây gậy chọc trên mặt đất, nện vào 2 mang tai tôi, và vít tung lên hàng bụm đất vĩ đại. Bom bỗng nhiên dứt tiếng, tôi ngóc đầu dậy để nhìn những gì xảy ra. Tai tôi tràn ngập tiếng la hét, rên rỉ. Những người nằm xung quanh tôi đều bị thương trầm trọng, và khi tôi bắt đầu bò đến 1 phi công nằm gần nhất, tôi nghe ở bắp đùi và mông tôi đau nhói như dao cắt. Tôi đưa tay rờ và cảm thấy máu thấm ướt qua quần. Ðau đớn quá đỗi, nhưng cũng may vết thương không sâu. Ðầu óc choáng váng, tôi gượng đứng dậy và chạy ngược về sân bay. Tôi vừa chạy vừa ngước nhìn lên bầu trời, tôi thấy 12 oanh tạc cơ bay trong đội hình, đảo một vòng thật rộng ở độ cao ít nhất 20,000 bộ. Ðó là loại phóng pháo cơ SB Tupolev ANT-40 hai máy do Nga Sô chế tạo, oanh tạc cơ chánh của không lực Trung Hoa. Hiệu quả vượt bực của cuộc tấn cống bất thần này không thể phủ nhận được. Cho đến khi bom từ phi cơ rơi xuống và nổ tung mọi người mới biết.

Ða số 200 oanh tạc cơ và chiến đấu cơ của Hải quân và Lục quân Nhật đậu san sát dọc theo phi đạo Hán Khẩu đang bốc cháy. Những bựng lửa vĩ đại túa ra từ các bồn chứa xăng nổ tung, biến thành những cột khói trên không. Xăng từ các phi cơ chưa cháy đang thoát ra ngoài qua các lỗ hổng do miểng bom xoi thủng. Lửa bén xăng cháy lan từ phi cơ này sang phi cơ khác. Các oanh tạc cơ nổ bùng như dây pháo và các chiến đấu cơ lóe sáng như diêm quẹt. Tôi chạy quanh dãy phi cơ đang bốc cháy như điên cuồng cố tìm xem còn chiếc nào nguyên vẹn hay không. Một vài chiếc chiến đấu cơ nằm riêng rẽ thoát khỏi cuộc hủy diệt. Tôi leo lên buồng lái của một chiếc, rồ máy và cất cánh tức khắc ngay sau khi ra phi đạo.


Ghi chú Quân sự:

Phóng pháo cơ Nga Sô SB Tupolev ANT-40 biệt danh “Katiousha”

Chiều dài: 12.57 m (41 ft 2¾ in)

Sải cánh: 20.33 m (66 ft 8 in)

Chiều cao: 3.60 m (11 ft 9¾ in)

Diện tích cánh: 56.7 m2 (610.3 ft2)

Trọng lượng: 4,768 kg (10,512 lb)

Trọng lượng cất cánh tối đa: 7,880 kg (17,370 lb)

2 Động cơ 960 mã lực, 716 kW

Vận tốc: 450 km/h

Đường kính: 2,300 km

Trần bay: 9,300 m (30,510 ft)

4 đại liên 7 ly 62 

6 bom 50 kg trong khoang và 2 bom 250 kg dưới cánh

Oanh tạc cơ Nga Sô Ilyushin DB-3

Chiều dài: 14.22 m (46 ft 8 in)

Sải cánh: 21.44 m (70 ft 4 in)

Chiều cao: 4.19 m (13 ft 9 in)

Diện tích cánh: 65.6 m2 (706 sq ft)

Trọng lượng: 5,030 kg (11,089 lb)

Trọng lượng cất cánh tối đa: 9,450 kg (20,834 lb)

2 Động cơ 950 mã lực, 709 kW

Vận tốc: 439 km/h 

Đường kính: 3,800 km

Trần bay: 9,600 m (31,500 ft)

