Đang là mùa Xuân, mời bạn cùng đọc 15 Truyện Mùa Xuân do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác từ tiểu thuyết Sammy Going South của W. H. CANAWAY mà tôi đánh máy lại. Là câu chuyện của một cậu bé đi 5 ngàn dặm từ kênh đào Suez dọc sông Nile đến thị trấn Durban ở Nam Phi, về sau quay thành phim A Boy Ten Feet Tall vào năm 1963. [Trần Vũ]

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Tai họa bất ngờ

Tới bực chót của cầu thang, Sam-mi dang hai cánh tay, làm như nó có đôi cánh… Miệng nó là động cơ: vù…ú…ú…ú… Thân thể thằng bé hóa thành phi cơ phản lực phóng ra ngoài hiên…

Thú vị thực!… Sao những người lớn mấy bữa rày đăm chiêu khó chịu lạ!… Những tiếng chiến tranh, hòa đàm, phiến loạn…làm nó nhức đầu, vậy mà ngày nào nó cũng nghe ba, má, và cả chục người quen thuộc tới chơi, nhắc đi nhắc lại những thanh âm ngột ngạt ấy.

Buổi chiều thực đẹp, ấm áp một cách đáng yêu lạ!

Sam-mi ưa thích hải cảng địa đầu này: nước biển màu lơ đậm tươi sáng như nền trời, sao quyến rũ quá!… Nó thoáng nghĩ tới sương mù rồi màu xám chì của vùng biển Anh quốc, nơi quê hương xa xôi… Tít trên cao, dăm cánh diều hâu lượn lờ, loang loáng dưới ánh nắng. Trong kênh đào, ngoài xa, cả chục chiếc tàu buôn lướt êm như ru…, giống như những đồ chơi trẻ nít giữa hai bờ đá trắng. Cái gì cũng đẹp, cũng lạ mắt cả!

Vậy mà nó phải rời bỏ ngôi nhà rộng lớn, từ biệt khung cảnh tươi mát này để về nước, có đáng buồn không!

Má nó nói: ở lại lúc này là dại dột, nguy hiểm nữa… Hầu hết những kiều dân Anh đã đi rồi. Tất nhiên, đối với Sam-mi, một đứa bé mười hai tuổi, những biến chuyển trong tương lai đâu có nghĩa lý gì… Nó hùi hụi tiếc khu vườn rộng, với dăm đứa bạn da màu vừa quen biết ít lâu.

Má tính gởi nó tới dì Dao, chủ khách sạn ven biển miền Nam. Nó sẽ đi phi cơ… Vì vậy, Sam-mi nghĩ ra trò chơi phản lực này.

Thằng bé phùng mép vù…vù…một hồi dài, phóng thực nhanh khỏi sân, ra ngoài lộ, chạy dưới bóng hàng dừa cao vút… Nó nghĩ thầm:

– Phải rời nơi đây cũng tiếc, nhưng đi phi cơ cũng thú vị lắm chứ!

Rồi nó luôn miệng:

– Cẩn thận… Phi cơ tới, nghe! Tránh!…

Chẳng mấy lúc Sam-mi băng ngang dãy phố buôn bán, tới ven kênh đào. Nó tự hỏi không biết thành phố có khách sạn của dì Dao ở đâu?… Chắc phải xa lắm. Ba nó có nhắc tới miền Nam Phi-châu, nó cũng chỉ biết vậy.

Sam-mi nghĩ chừng phi cơ đang vượt trên kênh đào, cái kênh dài thăm thẳm, quen thuộc từ bao năm, đẹp tuyệt vời là đẹp!

Mê mải với trò chơi thú vị đó, thằng bé chỉ ý thức được nguy hiểm khi đoàn phi cơ -lần này là phi cơ thực, toàn những oanh tạc cơ tối tân- bắt đầu dội bom xuống thành phố.

Nó tưởng đâu có lưỡi dao khổng lồ chan chát chặt xuống, gây tiếng nổ khủng khiếp ngay trên đầu. Phía ngọn kênh, đoàn phi cơ cánh trắng xóa, lượn thành vòng tròn… Rồi khói cuồn cuộn bốc… Sam-mi bắt đầu lo sợ… Nó nằm nép sau đống thùng sắt trên bờ kênh. Thùng nhớt?… Thùng xăng?… Chẳng biết nữa! Nhưng ít ra cũng che khuất được hình ảnh khói lửa ngập trời ngay trước mắt. Chẳng ai để ý tới nó… Người ta còn lo thoát thân cho nhanh… Một cụ già ngã sấp giữa đường, giãy giụa rồi nằm im, vết máu bắt đầu loang trên chiếc áo choàng trắng… Hai chiếc phi cơ sà thấp, bắn một tràng đạn dài… Tiếng nổ nghe choáng óc… Thằng bé thét lên, hốt hoảng vùng dậy, cắm đầu lao về phía chợ… Nó nghĩ chừng ở chỗ đông người, sự nguy hiểm nhẹ đi chăng!

