CHUYÊN ĐỀ DUYÊN ANH – KỲ 7

Duyên Anh – Tuổi trẻ, Mộng và Thực là khảo luận công phu của Huỳnh Phan Anh xuất bản giữa mùa hè đỏ lửa năm 72 khi cường độ chiến tranh lên đến mức ác liệt nhất. Cũng là lúc Duyên Anh thành công nhất. Nhiều tác phẩm của Duyên Anh quay thành phim Nhà Tôi, Trần Thị Diễm Châu, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang với các diễn viên La Thoại Tân, Hùng Cường, Băng Châu, Trần Quang… Duyên Anh còn trông coi tuần báo Tuổi Ngọc rồi sau này thêm Ngàn Thông. Duyên Anh có sách bán chạy vượt qua Mai Thảo, Lệ Hằng, kể cả tủ sách Trăng Mười Sáu của Nhã Ca. Một hiện tượng mà Huỳnh Phan Anh phân tích. [Trần vũ]

Huỳnh Phan Anh

Trường hợp Duyên Anh

Duyên Anh là một trường hợp. Đúng hơn ông là một hiện tượng trong số những hiện tượng văn nghệ nổi bật nhất trong khung cảnh văn nghệ tại đây trong vòng 10 năm nay. Người ta có thể chống Duyên Anh trên một vài khía cạnh hay trên toàn thể sự nghiệp văn chương của ông, nhưng người ta không thể không thừa nhận Duyên Anh là một hiện tượng vượt ngoài lề lối thông thường nhờ ở sự thành công cũng như ở thế đứng vững chắc của ông đối với người đọc. Có thể nói Duyên Anh đã thành công và giữ vững sự thành công của mình bền bỉ hơn bất luận một tác giả nào khác đương thời tính đến bây giờ nhờ ông đã biết, một cách nào đó, tự tạo cho mình thành một hiện tượng, một trường hợp đặc biệt. Hoặc chính sự thành công của Duyên Anh đã biến ông thành một hiện tượng của đám đông.

Duyên Anh là trường hợp cho thấy sự thành công, tiếng tăm hay thế giá của một nhà văn không chỉ giới hạn trong phạm vi văn nghệ. Trái lại chúng luôn tìm cách vượt ra ngoài khuôn khổ để vươn tới những không gian khác, những không gian của đời sống xã hội. Đối với số lượng độc giả đông đảo, nhất là giới trẻ, tác phẩm của Duyên Anh đã trở thành một thứ huyền thoại. Duyên Anh đã trở thành một tên gọi quen thuộc, một hình ảnh thân mật, tất cả gắn liền vào những khung cảnh, những giá trị, những lý tưởng, những giấc mơ hiền hòa dung dị của những linh hồn không tên tuổi. Tức là nói tới cái thế giới chan hòa mộng và thực trong đó con người luôn nhìn đời qua lăng kính của kỷ niệm và mộng tưởng …

Duyên Anh đã tạo cho mình một số độc giả quan trọng. Xét trên phương diện nào đó, người ta có thể không quan niệm được sự thành công có tính cách khác thường, vượt bực của ông, cũng như chính ông đã cho rằng ông may mắn. Nhưng sự kiện hiển nhiên là sự thành công đó đã nói lên tính cách phù hợp của tác phẩm ông đối với tâm hồn đầy ước vọng của người đọc. Và Duyên Anh chính là trường hợp điển hình của một nhà văn viết cho một loại người đọc, cho một đám đông mà ông có thể mường tượng được, tức là viết cho một đối tượng rõ ràng. Ở đây, nhà văn không còn, trong một phút ngông cuồng, bảo mình không cần viết cho ai hoặc không cần biết ai sẽ đọc mình. Hắn viết để được đọc, hay đúng hơn, hắn viết cho người đọc của hắn.

