Ngày 19 tháng 5-1953 trung tướng Henri Navarre đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất trên cùng chuyến phi cơ trắng bạc của đại tướng Jean de Lattre ba năm trước. Trong ký sự Phiêu lưu, Nhục nhã và Sa lầy, Lucien Bodard ghi lại giây phút de Lattre xuất hiện: “Tôi chưa thấy một diễn viên nào bước ra sân khấu thành công như de Lattre ở Đông Dương. Lập tức sắm vai chính trong tấn tuồng bi kịch của Corneille – một Horace chưa luống tuổi và một đại tướng cũng đầy tàn khốc. De Lattre không diễn vai thù hận nhưng của kiêu ngạo. Giây khắc đầu tiên dẫm chân lên Đông Dương, de Lattre giành cho khinh bỉ, để chặt đứt hoàn toàn một quá khứ thảm bại, nhục nhã và tội tệ. Chưa ai biết, như de Lattre, biến nỗi yếm thế thành sức áp đảo. Khi ấy, “vua Jean” sở hữu sự oai vệ ngạo mạn của một vương quyền.” Đại tá Jules Roy, một nhà văn quân đội, ghi cảnh Navarre xuống máy bay: “Xuất hiện trước ngưỡng cửa của chiếc Constellation, Navarre không chỉ ngộp vì sức nóng tương tự như ở Calcutta. Một tướng lĩnh khác cũng sẽ khó khăn cưỡng lại nghi lễ nghênh tiếp. Dĩ nhiên Navarre biết rõ các nghi thức từ thời xách cặp cho các đại tướng và các thống chế. Nhưng lần này, Navarre là vị vương tử mà mọi người chờ đợi, và dưới mũi, đã dậy vang kèn trống cũng những lời xiểm nịnh.” Hai văn phong, hai cung cách, một ca tụng còn một miệt thị. Vì sao Jules Roy cay nghiệt với Navarre? Vì Navarre gần như trải suốt binh nghiệp trong lĩnh vực quân báo, trưởng phòng nghiên cứu lục quân Đức năm 1939, trưởng phòng Nhì tại Bắc Phi năm 1940, giám đốc An ninh quân đội rồi chánh văn phòng của đại tướng Koenig sau thế chiến, rồi làm tham mưu trưởng cho thống chế Juin tại Trung-Âu. Với một danh thiếp như thế, Navarre bị xem thiếu nhạy bén trận địa, thiếu linh cảm chiến trường vì chưa hề trận mạc. Với các quân nhân tác chiến, sự thiếu kinh nghiệm cầm quân của tân tổng chỉ huy là một khiếm khuyết khó tha thứ.

Chính vì chưa từng chỉ huy ngoài mặt trận đã khiến Navarre chọn sai tư lệnh Bắc phần René Cogny và cả hai sẽ cùng chọn lầm tư lệnh Biên Biên Phủ Christian de Castries, rồi đến lược de Castries chọn nhầm chỉ huy trưởng pháo binh Charles Piroth quá tự tin đến mức không thiết lập công sự bảo vệ vị trí pháo. Jules Roy còn ghi lại mẩu đối thoại tàn nhẫn xảy ra buổi chiều ngày 2 tháng 4-1954 sau khi các cứ điểm Béatrice, Gabrielle, Anne-Marie, Dominique đã rơi vào tay Việt Minh:

“- Nếu ông không phải là tướng 4 sao, Cogny gầm lên, tôi đã tát vào mặt ông. Navarre tím tái. Bên kia bức vách, cô thư ký đã nghe những to tiếng, chỉ có hai tướng lĩnh trong phòng. Cogny lấy lại bình tĩnh và bước ra.

– Tôi yêu cầu anh giữ kín chuyện này giữa chúng ta. Navarre nói.

– Tôi xem đây là bổn phận trước nhất của mình. Cogny trả lời khi chập gót giày.”

[La Bataille de Dien Bine Phu, Jules Roy, trang 257, Nxb Julliard, 1963]

Không phải một đối đáp giữa cấp trên và cấp dưới. Hơn một chửi bới, một thù hận. Navarre bước ra sân khấu Đông Dương đã phải sắm vai ác của một tướng cướp sớm bị lâu la nguyền rủa. Sự thiếu uy quyền sẽ khiến Navarre khó khăn điều động thuộc cấp trong trận chiến. Thiếu tướng Cogny chống đối hành binh Atlante tái chiếm Phú Yên. Chuẩn tướng Dechaux chỉ huy Không đoàn Chiến thuật Bắc phần GATAC-Nord và đại tá Nicot chỉ huy phi đoàn vận tải cải vả với Navarre qua thư. Điện Biên Phủ nhìn từ phía Pháp, là một thảm kịch nhân sự của các nhân vật sắm vai chánh thiếu chuẩn bị và nhận sai vai thủ diễn.

