Hai thập niên qua bùng phát trào lưu Duyệt xét lại lịch sử Đệ Nhị Thế chiến. Các sử gia như Jean Lopez, David M. Glantz, Steven H. Newton đánh giá lại những công trình biên soạn trước đó, cho cách nhìn khác từ những tài liệu mật dần công bố; hoặc cách tiếp cận mới như Roman Toeppel cho rằng hồi ký của các tướng lĩnh không đáng tin vì được viết cho mục đích bào chữa hoặc thổi phồng công trạng cá nhân. Khi nghiên cứu trận vòng cung Kursk, Toeppel làm một công việc duy nhất là kiểm toán các thiệt hại xuyên qua số liệu của các quân xưởng sửa chữa, so sánh mức tồn kho còn lại rồi đối chiếu với nhật ký hành quân cùng bảng trận liệt của các đơn vị. Toeppel đúc kết: Không quân Luftwaffe và binh chủng thiết giáp Đức Panzerwaffe không “gẫy cánh” như các sử gia Sô-Viết đã khẳng định (và được phương Tây xem là version chính thức); ngược lại, Hồng quân Nga thiệt hại gấp 5 lần quân Đức trên cả hai mặt chiến xa và máy bay, chết gấp 3 trên mặt bộ binh. Koursk 1943 bản Pháp văn của Nxb Perrin in 2018 và bản Anh văn Kursk 1943: The Greatest Battle of the Second World War (Modern Military History) của Roman Toeppel gây tiếng vang lớn trong giới sử học Âu-Mỹ.
Nhìn chung, trào lưu Le Révisionnisme historique được xem là nỗ lực chống lại các định kiến và vượt thoát ra khỏi thuật chép sử có dụng ý sai lệch.
Việt-Nam là một quốc gia chìm đắm trong chiến tranh với 3 thế kỷ liền loạn lạc đẫm máu nhưng nếu nhìn vào các sách sử đã in ấn, vẫn mãi mãi một phiên bản cố định theo nhãn quan của giới cầm quyền. Các tài liệu phiên dịch hay sao chép chưa có sự kiểm định thấu đáo.
Thụy Khuê là một nhà phê bình văn học đã dấn bước sang lĩnh vực lịch sử và là nhà biên khảo lịch sử Việt-Nam đầu tiên đặt lại vấn đề khả tín của các sử quan thời thuộc địa. Chính các sử gia này tạo ra định kiến với Nhà Nguyễn: đã bế môn tỏa cảng, đàn áp Công giáo, lăng trì các cố đạo để rồi cuối cùng thỏa hiệp nhục nhã. Thành kiến đó không cho thấy nỗ lực của vua quan Việt-Nam đã cố gắng triền miên chống lại mưu đồ xâm lược của Pháp, mà ngay trong những lúc tuyệt vọng nhất vẫn tìm cách kháng cự. Song song Thụy Khuê duyệt lại những truyền thuyết đã đóng băng như việc giám mục Bá Đá Lộc cứu Nguyễn Ánh thoát chết dưới tay Nguyễn Huệ hay chính các sĩ quan Pháp đã xây thành Gia Định và thành Diên Khánh ngoài Trung …
Lịch sử là một sự diễn dịch nhưng sự diễn dịch đó phải trên mặt bằng của thực tế đã diễn ra, là tiêu chí của Thụy Khuê. Vì vậy, bằng vào tài liệu sưu khảo, Thụy Khuê không ngần ngại phân tích những sai lầm của các sử gia đi trước, cả Pháp lẫn Việt, cho dù tiếng tăm như Tạ Chí Đại Trường hay Charles B. Maybon. Hơn một can đảm, một trung thực với chính mình và quê hương.
Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long là một công trình đồ sộ, mang tâm huyết của tác giả đối với lịch sử nước nhà.
[Trần Vũ]
Thụy Khuê
Về công trạng của Bá Đa Lộc đối với vua Gia Long, có hai điểm được hầu hết các sử gia thuộc địa hết sức đề cao:
1- Mặc dù Pháp hoàng không thi hành hiệp ước cầu viện 1787, nhưng Bá Đa Lộc đã tự xoay sở kiếm tiền mua khí giới và mộ binh giúp Nguyễn Ánh.