Khi Sam-mi tới khu thương mại, trận oanh tạc cũng vừa chấm dứt. Tiếng động cơ trên không phảng phất rồi tắt hẳn, để lại dưới đất cảnh tàn phá ngổn ngang. Thực ra, tai hại trong khu vực dân sự không đến nỗi bi thảm, vì phi cơ chỉ nhằm chỗ đóng quân, nhưng không vì thế mà không có bom lạc ra ngoài, làm sập cả dãy phố. Một người cao lớn vò đầu vò tai giữa đám gạch ngói, giơ đấm tay thóa mạ:

– Quân khốn nạn!… Tao mà vớ được thằng da trắng nào lúc này thì…

Sam-mi dúm người lại, nó thông thạo tiếng Ả-Rập nên hiểu ngay lời dọa nạt này. Ðược cái tóc nó khá đen, nước da lại rám nắng, nên không giống những đứa trẻ con Anh, trắng hồng với mái tóc hung hung… Nó co cẳng chạy thực nhanh… Về nhà, nó phải hỏi ba xem tại sao có chuyện như vậy?…

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Nhưng qua khỏi chỗ ngoặt, nó sững lại: ngôi nhà to lớn quen thuộc xưa nay giờ như có ai đem chẻ làm đôi, ba tầng trên nát vụn, sập xuống, còn trơ vài mảnh tường ám khói.

Lúc đó nó mới chú ý tới đám đông xúm xít quanh mấy chiếc xe Hồng Thập Tự và dãy hình thù sóng sượt trên mặt đất, phủ kín trong tấm vải trắng… Ngay hàng đầu, nó thấy đôi giày đỏ của má nó thò ngoài tấm chăn… Sam-mi khóc nức lên, chồm lại, nhưng một người cảnh binh giữ lấy nó, dìu tới thềm đá, cố gắng dỗ dành, cho tới lúc cơn đau đớn đầu tiên dịu lại.

Trong lúc tấm tức khóc, Sam-mi nghe xầm xì:

– Tội nghiệp!… Cha mẹ nó thế là chết cả…

– Nó người Anh… Dễ phải đưa vào trại tập trung mất.

Không hiểu sao, nó vùng khỏi tay người cảnh binh, chạy vội đi…chẳng hiểu đi đâu, nhưng nó cần phải rời chỗ này.

Thằng bé cắm đầu chạy một hồi, tới lúc mệt nhoài, mới nhận ra mình đang lang thang trên bờ kênh… Phía xa xa, mặt trời sắp lặn, mờ nhạt trong vừng ráng chiều màu cam. Cảnh vẫn đẹp như hồi nào, nhưng lòng nó tan nát quá!… Sam-mi rẽ xuống cánh đồng kê, nằm nép sau bụi tầm xuân, khóc nức nở…

Mãi tới khi ánh bình minh rực lên, Sam-mi mới hay mình vừa ngủ một giấc dài. Nó đứng vội dậy, mắt đỏ hoe, tưởng đâu chuyện xảy ra chỉ là giấc mơ… Nhưng không, từng hồi đại bác nổ rền, rồi lại tiếng phi cơ hãi hùng bữa qua… Như vậy là đúng rồi… Nó phải tới khách sạn của dì Dao ở miền Nam mới được.

Trong nắng sớm, trên lối mòn còn đẫm sương, thằng bé rảo bước… Nó cần xa thực nhanh nơi có tiếng súng, tiếng bom trước đã.

Ði khá xa, một chiếc cam nhông đầy lính Ai-Cập vượt qua, người nào cũng đầy bụi, đôi tấm áo đẫm máu, trông phát khiếp. Rồi một lát sau, có chiếc xe jeep do viên sĩ quan người Ý lái. Sam-mi đưa tay vẫy… Chiếc xe dừng lại trong đám bụi mù…

Tiếng người lái xe nghe mệt mỏi:

– Em đi đâu?

Thằng bé chỉ nghe má nói miền Nam, nên cũng nói theo:

– Miền Nam… Em tới với dì Dao.

