Sau tưởng niệm Thế Uyên, mời bạn trở lại với 15 Truyện Rừng do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác. Tủ sách 15 Truyện dễ đọc, lôi cuốn và sống động. Văn bản vẫn do một bạn đọc của tuần báo Trẻ chụp lại từ trang sách cũ rồi gửi cho tôi đánh máy. Minh họa lấy từ các album truyện tranh của nhà Glénat và Rocher. [Trần Vũ]

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Ðôi bạn lạc lõng trong rừng đã ba ngày trời.

Nói là lạc đường thì không đúng hẳn, vì họ là người đầu tiên đặt chân tới miền này để ghi lại trên bản đồ những lối mòn, những ngõ ngách dọc ngang trong rừng hoang, cho một công ty khai thác lâm sản.

Lư chỉ vào khoảng vách đá chằng chịt những dây leo, những bụi gai bám hững hờ vào kẽ núi, bảo bạn:

– Ta hạ trại ngay đó cũng được… Ðây là lối đàn voi ngược về Nam, vào đầu mùa mưa…

Duy gật đầu:

– Cả cánh rừng này là đất săn của bộ lạc Ma-ho, nghe nói vậy… Có tiếng là sẵn thú lắm đấy!

Hai người đều là những tay đi rừng thành thạo. Họ thuê một con voi già để cưỡi và chở hành lý. Ngoài đôi súng săn, mỗi người còn đeo ngang lưng cây cung uốn bằng thứ trúc đực lâu năm, cứng và dẻo như thép tốt. Cặp cung quý này do viên quan Châu họ Ðèo tặng họ từ lâu lắm, chẳng lần nào đi rừng mà họ quên mang theo… Duy vẫn nói:

– Hạ thú rừng bằng cung dễ hơn súng, mà lại thú vị hơn nhiều… Mình phải bò tới sát con vật, hồi hộp từng phút từng giây, cho tới lúc mũi tên vụt đi. Cái thú vị của người đi săn là ở chỗ công phu đó… Chứ dùng ống nhòm với súng tối tân để bắn, thì ai làm chẳng được!

Cánh rừng rậm bát ngát như một thứ màn xanh bao trùm tới ngột ngạt những ai bạo gan dấn thân vào đây. Qua kẽ lá, sau thân cây, hai người đoán chừng có vô vàn thú rừng đang rình rập, âm thầm, kín đáo nhưng kiên nhẫn theo dõi từng cử chỉ của khách đường xa…

Ðôi lúc, gặp được khoảng rừng thưa, ánh nắng lọt xuống từ trên tầng cây chót vót cao, làm thành một hải đảo vàng tươi giữa biển rừng âm u.

Lư rút lưỡi búa giắt ngang lưng ra:

– Ta phạt đám bụi gai kia, đốt lửa lên là vừa…

Hai người thay phiên nhau, vừa chặt cây, vừa phát cỏ dọn một khoảng trống cho con voi già nghỉ chân ngay dưới gốc cây lim cổ thụ.

Duy khúc khích cười:

– Mình ở từng trệt… Lầu một dành cho gia đình chú dã nhân… Cậu thấy chưa?

Bây giờ Lư mới để ý, ngay trên chạc ba lớn nhất, có đám cành vụn với lá khô, ba con dã nhân; giống khỉ này chúng có cặp mắt tròn xoe, linh động, tinh khôn y như người!… Nhưng vừa ngửi thấy mùi khói bốc ra từ đám lửa trại, là đàn khỉ chuyền sang cây khác, biến mất… Một lát sau, Lư đã thấy bóng chúng thấp thoáng tít đàng xa, con đầu đàn chống tay xuống đất, bước lom khom như ông già.

Lư có tài giữ lửa bền lắm. Anh chất củi khô trước, phía ngoài xếp thực nhiều cành tươi; đám cành này khô tới đâu, bén tới đó, nên suốt đêm lửa không tắt, vừa đỡ muỗi vừa là hàng rào chắc chắn nhất để cản thú rừng.

-oOo-

Ðường rừng bắt đầu quang quẻ hơn. Nối với rừng thưa là bụi gai và cỏ gianh, thứ cỏ dài, cao hàng thước, rào rạt uốn lượn dưới gió ngàn.

Lư vòng ra xa, nấp trong bụi, rình nai. Anh học được một người Thượng cách gọi nai tơ: chỉ việc mím miệng thổi vào chiếc lá tre gập đôi, là phát ra được thứ tiếng run rẩy, kéo dài của nai đực gọi bầy.

