Nhiều năm gần đây, mọi người có lẽ để ý thấy trong thời trang, quảng cáo, film ảnh… ở các nước phương Tây có rất nhiều người, đặc biệt phụ nữ, béo phì hoặc khuyết tật hoặc bị một chứng bệnh nào đó. Đó là do ảnh hưởng của phong trào fat acceptance (chấp nhận người mập) và phong trào body positivity (tạm dịch: tích cực về cơ thể).

Fat acceptance là gì? Body positivity là gì?

Phong trào fat acceptance bắt nguồn từ cuối thập niên 60 ở New York, Hoa Kỳ, và còn gọi là fat pride (tự hào là người mập), fat empowerment (trao quyền cho người mập), hay fat activism (hoạt động xã hội cho người mập). Fat acceptance tìm cách thay đổi cách nhìn của xã hội và cá nhân với người mập; chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người mập trong đời sống, trong nhà cửa, ở nơi làm việc, trên truyền thông v.v.

Khó khăn trở ngại với người mập có thể có trong những chuyện rất đơn giản như quần áo: vài thập niên trước đây không có đầy khắp nơi hãng hoặc tiệm quần áo dành riêng cho người plus size (trên cỡ lớn thông thường), và quần áo bình thường không có plus size, hoặc có nhưng giá trên trời. Nhưng người béo phì có thể bị kỳ thị theo nhiều nghĩa khác. Theo Yes Magazine, khi không có điều luật về bảo đảm bình đẳng, ứng cử viên béo phì có khả năng được chọn thấp hơn người cỡ vừa, và người béo phì có khuynh hướng được trả lương thấp hơn. Sự phân biệt cũng có thể có những hậu quả khác: nỗi sợ bị fat-shame (làm xấu hổ vì mập) có thể khiến nhiều người ngại không dám đến bác sĩ, dẫn tới đình trệ và đôi khi làm bệnh tật được phát hiện trễ.

Phong trào fat acceptance chống các tiêu chuẩn đẹp cứng nhắc trong thời trang và trên truyền thông; chống các chương trình và biện pháp giảm cân; nói rằng chuẩn gầy nhom kiểu Kate Moss có thể có tác động đến tâm lý phụ nữ và trẻ vị thành niên nữ, dẫn tới tự ti, căm ghét bản thân, trầm cảm, hay anorexia (biếng ăn).

Từ fat acceptance sinh ra phong trào body positivity—tích cực về cơ thể, tức là chấp nhận mọi cơ thể dù không theo chuẩn đẹp thông thường, dù không hoàn hảo hoặc có khuyết tật nào đó. Khi nghe tới body positivity, người ta vẫn thường nghĩ tới phụ nữ béo phì, nhưng body positivity đúng nghĩa không chỉ là về người nặng cân.

Ảnh hưởng của phong trào body positivity và fat acceptance

Ði đôi với phong trào diversity (đa dạng), hai phong trào này có ảnh hưởng thấy rõ nhất trong thời trang, quảng cáo, và truyền thông. Mọi người có thể thấy, nếu vài chục năm trước đa phần người mẫu đều cùng một kiểu Kate Moss, người mẫu thời trang cũng như người mẫu quảng cáo hiện nay có thể là plus size, như Ashley Graham; albino (bạch tạng), như Shaun Ross; bị vitiligo (bạch biến), như Winnie Harlow; là dwarf (người lùn), như Dru Presta; bị hội chứng Down, như Madeline Stuart; mất một chân, như Mama Cax v.v.

Quảng cáo, thời trang, điện ảnh, âm nhạc… càng ngày càng đa dạng (ít nhất trên bề mặt), không chỉ về chủng tộc và màu da mà còn về kích cỡ, kiểu người, và bao gồm cả người khuyết tật hoặc có bệnh hiếm gặp như bạch biến. Một mặt tốt là người khuyết tật hoặc có bệnh, đặc biệt trẻ con và trẻ vị thành niên, cảm thấy được chấp nhận hơn, cảm thấy cái mình có cũng được thể hiện trên truyền hình hoặc báo chí, cảm thấy bớt tự ti và yêu bản thân hơn.

Ngoài ra, hai phong trào cũng góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử ở chỗ làm, trong nhà cửa, trong dịch vụ, trong đời sống bình thường v.v.

Nguồn:npr.org/

Mặt trái

Như mọi phong trào, body positivity và fat acceptance cũng có mặt trái, đặc biệt khi đi quá xa.