Hơn một người đã gọi Duyên Anh là nhà văn của tuổi trẻ, căn cứ vào số độc giả trẻ tuổi vẫn mua sách của ông, vẫn đọc ông. Lứa tuổi đọc và thích Duyên Anh, đó cũng là lứa tuổi Duyên Anh vẫn thường đề cập tới trong chính tác phẩm của ông. Dường như Duyên Anh có tham vọng viết về và cho lứa tuổi đó. Và ông đã thành công. Đối với một số đông độc giả, đọc Duyên Anh trở thành một nhu cầu. Duyên Anh trở thành một thứ thời trang văn nghệ. Một hiện tượng của đám đông. Đó là trường hợp của một số nhà văn có sách bán chạy nhất, trường hợp của những “bestseller”: trường hợp nổi bật nhất nói lên mối tương quan tất yếu giữa nhà văn và xã hội, nói lên vai trò và tác dụng của văn nghệ trên và trong đời sống xã hội. Văn nghệ không còn là sở hữu riêng tư của một thiểu số. Nó luôn tìm cách xâm nhập rộng rãi vào đời sống. Nó tìm đến đám đông. Nó ở lại với đám đông. Nó nhằm đáp lại những yêu cầu sâu xa hay gần gũi nhất của đám đông thể hiện qua những làn sóng độc giả ào ạt chạy theo một tác giả, một tác phẩm. Giữa văn nghệ và cuộc sống, không còn ngăn cách, chia lìa. Văn nghệ đã gia nhập vào cuộc sống. Và cuộc sống đã tìm thấy ở văn nghệ một tâm hồn bạn thân yêu, trìu mến. Ở đây, không còn vấn đề dấn thân hay không dấn thân. Nhà văn nào không dấn thân trong tác phẩm mình. Và tác phẩm nào không dấn thân trong xã hội. Ngay cả tác động viết đã bao hàm một thái độ, một sự chọn lựa. Viết tức là ném ra một lời kêu gọi tới tha nhân. Tức là, đã từ bỏ tháp ngà của mình, đã tham dự, đã nhập cuộc. Trong một tác phẩm, dù tiêu cực cách mấy, dù viễn mơ đến đâu, người đọc cũng có thể bắt gặp những bóng dáng, mờ ảo hay đậm đà, của một xã hội, một thời đại. Nhà văn có thể ném vào tác phẩm mình những hình ảnh hay những ưu tư của thời đại theo một cách thế riêng của hắn, tùy thuộc vào những rung động mà hắn bắt được.

Xem thêm:   Máy bay "Doomsday" xuất hiện trên bầu trời biển Aegean!

Có thể văn nghệ không có bổn phận tối hậu phải thể hiện tất cả những gì làm nên thực tại xã hội. Nhưng tùy theo nhãn quan của mỗi người, ta có thể tìm thấy, qua tác phẩm, hình ảnh của một xã hội hay một thời đại đang thì thầm lên tiếng.

Trong ý nghĩa đó, hiện tượng văn nghệ, điển hình là hiện tượng “bestseller” trong văn nghệ bao giờ cũng thể hiện một hình ảnh đậm nét của chính xã hội đó. Nó nói lên một lối sống, một niềm tin hay một mối ưu tư đang trở thành một thứ mẫu số chung trong tâm hồn thời đại.

Và cũng trong ý nghĩa đó, hiện tượng Duyên Anh, tiên quyết là một hiện tượng văn nghệ, cần được nhìn ngắm như một hiện tượng bắt đầu từ đó, nhờ đó người ta được phép nói tới một giòng sống rộng lớn hơn.

Văn nghệ như một huyền thoại

Duyên Anh không phải là một trường hợp duy nhất dù ở đây, hay một nơi nào khác. Người ta chỉ cần nhớ André Gide với Les Nourritures Terrestres, nhớ thế hệ các nhà văn hiện sinh với các tác phẩm thuộc loại “buồn nôn”, nhớ Françoise Sagan với những cơn thịnh nộ chống lại hình thức chủ nghĩa cùng những tập quán mỏi mệt… Đó là những hiện tượng văn nghệ của Pháp, những hiện tượng đã từng lôi cuốn một số đông đảo quần chúng ồ ạt chạy theo và cũng đã từng gây nhiều ảnh hưởng sâu đậm vào chính trật tự xã hội và phong tục thời đại. Tác phẩm của Gide đã từng là cơ hội bùng dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa cá nhân tại Pháp vào những năm đầu thế kỷ này… từ việc thi nhau đọc sách các nhà văn hiện sinh con đường không mấy xa xôi gì cho lắm. Tại Việt Nam chúng ta cũng không thiếu gì những hiện tượng đã từng gây nhiều âm vang sôi nổi: hiện tượng Trịnh Công Sơn, hiện tượng Phạm Công Thiện v.v. mỗi hiện tượng làm bá chủ một thời để rồi sau đó lắng chìm trong lãng quên, trở về với vị trí khiêm nhường của nó, nhường chỗ cho một hiện tượng khác, hợp thời hơn, thích ứng hơn với những đòi hỏi của thời đại tự chúng cũng không ngừng đổi thay.

