Cuối thế kỷ 19, đại úy công binh Joseph Joffre sau khi phá lũy Ba Đình của Đinh Công Tráng dọc ven sông Đào gần Thanh Hóa tháng 1-1887, đề nghị thiết lập tuyến phòng thủ dọc biên giới Trung Hoa để ngăn vũ khí của Thanh triều đưa vào An Nam. Năm 1894 trung tá Joseph Gallieni thiết kế các đồn canh tuyến đường này và ủy nhiệm thiếu tá Hubert Lyautey thực hiện. Cả ba Joffre, Gallieni, Lyautey đều lên đến phẩm hàm thống chế về sau. Đặc biệt Joffre trở thành tổng tư lệnh quân đội Pháp trong thế chiến thứ nhất, còn Gallieni đề xuất học thuyết Bình định: “Thu phục dân bản địa, cách ly với các cường quốc chung quanh.” Lyautey thêm vào một tiên đề khác: “Bên cạnh trường học và nhà thương của chiến tranh khai hóa, cần một hệ thống đường sá giúp vận chuyển sản vật khai thác và hành binh.”

Một thế kỷ sau, cựu trung úy Erwan Bergot nguyên đại đội trưởng súng cối nặng Nhảy dù viết trong ký sự Thảm Kịch Đường Thuộc Địa Số 4: “Con đường không dẩn về đâu. 137 km nối Lạng Sơn với các thị trấn Đồng Đăng, Nà Chàm, Thất Khê, Đông Khê lên đến Trà Lĩnh rồi dừng lại. Từ sau đèo Lũng Vài là một mặt lộ hẹp vài thước lọt giữa các vách đá, hang động và rừng rậm. Giống như con đường được chẻ ra từ các sườn núi bằng những nhát đao hung tợn của một vị thần khổng lồ.”

hình Gallieni khi còn là trung tá tại Đông Dương, nguồn Musée d’Histoire Militaire        

Đỉnh của con đường ấy là Cao Bằng. Xây cất trên nền gạch cũ của thành nhà Mạc với lô cốt và hầm ngầm của lính Nhật, vây bọc bởi hai con sông Hiểm và sông Bằng Giang, Cao Bằng trở thành một pháo đài kiểm soát trục Bắc Cạn – Thái Nguyên cùng khu biên thùy phía Tây sông Kỳ Cùng. Lịch sử phong kiến chứng minh: vua quan Việt Nam không thể giữ Lạng Sơn nếu mất Cao Bằng và ngược lại. Phân tranh Trịnh-Mạc (rồi chiến tranh Hoa-Việt 1979) không thoát ra khỏi định đề này. Có phải vì vậy mà Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh Việt Minh muốn đánh Cao Bằng trước nhất, trong lúc cố vấn Trần Canh với tham mưu của Vi Quốc Thanh nhất quyết đánh Đông Khê? Hai tướng Tàu muốn áp dụng binh pháp Tôn Tử: “Đánh vào đường vận lương của kẻ thù”.

Có hai chi tiết quan trọng trong ghi chép của Vu Hóa Thầm, thư ký riêng của Vi Quốc Thanh: 1/ Cố vấn Trung Cộng xuống đến cấp tiểu đoàn như Vu Hóa Thầm ghi: “cả ba cấp đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn đều có cố vấn giúp công tác.” 2/ Trong suốt các hồi ức của tướng Tàu, dân Việt ít nhìn thấy chiếc bóng của đại tướng Hoàng Văn Thái, quyền tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân Dân. Khi Vu Hóa Thầm viết: Sự phân tích có hệ thống, thấu đáo đó của Trần Canh đã thuyết phục người lãnh đạo phía Việt Nam.” Lãnh đạo quân sự phía Việt Minh chỉ có thể là Võ Nguyên Giáp.  

[Trần Vũ]

ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

[…]