Xem thêm:   Hang gấu

Còn phía Việt Minh? Tất nhiên là đại thắng vinh quang trên giá máu xương của 25,000 bộ đội thương vong. Nhưng nếu đọc kỹ chương Quyết chiến Điện Biên Phủ của Vũ Hóa Thầm, người đọc không thể không suy nghĩ: Chừng như Hồ Chí Minh không tin tưởng vào khả năng quân sự của Võ Nguyên Giáp, đã phải hỏi Vi Quốc Thanh: “theo đồng chí trước mắt nên nắm những việc nào trước?” Cũng chính Hồ Chí Minh cho Vi Quốc Thanh hay Võ Nguyên Giáp bị chấn động mạnh khi đọc kế hoạch Navarre do tình báo Hoa-Nam đánh cắp. Vì sao một chủ tịch nước không nhìn thấy thiên tài của vị đại tướng đang chỉ huy Quân đội Nhân dân? Là câu hỏi.

[Trần Vũ]

 ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Quyết chiến Điện Biên Phủ (thượng) […]

Hai ngày sau Mao Trạch Đông tiếp kiến, Vi Quốc Thanh cùng mấy cán bộ mới bổ nhiệm cố vấn quân sự đáp tàu hoả đi xuống phía Nam. Trong toa xe ghế mềm thoải mái, đồng chí nhìn thấy cảnh sắc cuối thu trên đồng bằng miền Bắc không ngừng lướt qua ngoài cửa sổ, trong lòng lại nghĩ đến tình hình chiến sự Việt Nam. Trong thời gian hơn ba tháng rời Việt Nam, trong bức điện La Quý Ba gửi Trung ương mà đồng chí Tổng tham mưu trưởng cho đồng chí xem, Vi Quốc Thanh hiểu được sự thay đổi to lớn của hai bên địch – bạn trên chiến trường Việt Nam. Đồng chí cảm thấy thấm thía phương châm chiến lược và mấy biện pháp quan trọng của Mao Trạch Đông nêu ra là rất kịp thời, rất chính xác. Đồng chí trù tính với đầy lòng tin là sau khi đến Việt Nam, triển khai công tác như thế nào, làm cho những kế hoạch, ý tưởng này trở thành hiện thực, mở ra cục diện mới cho cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam.

Sau khi đến Nam Ninh, dừng lại có chút việc, Vi Quốc Thanh và các đồng chí cùng đi lại lên ôtô ra Mục Nam Quan (nay gọi là Hữu Nghị Quan), về nơi ở của Đoàn cố vấn quân sự trong rừng Việt Bắc. Khi đến nơi đã là ngày 25/10. Vi Quốc Thanh lập tức thông qua Võ Nguyên Giáp xin gặp chào Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh nghe nói Vi Quốc Thanh trở lại Việt Nam rất phấn khởi, liền sắp xếp gặp đồng chí vào ngày 27.

Ngày 26/10, trước hết Vi Quốc Thanh truyền đạt chỉ thị của Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài cho La Quý Ba, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm, đồng thời nghe các cố vấn báo cáo tình hình. Đồng chí được biết thêm sau khi quân Pháp chủ động rút khỏi Nà Sản ngày 12/8, quân đội Nhân dân từ trên xuống dưới đều thở phào nhẹ nhõm, tưởng rằng không cần lên Tây Bắc tác chiến nữa. Họ nhằm vào tình hình mới quân Pháp tập trung binh lực cơ động ở Bắc Bộ, nên họ lại đặt trọng điểm tác chiến vào vùng đồng bằng Bắc Bộ, chủ trương phân tán tập kích, chia quân ứng phó, bố trí phân tán bộ đội chủ lực ở các nơi Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Nho Quan, v.v… để đối phó tấn công có thể của quân địch. Do họ bỏ Tây Bắc, nên Ngụy quân, đặc vụ ở đấy thừa cơ phát triển, gây trở ngại cho việc tiến quân trở ại lên Tây Bắc. Cùng với chuyển biến của tư tưởng chiến lược này, vật tư hậu cần bố trí ở Thái Nguyên và tuyến bắc Bắc Giang – Bắc Ninh, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến hành động tiếp theo.

