Tiềm thủy đĩnh “Trầm Ngư” vừa nhận công tác đặc biệt. Viên Hạm trưởng nhìn tấm điện tín, lắc đầu:
– Hạ sáu chiến hạm địch mà chưa được một ngày nghỉ… Nhóm thủy thủ hận lắm đây!
Ðúng vậy, họ đang chờ được lên bến xả hơi sau nửa năm lênh đênh mặt biển. Nhưng lệnh đã ban ra, phải cắm đầu thi hành, biết sao!
Ðược cái công tác cũng đặc biệt lắm: lần này không phóng thủy lôi diệt địch, mà đi cứu người nhà! Chiếc “Trầm Ngư” được biến thành tàu cấp cứu, lượn tại một địa điểm nhất định, trên Thái Bình Dương. Trong các phi vụ oanh tạc địch, các phi công không về được căn cứ, chỉ việc hạ cánh hay nhảy dù xuống biển. Tiềm thủy đĩnh chờ sẵn đó để vớt lấy người.
Tuy điện tín ghi rõ: quân địch không chú ý tới một chiếc tàu ngầm ngoài khơi, nên công tác sẽ không gặp cản trở. Nhưng Trung tá Dũng vẫn băn khoăn:
– Có thể như vậy, song phi cơ địch trước sau gì cũng tìm ra mình. Lúc đó thì liệu hồn!
Xa mặt trận tới ba mươi hải lý, chẳng ai biết kết quả cuộc oanh kích của quân đội ra sao nhưng đoàn thủy thủ tàu ngầm thường được chứng kiến nhiều trận không chiến. May chưa phi cơ địch nào nghi ngờ có chiếc “Trầm Ngư” loanh quanh nơi đây, nên chưa đáng lo ngại.
Trong vài ngày đầu, chẳng phi công nào gặp tai nạn. Không lực mạnh mẽ của quốc gia hoàn tất nhiệm vụ dễ dàng. Cứ khoảng quá trưa là phi cơ bay về từng đoàn dăm bảy cái bay là là. Trung tá Dũng có cảm tưởng chúng vừa bay vừa rung cánh như con chim bị thương.
Tới bữa thứ tư, tiếng loa phóng thanh vang lên:
– Chú ý!… Mới bắt được tín hiệu cầu cứu!
Ðó là tiếng đại úy Hào, hạm phó.
– Ba người trong phi cơ đều bị thương cả… Họ sẽ hạ cánh gần chúng ta. Toán cấp cứu sẵn sàng…
Ðúng vào lúc đó, trung tá Dũng trông thấy chiếc phi cơ hiện ra phía Ðông Bắc, bay thấp lắm, vừa bay vừa lượn thành vòng tròn tìm con tàu. Chiếc cờ hiệu đỏ được kéo lên, hạ xuống thực nhanh.
Phi cơ lượn sát mặt nước rồi hạ cánh nhẹ nhàng lắm, nhưng cũng làm nước bắn vọt lên. Thân hình thon nhỏ của máy bay nẩy theo, rớt xuống và lần này lướt đi như con hải âu giỡn sóng.
Trung tá Dũng chỉ huy chuyến cấp cứu đầu tiên này. Chỉ trong vài phút, tàu đã ghé lại gần hai chiếc bè cao su màu vàng lềnh bềnh trên mặt nước. Phi cơ chìm mất tăm, nhưng đôi phao được phóng ra vừa đúng lúc.
Sáu thủy thủ đứng trên boong tàu, một người cầm cuộn thừng có buộc hòn chì. Viên hạm trưởng không dám tới gần hơn, sợ đôi phao bị làn sóng tàu đánh bật ra xa, thành thử tàu và bè cách nhau tới mười thước.
Tư Cao liệng sợi dây gọn gàng lắm. Người phi công bị thương nắm sợi dây, kéo cho bè lại sát tàu…nhưng đôi tay y không đủ sức làm việc đó.
Trung tá Dũng la lên:
– Ðừng kéo nữa… cột dây vào bè, để chúng tôi liệu.
Người trên bè làm theo lời ông ta. Ba thủy thủ xúm lại lôi sợi dây. Hai chiếc bè phao nối sẵn vào nhau thành thử chỉ một lát sau, cả hai áp mạn tàu. Tất cả xúm lại giúp các nạn nhân bước ra khỏi bè, nhưng cả ba người chẳng ai cử động được.