Chiến thắng Biên Giới

Huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng nằm sát biên giới huyện Tịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc, là một trong những căn cứ của Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc bấy giờ là Đảng Cộng sản Đông Dương, sau tháng 2/1951 đổi tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam) ở Việt Bắc. Ở đây non xanh nước biếc, xóm làng trù phú. Bộ chỉ huy tiền tuyến chiến dịch Biên Giới của Quân đội Nhân dân Việt Nam đóng trong mấy thôn bản dân tộc thiểu số. Rạng sáng ngày 12/8/1950, khi Vi Quốc Thanh dẫn đầu Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đến nơi được phía Việt Nam hoan nghênh nhiệt liệt. Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp thân chinh ra đón tận ngoài làng. Qua Hoàng Văn Hoan giới thiệu, hai người bắt tay thân thiết, Võ Nguyên Giáp liên tiếp nói “hoan nghênh” và nói “ vất vả quá ” bằng tiếng Trung Quốc khá lưu loát. Vi Quốc Thanh ngắm nghía tỉ mỉ người bạn hợp tác tương lai này: người hơi thấp hơn mình, tuổi tác tương đương mình, ngũ quan cân xứng, da mặt trắng nõn, ánh mắt ngời sáng long lanh, tỏ rõ uy nghi phong độ, lịch sự nho nhã. Võ Nguyên Giáp đích thân đưa Vi Quốc Thanh đến nơi ở của đồng chí – trong một nhà sàn bằng gỗ, nói chuyện chốc lát rồi từ biệt để Vi Quốc Thanh nghỉ ngơi. Hành quân suốt đêm, Vi Quốc Thanh cảm thấy hơi mệt, lúc này lại không buồn ngủ. Đồng chí biết rằng, từ bây giờ trở đi, đứng trước hoàn cảnh chiến đấu hoàn toàn mới, bắt đầu chặng đường chiến đấu một mình gánh vác trên chiến trường nước ngoài. Hoàn thành nhiệm vụ lớn lao và khó khăn này thật không phải dễ. Mỗi bước đi đều phải hết sức thận trọng, suy nghĩ chín chắn. Công tác của đoàn cố vấn nên bắt đầu từ đâu?

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Đồng chí suy nghĩ rất nhiều lần vấn đề này. Vừa tìm hiểu tình hình, vừa giúp phía Việt Nam công tác chuẩn bị cho chiến dịch biên giới. Đó là phương châm công tác trước mắt mà đồng chí định ra cho mình và Đoàn cố vấn.

Vi Quốc Thanh bắt đầu công việc khẩn trương song nề nếp. Tổ cố vấn quân sự, chính trị, hậu cần của Đoàn cố vấn và tổ cố vấn của các Bộ đội lần lượt đến Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và các bộ đội ở các nơi, triển khai công tác khẩn trương.

Hạ tuần tháng 7/1950 đồng chí Trần Canh đã đến Thái Nguyên, nơi đóng trụ sở của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14/8 cùng lên chỗ Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch Biên Giới Quân đội Nhân dân Việt Nam và gặp mặt đoàn cố vấn. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giao nhiệm vụ cho Trần Canh là giúp Việt Nam tổ chức chiến dịch Biên Giới và thống nhất xử lý vấn đề Trung Quốc viện trợ quân sự cho Việt Nam.

Trần Canh và Vi Quốc Thanh đã quen biết nhau từ lâu. Trong cuộc trường chinh hai vạn năm nghìn dặm, khi Trần Canh làm đoàn trưởng đoàn cán bộ Trung ương thì Vi Quốc Thanh là Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Trần Canh. Hai người lâu năm chưa gặp, nay gặp nhau ở nước ngoài, dạt dào xúc động. Vì Đoàn cố vấn công tác dưới sự chỉ đạo của Trần Canh, Vi Quốc Thanh càng đặc biệt vui mừng.

Trần Canh và Vi Quốc Thanh thông qua trao đổi với Võ Nguyên Giáp và nghe Bộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam giới thiệu tình hình, đã hiểu được tình hình cơ bản của hai phía địch và bạn, và tình hình chuẩn bị chiến dịch :

1 – Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam tuy đã bước vào năm thứ năm, nhưng Quân đội Nhân dân Việt Nam về cơ bản vẫn ở giai đoạn đánh du kích, chưa qua chiến đấu đánh, tiêu diệt một tiểu đoàn địch hoàn chỉnh trở lên. Hiện nay tuy đã thành lập 2 đại đoàn (đại đoàn 304 và 308) và 3 trung đoàn độc lập (trung đoàn 174, 209, 148) nhưng 2 đại đoàn đều chưa qua tác chiến tập trung, trung đoàn cũng rất ít có kinh nghiệm tác chiến tập trung, về cơ bản vẫn là lấy tiểu đoàn, đại đội làm đơn vị phân tán tiến hành chiến tranh du kích. Dân quân, du kích có khắp cả nước chiếm lĩnh vùng nông thôn rộng lớn, không ngừng phá rối, tiêu hao đánh địch. Đoàn cố vấn đều cử tổ cố vấn đến hai đại đoàn và ba trung đoàn chủ lực nói trên, cả ba cấp đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn đều có cố vấn giúp công tác. Các bộ đội nói trên đều đã được Trung Quốc trang bị, huấn luyện, hoặc đang trang bị huấn luyện. Hiện nay đóng gần Cao Bằng có đại đoàn 308, trung đoàn 174 và trung đoàn 209, ngoài ra có một trung đoàn sơn pháo. Đại đoàn 304 đóng ở vùng Thanh Hoá phía bắc Trung Bộ, trung đoàn 148 hoạt động ở vùng Lào Cai – Tây Bắc như vậy có nghĩa là, toàn bộ binh lực có thể đưa vào chiến dịch Biên Giới là 5 trung đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo binh và một số bộ đội địa phương.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