Một con nai cái có bộ lông nhạt, mượt như tơ, óng ánh trong nắng, từ ngoài đồng cỏ chồm lại phía Lư. Ðó là con nai lạc đàn, nên vừa nghe tiếng gọi đã chạy tới… Mũi tên của Lư xuyên ngay ức con vật. Nó vọt lên cao, khựng lại rồi nằm vật xuống đó, quờ quạng bốn cẳng mảnh mai, xinh xắn như một thứ đồ chơi.

Thế là đủ ăn thịt trong vài ngày.

Cả Lư và Duy đều không phải những người thích bắn giết; cần thịt thì săn nhưng họ thích ngắm thú rừng trong nếp sống tự nhiên, giữa đồi cỏ ngàn cây hơn… Cũng vì vậy nên khi gặp con heo rừng sa hố, cả hai không ai nghĩ tới chuyện giết con vật hết. Lư nhòm xuống hố, xuýt xoa:

Xem thêm:   2 người thợ săn

– Hố sâu đấy… Chắc nhóm thổ dân tính bẫy thứ gì lớn hơn kia: trâu rừng hay bò tót, thì phải!… Thực không may cho con heo!

Duy ngắm nghía con vật:

– Loài heo này khá hiếm… Heo bốn nanh, mặt dài đầy những bướu thế này, là loại heo đồng lầy, thịt ngon lắm nhé!

Con vật lồng lộn dưới hố, nó hết cà răng vào lớp đất đỏ thành hố lại húc đầu tứ phía, thở hồng hộc như bò rống.

Lư gật gù:

– Ðể cho chú ta ăn no đã… Ðiệu này là đói lắm đây. No ăn tức khắc hiền như bụt ngay… Dễ nó nhịn tới ba bốn bữa rồi không chừng!

Duy bứt hàng bó cỏ nước với khoai dại mọc ven suối, liệng xuống hố:

– Cỏ non với rễ khoai là thức ăn chính của heo nước mà!… Nó ngốn hết ngay cho coi!

Anh nói chẳng sai chút nào, con heo đồng lầy chồm vào đống cỏ, ăn ngấu nghiến. Tiếng hộc của nó dịu đi, biến dần thành thứ tiếng nhồm nhoàm thích thú của con vật háu đói. Lư có vẻ đăm chiêu, nhìn bạn:

– Này… heo biết lội không cậu?

Duy cười:

– Thú rừng nào chẳng biết lội… Từ voi cho tới hoẵng, cậu cứ quăng xuống nước coi, chẳng con nào chết đuối hết!

Nét mặt Lư tươi hẳn lên:

– Vậy ta có cách lôi nó lên khỏi hố rồi.

Duy nghi ngại:

– Ðừng tưởng nhẹ, cậu ơi… Phải ba tạ là ít… Làm sao chúng mình kéo nổi?

Lư lắc đầu:

– Không kéo nổi, nhưng thả con vật ra rừng thì chúng mình làm được, rồi cậu coi!

Anh chỉ dòng suối trong vắt chảy cách đó chừng hai thước:

– Ta khơi rạch cho nước chảy vào hố, heo theo nước bơi ra là xong, chứ gì!

Cả hai hí húi xẻ đường rãnh bằng cây búa với chiếc xẻng. Chẳng bao lâu, nước xối xuống hố ào ào.

Con heo rừng chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, nó lẩn tránh dòng nước trắng xóa tỏa xuống đầu, xuống lưng. Nhưng rồi đáy hồ lõm bõm nước, lớp đất đó trở thành thứ bùn đặc sệt, quyện vào chân vào bụng nó… Khi nước lên cao con vật hoảng hốt, vùng vẫy cho khỏi chết đuối, nó rít lên, ho sặc sụa, bơi lấy bơi để, cố gắng nhoai trên mặt nước. Mấy lần Lư tưởng nó chết ngộp… Vậy mà nước vừa tới miệng hố, nó đã trườn mình ra được, vừa thở hộc hộc vừa rùng mình, rũ lông như mèo gặp mưa… Chợt nó ý thức sự có mặt của Lư và Duy… Cặp mắt nhỏ, gần như núp kín dưới chồm lông rũ xuống từ trên trán liếc nhanh về phía hai người… Rồi “ro..ạ..t” nó lao đi thật mau, biến mất vào bụi gai. Chỉ thiếu chút nữa, nó húc gãy chân Duy làm anh hốt hoảng nhảy lùi mấy bước. Lư cười khì:

– Giá không nhớ ơn cứu sống của cậu, chắc nó cho cậu què giò rồi, thấy chưa!

