Ngày 24 tháng Tám năm 1991, Ukraine tuyên bố độc lập qua “The Act of Declaration of Independence of Ukraine”. Bản tuyên ngôn ấy được the Supreme Soviet of the Ukrainian SSR nhìn nhận, nghĩa là Ukraine độc lập, không còn là một quốc gia “chư hầu” trong quỹ đạo của Nga Sô nữa.

Tháng Mười Hai cùng năm, Ukraine tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, referendum, trưng cầu ý kiến người dân xem họ có muốn độc lập hay không. Sách vở ghi nhận có 84% cư dân Ukraine hợp pháp đã đi bỏ phiếu và 90% là phiếu thuận.
Kế tiếp là sự tan rã của đảng Cộng Sản Ukraine, quân đội Ukraine [mới] được thành lập và những sự kiện “lập quốc” khác hình thành bất kể áp lực của Liên bang Xô Viết. Ngay sau khi Xô Viết tan rã, ba quốc gia Ukraine, Nga Sô và Belarus trở thành liên minh “the Commonwealth of Independent States” hay CIS.

Sau khi tách rời khỏi Liên bang Xô Viết, quốc gia độc lập Ukraine có nhiều triển vọng phát triển về kinh tế cũng như xã hội qua việc thiết lập bang giao với Âu Châu nhưng mối hy vọng kia sớm tắt ngúm. Kinh tế Ukraine suy trầm, các thay đổi xã hội cũng như chính trị khiến quốc gia non trẻ này thụt lùi. So với các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania cũng một thời bị Xô Viết đô hộ, Ukraine đứng sau khá xa dù đã cố gắng tạo dựng hệ thống chính trị theo kiểu mẫu dân chủ.

Ngày 24 tháng 8 năm 1991. Kyiv, Ukraine. Các dân biểu ở Verkhovna Rada, bao gồm Vyacheslav Chornovil, Ivan Zayets, Dmytro Pavlychko và Les Tanyuk trong phiên họp bất thường, thông qua Tuyên ngôn Độc lập của Ukraine. (Ảnh của Oleksandr Klymenko)

Trên khía cạnh “lập quốc”, Ukraine đã thành công khá khá trong việc tổ chức quân đội và một số các hoạt động xây dựng nền tảng xã hội. Ukraine sử dụng trở lại quốc ca và quốc huy “cũ”, hiện diện từ Thế Chiến I. Ðể khuyến khích di dân, luật pháp Ukraine khá dễ dãi trong việc cho cư dân gia nhập quốc tịch, bất kể sắc tộc hoặc ngôn ngữ. Về mặt ngoại giao Ukraine, thiết lập bang giao rộng rãi với các quốc gia khác và được thế giới nhìn nhận như một quốc gia độc lập.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Dù với các hoạt động “lập quốc” đáng kể, Ukraine lại bị lôi cuốn theo các vấn nạn chính trị phức tạp như việc tham gia CIS, tháo bỏ vũ khí nguyên tử, tình trạng chính trị của Crimea và chủ quyền của hạm đội Hắc Hải cũng như hải cảng Sevastopol: Họ phải giằng co với láng giềng khổng lồ Nga Sô luôn xem mình là “đàn anh” bá quyền, muốn áp đảo “thuộc địa” cũ.

Việc thành lập CIS [của Nga Sô] và  Ukraine trở thành thành viên CIS khiến quốc gia non trẻ kia vướng mắc. Nga xem đây là một phương tiện để duy trì sự lệ thuộc của Ukraine trong khi Ukraine lại cho rằng CIS chỉ là một liên minh lỏng lẻo, không có thực quyền nào đối với các quốc gia thành viên. Ði xa hơn, Nga đòi nhiều điều kiện khác như thành lập một quân đội [chung], đòi cư dân từ các quốc gia thành viên có cùng quốc tịch và CIS chỉ “bảo vệ” biên giới bên ngoài Nga, Ukraine và Belarus. Tạm hiểu là giữa 3 quốc gia CIS không có biên giới và theo sự “dẫn dắt” của Nga Sô. Ukraine không đồng ý và từ đó chỉ tham gia với tư cách “giới hạn”, ‘associate member’, dù đã chịu tham gia “quốc hội liên minh”, Interparliamentary Assembly, của CIS vào năm 1999.

Bán đảo Crimea, thành phố Sevastopol. Ngày 21 tháng 6 năm 2018. Hạm đội biển đen thả neo tại Vịnh Sevastopol- nguồn dreamtime.com

