Sau trận đại dịch thì bá tánh bỗng nhận ra rằng ngoài lãnh vực y tế, sức khỏe, bao nhiêu thứ khác trong xã hội cũng thay đổi, các quy tắc “cũ” bị đảo lộn khá nhiều, ngay cả chuyện lặt vặt như việc trả thêm tiền “Huê hồng”.
Tiền “Huê hồng”, “trà nước”, “tip” hay “Pour-boire” (tiếng Việt trong nước là “Tiền boa”?) là một món tiền nhỏ, khách hàng trả thêm để cám ơn [người cung cấp dịch vụ] hoặc “khen ngợi” phẩm chất của dịch vụ. Như khi vào hàng quán, thực khách trả thêm khoảng 15% “phụ trội” cho bữa ăn vừa được thưởng thức; món tiền này dành cho nhân viên giúp thực khách chọn món ăn, bưng thức ăn, tiếp nước uống, tiếp rượu … Càng hài lòng, món tiền “huê hồng” ấy càng gia tăng. Tương tự, các dịch vụ khác như thợ cắt tóc, người lái taxi… đều có món huê hồng ngoài số tiền [chính] phải trả cho dịch vụ. Ấy là chuyện bên Huê Kỳ chứ Âu Châu thì khác. Hồi nẳm, món huê hồng chỉ là một món tiền lẻ, tượng trưng vì nhân viên dọn bàn tại hàng quán được trả lương đầy đủ theo công việc. Không biết bây giờ thì chuyện “pour-boire” bên ấy có thay đổi không hay cũng chịu bàn cãi “sôi nổi” như tại Huê Kỳ?!
Sao tự dưng lại “có chuyện” bàn cãi về tiền huê hồng? Chẳng là sau đại dịch, vào hàng quán, bất kể có ăn tại chỗ hay đặt mua rồi mang về (take-out), dù trả tiền tại quầy hàng hay trên liên mạng, một ngày đẹp trời, ta bỗng thấy hóa đơn nào cũng có thêm mục “tip”, và kê khai luôn là “18%”, “20%”, “25%” hoặc “custom”. Nghĩa là khách hàng sẽ phải “chọn” để trả thêm món huê hồng trên hóa đơn bất kể món “dịch vụ” kia gồm những gì ngay cả khi nhân viên chỉ trao túi thức ăn cho người mua!? Ðến quầy mua ly cà phê? Cũng có món huê hồng đi kèm trên hóa đơn lúc ra trả tiền. Vào tủ lạnh lấy một chai nước? Hóa đơn cũng có chỗ để chọn “tip”. Thiệt là loạn cào cào và ngỡ ngàng quá xá!
Thế là cư dân xoay ra bàn tán sôi nổi, khi nào thì nên trả huê hồng, và trả thì bao nhiêu cho “đúng” khi ta không thấy con số “15%” trên hóa đơn? Xa hơn nữa, có thể nào ta “lờ” đi món huê hồng kia không [vì cho rằng mình chẳng nhận được “dịch vụ” nào cả]?
Nghe bá tánh bàn tán ồn ào quá nên các vị chuyên viên cố vấn về phép xử thế bèn chưng ra cả một bảng “tiêu chuẩn”, tạm hiểu là làm sao để xử sự cho đủ phép lịch sự theo nếp sống ngày nay. Theo tạp chí The New Yorker thì tùy theo ta mua sắm, ăn uống… ra sao mà tính toán. (https://www.thecut.com/article/tipping-rules-etiquette-rules.html )
Tại quán ăn Huê Kỳ, theo “tục lệ” ngày trước thì tiền huê hồng là 15%-20% trên tổng số hóa đơn. Bây giờ là 20-25%, bất kể quán ăn sang trọng hay chỉ xoàng xoàng và dịch vụ có vừa ý khách hàng hay không. Không biết “ai” là người đặt ra tiêu chuẩn này, nhưng “tác giả” giải thích rằng “tip” được gom chung rồi chia đều cho nhân viên phục vụ; giả như thực khách không vừa ý vì món ăn dọn ra chậm trễ, không vừa miệng… thì cũng đừng phe lờ món “tip” vì làm như thế là ta ‘phạt’ cả mọi người làm việc ở đó (?). Ngoài ra, bá tánh còn nhận thêm lời khuyên nhủ là tiền bạc ta càng rủng rỉnh thì hãy tặng tiền tip nhiều hơn nữa nhưng món huê hồng dưới 20% thì bất lịch sự lắm lắm!?
