Vậy mà thấm thoát tuần san Trẻ đã giới thiệu đến bạn đọc gần hết 2 tập 15 Truyện Mùa Xuân với 15 Truyện Rừng do Nxb Sống Mới in tại Sàigòn vào năm 1970 đã làm biết bao học sinh say mê. Còn thiếu vài truyện trong hai tập này mà tôi chưa tìm ra hết. Nhưng trong tìm kiếm, tôi khám phá ra là Tuyển tập 15 không duy nhất một Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác mà còn nhiều tác gia khác. Nên hôm nay hầu chuyện bạn đọc bằng 15 Truyện Biển của Nguyễn Tú An.

Ưu điểm của thể truyện mạo hiểm này là chưa quá phức tạp, không rối rắm siêu hình và không tình dục, đủ để cha mẹ cho phép, cùng lúc cho đứa bé sắp dậy thì khát khao phiêu lưu hướng đến những chân trời mở rộng. 15 Truyện Biển gay cấn và hồi hộp, khác hẳn thể truyện Tuổi Hoa nhiều mơ mộng.

[Trần Vũ]

Nguyễn Tú An phóng tác

Mỗi lần nhắc tới chuyện câu cá biển, tôi lại nhớ lão Cam. Lão là người bạn già đầu tiên đã vỡ lòng cho tôi mánh khóe trong nghề. Chúng tôi gặp nhau ngoài bến tàu; bến không lớn gì lắm: dăm dãy nhà quét vôi vàng, mấy hàng thuyền buồm sặc sỡ, vài quán rượu… Lão Cam đứng bên cầu, chỉ xuống làn nước xanh đen, bảo tôi:

– Nước vậy mà lắm cá mập đấy nhé!

Tôi mỉm cười nửa tin nửa ngờ. Lão cũng biết vậy nên nói thêm:

– Cuối năm ngoái, có người muốn thử xem có đúng vậy không nên lấy sợi thừng dài, buộc chiếc lưỡi câu bằng bàn tay, móc cả tảng thịt thả xuống nước… Chỗ kia kìa!… Mười phút đầu chẳng có gì lạ… Nhưng chợt dây bị lôi thực nhanh, rẽ nước như tàu chạy, quàng luôn vào lưng anh chàng, kéo phăng xuống nước…

Lão rít một hơi thuốc, thong thả nhả khói, rồi nhìn tôi:

– …Mãi hai ngày sau, người ta mới tìm thấy một chiếc giày vải, đế bằng nút chai của gã, nổi lập lờ phía cuối bến. Tất cả chỉ còn có thế!…

Tôi nghe mà rùng mình. Nhưng khi lão rủ đi câu ngoài khơi, tôi nhận lời ngay.

oOo

Thuyền của lão không rộng lắm, cùng kích thước với loại thuyền câu đêm, dài chừng năm thước, phía mũi và lái đóng ván cầu, gọn và chắc. Bốn người đi lại trong thuyền còn thoải mái.

Lão Cam xương xương người, nhưng rắn như thép. Bàn tay phải cụt mất ngón út, còn từ cổ tay tới khuỷu chạy dài vết sẹo sâu hoắm. Ðó là kỷ niệm của buổi câu cá mập hai năm trước: Bữa đó lão vừa kéo con cá lên thuyền sau khi đập gần nát đầu nó bằng chiếc chày gỗ. Trong lúc bất ngờ nhất, con cá táp một nhát cuối cùng, đứt gần trọn mảng thịt cẳng tay trước của lão.

– Cái giống cá mập này – lão cắt nghĩa cho tôi nghe – không sống dai, tôi biết vậy… Mà con đó đâu có lớn gì, khoảng hơn hai thước, lại nuốt chiếc lưỡi câu trong bụng. Ai dè… chính lúc nó sắp chết, lại là lúc nguy hiểm nhất!

Xem thêm:   Tranh tài lướt sóng US Open 2024

Cá mập ưa thứ thịt rữa nát, nên hàm răng nó độc lắm, vết thương mưng mủ nhanh chóng. Chỉ chậm vài giờ là lão phải cưa trọn cánh tay.

Chẳng riêng gì lão, một số ngư phủ trong vùng cũng mang thương tích như vậy. Tôi có gặp lão Tám mấy bữa trước, lão bị con cá gươm loại cá có xương mũi dài, nhọn như kiếm đâm thủng gang bàn tay, tròn vo như đồng bạc.

Lão câu được con cá gươm lớn, đang kéo dây thì cá vuột mất. Thường thường cá lặn ngay, nhưng con này hăng tiết, đâm luôn mũi vào mạn thuyền trong lúc lão tì tay lên đó… Lưỡi kiếm của loại cá gươm cứng ghê gớm, đôi khi làm thủng được cả ván thuyền dày năm bảy phân.