Viên sĩ quan ra hiệu cho nó ngồi bên cạnh… Chiếc xe chạy thực nhanh, đôi chỗ đường xóc làm nó muốn nhảy ra ngoài. Tới xế chiều, xe ngừng. Viên sĩ quan bảo nó:

– Qua phải theo hướng Tây… Em đi nữa chăng?

Sam-mi lắc đầu, nhảy khỏi xe:

– Em về miền Nam… Cám ơn ông.

– Em có tiền không?

Sam-mi kiểm soát các túi, buồn thiu:

– Dạ… Không!

Chưa bao giờ nó nghĩ tới chuyện đó… Không có tiền làm sao sống nổi đây?

Viên sĩ quan mở bóp lấy ra ba tờ giấy năm đồng dúi vào tay nó rồi phóng xe đi, không nói thêm lời nào. Sam-mi nhìn theo làn bụi đỏ cuộn theo xe, lòng buồn rượi…

Nó móc túi, lấy ra chiếc địa bàn nhỏ vẫn dùng trong các kỳ trại hướng đạo, loay hoay ngắm, rồi thất thểu bước theo hướng Nam. Khoảng một giờ sau, gặp chiếc xe đò sắp khởi hành, nó trèo lên, chìa cho người tài xế tờ năm đồng… Vừa yên chỗ, mắt nó đã dính lại, rồi nó ngủ mê mệt giữa một thiếu phụ ẵm con thơ và một bà già móm mém, tay ôm đôi gà giò… Trời tối mịt thì xe dừng bánh. Bến xe là quán chợ, lúc này vắng teo.

Sam-mi không dám ngồi lại, nó bước nhanh ra khoảng đồng trống… Trong đêm tối, tiếng chó sủa ran; nó sợ lũ chó đói này lắm, đã có lần nó thấy chúng xâu xé một con cừu, nên càng xa chúng bao nhiêu, nó càng yên tâm.

Trời trong vắt, loáng thoáng những vì sao… Nó khấn thầm cho bà tiên nào trên đó chỉ đường cho mau tới khách sạn của dì Dao. Ý nghĩ ấy khiến nó phấn khởi đôi chút; nó bước một cách mạnh bạo, môi dưới thưỡi ra, như thách thức đêm tối…

Lúc trời bình minh, tới được một thôn trang khá lớn, có giếng nước, thành xây bằng đá tảng, nó ngồi bên giếng, mỏi rã rời… Không hiểu sao trong lúc này nó còn để ý tới nền trời: từ màu xám đậm, phương Ðông chuyển sắc xám hạt trai, rồi từ màu xanh của vỏ trứng vịt biến thành phớt hồng, và cuối cùng là ánh vàng ấm áp, rực rỡ màu lúa chín… Nó thoáng nghĩ tới ngôi khách sạn xa vời của dì Dao… Chắc phải lâu lắm mới tới được!… Nước mắt đẫm đôi má lúc nào nó không hay, rồi nó mệt mỏi thiếp đi.

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Gã bán hàng rong không phải người Ai-Cập, Sam-mi biết vậy, vì gã đi đôi giày có mũi nhọn hơn thứ dân Ai-Cập vẫn mang; thêm nữa, áo choàng của gã ngắn hơn, còn khăn cũng trễ mãi xuống gáy.

Thoạt trông Sam-mi không ưa gã chút nào: mặt gã già trước tuổi, râu đen, thưa thớt, mắt quầng thâm… Ðôi mắt thoáng vẻ hiền hậu giả dối của dân buôn bán, nay đây mai đó… Nhưng điều khiến Sam-mi chú ý là đôi lừa của gã, đôi lừa xám, trên lưng chất bành hàng chứa đủ thứ vải vóc sặc sỡ. Hai con vật hiền lành có đôi tai dài lúc nào cũng ve vẩy này, được buộc vào hàng rào trước nhà người thợ hàn. Từ trong căn lều tranh vẳng ra tiếng búa đập trên đe và tiếng đàn bà mặc cả mua mấy thước vải… Sam-mi ghé gần đôi lừa, vuốt ve lớp lông xơ xác trên cổ con vật. Nó bứt mấy sợi cỏ non cho lừa ăn và sực nhớ mình còn miếng sô-cô-la trong túi: nó nhấm từng tí, gần như quên hết những vất vả vừa trải.

Người đàn bà trong nhà chạy ra, kéo nó vào lòng, reo lên:

– Cha!… Ông hàng vải sang quá đi!… Mua sô-cô-la cho con trai ăn kia… Vậy bán đắt cho dân nghèo chúng tôi làm chi?