Chiều hôm đó, hai người hạ trại ngoài ven rừng.

Duy bắt được con dím béo nẫn. Anh bọc dím vào đất sét, đem nướng trên than hồng. Cái lối nướng này làm cho thịt chín dừ, mà chẳng mất đi chút nước ngọt nào, ăn đã mềm lại thơm phức…

-oOo-

Ðêm ấy trời nổi gió, thứ gió mát lạnh, đượm chút ẩm ướt của đầu mùa mưa. Con voi già Bali trằn trọc không chịu yên giấc như mọi khi. Lư có vẻ băn khoăn:

– Ấy cái giống voi như vậy… Cứ sắp vào mùa mưa là lại nhớ rừng. Có con dứt xích bỏ đi hàng mấy ngày rồi mới về trại kia!

Anh cẩn thận, buộc thêm chiếc thừng mới vào hai chân con vật, thì thào nói với nó:

– Mày già rồi… Chịu khó theo chúng tao nghe!

Duy ra tận bờ suối, đẵn về một ôm sậy non, thân mịn như tơ, mọng thứ nước mát, có vị ngọt mà loài voi ưa thích xưa nay… Anh hy vọng con vật không giở chứng, gây trở ngại cho cuộc hành trình.

Nhưng mọi thứ săn sóc đều vô ích: sớm hôm sau, khi mở mắt dậy, cả hai đã thấy con voi già biến đâu mất!

Duy ngán ngẩm nghĩ tới mấy gói hành lý và hai khẩu súng còn để trong bành tre trên lưng voi. Thật may mà họ đã đeo liền với người chiếc cung tre với túi tên, nếu không thực chẳng biết xoay sở ra sao.

Lư nhìn những vết chân tròn như miệng chúng in hằn trên mặt đất:

– Ta đành đi tìm nó vậy… Chắc không xa lắm đâu… Có điều mất thì giờ thôi!

Kể ra cũng chẳng còn cách nào khác.

Trong khoảng vài trăm thước, dấu chân voi rành rành, nhưng hết khoảng đất ẩm ướt ven suối, vết chân mờ dần trong đám cỏ gianh, rồi bụi bặm, rừng cây đồng lõa với con voi già, chẳng để lại vết tích nào rõ rệt.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Lư và Duy mỏi rã rời trong đám cành lá kín mít. Không khí rừng sâu nóng ẩm, ngột ngạt. Bình nước uống cạn hết, cả hai bắt đầu thấy đói. Chẳng có con chim nào trên cây; trong bóng lá âm u, tuyệt nhiên vắng hẳn bóng nai bóng hoẵng.

Lư toan quay lại, nhưng Duy không chịu:

– Ta cố đi thêm chút nữa, gặp rừng thưa hãy nghỉ. Chẳng lẽ chịu mất con voi sao?

Họ muốn đi mau cho chóng ra khỏi khoảng rừng rậm rạp mà không được; bước chân chẳng vướng dây vướng rễ, thì cũng sụt trong lớp mùn lá ẩm mốc như níu gót lại…

Mãi mới thấy ánh sáng phía xa xa… Chỉ một chút nắng nhạt lưa thưa qua lá cành cũng đủ làm tan hết lo âu của đôi bạn… Nắng màu vàng điệp chảy dài trên lớp cỏ mọc cao, làm nổi bật cái mào đỏ chót của con gà lôi đang nghểnh cổ nhìn tứ phía.

Lư bảo bạn:

– Bữa trưa của chúng mình đó!… Cậu sẵn sàng đi, để tôi bò lại phía sau, đánh động cho nó bay lên… Nhớ bắn thực nhanh, đúng vào lúc gà cất cánh mới chắc ăn!

Nhưng Lư chẳng có thì giờ bò đi đâu cả, một con hoẵng phóng tới như bay làm gà bay vụt mất. Rõ ràng hoẵng bị con gì đuổi đây!… Lư nghĩ vậy.

– Hổ, báo không săn vào giờ này… Kín tiếng như vậy chỉ có trăn. Nhưng trăn có đuổi mồi bao giờ?…

Chợt Duy kêu lên:

– Chó rừng!… Nguy rồi cậu ơi!