Lưỡi câu của lão Cam không giống mọi người. Lão câu đêm. Theo lão:

– Ban đêm, mát trời, cá lớn mới hay lên đón mồi… Vả lại câu đêm có cái thú đặc biệt của nó!

Ra cách bờ khoảng ba hải lý, lão bắt đầu buông câu. Không phải buông một, mà cả chục lưỡi câu buộc cách khoảng vào sợi thừng lớn bằng ngón tay cái, dài ba chục thước. Mỗi sợi nối với phao gỗ, trên có ngọn đèn bão. Mười chiếc phao rải rác trong khoảng non cây số, có dây cột với thuyền.

Biển động nhẹ, ánh đèn chìm nổi trong lòng sóng, như hàng mắt nhấp nháy của đàn quái vật ngoài khơi.

Lão Cam tắt máy, neo thuyền lại, sửa soạn bữa ăn đêm. Lão gật gù:

– Thầy chưa được ăn món cá nào ngon như món tôi sắp làm bây giờ đây… Nói thực đó!… Nào, giúp tôi một tay!

Tôi phụ với lão căng một tấm lưới phía sau thuyền, trên hai con sào dài. Lão trao cho tôi cái vợt:

– Thấy con nào nhảy vào lưới, thầy đón lấy, nghen!

Tôi nghĩ thầm: chẳng bao giờ lại có thứ cá dại dột như vậy. Nhưng tôi lầm: Lão vừa bật ngọn đèn chiếu đặt phía cuối thuyền, soi xuống nước là đã có dăm con cá bay từ đâu vọt tới húc đầu vào lưới, giẫy đành đạch… Tôi chỉ việc vớt lấy ném vào khoang thuyền.

Khoảng non nửa giờ đã được tới ba bốn chục con, toàn cá béo nục; dưới bụng vàng những mỡ.

Lão Cam thu lưới, lấy dao mổ cá, rửa sạch, ướp gia vị rồi cho vào chảo mỡ sôi… Tôi phải nhận là cá bay tươi rói, chiên lên ăn ngay với đủ thứ rau thơm thực là một món ngon đặc biệt! Lão vuốt bụng, thỏa mãn:

– Ban ngày, chẳng bao giờ ta có cái thú như vậy. Lối bắt cá bay này tôi học được của dân chài Mã Lai đó.

Xem thêm:   Mua bán hóa chất độc hại

Khoảng vài phút, lão Cam lại bật đèn chiếu vào hàng phao gỗ… Phải tới một giờ sau mới thấy một chiếc đèn rung động mạnh, rồi phao bị kéo đi.

Tôi cho thuyền ghé lại gần.

Lão Cam nắm lấy thừng, gò lưng, tì vào mạn thuyền. Phía đầu dây có cá quẫy mạnh. Lão kéo được vài thước, lại thả ra, nghe ngóng…rồi lại kéo… Cứ như vậy tới năm sáu lần. Ðôi lúc người và cá giằng co… Sợi dây rung lên tưởng như sắp đứt. Tôi nghĩ chừng giữa lúc gay cấn đó, con cá chỉ cần rút mạnh là thắng… Nhưng nó cũng thấm mệt rồi!

Bàn tay kinh nghiệm của lão Cam như đo được phản ứng con mồi dưới làn nước thăm thẳm… Lão biết ở phía đầu dây kia, con cá đã nuốt trọn lưỡi câu rồi… Mỗi nhát giựt của lão khiến nó đứt từng khúc ruột không hơn không kém… Lão bắt đầu kéo dây…

Mỗi thước dây thu ngắn là cả một cố gắng của bắp thịt. Mặt lão đanh lại, mồ hôi nhỏ giọt trên trán… Nhưng càng ngày thừng lên càng nhanh, chất đống trong lòng thuyền.

Rồi trong ánh đèn, tôi thấy một tảng đen lù lù nổi lên, cách thuyền khoảng ba thước: đó là con cá mắc câu. Lão Cam giựt nhát chót, thân cá bềnh lên. Tôi nhỏm người nhô đầu coi… Lão Cam đẩy ngửa tôi ra sau, đúng vào lúc con cá quẫy mạnh… Làn nước đen sẫm nổi bọt trắng xóa…

Con cá chưa chịu hàng ngay; nó vật mình vật mẩy, há miệng đớp không khí, hai hàm răng đập vào nhau nghe như tiếng chày đập gỗ… Lão Cam nhìn tôi:

– Phải cẩn thận… Tôi đã bảo lúc này phải coi chừng. Ðuôi nó quật trúng là vỡ mặt; còn răng nó táp được chẳng cụt cũng què.