Gã bán hàng ngơ ngác:

– Con tôi!… Ðâu phải thằng nhỏ đó là con tôi?

Chợt gã ngẫm nghĩ rồi hỏi Sam-mi:

– Chú bé, ở đâu tới đó cháu?

Sam-mi không trả lời thẳng vào câu hỏi, tự nhiên nó cảm thấy không nên nói ra hoàn cảnh đau buồn của mình:

– Tôi về Nam, tìm dì tôi, có khách sạn ở đó.

Người thợ hàn nhìn đứa bé, dò xét:

– Mà về tỉnh nào chớ?

– Tỉnh Ðua-băng… Có gần không chú?

Gã gãi trán một hồi rồi lắc đầu:

– Chịu… Chưa nghe nói… Qua dãy núi kia -vừa nói gã vừa chỉ rặng núi tít đằng xa, màu tím nhạt- thì tới Qua-na, rồi tới vùng rừng núi của dân buôn ngà voi… Ðua-băng chắc phải xa lắm.

Gã nhìn đôi giày, rồi quần áo Sam-mi:

– Dì cháu giàu lắm nhỉ?

– Giàu là lắm tiền phải không?… Nếu vậy đúng, dì có hai xe hơi, còn đi nghỉ hè bằng phi cơ.

Người bán hàng rong xoa đầu thằng bé:

– Mày đi mò thế đâu được!… Theo lối này mãi, ra tới biển là hết… Phải theo hướng Tây Nam, vượt rừng, vượt núi kia! Ðợi đó, lát rồi đi với tao.

Sam-mi đã toan từ chối, nó không ưa gì gã, nhưng nghĩ tới lúc được đi với đôi lừa hiền lành, nó lại tiếc.

Gã bán hàng đứng dậy, tươi cười nói với người thợ hàn:

– Thôi, bán rẻ cho ông đó… Chẳng lời lãi bao nhiêu, bán làm quen vậy thôi.

Quay lại Sam-mi, gã hất hàm:

– Tháo dây cho lừa… Ta đi ngay giờ!

Cuộc phiêu lưu của thằng bé bên cạnh gã bán hàng rong bắt đầu từ đây.

Làn gió nóng lướt đều như phà hơi vào mặt nó. Sam-mi nắm sợi cương, liếc nhìn khoảng biển xanh như mực phía sau; vài con hải điểu sà xuống mặt nước bắt cá, đôi cánh trắng toát xòe ra, giống y chiếc phi cơ… Ðiều đó làm nó mủi lòng, vì chính những phi cơ tai hại ấy làm chết Ba, Má.

Sam-mi khóc nức lên… Ba nó vẫn nói: có người chết vì Thượng đế muốn thêm một thiên thần trên trời… Nó biết vậy, nhưng nghĩ chừng những người còn lại dưới đất, như nó chẳng hạn, thực là cực. Nó trở thành mồ côi mất rồi… Dù sao thì nói hai chữ “mồ côi” nó còn thấy đỡ buồn hơn là nói: Ba, Má tôi chết cả rồi!…

Nhắc những tiếng này, nó chỉ muốn khóc.

Gã lái buôn đi trước mở đường, Sam-mi dẫn đôi lừa theo sau. Chiếc gậy dài, đầu bịt sắt trong tay người bán hàng rong luôn luôn hoạt động, vì cứ đi được một quãng, lại gặp con rắn bò ngang đường, toàn thứ rắn hổ, bằng ngón chân cái, vàng pha xám, độc thực là độc… Gã lái đập rắn tài tình vô cùng: chỉ khẽ ngã mũi gậy đã chịt cổ con rắn, chắc như dùng kìm… Gã chí mạnh, hay lấy đá ghè vài nhát nát đầu rắn là xong.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Mỗi lần như vậy, Sam-mi lại reo lên, nhưng thét rồi cũng nhàm, vì mới từ sáng tới trưa, đã đập chết non trăm con.

Ðêm tới, gã lái buôn hạ trại ngay ven đường, trong khoảng đất trũng, xung quanh toàn đá với cát.

Gã nổi lửa, thổi cơm trong chiếc nồi đồng có dầu dừa, rồi dùng hai ngón tay lùa cơm vào miệng. Gã đẩy nồi cơm về phía Sam-mi:

– Ăn đi, mày!… Ăn no vào.

Thằng bé ngập ngừng một chút, nhưng rồi cũng phải ăn bốc như vậy. Bù lại, nó được uống thứ nước chè có pha bạc hà, thực là ngon.