2- Bá Đa Lộc đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ, tháng 9-10/1777.
Điểm thứ nhất, chúng tôi sẽ đề cập đến sau. Điểm thứ hai là nền tảng của lập luận: nếu Giám mục Bá Đa Lộc không cứu sống Nguyễn Ánh, thì không có triều Nguyễn. «Sự thực lịch sử» này, sẽ biến thành «công ơn của nước Pháp» đối với triều Nguyễn, được lặp đi lặp lại nhiều lần, đặc biệt trong các văn thư chính thức của chính phủ Pháp hoặc của các thủy sư đô đốc gửi các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, để đòi trả các giáo sĩ bị bắt, hoặc xin thông thương. Vì thế, ta cần điều tra lại sự kiện này, xem hư thực thế nào [1].
Ngoài những tài liệu chính thức, chúng tôi để ý đến một cuốn sử ngoài luồng, đó là cuốn Sử ký Đại Nam Việt, với những thông tin lạ, không thấy trong chính sử. Tên đầy đủ của cuốn sách này là: “Annales Annamites (Sử biên niên An Nam). Sử Ký Đại Nam Việt. Quốc triều. Nhứt là doãn tích từ Hiếu Vũ Vương cho đến khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) đặng trị lấy cả và nước An Nam”[2].
Sử Ký Đại Nam Việt viết bằng chữ quốc ngữ, chắc chắn thuộc nhà dòng; tác giả (hoặc nhiều tác giả) có thể là thân nhân hoặc con cháu linh mục Paul Nghị, người mà chúng ta sẽ biết là ai. Tác giả Sử Ký Đại Nam Việt là người Việt, nên đã cung cấp một số thông tin khác với thông tin của các thừa sai về việc Nguyễn Ánh chạy thoát năm 1777, và cho biết những chi tiết về Nguyễn Ánh hồi trẻ, hoặc những việc xảy ra không được sử gia triều Nguyễn ghi lại. Với chữ quốc ngữ còn phôi thai thời ấy, tác giả, lại không chuyên nghiên cứu và có lẽ ít học, nên chỉ kể chuyện theo trí nhớ, có những chỗ không ăn khớp với thời gian, tuy nhiên, những dữ kiện trình bày, nhiều điều có thể tin được.
Trước hết, xin nhắc lại vài sự kiện chủ chốt trong hai tháng 9-10/1777, thời điểm gia đình và quần thần của chúa Nguyễn bị Nguyễn Huệ lùng bắt và tận diệt:
Ngày 19/9/1777, Tân Chính Vương (tức Hoàng Tôn Dương) và 18 quan theo hầu bị giết.
Ngày 18/10/1777 Định Vương Nguyễn Phước Thuần bị giết cùng với Tôn Thất Đồng, anh ruột Nguyễn Ánh và các tướng: Trương Phước Thận, Lưu Thủ Lương, Nguyễn Danh Khoáng.
Một mình Nguyễn Phước Ánh, 15 tuổi, chạy thoát.
Ánh trốn tránh ở đâu? Ai nuôi ăn? Ai cho ở?
Thực Lục và Liệt Truyện không viết rõ việc này, tại sao?
Nguyễn Huệ diệt chúa Nguyễn, theo Thực Lục
Thực Lục ghi như sau: “Tháng 8 [ÂL, tức tháng 9/1777] giặc Nguyễn Văn Huệ thêm quân đánh Hương Đôi. Chưởng cơ Thiêm Lộc chạy đi Ba Việt, Tân Chính Vương thấy quân ít lương hết, bàn kế chạy về Bình Thuận cùng Chu Văn Tiếp họp quân, rốt cục không xong. Các tướng đều tản mát. Chưởng cơ Tống Phước Hoà than rằng: «Chúa lo thì tôi phải chết, nghĩa không thể tránh được», rồi tự tử.
Ngày Tân Hợi [18/8/Đinh Dậu tức 19/9/1777] Tân Chính Vương bị hại chết (…)18 người quan theo hầu đều bị giặc hại cả.
Chúa [Định Vương] đi Long Xuyên.