2 – Quân Pháp tổ thành rất phức tạp. Có binh đoàn người da trắng, cũng gọi là binh đoàn quốc tịch nước ngoài, chủ yếu do tù binh Đức, tù binh Liên Xô và một số nước Đông Âu trong chiến tranh thế giới thứ hai, và số ít phạm nhân người Pháp tổ thành, sĩ quan chỉ huy đều là người Pháp. Có binh đoàn da đen, chủ yếu do binh lính người da đen thuộc các nước Maroc, Tunisie và Algérie thuộc địa của Pháp tổ thành, sĩ quan chỉ huy cũng đều là người Pháp. Quân Pháp tác chiến chủ yếu dựa vào hoả pháo và công sự, thiếu ý thức tấn công, sức chiến đấu không mạnh. Ngoài ra còn có một bộ phận nguỵ quân, sức chiến đấu càng yếu, chủ yếu đóng giữ cứ điểm. Ở Bắc Bộ, quân Pháp khống chế đường giao thông thành phố, thị trấn vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực Tây Bắc, giữ ưu thế và chủ động về chiến lược. Đầu năm 1950, quân Pháp và quân nguỵ trên toàn Đông Dương có tất cả 230.000 người. Do Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, chiến tranh du kích khắp các nơi trong nước, buộc quân Pháp chia quân ra phòng thủ, ngày càng bộc lộ nhược điểm chí mạng là thiếu lính, binh lực phân tán.

3 – Trước khi đoàn cố vấn vào Việt Nam, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử La Quý Ba làm đại diện liên lạc, trung tuần tháng 3/1950 đã đến trụ sở của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thảo luận nhiều lần với Việt Nam về vấn đề phát động chiến dịch biên giới, quyết định vùng Cao Bằng biên giới đông bắc Việt Nam giáp Quảng Tây làm hướng tấn công chính của chiến dịch. Trên quốc lộ số 4 từ Cao Bằng đi Tiên Yên (Quảng Ninh) theo hướng đông nam, quân Pháp xây dựng một loạt cứ điểm kiên cố để phong toả biên giới Trung – Việt, bao vây và uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc. Mở một chiến dịch thắng lợi ở vùng này, có thể phá vỡ sự phong toả của địch, khai thông tuyến giao thông Trung – Việt, có lợi cho viện trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam, và loại bỏ mối đe doạ đối với căn cứ địa Việt Bắc, có ý nghĩa rất quan trọng. Phía Việt Nam đã làm rất nhiều việc chuẩn bị cho chiến dịch, nhưng chưa thống nhất ý kiến đối với cách đánh trong chiến dịch, càng chưa hình thành phương án tác chiến. Lúc này, không ít tư tưởng chỉ đạo trong Quân đội Nhân dân vẫn câu nệ ở chỗ được mất một thành phố này một địa phương kia, mà không chú trọng vào tiêu diệt sinh lực địch. Vì vậy họ chủ trương đánh Cao Bằng trước, cho rằng Cao Bằng là tỉnh lỵ, là cứ điểm phòng ngự hạt nhân của hệ thống phòng ngự trọng điểm trên tuyến phong toả biên giới mà quân Pháp ra công tính toán bao năm; đánh lấy Cao Bằng không chỉ có ý nghĩa quân sự to lớn, mà còn có ảnh hưởng chính trị rất lớn.