Sau hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam tháng 9 ra quyết định không thay đổi phương châm chiến lược tiến quân lên Tây Bắc, bắt đầu công tác chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc lần thứ hai. Nhưng những người lãnh đạo quân đội thiếu thống nhất với chuyển biến nhận thức này, hành động tương đối chậm chạp, công việc tiến triển không nhanh. Tóm lại, việc tiến quân lên Tây Bắc còn rất nhiều vấn đề chờ giải quyết.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ngày 27, Vi Quốc Thanh được Võ Nguyên Giáp đi cùng, cưỡi ngựa đến “dinh rừng trúc” của Hồ Chí Minh, cách hàng chục dặm. Hồ Chí Minh vừa thấy Vi Quốc Thanh lập tức ôm hôn thắm thiết. Cùng dự có Trường Chinh cũng ôm hôn đồng chí, Vi Quốc Thanh chuyển kiến nghị của Mao Trạch Đông về chiến lược Nam tiến và mấy biện pháp quan trọng và ý kiến của Bành Đức Hoài về phương pháp tác chiến và vấn đề xây dựng quân đội trong tình hình chiến tranh hiện nay, đến Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp và trực tiếp đưa cho Hồ Chí Minh bản tiếng Pháp kế hoạch kế hoạch quân sự Navarre.

Cách một hôm, Hồ Chí Minh hành trang gọn nhẹ, bất ngờ đến thăm Vi Quốc Thanh. Người hồ hởi nói với Vi Quốc Thanh: “Cám ơn đồng chí từ Bắc Kinh mang đến cho chúng tôi hai món quà rất tốt. Một là kiến nghị của Mao Chủ tịch đối với tác chiến về sau, giúp chúng tôi rất lớn. Tôi và các đồng chí Bộ Chính trị đều cho rằng ý kiến của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là đúng đắn. Thực hành những phương châm và biện pháp đó nhất định có thể đập tan kế hoạch Navarre. Tôi đã gửi điện cho đồng chí Mao Trạch Đông, tỏ rõ thái độ của chúng tôi, kiên quyết làm theo. Hai là bản tiếng Pháp kế hoạch quân sự Navarre, cũng rất giúp ích chúng tôi, làm cho chúng tôi càng hiểu địch hơn trên toàn cục. Đồng chí Võ Nguyên Giáp sau khi xem kế hoạch Navarre bị chn động mạnh, tỏ ra thông suốt tư tưởng, hoàn toàn ủng hộ phương châm chiến lược giải phóng Tây Bắc, Thượng Lào trước rồi từng bước tiến về phía Nam”. Hồ Chí Minh ngừng một lát rồi nói tiếp: “Đồng chí Vi, theo đồng chí trước mắt nên nắm những việc nào trước?”.

Vi Quốc Thanh trả lời rằng: “Tôi cho rằng điều chủ yếu nhất trước mắt là vạch kế hoạch tác chiến tấn công mùa đông. Dựa vào kế hoạch đó để thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, thì các công việc dễ triển khai”. Hồ Chí Minh nói luôn: “Rất tốt, rất tốt, hoàn toàn nhất trí với suy nghĩ của tôi; đồng chí phải giúp đồng chí Võ Nguyên Giáp vạch ra kế hoạch tác chiến thật nhanh, đưa Bộ chính trị thảo luận thông qua. Việc này giao cho đồng chí ”.

Vi Quốc Thanh nói: “Xin Hồ chủ tịch yên tâm, tôi sẽ cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp bàn bạc kỹ lưỡng, vạch ra kế hoạch này nhanh nhất”. Hồ Chí Minh cám ơn và từ chối mời cơm của Vi Quốc Thanh, vội ra về. Với sự giúp đỡ trực tiếp của Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh, kế hoạch tác chiến tấn công mùa đông 1953-1954 của quân đội Việt Nam được vạch ra rất nhanh. Ngày 3/11, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thảo luận thông qua kế hoạch này. Vi Quốc Thanh điện báo cho Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nội dung chủ yếu của kế hoạch này và được đồng ý. Những điểm chủ yếu của kế hoạch tác chiến này là :

