Tôi nhớ những ngày đi mua hàng hoặc xem quảng cáo trước kia, chỉ cần quan tâm tới chất lượng hàng hóa và chất lượng dịch vụ, chẳng cần chú ý xem CEO tin gì, nghĩ gì, ủng hộ những “giá trị” gì. Ðiều đó gần như không còn nữa. Trong xã hội Anh-Mỹ hiện nay, đặc biệt trong năm 2020 vừa qua, chính trị lấn chiếm, tràn ngập khắp nơi, mọi công ty đều chạy theo phong trào và tuyên bố quan điểm chính trị.

Mọi thứ đều bị chính trị hóa.

Phong trào #MeToo

Ðầu năm 2019, Gillette, hãng dao cạo có lẽ lớn nhất của Mỹ và nổi tiếng toàn cầu, tung ra một quảng cáo được gọi là quảng cáo #MeToo—thể hiện một loạt hành vi xấu “của đàn ông” như bắt nạt, đánh nhau, quấy rối tình dục  v.v. và ý nói đàn ông không nên tìm cách biện minh mà cần thay đổi và can thiệp khi thấy đàn ông khác làm sai. Theo BBC đưa tin, một loạt người ném đá dữ dội trên mạng và tuyên bố tẩy chay Gillette1.

Quảng cáo này trên Youtube, tính đến thời điểm viết, có 84,000 likes  nhưng 1.6 triệu dislikes2.

Cuối năm 2019, Washington Examiner có một bài viết nói Gillette bị mất 8 tỷ đô (dù tất nhiên không có bằng chứng 8 tỷ đô mất là do quảng cáo #MeToo), nhưng Gillette cũng tuyên bố là hoàn toàn không hối tiếc quảng cáo đó3.

nguồn business insider 

LGBT+

LGBT+ có lẽ là cái phổ biến nhất—từ vài năm nay, thấy trước kia ở Na Uy và bây giờ ở Anh, là mọi công ty, cửa hàng, siêu thị… đều dùng lá cờ cầu vồng của cộng đồng LGBT+ suốt tháng 6 (tháng của phong trào Pride), tuyên bố ủng hộ người đồng tính, lưỡng tính, và chuyển giới, thậm chí có mặt ở các buổi diễn hành Pride.

Vấn đề chuyển giới

Không chỉ treo cờ cầu vồng và có mặt ở diễn hành Pride, nhiều tập đoàn và công ty còn đi xa hơn, ủng hộ gender ideology (tạm dịch: ý thức hệ giới tính), ủng hộ phong trào transgender và tuyên bố những câu như “Trans women are women” (Phụ nữ chuyển giới là phụ nữ) và “Trans rights are human rights” (chuyển giới là quyền con người).

Tổ chức Stonewall đưa một danh sách hơn 136 tổ chức đã ký tên ủng hộ người transgender (đã qua lẫn chưa qua phẫu thuật chuyển giới, và bao gồm cả người không có ý định phẫu thuật) và muốn tác động chính phủ Anh để thay đổi luật cho phép self-ID, tức cho phép người ta tự xác định giới tính của mình không cần bác sĩ và không cần qua phẫu thuật chuyển giới: từ các công ty và tổ chức của Anh như O2, British Gas, NHS, trường đại học London Metropolitan, trường đại học Middlesex ở London, trường đại học Greenwich, trang web PinkNews, tổ chức Mermaids v.v. tới những hãng quốc tế như Amazon, Google, Facebook, Microsoft, Discovery, Budweiser v.v…4

Nên chú ý, đây không chỉ là kêu gọi chấp nhận người chuyển giới và chống kỳ thị mà là ủng hộ self-ID—một trong những vấn đề vẫn đang được tranh cãi gay gắt ở Anh vì đụng tới quyền phụ nữ và sự an toàn cho trẻ em. Một số công ty quốc tế của Mỹ như Google, Amazon, Facebook… cũng muốn can thiệp và gây tác động đến điều luật ở Anh.

Không chỉ vậy, khi nhà văn J. K. Rowling lên tiếng về vấn đề transgender, nhiều công ty lên tiếng móc mỉa chỉ trích, chẳng hạn như The Body Shop, một chuỗi cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da, và nước hoa của Anh5. Một loạt tài tử của “Harry Potter”, có toàn bộ sự nghiệp nhờ Rowling, cũng lên tiếng đả kích như Daniel Radcliffe, Rupert Grint, Emma Watson, Bonnie Wright v.v. và có cả Eddie Redmayne, tài tử chính của “Fantastic Beasts”, chuyển thể từ truyện của Rowling6.

Gần đây hãng kem đánh răng Colgate có một quảng cáo ủng hộ ý thức hệ giới tính, trong đó có một bạn trẻ tự nhận mình là non-binary (không thuộc cách chia giới tính làm hai—nam và nữ) và bảo đại từ nhân xưng của mình là they/them chứ không phải he/him hay she/her7.

Câu hỏi đặt ra là, có nhất thiết phải lên tiếng không? Tại sao tài tử không tập trung đóng film, tiệm bán mỹ phẩm không tập trung chất lượng mỹ phẩm, công ty kem đánh răng không tập trung làm kem đánh răng v.v.?

nguồn the guardian

Phong trào Black Lives Matter

Trong năm 2020, đặc biệt ngay sau cái chết của George Floyd và phong trào Black Lives Matter bùng nổ, một loạt các trang web, tờ báo, công ty… đều thay nhau tuyên bố “Black Lives Matter” và ủng hộ biểu tình.