Tôi rợn người, thấy lạnh ở sống lưng. Chắc chẳng bao giờ tôi trở thành ngư phủ lành nghề như lão được!

Con cá lộn thêm vài vòng, sợi thừng quấn vào mình nó, vướng vào mang, vào vây… Thế là hết giẫy.

Lão Cam giơ cao chiếc chày gỗ, giáng liên hồi vào sọ con vật. Lão cẩn thận nhặt ngọn lao sắt, xiên vài ba nhát qua đầu cá, đợi nó thực chết hẳn mới neo vào mạn thuyền.

Tôi không ngờ con cá lớn như vậy, dài tới bốn thước, không ít. Dưới ánh đèn, mình nó óng ả, bóng lên màu biếc của thứ thép hảo hạng, trông thực đẹp mắt.

Lão Cam thở phào nhẹ nhõm, nằm ngã người trong khoang thuyền. Tôi đưa cho lão chai rượu mạnh, lão tợp một ngụm:

– Thế là có cả chục ngàn… Da đem phơi, vây bán cho Hoa kiều, dầu và mỡ trữ lại đó, được giá mới bán… Còn thịt thì tới bến có người mua ngay… Họ đem làm đồ hộp.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 5 tháng 9 năm 2024

Kể ra lắm tiền thực, nhưng câu được con cá chẳng dễ dàng gì!

Chợt lão nhỏm dậy, đập vào vai tôi:

– Tắt đèn đi, mau!

Giọng lão mất hẳn bình tĩnh… Lão trỏ tay phía trước.

– Coi kìa… Cá đuối…

Tôi đã nghe nói tới thứ cá mà dân chài sợ nhất này. Ðó là thứ cá đuối lớn chiều ngang rộng cả chục thước. Khi nó giương vây trông như con bướm khổng lồ, bay lượn giữa hai làn nước. Nó chỉ cần đảo mình một nhát là thuyền nào cũng phải bắn vọt đi…

Tôi tắt phụt đèn đúng vào lúc đôi cánh cá như hai lá buồm ve vẩy giữa hàng phao… Sóng cuộn lên, vỗ mạnh vào mạn thuyền… Người tôi lặng đi, tưởng chừng như có khối chì đè lên ngực, lên tứ chi… Tôi sợ tới độ ngoài việc trố mắt nhìn con vật nhấp nhô cách đó khoảng ba chục thước, tôi không nhích chân tay được nữa… Miệng lưỡi khô như rang… Sức lực tiêu tan đâu hết… Lão Cam cũng chẳng hơn gì, người lão cứng như pho tượng…

Con cá không vẫy cánh nữa… Nó xoay mình thong thả như trong cuốn phim chiếu chậm rồi từ từ chìm xuống… Nó vừa xoay mình vừa lặn… Sóng rào rạt, cuốn thành xoáy nước sâu thẳm… Con thuyền chòng chành… Lúc này tôi thấy chiếc thuyền câu mỏng manh làm sao!

oOo

Phải mươi phút sau, chúng tôi mới hoàn hồn.

Chúng tôi chuyền tay nhau chai rượu mạnh. Lão Cam lắc đâu:

– Thế là may mắn lắm đó!… Không ai hiểu được giống cá đuối này… Có lúc nó thoáng hiện rồi lặn đi ngay. Nhưng đôi khi, vô cớ nó vẫy cánh đánh bật thuyền gãy làm đôi, dễ như ta bẻ cây tăm…

Tự nhiên tôi không còn hứng câu đêm nữa.

Lão Cam cũng vậy. Chúng tôi lẳng lặng thu lại các dây câu, rồi quay về.

Trưa hôm sau, vừa ra bãi, lão Cam đã bảo tôi:

– Có hai chiếc thuyền đắm đêm qua… Tự nhiên họ thấy thuyền bị hất tung lên cao… Một chiếc gãy đôi… May mà không có ai chết…

Chúng tôi hiểu vì sao tai nạn xảy ra. Lão Cam nhìn khoảng biển chói nắng:

– Cũng may là khi có cá đuối khổng lồ, cá mập lặn hết, nếu không sao cũng có người bị táp mất đùi…

Lão quay lại phía tôi:

– Nghe chừng thầy còn muốn ra khơi… Ðể tôi bảo lão Tám đưa thầy đi ban ngày một chuyến nhé… Y còn thạo nghề hơn tôi cà…

Lão Cam nháy mắt:

– …Với lại đi ban ngày không sợ gặp cá đuối khổng lồ đâu mà lo!

Tôi chỉ cười. Thực vậy: giá gặp lại con quái vật đó lần nữa chắc tôi chẳng bao giờ còn dám đi câu ngoài khơi.

NTA phóng tác

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2023