  1. Hướng chủ yếu của tác chiến mùa đông là vùng Lai Châu – Tây Bắc. Sử dụng đại đoàn 308, 316 (thiếu 1 trung đoàn) và trung đoàn 148 của vùng Tây Bắc cùng 4 tiểu đoàn pháo binh và 2 tiểu đoàn công binh, tất cả binh lực là 25.000 người, ngày 10/1/1954 bắt đầu tấn công Lai Châu. Sau thắng lợi, dùng binh lực của hai trung đoàn, đầu tháng 2 tiến quân lên Phong Xa Lì – Thượng Lào. Cuối tháng 2, hai đại đoàn này lần lượt tiến sát Luông PraBang và xem tình hình đánh chiếm Huộc Xãi. Một trung đoàn khác cắm giữa Xiêng Khoảng và Luông Prabang triển khai đánh du kích.
  2. Phần lớn binh lực của các đại đoàn 312, 304 lần lượt kín đáo tập kết ở vùng Tây Bắc và Tây Phú Thọ, đại đoàn 320 tập kết giữa phủ Nho Quan và Thanh Hóa chuẩn bị khi bộ đội cơ động của quân Pháp ở đồng bằng sông Hồng, tiến theo hướng Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hoá v.v.. dụ địch vào sâu, tiêu diệt một bộ phận của chúng.
  3. Đồng thời với tiến quân lên Tây Bắc, 1 trung đoàn thuộc đại đoàn 304 và 1 trung đoàn thuộc đại đoàn 325 lần lượt tiến quân sang Trung Lào theo quốc lộ 8 và quốc lộ 12. Sau khi hai trung đoàn hợp lại, xem tình hình tấn công chiếm Thà Khẹt, thị trấn quan trọng ở Trung Lào cắt đứt phòng tuyến của địch trên quốc lộ 13 và sông Mêkông.
  4. Đồng thời với tiến quân lên Thượng Lào, cử một tiểu đoàn tăng cường để phối hợp với cán bộ đảng, chính quyền quân đội triển khai công tác ở vùng mới, cắm vào vùng Đông cao nguyên Bô Lô Ven – Hạ Lào. Đồng thời, hai trung đoàn của Liên khu 5 đánh chiếm vùng Bắc cao nguyên Tây Nguyên, sau đó tiến về phía Tây tạo nên thế Nam-Bắc đánh kẹp Hạ Lào.
Xem thêm:   2 người thợ săn

Kế hoạch tác chiến này thể hiện tương đối đầy đủ kiến nghị của Mao Trạch Đông về kế hoạch chiến lược đặt cơ sở thắng lợi cho toàn bộ tác chiến tấn công mùa đông và trận quyết chiến Điện Biên Phủ về sau :

Để thực hiện thuận lợi kế hoạch tác chiến mùa đông này, từ 19-24 tháng 11, Tổng Quân uỷ QĐNDVN họp hội nghị cán bộ cấp cao. Đây là cuộc hội nghị quân sự quy mô lớn nhất trong chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, đến dự hội nghị không chỉ có cán bộ cao cấp của bộ đội tham gia chiến đấu mà còn có các đồng chí phụ trách các chiến khu Trung Bộ và Nam Bộ. Lãnh đạo và cố vấn của Đoàn cố vấn quân sự cũng dự hội nghị.

Tại hội nghị, Võ Nguyên Giáp trước tiên tuyên bố kế hoạch tác chiến tấn công mùa đông, và động viên ngắn gọn. Sau đó đi vào thảo luận. Trong thảo luận, những người dự hội nghị tuy nhất trí bày tỏ ủng hộ kế hoạch tác chiến này, nhưng vẫn bộc lộ tư tưởng ngại khó của một số người nhận thức mơ hồ và nhấn mạnh khó khăn quá mức. Ngày thứ hai hội nghị, tức 20/11, không quân Pháp thả lính dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Được tin, vấn đề đối xử với tình hình sau đấy như thế nào, trở thành vấn đề được mọi người quan tâm chú ý.

Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh cho rằng, mục đích địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là âm mưu ngăn chặn quân đội Việt Nam giải phóng hoàn toàn Tây Bắc và tiến quân lên Thượng Lào. Đây là một việc tốt, tạo thời cơ có lợi cho quân đội Việt Nam, cũng làm cho lực lượng cơ động của địch càng phân tán hơn. Qua trao đổi với Võ Nguyên Giáp, đi đến nhận thức nhất trí. Ngày 23, Võ Nguyên Giáp phát biểu tổng kết hội nghị. Đồng chí sắp xếp phát biểu hôm kết thúc hội nghị. Vi Quốc Thanh tuân theo chỉ thị của Mao Trạch Đông muốn đồng chí làm nhiều công tác tư tưởng đối với cán bộ cao cấp quân đội Việt Nam, đã chuẩn bị đầy đủ.

(còn tiếp)

 Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng phong vân lục
Đại Bách Khoa toàn thư xuất bản năm 2000 )

Trung tướng Navarre, đại tá de Castries, thiếu tướng Cogny tại Điện Biên Phủ tháng 12-1953.

Hành quân Castor 20 tháng 11-1953: Chiến đoàn Không vận GAP1 và GAP2 chiếm lòng chảo Mường Thanh.

Thiếu tướng René Cogny tư lệnh Bắc phần và chuẩn tướng Jean Gilles,   chỉ huy ban đầu của căn cứ không lục Điện Biên Phủ.

Đại đội 17 Công binh Chiến đấu Nhảy dù tại Hồng Cúm, Mường Thanh.

 Binh sĩ VN của tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1 Săn Giặc Nhảy Dù (II/1er RCP) tại Dropping zone  Simone.

Xác bộ đội Việt Minh của tiểu đoàn 910 trung đoàn 148 ven sông Nậm Rốm sau giao tranh với quân Dù sáng 20 tháng 11-1953.