3 đại liên 7 ly 62, 1 đại bác 20 ly 

2,500 kg bom 


Các oanh tạc cơ địch tăng thêm độ cao khi chiếc chiến đấu cơ Claude nhanh nhẹn hơn của tôi đuổi theo ráo riết. 20 phút sau khi cất cánh, hầu như tôi bắt kịp đối phương. Một mình trên không, nhưng tôi không để ý đến điều này. Tôi cũng biết rằng chiến đấu cơ của tôi trang bị yếu, sự đe dọa không đủ trầm trọng đối với 12 oanh tạc cơ địch. Phía dưới tôi là thành phố Nghi Xương (Ichang Shi) nằm cạnh bờ sông Dương Tử, vẫn còn nằm trong tay quân phòng ngự Trung Hoa. Bị bắn hạ ở đây, cho dù thoát chết khi rơi xuống, nhưng không thể nào thoát chết trong tay binh sĩ của họ Tưởng. Nhưng tôi phải tấn công, không thể trì hoãn.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Tôi bay sát đến từ phía sau và ở phía dưới dãy phi cơ địch đang lướt đi. Súng địch khai hoả, nhưng không trúng tôi. Tôi tiến sát hơn nữa, và tập trung hỏa lực vào chiếc oanh tạc cơ bên trái. Khi bay lảng ra và vượt lên trên tôi nhìn thấy khói từ phi cơ địch túa ra. Chiếc oanh tạc cơ rơi khỏi đội hình, bắt đầu mất hướng khi tôi đảo lại và sắp bổ nhào xuống vồ thêm một cú ân huệ. Nhưng tôi bỏ dở lợi thế. Ngay khi đẩy cần điều khiển, tôi nhớ lại Nghi Xương nằm cách phía Tây Hán Khẩu ít nhất là 150 dặm. Nếu tôi truy đuổi chiếc oanh tạc cơ què quặt thêm nữa, tôi sẽ không đủ xăng để quay về căn cứ, và như vậy nghĩa là tôi bắt buộc đáp xuống đất địch. Sự liều lĩnh chống lại một nhóm địch quân vượt trội khác hẳn với sự liều mạng. Tiếp tục tấn công là tự sát, hành động này không thể gọi là can đảm. Tôi quay về căn cứ. Dĩ nhiên tôi không biết chiếc oanh tạc cơ địch có về đến phi trường của nó được hay không. Trở lại Hán Khẩu, sự hủy diệt chỉ do 12 chiếc oanh tạc cơ địch gây ra khủng khiếp không thể tưởng. Hầu hết phi cơ của chúng tôi tan tành. Vị chỉ huy trưởng căn cứ mất cánh tay trái, nhiều sĩ quan cũng như phi công và nhân viên bảo trì lớp chết lớp què quặt. Tôi đã quên mấy vết thương của tôi, nhiệt độ của cuộc truy đuổi và sự căng thẳng của trận chiến làm cho cơn đau tạm thời biến mất. Leo xuống và rời khỏi phi cơ một vài bước, tôi ngã quỵ trên phi đạo.

Các vết thương lành lặn một cách chậm chạp. Một tuần lễ sau, trong khi vẫn còn nằm trong bệnh viện, tôi nhận được thơ của Hatsuyo, với những tin tức còn tàn phá hơn cuộc oanh tạc vừa qua. Hatsuyo viết: “Em rất buồn khổ khi phải viết thơ này, nó chứa đựng một tin tràn ngập đớn đau cho anh. Mikiko, người bạn thân thiết nhất của em, chết thình lình trong một tai nạn lưu thông vào ngày 3 tháng 10. Em không biết nói gì với anh nữa, Saburo. Em rối loạn và đau đớn. Em tức giận Thượng đế. Tại sao, tại sao một người toàn vẹn như Mikiko lại phải chết tức tưởi lúc mới 16 tuổi, trong hoàn toàn ngây thơ vô tội? Em đã tự oán ghét mình khi báo tin này cho anh, một trong những phi công đang chiến đấu cho quê hương. Nhưng không còn ai khác để em kể lể ngoài anh…”.

Bức thơ của Hatsuyo còn kèm theo mấy giòng do má của Mikiko viết: “Con Mikiko bất hạnh ngày ngày thường nói về anh với gia đình chúng tôi. Sau khi gởi thơ cho anh, nó nôn nóng trông chờ phúc đáp. Nhưng thơ của anh chỉ đến vào ngày cử hành tang lễ của nó. Ôi! nếu nó được đọc thơ của anh trước thì vui vẻ biết bao! Tại sao đấng toàn năng mang nó đi sớm như vậy? Tôi không hiểu nổi. Tôi đã kêu gào nhiều ngày. Tôi muốn anh biết rằng bức thơ của anh đã được đặt trong áo quan của con gái tôi, và bức thơ sẽ theo nó về trời. Xin anh nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của chồng tôi, và của chính tôi về những giòng chữ mà anh đã viết cho con tôi. Hiện tại, chúng tôi cầu nguyện linh hồn của Mikiko sẽ che chở anh trên không trung, trước lằn tên mũi đạn của quân thù.”

Ðầu óc tôi trống rỗng. Tôi choáng váng và hụt hẫng. Nhiều giờ, sau khi nằm trên giường, tôi viết một bức thơ dài cho má của Mikiko để chia buồn với bà. Trong thơ tôi gởi kèm một số tiền để góp vào việc xây mộ cho nàng, hành động này theo đúng với tập tục của tổ tiên chúng tôi. Trải qua nhiều ngày, lòng nhớ quê hương của tôi trổi lên mạnh mẽ, tôi mong muốn gặp lại gia đình, má tôi và các anh chị tôi. Niềm mong ước này chờ đợi không mấy lâu. Hai ngày sau tôi nhận được lịnh thuyên chuyển, chỉ thị tôi trình diện Không đoàn Omura, căn cứ không quân gần nhà tôi nhứt. Viên đại úy phòng nhân viên, mặt mày lạnh lùng với hai gò má cứng như đục trong đá, cảnh cáo: “Vì lý do an ninh, khi về Nhật anh không được kể với ai về thảm họa vừa xảy ra. Anh hiểu chớ?.”

“Dạ, thưa đại úy vì lý do an ninh, tôi sẽ không kể lại với ai về thảm hoạ vừa xảy ra.”

Tôi đáp rồi chào và bước ra sân bay, leo lên một vận tải cơ sẽ mang tôi về quê nhà.

 

Kỳ sau: Chương 6

Hôn thê Fujiko Niori và chiến đấu cơ Zéro

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đínn theo bản Pháp văn của

Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957 và ghi chú.

(*) Nhiếp ảnh minh họa của Maiko