Ðại dịch và lạm phát khiến lương bổng của nhân viên nhà hàng trở nên eo hẹp, khó sống hơn, khoảng 50% lương bổng của họ đến từ món huê hồng kia. Tạm hiểu là thực khách ngoài việc trả tiền thức ăn / uống cho chủ nhà hàng còn kiêm luôn việc trả lương [phần nào] nhân viên tại nhà hàng ấy. Lạ một điều là chẳng thấy nhà hàng nào tính luôn tiền tip vào hóa đơn của bữa ăn để thực khách chỉ việc trả tiền một lần là xong? Hay là chủ quán e ngại món phí tổn lên cao quá thì khách hàng sẽ chẳng quay lại nữa và nhà hàng sẽ ế dài? Nôm na là thực khách sẽ khiến chủ quán “thua” hay nhân viên “thiệt” trong việc trả tiền huê hồng? Và chủ quán thì cứ chắc ăn, tính tiền theo giá cả còn nhân viên làm sao thì làm?
Những dịch vụ khác thì sao? Các chuyên viên cố vấn kia đi luôn một lèo đến những tiêu chuẩn khác: Tại tiệm cà phê, quán rượu, quán ăn “đứng” (bodegas, thực khách gọi món ăn, chờ đầu bếp nấu nướng xong thì đón lấy rồi tự bưng ra mấy cái quầy mà thưởng thức) hay quán ăn “nhanh”, thì ta nên tặng huê hồng khoảng 20% dù tự mình bưng bê chén dĩa, ly tách và cả dọn dẹp sau khi trả tiền mua. Tác giả giải thích rằng người pha cà phê lương bổng cũng ít, chỉ hơn mức tối thiểu chút đỉnh và họ cũng mệt nhọc như những người hầu bàn. Vài ngoại lệ như khi chỉ mua ly cà phê mấy đô la, thì huê hồng khoảng 1 đô la là đủ (?); khi mua chai nước lọc hay tấm bánh gói sẵn trong giấy bóng thì có thể “lờ” món huê hồng.
Khi mua thức ăn được đưa đến tận nhà (food delivery) thì món huê hồng tối thiểu sẽ là 5 đô la/ một chuyến hoặc 20% trên tổng số hóa đơn tùy theo ta đặt mua ít hay nhiều; khi thời tiết bất cập thì nên tặng huê hồng nhiều hơn nữa. Lý do? Người chuyển hàng, delivery, làm việc theo hợp đồng, tự làm chủ nên làm nhiều ăn nhiều, làm ít lãnh ít, không lãnh lương từ nhà hàng. Theo thống kê của Worker’s Justice Project và Worker Institute tại đại học Cornell, lợi tức trung bình của người giao hàng tại New York chỉ vỏn vẹn $7.94 / giờ hoặc $12.21 / giờ (tính thêm huê hồng). Do đó, khi có thể thì ta nên tặng huê hồng bằng tiền mặt (so với việc trả tiền qua thẻ tín dụng, người giao hàng ít khi được nhận).
Ðặt thức ăn rồi tự đến lấy? Huê hồng cũng tối thiểu là 10% vì món tiền này chia chung cho mọi nhân viên trong hàng quán.
Tiệm ăn đã vậy còn quán rượu thì sao? Tip ít nhất 1 đô la cho mỗi chai bia và 20% cho mỗi ly rượu [cần] pha chế.
Tóm lại là khi mua thức ăn thức uống, càng nấu nướng pha chế nhiêu khê thì món huê hồng càng nhiều, để trả công tương xứng cho nhân viên vì ta là người thụ hưởng món ăn thức uống ấy [tất nhiên là sau khi đã trả đủ tiền trên hóa đơn]
Với các dịch vụ chuyên chở như Uber, taxi thì sao? Huê Hồng ít nhất là 20% bạn ạ. Theo bài tường trình của Taxi & Limousine Commission, tài xế Uber kiếm được ít tiền hơn so với người lái taxi chưa kể việc công ty “trung gian” Uber đã giữ lại 25% trên số tiền tài xế kiếm được.
Thợ cắt tóc, chuyên viên làm đẹp, trang điểm, dọn nhà, khuân vác…? Huê hồng tối thiểu là 20%, và nếu có thể trả thêm thì ta hãy rộng tay thêm chút nữa!?
Ý bạn?
TLL