Trong suốt nội chiến dân miền Nam khá quen với logo của USAID vẽ hai bàn tay nắm chặt trên nền cờ Mỹ, bên trên những bao bố gạo-đường-sữa… Trong các trại tiếp cư, là một cứu trợ dân chạy loạn; trong các trại quân cụ, một logo khác mang dòng chữ The Arsenal of Democracy.
Khởi đầu là Roosevelt. Vị tổng thống được dân Mỹ kính trọng nhất sau các tổ phụ lập quốc. Vị tổng thống đã đánh bại Khối Trục, giựt hết thuộc địa của Anh-Pháp cho vào vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ và mặc nhiên thay thế Anh-Pháp-Ðức-Nhật trên hoàn vũ. Một kỳ tích.
Ngày 29 tháng 12-1940 trong diễn văn kêu gọi toàn quốc giúp Ðồng Minh, Roosevelt tuyên ngôn: “We must be the Great Arsenal of Democracy!”. “Chúng ta phải là kho đạn lớn của nền Dân chủ” thành một công thức. Và một đạo luật Lend-Lease Act.
Mười bốn đời tổng thống sau, ngày 9 tháng 5-2022, Joe Biden kích hoạt đạo luật cũ cho vay vô giới hạn và trả góp vô thời hạn – để mua vũ khí – lần này dưới tên “Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act of 2022.”
Với giới quan sát, Biden là một bất ngờ. Công chúng đã tin sẽ là một Obama bis – dĩ hòa vi quý – nhưng Biden làm ngược. Ngay ngày đầu nhậm chức đã dùng lại công thức “America is Back” của Reagan với nội dung “America First” của Trump trong một hình thức lịch sự. Ðến khi Nga xâm lược, thế giới chứng kiến Biden dốc sức quân viện cho Ukraine. Ðể chuộc lại thất bại A-Phú-Hãn? Có thể. Nhưng việc giúp Ukraine tối đa cho Nga sa lầy là một thành công. Khó phủ nhận.
Ðón Zelensky viếng thăm Tòa Bạch Ốc, Biden tuyên bố: “Chừng nào còn một người lính Ukraine cầm súng, người lính đó không thiếu đạn!” Hiểu ngầm do Hoa Kỳ cung cấp. Biden biết kế thừa Roosevelt? Hoa Kỳ có thực là kho đạn của các nền Dân chủ? Quá khứ chứng minh gì?
I.Cash-and-Carry Amendment
Trong suốt thập niên 30, bằng vào đạo luật Neutrality Acts, Roosevelt áp dụng chính sách Bảo hộ và Tự Biệt lập (Protectionisme & Isolationisme) để đứng ngoài lò lửa Âu Châu. Ðến tháng 9-1939 Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Tu chính án Cash-and-Carry cho phép Roosevelt bán bất kỳ vũ khí nào với số lượng không giới hạn cho bất kỳ quốc gia nào chống Phát-xít. Vì tình thế cấp bách. Thế chiến đã nổ ra.
Cash-and-Carry (Trả tiền mặt rồi khuân đi) là tiền thân của Lend-Lease Act (Cho vay trả sau).
Cash-and-Carry chết yểu vì vận tốc hành binh của quân Ðức nhanh hơn thủ tục pháp lý và hậu cần. Ba Lan đầu hàng sau ba tuần lễ. Ðan Mạch, Na Uy, Hòa Lan vài ngày, Bỉ vài tuần… Còn Phần Lan đang bị Nga tấn công chiếm đất, không được phép mua Cash-and-Carry vì Roosevelt không muốn đối đầu Staline. Còn hai đế quốc Anh-Pháp, hai ngân khố.
Ðệ Tam Cộng hòa Pháp khá sung túc, mua của Hoa Kỳ nhiều khí tài nhưng đến mùa xuân 1940 thì Hoa Kỳ ngừng giao. Lý do: tình hình chiến trường quá tồi tệ, các xa đoàn Panzer Ðức đã đánh thủng phòng tuyến Sedan – nếu chuyển giao – vũ khí Mỹ có nguy cơ rơi vào tay Ðức. Với Pháp, là một chua chát, vì đã thanh toán bằng vàng. Một cay đắng – vì Cash nhưng không cho Carry.