Có những tác giả chỉ để khám phá, xưng tụng vào một thời nào đó. Người ta đua nhau tìm đến những tác giả, những tác phẩm “riêng” của mình. Nhà văn trở thành linh hồn của thời đại. Hắn thể hiện những ưu tư, những xao xuyến, những hy vọng, những ảo tưởng… của thời đại hắn. Người đọc tìm đến hắn, điều này cũng có nghĩa là tìm hình ảnh của chính mình. Đọc đâu phải chỉ để thỏa mãn những nhu cầu thẩm mỹ. Đọc còn để đáp lại những đòi hỏi… Và văn nghệ đôi khi cũng không khác gì… Nếu có lúc người ta thi nhau mini-jupe thì cũng có lúc người ta tranh nhau đọc Sartre, Sagan… tranh nhau đuổi bắt những hiện tượng lộng lẫy hào quang đó, không ngần ngại biến họ thành những huyền thoại để chiêm ngưỡng. Trong trường hợp này vấn đề không còn là tìm hiểu xem họ có xứng đáng đón nhận vinh dự đó xét trên bình diện giá trị, cho dù là giá trị thuần túy văn nghệ. Có những sự thành công không thể (chỉ) giải thích bằng những quy luật hay những phạm trù thuần túy. Có những sự thành công làm át cả những tiếng nói phê bình chân chính nhất. Bởi văn nghệ đã rời bỏ tháp ngà chật hẹp của nó. Văn nghệ đã xuống đường, tan biến vào đám đông, gia nhập vào đời sống thường nhật. Văn nghệ bắt tay mật thiết với nền văn hóa mệnh danh là ồ ạt và mãnh liệt chưa từng có. Văn hóa đại chúng như tên gọi của nó, là nền văn hóa có đối tượng là đại chúng, nền văn hóa của thời đại trao đổi và tiêu thụ, nền văn hóa của con người trung bình với những ước muốn đơn sơ và gần gũi nhất của hắn. Đó là nền văn hóa của đời sống thường nhật, với những khuynh hướng, những nhu cầu quen thuộc: Tình yêu, hạnh phúc, phiêu lưu, nhục dục, mơ mộng v.v.

Xem thêm:   Ngày của linh hồn

Hiện tượng những nhà văn có “sách bán chạy nhất” (bestseller), dù có đáng nghi ngờ về giá trị nội tại của nó bao nhiêu đi chăng nữa đã là một chỉ dấu cho thấy văn nghệ ngày một hướng về đám đông, trở thành sản phẩm của đám đông. Ở đây nhà văn không thể nói như một tác giả đã từng nói: “Tôi viết để tìm hiểu tại sao tôi viết” hoặc “Tôi viết cho một độc giả hãy còn vô danh”. Nhà văn không còn chút thắc mắc hay nghi ngờ về công việc của mình. Hắn viết như đang đứng trước một đám đông. Hắn biết đám đông ấy mong đợi gì ở hắn. Hắn đồng thời cũng thừa biết hắn sẽ mang đến cho đám đông những gì.