Chuyện thứ nhì: Tháo bỏ vũ khí nguyên tử là một vấn nạn nhức nhối cho Ukraine. Sau tai nạn Chernobyl, cư dân Ukraine đồng thanh đòi chính phủ tháo bỏ vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ. Khó khăn lớn nhất của Ukraine là họ [đã] không biết kho vũ khí kia lớn cỡ nào. Thực ra, vào năm ấy, Ukraine đứng thứ ba trên thế giới về lượng vũ khí nguyên tử. Và vì không biết rõ nên Ukraine không thể giải quyết được việc tháo bỏ kho vũ khí ấy một cách hiệu quả! Thế là đầu năm 1992, Ukraine trao cho Nga Sô trên một nửa kho vũ khí nguyên tử kia, và họ nhanh chóng nhận ra sự lầm lỡ giao trứng cho ác ấy khi ông hàng xóm khổng lồ kia cứ lăm le chiếm đất nhà.
Việc tháo bỏ vũ khí nguyên tử giậm chân tại chỗ một thời gian vì chính phủ Ukraine muốn có một thỏa thuận về an ninh lãnh thổ và được bồi hoàn chi phí tháo gỡ cũng như vận chuyển các vũ khí ấy [qua Nga] trước khi tiếp tục.
Cò kè về tháo gỡ vũ khí nguyên tử [tại Ukraine] chỉ tạm ngưng khi Nga Sô, Ukraine và Huê Kỳ thỏa thuận về các vấn đề trên vào năm 1994.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Vấn nạn nan giải nhất cho Ukraine vẫn là sự tròng tréo về lãnh thổ trong vùng Crimea, hải cảng Sevastopol, và hạm đội [đóng tại] Hắc Hải. Từ những năm 1954, dưới thời Liên bang Xô Viết, đảng Cộng Sản Xô Viết đã chuyển giao quyền điều hành vùng Crimea cho đảng Cộng Sản Ukraine. Tuy nhiên vùng đất này lại là nơi đông cư dân gốc Nga nhất, và tất nhiên là họ nặng lòng với Nga Sô, bất kể chính phủ [mới] nào nắm quyền điều hành.
Năm 1991, Crimea được tự trị, và cư dân vùng này ủng hộ việc độc lập của Ukraine qua lá phiếu của họ. Chưa được bao lâu thì cư dân Crimea lại đổi ý, muốn tự trị, độc lập từ Ukraine và liên kết với Nga Sô. Tạm hiểu, Crimea là vùng xôi đậu, đậu nhiều hơn nếp, đông cư dân gốc Nga hơn số cư dân Ukraine. Từ đó, trên danh nghĩa là lãnh thổ của Ukraine nhưng Crimea hầu như theo Nga, muốn liên minh với Nga thay vì là một phần của Ukraine. Biên giới thì mặc biên giới, lòng người dân Crimea vẫn hướng về Nga Sô. Do đó, các cuộc nổi dậy, chống đối chính phủ Ukraine vẫn âm ỉ qua nhiều năm chỉ chờ dịp bùng nổ.

Người Ukraine đã tập trung tại Quảng trường Độc lập ở Kyiv để cám ơn các chính quyền phương Tây cung cấp viện trợ quân sự cho Kyiv chống lại sự xâm lược của Nga. nguồn bykvu.com

Sau ngày độc lập, Ukraine và Nga Sô vẫn tiếp tục tranh giành chủ quyền của hạm đội Hắc Hải đậu tại Sevastopol, một thành phố hải cảng trong vùng Crimea. Hạm đội này là phần tài sản lớn của hải quân Nga. Sau cùng, Nga và Ukraine thỏa thuận rằng phần lớn hạm đội Hắc Hải thuộc về Nga Sô, Ukraine được “xóa” một món nợ lớn [để đền bù], và lãnh thổ Ukraine vẫn bao gồm vùng Crimea.

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Với một lịch sử rối rắm, tròng tréo như thế nên nền độc lập của Ukraine xem ra vô cùng mỏng manh. Vào tháng Ba năm 2014, sau khi Nga Sô mang quân chiếm vùng Crimea thì người Ukraine lo âu hơn nữa. Ðể duy trì chủ quyền và bảo vệ phần lãnh thổ còn lại, Ukraine muốn trở thành thành viên của Liên Âu cũng như tham gia NATO nhưng Nga Sô nhất quyết phản đối. Họ xem việc tham gia Liên Âu và NATO [theo phương Tây] là một hành động “gây hấn”, chống đối Nga Sô! Với Nga Sô, Ukraine chỉ có thể là quốc gia chư hầu như ngày xa xưa, không thể độc lập như một quốc gia riêng biệt.
Khi Ukraine bắt đầu thương lượng với Liên Âu thì tháng Hai vừa qua, Nga Sô gây chiến và đã chiếm đóng vùng đất phía đông của Ukraine.

Khác với các quốc gia chư hầu cũ của Liên bang Xô Viết, vì vị thế địa lý và chính trị, dù Ukraine được độc lập nhưng quốc gia non trẻ ấy chưa đủ vững mạnh để duy trì chủ quyền và bảo toàn lãnh thổ. Họ đối mặt với “thù trong”, và cả “giặc ngoài”. Cư dân gốc Nga không ủng hộ chính phủ dù đang sinh sống trên lãnh thổ Ukraine và tiếp tục chống đối phá phách gây rối loạn trong khi bên ngoài, người hàng xóm Nga Sô tiếp tục đe dọa và cướp đất. Sự uy hiếp trắng trợn của Nga Sô khiến các quốc gia chư hầu cũ như Ba Lan, Hung Gia Lợi…và cả các quốc gia lân cận khác như Phần Lan, Thụy Ðiển lo âu và sợ hãi. Mối lo âu ấy khiến các quốc gia này liên kết và trợ giúp Ukraine. Giúp Ukraine cũng là tự giúp để sống còn trước Nga Sô, kẻ thù ‘chung’.

Tháng Tám năm nay đánh dấu 31 năm độc lập của Ukraine, nền độc lập đẫm máu và nước mắt của 44 triệu con người sinh sống ở vùng đất ấy. Ðộc lập quả là đắt giá!?

TLL