Ðàn chó lúc này mới hiện ra, toàn một thứ chó màu nâu đỏ, gầy guộc, lưỡi thè dài, dữ như hổ đói… Con nai bị con chó đầu đàn nhảy lên lưng, ngoạm vào thịt, bấu vào da, nên khuỵu xuống đó, cách hai người chừng trăm thước. Trong nháy mắt khoảng năm chục con chó ào tới, những hàm nanh ghê gớm giành giựt từng mảng da, từng miếng thịt… Thân hình con hoẵng tơ tan biến… đi đàng nào!

Duy thúc khuỷu tay vào sườn bạn:

– Coi chừng… Nó đánh hơi thấy mình giờ.

Một số chó còn chúi đầu vào mấy mẩu xương rải rác, cố mút chút tủy thừa; những con khác vừa liếm mép vừa theo sau con đầu đàn… Chúng hướng về phía Lư và Duy… Ðôi bạn không ai bảo ai, vội bám vào đám dây leo, đu lên chạc ba của cây sến gần đó. Chó rừng không biết trèo, họ không lo lắm… Vả lại cả hai đều có cung trong tay, túi tên cũng còn đầy, nên chuyện đương đầu với chó chưa làm họ khiếp đảm… Duy giương cung lên:

– Ta hạ một số… Như vậy đàn chó ăn thịt lẫn nhau no rồi bỏ đi chứ gì!

Quanh gốc cây, lũ chó bắt đầu xúm lại, thi nhau chồm lên, miệng há hốc, nhe hàm nanh nhọn trông rợn người. Những cặp mắt màu than hồng chói lên, chiếc lưỡi đỏ lòm chảy dài như dòng máu; vài con nhẹ nhàng hơn chồm lên sát chân Duy…

Mũi tên đầu tiên xuyên ngang người con chó rừng gần nhất… Con vật không may vừa ngã, bầy chó đã xé nát xác nó ngay. Lư bảo bạn:

– Ðừng bắn vội, tôi có cách này hay lắm!

Anh cắt khúc dây leo dài, đánh thòng lọng thả xuống rình cho tới lúc khoác được vào cổ một con. Con chó bị treo lơ lửng trên không, ra sức vùng vẫy… Lư buộc chắc sợi dây vào cành cây, rồi quay lại phía Duy:

– Cậu đợi đàn chó nhảy lên táp mồi hãy bắn… Ðừng phí mũi tên nào, nghe!

Lũ chó rừng xô nhau cắn xé con mồi sống, nhưng mỗi lần chồm tới là một con trúng tên, rớt xuống và bị bầy chó nuốt tươi ngay.

Duy vui vẻ lắm:

– Mình hạ năm con… Cậu ít ra cũng phải sáu, bảy con.

Lư lắc đầu:

– Ðừng mừng vội. Cậu nhớ là đàn chó tới năm chục kia!

Trời tối dần… Bầy chó không xúm quanh gốc cây nữa. Chúng kéo nhau lùi ra xa, nằm sát xuống đất, lim dim ngủ. Một con đực, vào hạng lớn, ngồi riêng một nơi, ghếch cổ nhìn lên. Nó giữ công việc canh chừng hai con mồi trên cây, chắc vậy!

Ðêm ấy, Lư và Duy không nhắm mắt được. Họ đã cẩn thận lấy dây quấn chặt người vào cây cho khỏi ngã, nhưng giấc ngủ chỉ chập chờn thoáng qua… Cả hai đói mềm người; nhưng cái khát hành hạ họ nhiều hơn. Ðôi lúc họ tưởng chừng miệng lưỡi đều bốc lửa… Duy chịu khó bốc lớp vỏ tươi của đám dây leo, mút mát chút nhựa đặc quánh, chát tới khé cổ, để có chút nước bọt nhấp môi…

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Họ thầm mong đàn chó bỏ đi; nhưng sáng ra, sương đêm chưa tan hết, bầy chó đã tru từng hồi dài… Qua một đêm nghỉ ngơi, chúng lại bắt đầu thấy đói, thấy cần thịt tươi hơn. Có điều lần này chúng không mất công chồm lại gốc cây nữa, mà chỉ ngồi thành vòng tròn, chờ đợi một cách kiên nhẫn.

Ðôi lúc Duy có cảm tưởng đàn chó hí hửng với nhau:

– Hai miếng mồi ngon này chẳng trước thì sau cũng nằm gọn trong bụng mình thôi!

Mặt trời lên cao dần; cái nắng cháy da thịt như hút hết nước trong cơ thể đôi bạn.

Lư với tay về phía Duy:

– Ðưa bình nước cho tôi…

– Làm chi vậy?