Tại Sàigòn, trước uy hiếp của Nhật, toàn quyền Jean Decoux đặt mua 40 khu trục cơ P-40 Curtiss của Hoa Kỳ và trả bằng vàng của ngân hàng Ðông Dương nhưng Hoa Kỳ không giao. Vẫn với lý lẽ sẽ rơi vào tay Nhật. Số máy bay ấy về sau chuyển cho Liên quân Anh bằng hàng không mẫu hạm Langley bị Nhật đánh đắm trong thủy chiến Java. Với Pháp, Cash-and-Carry là lời nói dối.
Ngân khố của Vương quốc Anh, ngược lại, trống rỗng. Thủ tướng Chamberlain không giải pháp nào khác là đành cầm cố đất đai của vương triều Windsor, nhượng cho Hoa Kỳ chuỗi đảo Bahamas và Miền Ðất Mới (Newfoundland/ Terre Neuve) rộng 108,806 km vuông ở Gia Nã Ðại, để đổi lấy 50 khu trục hạm giúp canh chừng Ðại Tây Dương. Ðối với vua George VI, Cash-and-Carry là “cầm đồ bình dân”.
Tháng 5-1940, The First Lord of the Admiralty là Churchill lên thay Chamberlain thương thuyết một khế ước khác. Lend-Lease ra đời. Từ đây “Mặt trời không bao giờ lặn trên vương quốc Anh” bằng trả góp.
Tổng số nợ lên đến 31.4 tỷ vào năm 1946 bằng 380 tỷ $ năm 2021, với lãi suất 2%, cộng thêm 1,075 tỷ bảng Anh phải trả cho các cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ đã xây trên đất Anh mà mãi đến năm 2006 mới trả hết. “Cho vay trả sau” làm suy sụp đế chế Anh. Là nguyên nhân khiến Anh buông các thuộc địa Ba Tư, Nam Phi, Ấn Ðộ, Mã Lai, Tân Gia Ba…
Lend-Lease Act là thương vụ tốt cho Hoa Kỳ?

Minh họa của San Diego Tribune
II. Lend-Lease Act
Phó Ðô đốc Brian Betham Schofield của Hải quân Hoàng gia Anh, từng chỉ huy hai đại thiết giáp hạm Duke of York và King George V trong Thế chiến và từng giữ chức vụ Giám đốc Tổng cục Thương vụ và Vận tải của Royal Navy (Director of the Trade Division – Convoy and Routing- of the Admiralty) từ 1941 đến 1943, ngay từ 1964 đã công bố các số liệu trong nghiên cứu The Russian Convoys, Nxb London B.T Batsford.
Trước câu hỏi: “Hoa Kỳ có phải là kho đạn của các nền Dân chủ?”, Schofield trả lời thẳng thắn: Chắc chắn, nhưng Hoa Kỳ cũng là kho đạn của Cộng sản.
Trong bản Pháp văn Les Convois de Russie, Nxb Presse de la Cité ấn hành 1965, Schofield đưa ra các thống kê mà không một sử gia nào nghi vấn. Ở trang 305, Schofield viết: “từ 15 tháng 8-1941 đến 31 tháng 5-1945, Hoa Kỳ và Anh quân viện cho Nga 12,000 chiến xa, 22,000 máy bay, 376,000 xe vận tải, 35,000 xe môtô, 51,000 xe jeep, 5,000 đại bác chống chiến xa, 473 triệu viên đạn, 350,000 tấn chất nổ, không kể khối lượng khổng lồ thực phẩm, thuốc men, nguyên vật liệu cho kỹ nghệ chiến tranh.”
12 ngàn chiến xa, 22 ngàn máy bay trong lúc Nato, Âu Châu và Hoa Kỳ cho Ukraine một hai trăm xe tăng với vài máy bay lúc này là một khác biệt thảm khốc. Ðiều trớ trêu là Anh phải vay của Hoa Kỳ để ứng trước cho Nga và rồi Nga không bồi hoàn xu nào (cho cả Anh và Hoa Kỳ). Ðưa đến xung đột gay gắt giữa Khrushchev và Kennedy (xem John Kennedy, The Business of War,The War Narrative of Sir John Kennedy, International Affairs, Volume 34, Issue 2, 1 April 1958).
