‘Thực thi công bằng và công lý một cách chính xác’. Đó là phương châm của tôi. Tôi thường nói trước tòa: ‘Không để cho người vô tội bị trừng phạt, nhưng không để thoát những kẻ tội phạm’. Quan tòa Isaac C. Parker, 1896.

quan-toa-treo-co

Isaac C. Parker được mệnh danh là “Quan tòa treo cổ” ở Lãnh thổ Indian vào cuối thập niên 1880. Vùng đất mở đầu miền Tây, ngày nay bao gồm Oklahoma, một phần Kansas, Nebraska, Missouri, Colorado, N. Dakota, S. Dakota, Montana và Wyoming. Vào năm 1875, miền đất này hầu như vô chủ, không luật pháp và hỗn tạp với đủ thành phần bất hảo, băng đảng cao-bồi, trộm cắp, buôn lậu…tất cả dồn về miền đất này lập nghiệp và tung hoành tác oai tác quái. Do miền đất còn mới mẻ trong quá trình mở mang, chỉ có một tòa án ở Kansas, đảm trách khu vực miền Tây bao la. Tháng 3, 1875, Tổng thống Grant bổ nhiệm Parker làm thẩm phán khu vực. Tình hình ở đây càng phức tạp hơn sau nội chiến. Thất nghiệp và các cựu chiến binh cũng đổ xô về đây sinh sống. Miền đất hoang dã yên tĩnh này vốn là nơi cư trú của 5 bộ lạc da đỏ hiền hòa. Sau khi thay thế quan tòa tham nhũng cũ ở Ðồn Fort Smith. Ở tuổi 36, Parker là quan tòa trẻ nhất của hành pháp liên bang. Tòa làm việc 6 ngày một tuần, 10 giờ một ngày. Xử 91 vụ trong 2 tháng đầu. Lần xử đầu tiên là treo cổ 8 tù nhân phạm tội giết người, 15 người tù giam. Tuy vậy trong 8 phạm nhân bị treo cổ, một được giảm án vì vị thành niên, một trốn thoát và bị bắn. Sáu tử tù còn lại bị treo vào ngày 3 tháng 3, 1875.

quan-toa-treo-co4

Quan tòa treo cổ Parker

Ðó là một sự kiện lớn gây chấn động miền Tây và nước Mỹ. Một tuần trước đó các phóng viên, ký giả và 5 ngàn dân hiếu kỳ đổ xô về xem xử giảo hình. Báo chí lên tít lớn: Ngày Xử Tử. Sự hủy diệt lạnh lùng của pháp lý. Một sàn gỗ xây cao trên mặt đất đầy bụi đỏ. Một thanh xà gỗ to treo 6 thòng lọng. 6 tử tù bị bịt mắt trùm đầu dẫn lên sàn, 3 người da trắng, 2 da đỏ và 1 da đen, dưới chân họ là các tấm ván có bản lề. Ðứng sau họ và đối diện với đám đông là nhân viên tòa án đọc bản án, tử tù được hỏi muốn nói lời cuối cùng. Sau đó George Maledon, bước đến thắt nút thòng lọng vào cổ tử tù. Theo hiệu lệnh, các tấm ván dưới chân sàn gỗ đồng loạt được kéo xuống, 6 thân hình hụt chân bị treo lên, một vài vùng vẫy, vài co giật rồi tất cả yên ắng, 6 xác treo cổ đong đưa trong khi ngàn khán giả ngây mắt, tay che miệng để khỏi bật ra xúc cảm kinh hoàng.

Trợ thủ thi hành án treo cổ là George Maledon. Một cảnh sát ở Arkansas, tham gia lính pháo binh trong nội chiến và trở về làm quản giáo nhà tù liên bang năm 1871. Trong 22 năm kế tiếp, Maledon thi hành án treo cổ cho 6 phạm nhân, bắn chết 2 trong số 5 tù vượt ngục. Tờ báo địa phương gọi ông là “Hoàng tử giảo hình”.

quan-toa-treo-co3

Maledon, người thi hành án treo cổ.

Từ vụ xử đầu tiên 1875 đến 1876, đã có 73 cuộc xử tử treo cổ xảy ra nơi công cộng, trên khán đài bằng gỗ với người dân hiếu kỳ vây quanh. Ðể thi hành án, các phạm nhân thường được cân nặng trước, một bao cát nặng ký tương tự được thử. Ðiều này quyết định một cái chết nhanh chóng cho tử tù; nếu dây thừng dài quá, tử tù có thể bị gãy xương; nếu dây ngắn quá, cái chết sẽ kéo dài lắm khi đến 45 phút. Dây thừng được luộc và căng để khỏi xơ hay xoắn. Nút thòng lọng được bôi sáp hay xà phòng để thắt êm và nhanh gọn. Nhiều phạm nhân có bắp thịt cổ mạnh mẽ, khi dây thừng rơi quá ngắn hay nút thòng lọng lỏng tuột, cái chết thật chậm rãi và kinh hoàng khi phải chứng kiến tử tù khuôn mặt phình ra, lồi mắt, lưỡi thè, chân tay vùng vẫy, dù bị trói chặt trùm đầu và nước từ cơ thể thoát ra… Mặc dù việc xử án lộ thiên này đã chấn chỉnh luật lệ và đem lại pháp luật, trật tự nơi miền đất dữ này, nhưng dư luận công chúng ở các nơi khác, đặc biệt là chốn kinh kỳ ở miền Ðông Bắc, nơi họ không hề biết miền Tây hoang dã, nơi vô luật lệ, quen “luật rừng”, nên đã lên án hệ thống tư pháp tàn nhẫn này. Họ gọi là “Phiên tòa khốn nạn”. Năm 1878, một bức tường gỗ được che quanh khán đài treo cổ, khu vực thi hành án chỉ chứa chừng 50 người xem. Mặc dù “Quan tòa treo cổ” nghiêm khắc với kẻ sát nhân hay hãm hiếp, nhưng ông cũng xử nương tay cho các tội nhẹ và dần dần ủng hộ phương thức án tử hình khác hơn là treo cổ. Ông giành công lý cho gia đình nạn nhân hơn là phạm nhân.