Tháng 9 ÂL [tháng 10/1777], giặc Nguyễn Văn Huệ sai Chưởng cơ giặc là Thành (không rõ họ) [xâm] phạm Long Xuyên.
Ngày Canh Thìn [18/9/Đinh Dậu- 18/10/1777] chúa băng. Tôn Thất Đồng (con thứ hai của Hưng tổ) cũng chết theo» [3].
Vài trang sau, Thực Lục viết về hoàn cảnh Nguyễn Ánh chạy trốn:
“Mùa xuân năm Đinh Dậu [1777], giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ vào đánh cướp Sài Gòn (thuộc tỉnh Gia Định) Duệ Tông đi Đăng Giang (sông Chanh, thuộc tỉnh Định Tường). Vua [Nguyễn Ánh] đem binh Đông Sơn đến ứng viện, đón Duệ Tông đến Cần Thơ (tức đạo Trấn Giang thuộc tỉnh An Giang), rồi đến Long Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tiên). «Tháng 9 [ÂL, 10/1777] mùa thu, quân giặc theo ngặt, ngày Canh Thìn, Duệ Tông bị nạn băng. Một mình vua được thoát, lên thuyền đậu ở sông Khoa (thuộc Long Xuyên), định nhân ban đêm vượt biển để lánh giặc. Bỗng có con cá sấu cản ngang mũi thuyền 3 lần, bèn thôi. Sớm mai dò biết đêm ấy có thuyền giặc ở phiá trước. Vua bèn dời sang đóng ở đảo Thổ Châu» [4].
Những ghi chép quá sơ sài cho một giai đoạn lịch sử quan trọng như thế. Phải chăng vì những người đi theo Nguyễn Ánh đều bị giết chết nên không còn ai biết rõ để thuật lại? Phải chăng vì đã có thoại chính thống “cá sấu cản thuyền”, nên không ai dám hỏi Nguyễn Ánh sự việc lúc ấy ra sao, để ghi lại? Các huyền thoại về việc Nguyễn Ánh chạy thoát Nguyễn Huệ nhiều lần, được các sử gia triều Nguyễn viết vào bài Biểu, ghi ở đầu bộ Thực Lục phần viết về Gia Long, với những câu: «Sông Khoa có ngạc ngư [cá sấu] cản mũi”. “Trâu thần hộ giá ở Đăng Giang”[5], “Rắn thiêng nọ cõng thuyền nơi Phú Quốc”[6]. Đó là những lời viết trong… Biểu, với ý thánh hoá nhà vua. Những huyền thoại này, sau sẽ được viết thành truyện tiểu thuyết, vẽ lại trên các bình sứ, đĩa bát sứ cổ, kể các giai thoại Gia Long tẩu quốc, nhưng đó chỉ là chính sách tuyên truyền cho một quần chúng mê tín. Thực Lục là bộ sử, không thể viết kỳ cục như vậy, cho nên các tác giả bỏ bớt những điều huyễn hoặc đi, ví dụ nói «con cá sấu cản ngang mũi thuyền 3 lần”. Nhưng chúng ta không thể bằng lòng với những lập luận như thế.
Câu hỏi đầu tiên ở đây là: Tại sao phải bịa chuyện ra như vậy? Có lẽ đây là lý do:
Người Việt hay tin “điềm”, lúc ấy Nguyễn Ánh mới 15 tuổi, khó tự mình nhân danh chúa Nguyễn, đứng lên phất cờ dựng lại cơ đồ, nên phải dựa vào “điềm đế vương”, đại loại như Lê Lợi được “rùa thần dâng kiếm báu”. Ở đây, điềm “cá sấu cản thuyền” rất xứng với ngôi “thiên tử”, có lẽ là do các vị đại thần chủ trương và cho truyền ra từ đầu.