Một trong những lời chỉ trích chính là phong trào fat acceptance không dừng ở mức chấp nhận người mập mà còn tôn vinh cái mập và khuyến khích lối sống hại sức khỏe; khuyến khích người béo phì tiếp tục béo phì và chống các biện pháp giảm cân; mặc kệ lời khuyên của bác sĩ và phủ nhận cái nguy hiểm của béo phì, thậm chí xa hơn, còn nói người ta có thể có sức khỏe tốt ở bất kỳ kích cỡ nào; khiến người khác ngần ngại không dám nói đến cân nặng và vấn đề sức khỏe vì sợ bị gọi là fatphobic (kỳ thị người mập) v.v.

Ngoài ra, nhiều người còn trốn sau phong trào fat acceptance để nói lời bỉ bôi hoặc thậm chí ném đá xối xả khi một ngôi sao béo phì giảm cân, như hai trường hợp gần đây là ca sĩ Adele và tài tử Rebel Wilson.

Một chỉ trích khác là phong trào body positivity, đặc biệt fat acceptance, đi đôi với nữ quyền (feminism) và chủ yếu quảng bá cho phụ nữ béo phì, nhưng hoàn toàn lơ là đến đàn ông mập hoặc đàn ông không theo chuẩn đẹp.

Người Việt có thể học được gì từ body positivity? 

Người Việt nhìn chung thường thích người gầy—lắm người trong mắt người Việt bị gọi là mập thật ra ở phương Tây chỉ là bình thường, thậm chí nhỏ. Cũng khác người Anh hay người Na Uy, người Việt cũng thường không tế nhị, gặp người quen hoặc không quen lắm cũng nói “dạo này mập ra” hoặc góp ý về ngoại hình dù chẳng ai mời.

Ở Việt Nam thường thích một kiểu đẹp là ốm, da trắng, mắt hai mí, mũi thanh và nhỏ, mặt trái xoan hoặc có V-line… Ai để ý có thể thấy, khoảng 20 năm nay, nhiều ngôi sao hoặc hoa hậu Việt Nam cứ chạy theo chuẩn Hàn Quốc và giải phẫu thẩm mỹ, nào là nâng ngực, nào là nâng mông, người thì sửa mũi, người thì gọt cằm, người lại tắm trắng… Lắm người nổi tiếng tôi nghĩ chẳng cần sửa cũng đụng tới dao kéo, như Dương Yến Ngọc hoặc Trương Ngọc Ánh có nét đẹp rất riêng cũng đi giải phẫu thẩm mỹ để giống mọi người khác. Hoặc có trường hợp như ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, sửa đi sửa lại đến biến dạng và ảnh hưởng sự nghiệp.

Trong khi các phong trào ở phương Tây đi quá xa, chuẩn đẹp duy nhất ở Việt Nam tạo vấn đề ngược lại, khiến nhiều người chạy theo chuẩn và tìm cách sửa nhiều thứ thật ra không cần sửa, và đôi khi xui xẻo phải chấp nhận mặt mũi hoàn toàn biến dạng do giải phẫu. Việt Nam cũng chẳng bao giờ sử dụng người khuyết tật, người bạch tạng hoặc người có bệnh lạ trong quảng cáo hoặc trên truyền thông, như thể họ không tồn tại hoặc hoàn toàn vô hình trong xã hội.

Có lẽ Việt Nam nên học một chút từ phong trào body positivity?

HDN

Nguồn:

https://en.wikipedia.org/wiki/Fat_acceptance_movement

https://en.wikipedia.org/wiki/Body_positivity

https://www.yesmagazine.org/social-justice/2019/06/24/fat-acceptance-movement

Về chuyện Adele và Rebel Wilson bị ném đá vì giảm cân, có nhiều bài viết có thể tìm thấy trên Google:

https://www.google.com/search?q=fat+activists+adele+rebel+wilson&ei=CF3tYcuiM4yagQad1or4Bg&ved=0ahUKEwjLxuCGgsj1AhUMTcAKHR2rAm8Q4dUDCA4&uact=5&oq=fat+activists+adele+rebel+wilson&gs_Icp=Cgdnd3Mtd2l6EAMyBwgAEEcQsAMyBwgAEEcQsAMyBwgAEEcQsAMyBwgAEEcQsAMyBwgAEEcQsAMyBwgAEEcQsANKBAhBGABKBAhGGABQ5glYmzVg5z1oAXACeACAAQCIAQCSAQCYAQCgAQHIAQjAAQE&sclient=gws-wiz