Quyền lực của “Quan tòa treo cổ” giảm dần khi liên bang bổ sung và phân chia miền đất này ra nhiều khu vực nhỏ. Hệ thống tố tụng và hành pháp cải cách, nhiều vụ án tử hình được kháng cáo và đưa lên tòa án tối cao. Hơn 2/3 vụ được đưa về lại Fort Smith để tái thẩm và điều này làm bận lòng Parker. Ðặc biệt là vụ án xử tên cướp lừng danh Cherokee Bill đã làm căng thẳng quan hệ giữa quan tòa Parker và Tòa Tối Cao.

quan-toa-treo-co2

Quang cảnh xử treo cổ lộ thiên ở Fort Smith 1876

Cherokee Bill tròn 18 tuổi vào năm 1894, khi thấy em mình bị Lewis đánh, Bill đã bắn Lewis, ngỡ rằng Lewis chết, Bill bỏ trốn vào rừng và gia nhập băng đảng cao-bồi. Vài lần chạm súng với sheriff, Bill đã giết họ và tiếp tục trốn thoát. Dần dà tham gia các băng đảng da đỏ khác, Bill tiếp đến cướp nhà băng, xe lửa, rượu và thư từ bưu điện. Sau khi cảnh sát Marshal treo phần thưởng 1,500 đô, Bill bị chỉ điểm và bắt giam. Sau đó Bill bị quan tòa Parker xử án tử hình treo cổ. Trong khi đó Bill được luật sư kháng cáo và cho rằng Bill không được xử công bằng dưới quan tòa Parker. Tuy vậy tháng 3, 1896, Bill bị xử tử. Khi được ký giả hỏi lời cuối cùng, Bill nói: “Tôi đến đây để chết, chớ không phải để đọc diễn văn.” Năm ấy Bill 20 tuổi.

Trong một vụ án 1894, Lafayette Hudson phạm trọng tội nhiều lần, quan tòa Parker từ chối đóng tiền tại ngoại, luật sư bị cáo kháng án lên Tòa án tối cao. Tòa tối cao chấp thuận. Bất bình với cấp cao và tòa án liên bang, đồng thời luật hành pháp cũng thay đổi, hủy bỏ tòa án ở khu vực Indian đầy tội lỗi này. Parker về hưu và mất ngày 17 tháng 11, 1896. Sau 21 năm làm quan tòa, ông đã xử 13,490 vụ án, trong đó 344 vụ đại hình. Kết tội 9,454 vụ, Ông cho treo cổ 160 phạm nhân, trong số đó có 79 người bị treo cổ, số còn lại chết trong khi giam tù, một số kháng cáo và được giảm án chung thân.

quan-toa-treo-co1

4 người bị treo cổ trong vụ ám sát Tổng thống Lincoln 1865

Về Maledon, người dân khinh thị và lánh xa ông vì bàn tay thắt nút thòng lọng tử thần này. Chỉ có 1 lần duy nhất Maledon từ chối treo cổ một phạm nhân. Ðó là 1 cảnh sát Marshal vì ghen tuông đã bắn 1 cảnh sát khác. Vì từng quen biết, nên Maledon không thể hạ thủ. Sau 20 năm hành nghề treo cổ, Maledon về hưu năm 1894 và mở cửa hàng tạp hóa ở Fort Smith. Nhưng số phận nghiệt ngã đến với ông. Anie, đứa con gái 18 tuổi của ông bị Carver, một tên phạm tội buôn rượu lậu, quyến rũ làm tình nhân. Sau đó Anie biết tên sở khanh này đã có vợ, cả hai gây gổ, say rượu Carver bắn Anie. Trước quan tòa Parker, Carver bị án treo cổ. Nhưng Carver bỏ tiền thuê luật sư kháng án lên Tòa Thượng Thẩm, tòa giảm còn án chung thân. Bất mãn Maledon bỏ xứ đem các dây thừng treo cổ các hình ảnh tội nhân và dụng cụ hành nghề đi rong ruổi khắp các tiểu bang, dựng lều triển lãm. Hàng trăm người hiếu kỳ vào xem. Cuộc xử tử treo cổ cuối cùng ở Fort Smith là ngày 30 tháng 7, 1896. Sau đó sàn và giá gỗ treo cổ này bị phá sập và đốt. Maledon bị bệnh giảm trí nhớ và mất ở tuổi 89. Ngày nay chỉ có 2 tiểu bang Delaware và Washington là còn áp dụng giảo hình; mặc dù có nhiều phương thức khác như chích thuốc, ghế điện… Lần cuối cùng xử giảo gần đây nhất là ngày 25 tháng 1, 1996 ở Delaware.

Maledon làm gợi nhớ hình ảnh cụ Ngáo ở Huế trước 1945, đao phủ thủ chuyên chém tử tù ở An Hòa, con nít nửa đêm khóc mà nghe dọa tới tên ông nín sợ, ông Ngáo đi từ xa thì chó trong xóm đã cuống cuồng sủa vang, chẳng biết có phải vì mùi tử khí theo ông lan xa.

SB