Ðêm nào cũng như đêm nào, Sam-mi sau khi cột lừa, đều ngủ ngoài trời, cuộn tròn trong mảnh chăn bằng da cừu, thứ da cừu còn để nguyên lớp lông xoăn tít, ấm áp, mềm mại, nhưng khét mùi mồ hôi quyện vào.

Ðường đi mỗi ngày một dài, một vắng vẻ… Tới khi bắt đầu rẽ vào lối mòn leo lên sườn núi, Sam-mi đã quen hẳn với nếp sống dễ dãi của gã lái buôn. Trời nắng như thiêu, gã làm cho nó chiếc nón bằng mảnh vải có sọc đỏ, phủ gần kín đầu với cổ.

– Trông mày đúng là thằng nhỏ Ả-Rập rồi đó!

Vừa nói gã vừa cười ha hả. Kể ra người lái buôn không ghét gì đứa bé: sau khi thủ thỉ trò chuyện với nó, gã nhẩm tính thế nào cũng kiếm được món tiền thưởng khá lớn về việc đem đứa bé giao trả cho dì nó.

– Một bà chủ khách sạn kia mà!… Tới thành phố nào gần nhất, ta báo tin bằng dây thép cho bà ta là xong… Nhờ trời chuyến đi này có thể lãi gấp đôi, gấp ba không chừng.

Chính vì vậy mà gã tỏ ra săn sóc Sam-mi.

Ðôi khi, dừng chân bên một giếng nước, hai thầy trò gặp nhóm lái buôn dẫn theo cả chục con lạc đà cao lênh khênh, có bướu trên lưng. Gã lái trao đổi hàng hóa, lấy ít bột mì hay mươi túi chà là phơi khô, ăn ngọt lịm…

Thấm thoát đi trong núi đã tám ngày trời. Sam-mi cứng cáp trông thấy, phần vì vận động nhiều, phần vì khí hậu tốt, nó thấy đói suốt ngày. Bữa cơm nào gã lái buôn cũng lắc đầu cười:

– Mày ăn khỏe bằng hai người lớn, biết không!

Bữa đó, gã sai Sam-mi nhặt về thực nhiều củi khô:

– Lần này, tao cho mày nếm thứ bánh mì đặc biệt, nghe.

Thằng bé thích thú lắm: ít ra nó cũng được một bữa thực no; ăn cơm tẻ với hành, tỏi, phó-mát hay ô-liu, chỉ đi một lúc đã đói veo! Xưa nay nó quen bánh mì rồi mà!

Ðống lửa cháy đã to, mà gã lái buôn còn thét nó kiếm thêm củi.

Khi ôm bó cành khô về lần chót, nó thấy trên đống than đỏ rực có đặt lớp đá dẹp -chắc để nướng bánh- còn người lái buôn đang cúi đầu phồng má thổi lửa.

Chợt có tiếng nổ, than bắn tứ tung, rồi tiếng kêu thất thanh… Một mảnh đá lửa, bị nung nóng, bất ngờ nổ tung cả chục mảnh vụn lia vào mắt gã lái… Sam-mi liệng vội bó củi, chạy lại. Nó rú lên khi thấy hai mắt gã lúc này chỉ còn là hai lỗ sâu hoắm, máu đỏ lòm… Gã loạng choạng vài bước rồi nằm vật xuống, chết giấc.

Từng đàn muỗi ở đâu kéo lại, vo ve quanh khuôn mặt nhợt nhạt của người nằm đó, bất động như một thây ma. Sam-mi không dám nhìn vào vết thương ghê gớm, nhưng cũng gượng lấy mảnh vải phủ lên mặt gã.

– Chắc ông ta chết mất!… Không chừng chết rồi.

Suốt ngày hôm đó, nắng chang chang, rồi qua một đêm, gió núi lạnh buốt, thằng bé ngồi cạnh người bạn bất hạnh không biết làm gì… Nó ngủ thiếp lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, lật vuông vải che mặt người lái, nó suýt ngất đi vì khiếp sợ: trong hai hốc mắt, máu tươi còn rỉ đôi chút, nhưng lại đầy giòi, lúc nhúc bò xuống gò má… Nó lấy que gạt được mấy con xuống đất rồi nôn thốc nôn tháo, bỏ chạy đi nơi khác.

Thằng bé ngồi xuống cạnh giếng, vục nước rửa tay, ôm mặt tấm tức khóc, mơ hồ cảm thấy mình bơ vơ lạ lùng.

Nó biết đâu, nỗi nhọc nhằn của nó còn kéo dài, đôi khi khổ cực hơn thế nữa, không chừng.

(còn tiếp 2 kỳ)

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2022