– Mình không chịu đựng nổi tới chiều đâu… Ðể tôi thử nhử chúng xem sao… Ðằng nào cũng phải kiếm nước uống.

– Bằng cách nào đây?

Lư trỏ vào rặng cây ven rừng:

– Thì chuyền trên cây… như khỉ vậy… Ra được đằng xa, mình tìm cách chọc cho đàn chó đuổi theo, rồi lại trèo lên cây về đây, khó gì đâu!

Duy lắc đầu:

– Không xong! Nên nhớ chó rừng vừa khôn vừa nhanh mà cậu thì mệt nhoài rồi!

Lư khoác bình nước lên vai:

– Chẳng còn cách nào khác… Chúng nó đợi mình kiệt sức là thịt, chẳng lẽ ngồi chờ chết sao?… Ðể mặc tôi, cậu thỉnh thoảng bắn vài mũi tên cầm chừng nghe!

Duy thở dài nhìn bạn thoăn thoắt trên ngọn cây, đu đưa tận đầu cành, rồi chuyền sang cây lim kế bên. Mối nguy dưới đất thôi thúc khiến Lư khỏe hẳn lên. Chỉ một loáng anh đã mất hút trong đám cành lá rậm rạp.

Lâu lắm Duy mới nghe tiếng gọi của bạn từ xa vọng lại: đó là tiếng hoẵng kêu, lảnh lót, kéo dài… Lư vẫn hay bắt chước tiếng hoẵng mỗi lần đi rừng.

Ðàn chó quây quanh gốc cây cũng nhận ra thứ tiếng quen thuộc của loại mồi dễ săn này, chúng nhỏm phắt dậy… Con đầu đàn tru lên một hồi… Thế là cả bầy lao về phía đó, hung hăng như bầy quỷ đói.

Trên cây còn một mình Duy, mệt mỏi, nằm thiêm thiếp. Giá không có chuyện gì xảy ra, Duy chỉ việc nằm đây chờ bạn. Nhưng chợt có tiếng chó rừng sủa liên hồi, rồi tiếng thét hãi hùng của Lư… Thế là Duy nhào vội xuống đất, chạy như bay lại ven rừng… Duy vừa gào lên:

– Lư… cố lên!… Ðừng sợ!

Miệng nói vậy nhưng trong bụng Duy tưởng chừng ruột gan đang xoắn lại với nhau… Lúc này chỉ còn một nỗi sợ khủng khiếp thúc đẩy Duy chạy mà thôi!

Rồi cành khô, rồi rễ cây, chốc chốc lại làm Duy chúi người đi, nhưng chẳng có gì cản nổi Duy, kể cả hình ảnh hãi hùng của bầy chó rừng.

Duy vẳng nghe tiếng Lư quát dữ dội… Vậy là Lư chưa đến nỗi nào!… Mắt Duy hoa lên, tai cũng ù đi… Anh ngã thêm vài lần nữa. Bây giờ thật sự là anh kiệt sức, có tới nơi cũng chẳng giúp gì được cho Lư… Nhưng Duy đã tính rồi: không cứu được bạn, thà cùng chết với nhau, như vậy lương tâm mới bình yên!

Tới được ven rừng, Duy ngã vật ra, mắt trừng trừng nhìn về phía trước: cảnh tượng nơi đó khiến Duy chẳng bao giờ có thể quên được!

Bầy chó rừng chạy tán loạn… Lư, mặt mày bê bết máu, đang ra sức vung búa chém bừa vào đám chó còn lại, và bên cạnh Lư một khối đen sì, lù lù như đống rạ, đang giúp anh diệt đàn chó… Ðó là Bali, con voi già của hai người!… Con vật đã trở về đúng lúc.

Nó vừa dùng vòi hất tung lên trời một con, vừa giậm nát mấy con khác dưới gót chân…

– Thế là thoát nạn!

Duy thở hắt ra, nhẹ nhõm như vừa cất được gánh nặng.

Ðêm ấy, hai người cắm trại ngay bờ suối. Lư lại hạ được cặp thỏ nên bữa cơm chiều trở thành bữa tiệc mừng: mừng cả hai thoát cái chết khủng khiếp dưới hàm nanh sắc nhọn của chó rừng, và nhất là mừng ngày về của con voi già. Lư vuốt ve cặp ngà thon dài, vàng bóng, thủ thỉ với nó như nói với một người bạn:

– Không có mày chắc chúng tao không còn ngồi đây… Ráng đi cưng!… Xong chuyến này, mình tha hồ nghỉ ngơi nhe!…

NMT

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2022