Ðứng trước lập luận nếu không quân viện cho Nga-sô, Ðức sẽ chiến thắng và một mình Hoa Kỳ không đủ sức đánh Ðức-Nhật, vương quốc Anh đã thảm bại ở Tây Âu, Bắc Phi và Á Châu, Phó Ðô đốc Schofield gạt bỏ: Ðiều đó chỉ đúng cho đến cuối 1942. Từ Stalingrad và Midway đã nhìn thấy Khối Trục không thể chiến thắng và không thể đảo hồi. Quân viện qua Lend-Lease Act có thể ngưng mà không ảnh hưởng đến kết cục của cuộc chiến.
Sir Arthur Bryant viết trong The Turn of the Tide, là Tổng Tham mưu trưởng Lục quân Anh Alan Brooke không đồng ý việc Churchill trước sức ép của Staline đã gửi quá nhiều quân cụ cho Hồng quân: “Mỗi tháng chúng ta gửi 200 máy bay và 250 xe tăng cho Nga-sô trong lúc thống chế Wavell của chúng ta ở Bắc-Phi kêu gào thảm thiết số lượng này.” Sir Liddell Hart đồng ý là số mệnh Tobrouk đã khác nếu số vũ khí cho Nga đến đó. (The Turn of the Tide: A History of the War Years Based on the Diaries of Field-Marshal Lord Alan Brooke, Chief of the Imperial General Staff, Nxb Doubleday 1957).
Anh không là Ðồng Minh duy nhất vay trước trả sau. Nga-sô vay 11.3 tỷ vũ khí = 137 tỷ $ năm 2021. Pháp quốc Tự Do của De Gaulle vay 3.2 tỷ = 38.7 tỷ $ năm 2021. Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch vay 1.6 tỷ = 19.3 tỷ $ năm 2021.
Cuối tập The Russian Convoys, Schofield thêm các phụ lục từng hạng mục.
Lend-Lease Act có là thương vụ tốt cho Hoa Kỳ?
Pháp không bồi hoàn vì lý do đã thanh toán các khế ước trước đó bằng vàng mà Hoa Kỳ không giao. Rồi từ chiến tranh Cao Ly, Hoa Kỳ cáng đáng thêm chiến phí của Pháp tại Ðông Dương.
Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch không kịp hoàn trả vì Giải Phóng quân Trung cộng chiếm Bắc Kinh.
Nhìn sâu xa Lend-Lease Act là một thương vụ di họa.
Nicolas Bernard trong nghiên cứu Lịch sử Chiến tranh Thái Bình Dương đưa ra số liệu 300,000 súng trường, 138,000 súng cộng đồng và 2,700 pháo các loại… made in USA trong kho vũ khí Hoa Kỳ chuyển cho Nga còn thặng dư chưa dùng đến, được Staline “bàn giao” cho Mao khi Phương Diện Quân Tây-Bá-Lợi-Á (Transbaikal Front) của Nga-sô tiến vào đất Mãn Châu. Chính số vũ khí này giúp Mao thắng Tưởng những trận đầu tiên. (Nicolas Bernard, La Guerre du Pacifique 1941-1945, Nxb Tallandier, 2016)
Cuối năm 1949, Mao giúp Hồ Chí Minh thành lập 7 sư đoàn chính quy Việt-Minh với một phần lớn vũ khí Hoa Kỳ từ nguồn Lend-Lease.
III. Atlantic Charter
Giữa Franklin Roosevelt và Joe Biden còn gì khác giống nhau, ngoài Lend-Lease Act 1941 và Lend-Lease Act 2022?
Tháng 6-2021, Joe Biden ký với Thủ tướng Boris Johnson một hiến chương mang tên The New Atlantic Charter. Một lặp lại của Hiến Chương Ðại Tây Dương ký giữa Roosevelt và Churchill làm nền cho Lend-Lease Act 1941. “Vay Trước Trả Sau” cần một nền đạo đức.
Nội dung của Atlantic Charter của Roosevelt rất rõ ràng: “Anh và Mỹ không muốn có sự thay đổi lãnh thổ nào trái với ý nguyện tự do phát triển của các dân tộc liên quan. Anh và Mỹ tôn trọng quyền được sống dưới một chính thể do chính các dân tộc đó lựa chọn; mong muốn thấy chủ quyền và chính phủ của các dân tộc bị quốc gia khác dùng sức mạnh tước đoạt được khôi phục lại.”