Căn cứ vào tình hình trên, Trần Canh và Vi Quốc Thanh đã nghiên cứu tỉ mỉ phòng tuyến quốc lộ 4 của Pháp. Hai người cảm thấy, quân địch đóng giữ Cao Bằng có 3 tiểu đoàn, hơn 1000 tên, địa thế hiểm trở, công sự kiên cố, dễ phòng thủ khó tấn công, theo khả năng công kiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước mắt, rất khó gặm cục xương cứng này. Họ phát hiện trên phòng tuyến từ Cao Bằng đến Lạng Sơn dài hơn 100 km, ở giữa có hai cứ điểm Đông Khê và Thất Khê. Đông Khê cách Cao Bằng hơn 40 km về phía bắc, cách Thất Khê hơn 20 km về phía nam, cách Lạng Sơn, sáu bảy mươi kilômét, hơn 1 tiểu đoàn, bảy tám trăm quân địch đóng giữ. Đột phá từ đây có thể cô lập quân địch ở Cao Bằng, tạo cơ hội diệt viện. Kiến giải của anh hùng đại thể giống nhau, hai người (Trần Canh và Vi Quốc Thanh) không hẹn mà gặp, nhất trí đồng ý coi Thất Khê là điểm đột phá của chiến dịch. Họ lại thảo luận cao khả năng phát hiện của chiến dịch, đều đi đến nhất trí ý kiến.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Tại một cuộc họp của lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu Việt Nam, Trần Canh phân tích biện chứng vấn đề chọn đột phá khẩu của chiến dịch và khả năng phát triển của chiến dịch như thế nào, đưa ra kiến nghị toàn diện. Nêu rõ địa thế Cao Bằng hiểm trở, ba mặt là sông, sau lưng là núi cao, công sự kiên cố, dễ phòng thủ khó tấn công, là cục xương cứng. Điều đó đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam thiếu kinh nghiệm công kiên mà nói, là khó khăn rất nhiều, dễ trở thành đánh tiêu hao, lợi bất cập hại. Nếu trận đầu không thắng, nhất định sẽ ảnh hưởng rất bất lợi đối với toàn bộ chiến dịch. Vì vậy tốt nhất không đánh Cao Bằng trước, mà đánh cứ điểm Đông Khê nằm giữa Cao Bằng và Thất Khê. Quân địch đóng giữ Đông Khê chỉ có một tiểu đoàn, bố phòng không kiên cố lắm vả lại rất cô lập, địa hình cũng có lợi cho ta tấn công, nằm chắc phần thắng tương đối lớn. Đánh lấy Đông Khê, chặt đứt sống lưng quốc lộ 4, cô lập Cao Bằng. Như vậy buộc địch ở Thất Khê, Lạng Sơn có thể đưa quân chi viện, sẽ tạo cơ hội có lợi tiêu diệt càng nhiều quân địch trong vận động.

Nếu địch ở Thất Khê không đưa quân chi viện thì sau khi giải quyết Đông Khê thừa thắng đánh lấy Thất Khê, cuối cùng tập trung toàn bộ binh lực tấn công Cao Bằng và ra sức tiêu diệt địch trong vận động. Tiến công Đông Khê, tương đối nắm chắc thắng lợi. Mà trận đầu thắng lợi sẽ cổ vũ mạnh mẽ sĩ khí, gây ảnh hưởng có lợi cho toàn bộ chiến dịch. Tiêu diệt quân địch đóng giữ Đông Khê và Thất Khê sẽ làm cho lòng quân đóng giữ Cao Bằng lâm cô lập dao động. Còn Quân đội Nhân dân Việt Nam trải qua nhiều lần chiến đấu, kinh nghiệm nhiều lên, niềm tin thắng lợi càng đầy đủ lúc đó lại đánh Cao Bằng tương đối dễ giành thắng lợi.

Sự phân tích có hệ thống, thấu đáo đó của Trần Canh đã thuyết phục người lãnh đạo phía Việt Nam. Qua thảo luận, lãnh đạo Việt Nam nhất trí, đồng ý ý kiến của Trần Canh. Căn cứ vào đó, Đoàn cố vấn quân sự giúp cụ thể Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam vạch kế hoạch tác chiến chiến dịch biên giới.

 (Còn tiếp)

Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng phong vân lục nxb Đại Bách Khoa toàn thư  năm 2000)

Cước chú của Trần Vũ:

Vu Hóa Thầm ghi:  “toàn bộ binh lực có thể đưa vào chiến dịch Biên Giới là 5 trung đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo binh và một số bộ đội địa phương. ”Tuy nhiên phần ước tính quân Pháp chỉ ghi “Đầu năm 1950, quân Pháp và quân nguỵ trên toàn Đông Dương có tất cả 230.000 người” không cho thấy rõ chênh lệch cán cân lực lượng. Trên thực tế chiến trường, khúc đường Biên giới thuộc Khu Biên Thùy Đông Bắc do đại tá Constans chỉ huy, chỉ do Trung đoàn 3 Lê Dương bảo vệ với Liên đoàn Sơn Cước Marốc (Groupement des Tabors Marocains) của trung tá Lepage làm thành phần trừ bị. Tổng số quân Liên Hiệp Pháp là 6 tiểu đoàn trước giao tranh, tương đương với 2 trung đoàn bộ binh

Lính Lê Dương tại đồn Nà Sầm (Nà Chàm trên bản đồ Pháp) với đại liên Maxime sảm xuất 1924.

Thung lũng Thất Khê

Cao Bằng 1950 với sông Hiểm và sông Bằng Giang. Hình và bản đồ trích từ tập Les Combats de la RC4, Indo-Editions 2004

Hình tạp chí Life: 1/ Lạng Sơn 1950 với ban quân nhạc của trung đoàn 3 Lê Dương.

2/ Tiểu đội thân binh.

3/ Đường thuộc địa số 4 khúc Ải Chí Mã.