Khắp nơi đều thấy dòng chữ “Black Lives Matter”. Bật TV hay giở báo đều thấy “Black Lives Matter”. Nhìn qua Youtube cũng thấy “Black Lives Matter”. Mở video game cũng thấy chình ình “Black Lives Matter”. Xem đá banh cũng thấy cầu thủ quỳ gối trước khi đá và khán đài có chữ “Black Lives Matter”. Mở Netflix cũng thấy “Black Lives Matter collection”. Dòm qua Instagram cũng thấy các hãng thời trang và mỹ phẩm như Ganni, Everlane, Anastasia Beverly Hills, Glossier…tuyên bố “Black Lives Matter”8. Mở hộp mail cũng thấy một loạt công ty gửi email tuyên bố “Black Lives Matter”.

Phong trào Black Lives Matter từ Mỹ cũng du nhập vào Anh—cũng có biểu tình, cũng có đập phá, cũng có kêu gọi bãi bỏ cảnh sát, dù người da đen chỉ chiếm khoảng 3% dân số Anh, lịch sử nước Anh hoàn toàn khác, vấn đề mâu thuẫn chủng tộc chính trong xã hội Anh hiện nay là người Hồi giáo chứ không phải người da đen, và Anh cũng không bị vấn đề cảnh sát nặng như Mỹ.

Cũng trong mấy tháng biểu tình, một loạt trang web đều đưa ra danh sách anti-racist (chống phân biệt chủng tộc), như The Guardian, The New York Times, Random House Books, Open Culture, Vogue, Penguin Random House, Vice, The Millions, một loạt thư viện công  v.v…9

Các danh sách này nhìn chung thường hao hao nhau, trong đó hai cuốn được nhắc tới nhiều nhất là “How to be an Anti-Racist” (tạm dịch: Làm thế nào để trở thành người chống phân biệt chủng tộc) của Ibram X. Kendi và cuốn “White Fragility” (tạm dịch: Cái mong manh của dân da trắng) của Robin DiAngelo. Một loạt báo chí, trang web về văn chương, và thư viện đua nhau đưa ra danh sách gần như cùng lúc và quảng bá hai cuốn này, khiến tôi có nghi ngờ là họ theo nhau chứ chưa đọc qua những cuốn sách mình giới thiệu.

Sau đó có vài bài phân tích cho thấy cả hai cuốn của Kendi và DiAngelo đều có cái nhìn lệch lạc, không những không giúp ích cho người Mỹ da đen mà còn góp phần làm tăng căng thẳng sắc tộc10.

Tháng 10 vừa qua, siêu thị Sainsbury’s ở Anh viết trên Twitter là ăn mừng Black History Month (tháng lịch sử người da đen) và không chấp nhận phân biệt chủng tộc, ai không ủng hộ có thể mua hàng nơi khác11.

nguồn Britannica

Kết

Vì sao mọi công ty đều phải đua theo phong trào, phải chứng tỏ mình có “giá trị”, chứng tỏ mình ủng hộ đa dạng và chống kỳ thị? Vì sao các cửa hàng và công ty không thể tập trung bán sản phẩm và bỏ công sức vào chất lượng?

Vì sao mọi thứ đều bị chính trị hóa?

DN

1: https://www.bbc.co.uk/news/newsbeat-46874617 

2: https://youtu.be/koPmuEyP3a0

3: https://www.washingtonexaminer.com/news/gillette-ceo-losing-customers-over-metoo-campaign-is-price-worth-paying#:~:text=Login-,Gillette%20CEO%3A%20Losing%20customers%20over%20%23MeToo,campaign%20is%20’price%20worth%20paying’&text=Procter%20%26%20Gamble%2C%20the%20parent%20company,over%20the%20last%20three%20years

4: Các tổ chức đã ký tên: https://www.transrightsarehumanrights.co.uk/

Stonewall giải thích thêm là các tổ chức trên ủng hộ cái gì: https://www.stonewall.org.uk/about-us/news/over-100-major-companies-join-together-say-trans-rights-are-human-rights

5: https://www.independent.co.uk/life-style/body-shop-jk-rowling-menstruation-period-shame-transphobia-trans-lgbtq-a9559721.html

6: https://www.standard.co.uk/insider/celebrity/jk-rowling-transgender-comments-celebrity-responses-a4466136.html

7: https://twitter.com/Doranimated/status/1340854489063043073

8: https://www.elle.com/culture/career-politics/a32722895/businesses-supporting-black-lives-matter/

9: https://www.google.com/search?q=anti-racist+reading+lists&oq=anti-racist+reading+lists&aqs=chrome..69i57.3254j0j9&sourceid=chrome&ie=UTF-8

10: Một ví dụ về “White Fragility”: https://newdiscourses.com/2020/06/problem-white-fragility/

Một ví dụ về “How to be an Anti-Racist”: https://www.city-journal.org/how-to-be-an-antiracist

11: https://twitter.com/sainsburys/status/1311672756010917889