Tám điều lệ chính:
There were eight principal clauses of the charter:
- No territorial gains were to be sought by the United States or the United Kingdom.
- Territorial adjustments must be in accord with the wishes of the peoples concerned.
- All people had a right to self-determination.
- Trade barriers were to be lowered.
- There was to be global economic co-operation and advancement of social welfare.
- The participants would work for a world free of want and fear.
- The participants would work for freedom of the seas.
- There was to be disarmament of aggressor nations and a common disarmament after the war.
- Hoa Kỳ hoặc Vương quốc Anh không tìm kiếm lợi ích lãnh thổ nào.
- Sự phát triển lãnh thổ phải phù hợp với mong muốn của các dân tộc liên quan.
- Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết.
- Các rào cản thương mại phải được hạ thấp.
- Cần phải có sự hợp tác kinh tế toàn cầu và cải thiện phúc lợi xã hội.
- Những người tham gia sẽ làm việc vì một thế giới không có sợ hãi.
- Những người tham gia sẽ làm việc vì tự do hàng hải.
- Cần có sự giải trừ quân bị của các quốc gia xâm lược và giải trừ quân bị chung sau chiến tranh.
Nhưng vì sao Roosevelt không giúp Phần Lan như Biden giúp Ukraine lúc này? Trường hợp Phần Lan không khác Ukraine. Một tiểu quốc với 3 triệu dân quyết tử trước đế quốc Cộng sản 200 triệu dân là Nga-sô. Dân Phần Lan đã tử chiến trên từng thước đất và gây thương vong cho 200 ngàn “anh hùng” Sô-Viết. Một tấm gương của cách đây 84 năm.
Câu hỏi khác: Vì sao không muốn Pháp quay lại Ðông Dương mà Roosevelt không đặt ra khung pháp lý cho quân Tàu vào giải giới quân Nhật ở Bắc-Việt? Vào bao lâu? Khi nào rời đi? Chính thể nào ở Việt Nam sau khi Nhật đầu hàng? Việt Nam có nằm trong vùng ảnh hưởng và là Ðồng Minh Á Châu của Hoa Kỳ hay không? Những điều Roosevelt không nghĩ đến và Truman không màng đến.
Câu hỏi lớn nhất, vì sao trao Ðông-Âu và các xứ Baltic, là Estonia, Latvia và Litva vào tay Nga? Rồi Nam Tư? Vì sao không giúp Ukraine khi Mặt Trận Quốc Gia Ukraine (Ukrainian Insurgent Army) đã kháng cự Nga-sô đến cùng, đã phục kích bắn chết Ðại nguyên soái Nikolai Vatutin của Hồng quân Nga ngay tại Kiev ngày 28 tháng 2-1944, và còn tiếp tục kháng chiến đến 1954.
Hiến chương Ðại Tây Dương của Roosevelt là một áng văn hoa mỹ viết trên giấy bồi.
Trước chất vấn, Roosevelt đáp: “I ask you to judge me by the enemies I have made.” (Tôi yêu cầu phán quyết tôi qua những kẻ thù tôi tạo ra.) Kẻ thù nào? Một câu trả lời khiến các sử gia còn tranh cãi. Roosevelt có quá ngây thơ với Cộng sản hay mưu lược? Một số tin Roosevelt là một chính khánh viễn kiến: Phải chia đôi thế giới thành Tư Bản-Cộng sản, Tự do-Ðộc tài, Nhân bản-Khát máu để nhân loại quy phục dưới lá cờ hoa, xem Hoa Kỳ là vị cứu tinh. Số khác nghĩ, mục đích chính của Roosevelt không phải là chống Cộng mà giành lấy vị trí của Anh-Pháp. Mục đích ấy đạt được. Còn Biden? Quá sớm, chưa đủ độ lùi lịch sử để phán xét. Còn tương lai của dân Ukraine? Victor Hugo trả lời: “Con người không có định mệnh vì định mệnh thuộc về thượng đế.”
TV
(10 tháng 3-2023)