Trung tá Dũng ra lệnh:
– Khiêng tất cả lại gần cửa khoang, rồi hãy hay.
Tư Cao nắm dây cột bè buộc vào chiếc móc sắt ngay sườn tàu, cho mọi người sửa soạn khiêng lên. Nhưng có tiếng người nói to từ vọng gác:
– Phi cơ địch!… Phi cơ địch!
Trung tá Dũng thoáng nhìn cũng biết y nói đúng. Chiếc thủy phi cơ bốn máy trông lạ hoắc, tiến thẳng lại phía tàu, hàng cánh quạt loáng thoáng trong ánh nắng. Ông thét lên:
– Mọi người xuống hết.
Toán thủy thủ chạy như đàn vịt, lộn nhào xuống dưới khoang nhanh nhẹn lạ lùng. Tàu bắt đầu chìm.
Trên boong, viên Trung tá, là người sau chót chạy tới cửa khoang. Ông chợt quay lại phía hai bè phao và giật thót người lên: sợi dây cột bè chưa kịp theo đôi bè đồng thời dìm chết luôn cả ba phi công.
Trong một giây, người chỉ huy nhận ra ngay sơ sót của mình. Ông ghé vào khoang, nói lớn:
– Ðại úy Hào! Tôi cần ở lại. Ðiều khiển tàu thay tôi!
Trung tá Dũng lao nhanh lại chỗ móc sắt… Boong tàu đã lênh láng nước; đôi bè hơi rung động, nhưng sợi dây không sao thoát ra được… Thế mới tai hại! Viên Hạm trưởng tha hồ lôi, kéo, giựt… Vô ích! Nước ngập ba mươi…bốn mươi…rồi năm mươi phân… Ông cố gắng bình tĩnh để tháo dần chiếc nút đôi bị nước biển làm chương lên, chắc như xoắn vào thân tàu. Cuối cùng rồi cũng xong… Dây buộc đi như được thả lỏng… Trung tá Dũng bị luồng nước hút theo, cuốn xuống dưới sâu… Phải may mắn lắm ông mới nhoai lên được, người mệt rã rời, hai tay nhức như có dùi đâm vào… Giá như không được một bàn tay từ trong chiếc bè phao thò ra, nắm lấy cổ áo, chắc ông chết chìm luôn!… Người phi công lôi ông lên bè, bị gãy một chân: anh ta nhăn mặt một cách thảm não:
– Coi chừng… Chiếc phi cơ quanh lại đó!
Nó có lượn vài vòng, nhưng bỏ đi ngay. Có thể chưa kịp thấy con tàu cũng nên. Viên Trung tá nghĩ vậy.
– Tàu mình ở ngay phía dưới… Lát nữa sẽ lên đón chúng ta… Cứ bình tĩnh!
Viên phi công bị thương thở dài:
– Giá sớm thì hay… Chân tôi nhức quá. Dễ gãy vài ba khúc mất!
Trong chiếc bè phao kế cận, hai phi công phụ nằm im như người ngủ, mặt trắng bệch. Một người có vệt máu loang trên cánh tay áo. Trung tá Dũng nhìn quanh để tìm chiếc tiềm vọng kính của tàu ngầm.
Thường thường nếu chú ý thì dễ nhận ra lắm: nó giống chiếc cán chổi, nhô cao, lướt nhanh như rẽ nước. Ðợi cho tới khi chiếc kính gần ngang với bè, Trung tá giơ tay ra hiệu… Ngọn kính nhô cao dần… Tàu sắp nổi lên rồi.
Người phi công lắng nghe tiếng động cơ trên trời:
– Máy bay trở lại đó!
Nó trở lại theo một hướng khác, nhưng đúng là để dò tăm tích con tàu rồi! Trung tá Dũng xua tay hai ba lần liền trước lỗ kính, ra hiệu cho tiềm thủy đĩnh đừng nổi lên vội… Thế là lại như cũ: hai chiếc bè lềnh bềnh trôi, con tàu lặn chìm sâu dưới nước…
Cứ như vậy tới hàng nửa giờ, chiếc thủy phi cơ trở đi rồi trở lại: nó có vẻ đoán chắc có tàu ngầm quanh quẩn đâu đây, nên không chịu bỏ đi vội. Trung tá Dũng hỏi viên phi công:
– Một phi cơ cỡ đó ở trên không được bao lâu?