Văn nghệ có thời đáp ứng đúng nhu cầu “tiêu thụ” của người đọc. Ở đây tôi muốn nhắc tới trường hợp của một tác giả thời trang xuất hiện vào những ngày gần đây và vẫn còn đang tiếp tục lôi cuốn. Đó là trường hợp của Erich Segal, nhà văn Hoa Kỳ với tác phẩm Love Story. Cuốn sách mỏng manh vừa ra đời tức thì đã đứng vào hàng đầu trong số sách bán chạy nhất. Riêng tại Hoa Kỳ, hàng chục triệu quyển đã được bán đi. Tại Pháp và đây là điều lạ, bản dịch cuốn Love Story là sách bán chạy nhất trong suốt nhiều tuần lễ. Cuốn sách được quay thành phim. Cuốn phim cũng đã gặt hái thành công phi thường, có thể nói năm 1970 là năm của Love Story, năm của hiện tượng Erich Segal. Sự thành công quá đáng của một cuốn sách đã không khỏi gây kinh ngạc cho một số nhà phê bình cũng như một số độc giả khó tính. Có gì đâu. Đó chẳng qua chỉ là một câu “chuyện tình” với một chút lãng mạn, một chút lý tưởng, một chút bi thảm… mà có thể nói bất luận một tác giả nào ở vào thời đại nào và ở đâu cũng có thể viết được. Một câu “chuyện tình” tầm thường kể lại bằng một giọng văn cũng tầm thường không kém. Tóm lại, đó là một quyển sách tầm thường nếu không muốn gọi là ấu trĩ, một cuốn sách mỏng manh về đủ mọi phương diện. Đem sánh với Le Grand Meaulnes của Alain Fournier, với Le Diable Au Corps của Raymond Radiguet, và xa hơn, với Adolphe của Benjamin Constant là những tác phẩm cùng loại, Love Story hầu như chỉ là những tiếng nói bập bẹ, không đáng kể. Ngay tại Việt Nam, tủ sách văn nghệ tiền chiến của ta cũng không thiếu gì những tác phẩm lãng mạn, trữ tình, đủ sức làm lu mờ Love Story về nội dung cũng như về hình thức phô diễn.

Một nhà phê bình có lẽ sẽ thất vọng khi làm công việc thẩm định giá trị nội tại của Love Story trên bình diện văn chương và nếu chỉ đứng trên bình diện thuần túy văn chương hay tư tưởng người ta sẽ khó lòng giải thích sự thành công của cuốn sách. Muốn tìm hiểu, giải thích hiện tượng Love Story, có lẽ người ta phải vượt ra ngoài phạm vi văn nghệ và ngắm nhìn nó dưới những lăng kính khác: tâm lý học, xã hội học  v.v.   đặt nó vào khung cảnh và tình cảm sống thực của con người thời đại.

Trong viễn tượng này, sự thành công của Love Story sẽ không còn gì khó hiểu hay đáng kinh ngạc. Mọi người đều biết rằng xã hội Âu Mỹ đang trải qua những cuộc khủng hoảng trầm trọng không ngừng phá phách, lay ngã những thành trì giá trị đã trở nên lỗi thời, lạc hậu. Nào hiện sinh, nào beatnik (beat generation), nào hippy, bao nhiêu phong trào đã ào ạt nổi dậy, lôi cuốn từng làn sóng thanh niên đang thất vọng và bất mãn, kêu gọi họ làm một cuộc cách mạng. Có thể nói rằng chưa bao giờ hai tiếng cách-mạng lại thịnh hành hơn trong những năm tháng gần đây, thịnh hành hơn hết là tại những xã hội dư ăn, dư mặc, nơi con người có quá nhiều tiền không biết tiêu vào đâu, có quá nhiều thì giờ không biết để làm gì. Người ta hô hào cách mạng, giải phóng. Kêu đòi tự do. Thứ tự do mới mẻ nhất có lẽ là tự do tình dục, cho phép con người ngang nhiên quay lưng trước mọi ràng buộc, mọi thôi thúc của truyền thống và tập tục.