Một mặt khác, khi Nguyễn Huệ tiêu diệt gia đình và quần thần của chúa Nguyễn năm 1777, chỉ còn một vài đại thần sống sót, trong đó có quan Thái bảo Tống Phước Khuông (năm 1778, ông sẽ gả con gái cho Nguyễn Ánh)… Vậy có thể chính vị đại thần uyên bác đã chủ mưu việc này. Đây là một hành động chính trị cao, Nguyễn Ánh lúc đó còn quá trẻ, chắc cũng không nghĩ đến “mưu lược” này. Việc đưa tin Nguyễn Ánh ra đảo Thổ Châu, có lẽ cũng ở trong chiến lược đánh lạc hướng mà thôi, thực ra Nguyễn Ánh trốn ở chỗ khác. Một khi đã đưa ra “thoại chính thức về cá sấu” rồi, thì không ai dám “nghi ngờ” gì nữa. Các sử thần sau này cứ thế mà chép, không phải và cũng không dám “điều tra” xem hư thực ra sao.
Maybon “xác định” Bá Đa Lộc cứu Nguyễn Ánh
Sau đây là sự phân tích của sử gia Maybon về vấn đề này, sẽ được học giả Cadière chép lại. Trước hết, Maybon cho rằng phải xác định thời điểm Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc lần đầu: “Vấn đề đặt ra là làm sao biết được lúc nào thì vị giám mục và con người thừa kế bất hạnh của các chúa Nam Hà gặp nhau lần đầu. Những sách An Nam đều câm nín về sự gặp gỡ giữa hai nhân vật này và những tác giả Tây phương không thống nhất với nhau về ngày tháng. Tuy nhiên ta cũng có thể xác định sự kiện với độ chính xác nào đó. Nên nhớ rằng Huệ Vương [Định Vương] và các hoàng tử [anh em Nguyễn Ánh] đã được quan trấn thủ Hà Tiên [Mạc Thiên Tứ] tiếp đón nồng hậu khi họ bị Nguyễn Văn Lữ đuổi đánh; mặt khác, Pigneau [Bá Đa Lộc] được Mạc Thiên Tứ khẩn khoản gọi từ Cam-Bốt về năm trước, lúc này đang ở cạnh quan trấn thủ [Mạc Thiên Tứ] và có thể vị giám mục đã gặp các ông hoàng trong thời điểm này”[7].
Việc Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc gặp nhau lần đầu thì có ăn nhập gì đến việc Bá Đa Lộc “cứu” Nguyễn Ánh? Có chứ. Bởi vì, có gặp, có được giới thiệu, thì mới biết đó là ông hoàng, là con của vị chúa đáng lẽ nối ngôi Võ Vương. Nếu không gặp trước, thì Ánh lúc đó chỉ là cậu nhỏ 15 tuổi, chưa có danh phận gì, làm sao mà Đức Giám Mục Bá Đa Lộc lại biết, mà cứu? Tuy nhiên lập luận này cũng chỉ là những giả định, Maybon chưa chứng minh được là có cuộc “gặp gỡ” đó ở nhà Mạc Thiên Tứ. Nhưng phải công nhận sự sắp đặt của ông rất lô-gích, bởi vì sau đó, ông mới viết đến đoạn cốt lõi: “Nếu giám mục không gặp thiếu niên Nguyễn Ánh lúc ấy, thì có lẽ là sau khi Sài Gòn bị chiếm lần thứ nhì; bởi vì, dường như dứt khoát theo những chứng nhân Tây phương thì “vào khoảng tháng 9-10/1777, Nguyễn Ánh trốn tránh một thời gian trong khu rừng ngay cạnh chủng viện và giám mục Adran đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều và ngài giúp [Ánh] trốn sang đảo Poulo Panjang [Thổ Châu] ngay khi quân Tây Sơn rút lui»[8].
Ở cuối trang 193, chú thích số 2, Maybon viết như sau: “Đó là kết luận trong lời bình của M. Maitre (sđd, t. 344-347), của chứng nhân xuất phát từ những giáo sĩ, của ông Barrow và của ông La Bissachère, mà chúng tôi không ngần ngại chấp nhận là của chúng tôi nữa; tuy nhiên, rất ít khả năng những chứng nhân của Barrow và La Bissachère là từ hai nguồn thông thạo khác nhau, bởi người viết cuốn ký sự [chỉ Montyon] ký tên Bissachère, ấn hành ở Luân Đôn, rất có thể đã sao chép tác phẩm của Barrow. Về vấn đề này xin xem cuốn «Ký sự Bissachère» do chúng tôi [Maybon] in”[9].