– Không biết rõ được… Ðiều đó còn tùy căn cứ xuất phát của nó đã… Nhưng tàu cứ lặn mãi thì anh em tôi nguy mất, Hạm trưởng ạ… Có cách nào nổi lên sớm hơn không?
– Lên sớm là ăn lựu đạn ngay. Tôi nghi nó chờ cho tàu nhô lên quá!
Trung tá Dũng chợt nghĩ ra một cách:
– Ta tính coi phải mấy phút phi cơ mới quay lại để liệu xem sao…
Từ lúc chiếc máy bay khuất dạng cho tới lúc quanh lại gần đôi bè, mất tám phút tất cả. Viên hạm trưởng gật gù:
– May ra cũng đủ… Ðể tôi chuẩn bị trước đã!
Ông ta cột chặt hai bè sát nhau, rồi đánh sẵn một nút thòng lọng ở đầu dây phía bên kia. Trong khi đó chiếc tàu ngầm vẫn lượn quanh, chỉ khi tàu bay tới gần mới chịu thụt chiếc tiềm vọng kính xuống.
Lại thêm một lần nữa, phi cơ bay ra xa… Trung tá Dũng chờ chiếc tiềm vọng kính tới gần, quàng nhanh sợi dây vào đó. Tàu trôi từ từ, kéo theo đôi bè. Người hạm trưởng trườn mình ra ngoài, ước lượng khoảng cách trên boong tàu để lát nữa đây, đặt hai chiếc bè đúng vào cửa khoang cho khỏi mất thì giờ… Tám phút, đâu có lâu la gì.
Có tiếng phi cơ trên cao… Nhưng lúc này Trung tá Dũng bình tĩnh lắm, ông đã sửa soạn từng cử chỉ, từng hành động trong công việc cấp cứu sắp tới…
Chiếc tiềm vọng kính lại thụt xuống một lần nữa, sợi dây phía trên căng thẳng, kéo đôi bè vừa vặn nằm dọc theo thân tàu.
Chờ phi cơ địch khuất dạng, người hạm trưởng ra hiệu cho tàu nổi lên… Ông ta nhoai lại phía tiềm vọng kính, tháo rời sợi dây buộc. Ðúng lúc đó thân tàu lừng lững như lưng con cá voi, nhô trên làn bọt nước trắng xóa. Chậm một chút là hai chiếc bè bị bắt đi ngay vì dây ngắn, ống kính lại quá cao, cẩn thận là phải!
Trung tá Dũng đẩy bè lại gần cửa khoang vừa vặn khi cửa mở… Hàng chục cánh tay đưa ra, nắm vội lấy bốn người kéo xuống dưới… Công việc diễn ra tưởng chừng đã hết sức nhanh chóng, mà cửa vừa hạ xuống đã văng vẳng có tiếng động cơ ngoài xa…
– Cắt dây chưa?
– Rồi.
– Chọc thủng hai bè phao?
– Rồi!
– Lặn sâu thực nhanh… Chuẩn bị chống bom…
Chưa ai có thì giờ nghĩ tới ba người bị thương, tất cả đều chạy lại vị trí ấn định sẵn. Tiếng nước réo ào ào trong ngăn chứa. Máy xả hết tốc lực mà Trung tá Dũng vẫn thấy như chưa đủ sức chìm nhanh. Ông dán mắt vào chiếc áp khí kế treo trước mặt, chăm chú gần như nín thở:
– Hai mươi nhăm thước!… Khỏi lo nữa rồi!
Bỗng từ ngoài nghe như tiếng sóng vọng lại. “Ouam”… Trái bom thả đúng chỗ lắm… Thân tàu rung lên như cành cây trước gió trong nhiều giây… Ðó đây chút bụi từ ngăn kệ bay tung… Viên hạm trưởng nâng ống nói:
– Kiểm soát tất cả các thân tàu xem có nước rỉ vào không!
Có tiếng viên Ðại úy trả lời:
– Báo cáo không hề hấn gì hết!
Lúc đó Trung tá Dũng mới thở ra, nhẹ nhõm…
Ba người phi công được đưa tới phòng thuốc. Chỉ chiều nay họ trở về căn cứ.
Công tác kể như hoàn tất mỹ mãn.
NTA phóng tác
Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970
Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2023