Xem thêm:   Chùa Gò

Chính trong bầu không khí ngột ngạt của phá phách và bạo động, của hỗn loạn và tan vỡ, cuốn Love Story như một luồng gió mát thổi qua những tâm hồn đã sớm cằn cỗi, chai lì, làm sống lại những tình cảm thơ mộng chừng đã bị đốt cháy tan hoang. Người ta tiếp nhận lấy nó, đọc nó, rung động với nó, sống với nó: một dịp để ru hồn mình trong một giấc mơ đẹp lành, thanh cao, lãng quên thực tại đầy khói bụi cay xè đang vây phủ bốn bề. Tức là, một cách nào đó, chống lại chính cái thực tế phũ phàng đó, dù chỉ chống lại bằng ý thức ma thuật, bằng ngụy tín. Phải chăng Erich Segal đã thành công vì đã dám nói lên một niềm hy vọng giữa lúc mọi người hầu như đã đánh mất hy vọng, vì đã dám mơ mộng giữa một thời đại trắng trợn, thô bạo. Chỉ có vậy. Quyển sách của Segal được tiếp đón nồng nhiệt, sự kiện này có lẽ đã không nói với ta điều gì khác hơn là tâm trạng của con người thời đại, muốn xoay chiều, muốn đổi hướng, muốn quay về với những khát khao và mộng tưởng êm đềm, trong sáng liên quan tới tình yêu, hạnh phúc… Đó cũng là những khát khao và mộng tưởng muôn đời của con người thường nhật, con người trung bình, con người mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu: trong đám đông, ngoài đường phố… Kỳ lạ, càng sống trong thực tế phũ phàng, thô bạo, con người càng thấy cần có những phút giây để mơ mộng, để than vãn, để rên rỉ… Bởi vậy, sách báo phụ nữ với những chuyện tình lẩm cẩm đã và tiếp tục còn là món ăn tinh thần bền bỉ của đám đông ở bất luận một xã hội nào. Những vở tuồng cải lương, những cuốn phim tình cảm vẫn tiếp tục thu hút một số khán giả đông đảo vẫn thích thả hồn vào cái thế giới làm nên, họ thừa biết, trừ những hình ảnh giả tạo, cái thế giới không hề có thật. Người ta kể rằng mới đây, cuốn phim Mourir d’Aimer (Chết vì yêu) của đạo diễn André Cayatte đã làm cho nước Pháp rơi lệ. Khán giả đã bước ra khỏi khán phòng tối với đôi mắt đỏ hoe, với mù-xoa ướt đẫm. Người ta xúc động vì câu chuyện tình ngang trái giữa bà giáo trung học Gabrielle Russier và cậu học trò đệ tam Christian, câu chuyện tình đã kết thúc bằng cái chết của người đàn bà dưới cái nhìn lạnh nhạt của những ông quan đạo mạo đại diện cho những thành trì của truyền thống và đạo lý xã hội.

Hay thật ra người ta xúc động vì cần phải xúc động, một cách nào đó, để phỉnh gạt chính mình, để thấy tâm hồn mình yên ổn hơn sau đó: tình yêu vẫn còn, tình yêu chưa chết hẳn trong thời đại nhiễu nhương, tao loạn này. Vâng, con người thời đại vẫn cần mơ mộng và ảo tưởng để sống và để thấy đời còn đáng sống. Thế kỷ này không chỉ có chiến tranh Việt Nam, không chỉ có những cuộc tàn sát ở Biafra, không chỉ có kỳ thị chủng tộc tại Mỹ, không chỉ có bạo động và phá phách, không chỉ có mệt mỏi và tuyệt vọng… Còn cái gì khác hơn tất cả những thứ đó. Phải có cái gì khác hơn tất cả những thứ đó. Nếu không, phải tạo cho bằng được, nếu cần bằng hư tín và ảo tưởng. Tại sao không, khi người ta muốn sống và muốn nhìn về tương lai với một màu hồng yêu dấu. Tôi biết tại sao cuốn chuyện tầm thường kia của Segal đã được “tiêu thụ” như một “món hàng” của thời đại. Người ta biết tại sao những tâm hồn yếu đuối vẫn thích sụt sùi trên trang báo phụ nữ. (còn tiếp)

HPA (Sàigòn, 1972)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2024, từ khảo luận Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng và Thực của Huỳnh Phan Anh in tại Sàigòn năm 1972, Nxb Vàng Son, Chương II. số trang giới hạn, bản in trên tuần san Trẻ là bản cắt ngắn.