Đến đây mới thấy sự khôn khéo và thủ đoạn của sử gia Maybon. Nếu chỉ đọc đoạn đầu mà không đọc chú thích, thì câu “vào khoảng tháng 9-10/1777, Nguyễn Ánh trốn tránh một thời gian trong khu rừng ngay cạnh chủng viện và giám mục Adran đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều và ngài giúp [Ánh] trốn sang đảo Poulo Panjang ngay khi quân Tây Sơn rút lui», đối với chúng ta là một xác định có cơ sở, nhờ câu văn đi trước «bởi vì, dường như dứt khoát theo những chứng nhân Tây phương”.
Nhưng nếu muốn biết thêm nguồn gốc của những chứng nhân Tây phương này thì ta sẽ phải đọc phần chú thích và thấy đó là:
1- Lời bình của M. Maitre [không biết ông này là ai, nói gì, vì ta không có sách của Maitre].
2- Chứng nhân xuất phát từ những giáo sĩ [không nói chứng nhân nào, giáo sĩ nào].
3- Của Barrow và của Bissachère [chỉ là một, vì người viết cuốn cách ký tên Bissachère (tức là Montyon) đã chép lại thoại của Barrow].
Tóm lại, câu “Nguyễn Ánh trốn tránh một thời gian trong khu rừng ngay cạnh chủng viện và giám mục Adran đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều và ngài giúp [Ánh] trốn sang đảo Poulo Panjang”, mà ta vừa đọc, chỉ rút ra từ một ông Barrow, vì các «ông khác» không biết là ai và họ viết gì.
Bây giờ ta thử coi xem Barrow viết như thế nào, thì đây là nguyên văn lời Barrow: “Nhà vua đã bị địch bắt, nhưng hoàng hậu, hoàng tử [chỉ Nguyễn Ánh], các con và một người chị hay em, được Adran cứu thoát. Nhờ đêm tối, họ rời xa kinh thành [Gia Định] và trốn vào rừng. Ở đấy, trong nhiều tháng, vị vua trẻ của nước Nam (…) trốn cùng với gia đình, không dưới lùm cây sồi rậm rạp mà dưới lùm đa hay bồ đề vì ở đây không ai dám xâm phạm. Một nhà tu công giáo tên Paul [Paul Nghị] liều mình đem đồ ăn mỗi ngày, cho đến khi [quân đội đi lùng] không còn tìm kiếm nữa và sau cùng được lệnh rút về» [10].
Chỗ sai lầm của Barrow trong câu này, mà chúng tôi đã nói đến trong chương 4, là:
1- Ông tưởng Định Vương là cha của Nguyễn Ánh, nên gọi Nguyễn Ánh là Hoàng tử, thực ra Định Vương là chú của Nguyễn Ánh.
2- Ông nói Nguyễn Ánh [hoàng tử] trốn với mẹ [hoàng hậu] và các con… là sai, vì lúc ấy Nguyễn Ánh chưa có vợ con gì cả, và cũng không phải do Adran cứu thoát, sẽ chứng minh ở dưới. Chỉ có câu “Một nhà tu công giáo tên Paul [Paul Nghị] liều mình đem đồ ăn mỗi ngày» của Barrow là đúng.
Nhưng câu văn này của Barrow, đã được sử gia Maybon “biên tập” lại:
Trước hết, ông chỉ lấy một ý của Barrow: “được Adran cứu thoát» và cắt hết các ý khác, rồi thêm vào những «thông tin» sau đây:
1- Chỗ trốn của Nguyễn Ánh ngay cạnh chủng viện (không có trong lời Barrow) để thiết lập một thứ logique cho việc Bá Đa Lộc cứu sống Nguyễn Ánh.
2- Sau đó Maybon viết: giám mục Adran đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều. (Câu giám mục Adran đã sai Paul Nghị là do Maybon thêm vào, Barrow không nhắc đến Adran, chỉ viết: Một nhà tu công giáo tên Paul liều mình đem đồ ăn mỗi ngày.
3- Và Maybon còn thêm vào câu này nữa: ngài giúp [Ánh] trốn sang đảo Poulo Panjang (câu này cũng không có trong lời của Barrow).
Để hoàn tất, ông đưa ra lời bình luận của M. Maitre, như một xác định có uy tín, và sau cùng ông nhũn nhặn viết: chúng tôi không ngần ngại chấp nhận [lập luận này] là của chúng tôi.
Maybon đã biến một câu có nhiều sai lầm của một tác giả mà ông khinh miệt là Barrow (sẽ nói đến sau), thành một thông tin khả tín bằng cách cắt xén và thêm thắt những điều không có trong lời của tác giả. Đó là lối viết tinh xảo, của một học giả khi muốn chế tạo những thông tin giả tạo. Người đi sau, khi thấy “sử gia học giả” Maybon đã viết như thế, thì không ngần ngại gì mà không chép lại như một “sự thực hiển nhiên”. Rất may là chúng ta tìm được những chứng nhân khác, viết về việc này.
TK (2015)
(Trích Chương 5 trong tổng tập Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long)
[1] Nguyễn Quốc Trị cũng đã phản bác những điều này trong cuốn Nguyễn Văn Tường, ở Chương hai: Sử thuộc điạ bôi lọ vua quan nhà Nguyễn và Nguyễn Văn Tường (256-349). Chúng tôi dùng những chứng từ khác, lập luận khác.
[2] Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, in lại sách này ở Sài Gòn năm 1974 và ở Montréal năm 1986, ghi rằng: “Chúng tôi chỉ có một bản do nhà dòng Tân Định (Imprimerie de la Mission de Tân Định) in năm 1909 và ghi rõ là in lần thứ năm. Như vậy tất bản in lần thứ nhất phải ra đời nhiều năm trước năm này. Bản in này có ghi các dòng chữ Annales annamites và Quốc triều, có lẽ là do người đương thời ghi chép” (Nguyễn Khắc Ngữ, Lời nói đầu).
[3] TL, I, t. 190-191.
[4] TL, I, t. 205.
[5] Ánh qua sông Chanh (Định Tường) có nhiều cá sấu, thấy con trâu đằm mình bên bờ, bèn đứng lên lưng, trâu đưa qua sông.
[6] Ánh đi thuyền ra Hà Tiên đêm tối không thấy gì, bỗng có đàn rắn cõng thuyền sang Hà Tiên.
[7] Nguyên văn tiếng Pháp: “La question s’est posée de savoir à quel moment s’étaient nouées les premières relations entre l’évêque et l’héritier malheureux des Seigneurs de Cochinchine. Les ouvrages annamites sont muets sur la rencontre des deux personnages et les auteurs européens ne s’accordent pas sur la date de ce fait. Cependant on peut, semble-t-il, la fixer avec une certaine exactitude. On se souvient que Huệ Vương et les princes trouvèrent auprès du gouverneur de Hà-tiên un accueil empressé lorsqu’ils furent chassés de Saigon par Nguyễn Văn-Lữ; or, Pigneau, appelé avec insistance du Cambodge par Mạc Thiên-tứ l’année précédente, se trouvait auprès du gouverneur à cette époque et il n’est pas impossible qu’il ait vu les princes»(Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, t. 192).
[8] “S’il ne connut pas le jeune Nguyễn Ánh à ce moment, ce fut sans doute après la seconde prise de Saigon; car il parait acquis, selon les témoignages européens, “qu’en septembre-octobre 1777, Nguyễn Ánh se cacha pendant quelque temps dans une forêt voisine du lieu où était installé le collège, que l’évêque d’Adran lui fit parvenir régulièrement des subsistances par l’intermédiaire de Paul Nghị et qu’il favorisa sa fuite à Poulo Panjang dès que les Tây-sơn se furent retirés»(Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, t. 193).
[9] “Telle est la conclusion de la critique que fait M. Maitre (ibid. p. 344-347) de témoignages émanant des missionnaires, de Barrow et de La Bissachère; nous n’hésitons pas à la faire nôtre, bien qu’il soit infiniment probable que les témoignages de Barrow et de La Bissachère ne constituent pas deux autorités distinctes, le rédacteur du mémoire paru à Londres sous le nom de La Bissachère, s’étant très vraisembablement inspiré de l’ouvrage de Barrow. Voir, à ce sujet, notre publication de La Relation de La Bissachère.»(Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, note 2, t. 193).
[10] Barrow II, t. 201.