Lâu lâu ta lại thấy xuất hiện một món “thuốc” hay chất bổ dưỡng ‘cổ truyền’ xuất hiện, được quảng cáo là giúp cho sức khỏe và có thể chữa bá bệnh. Hết tỏi đến gừng và gần đây là nghệ, một loại cây củ thúc bá với gừng và riềng (giềng).

Nghệ hay Turmeric là một loại cây nở hoa, Curcuma longa, trong họ gừng (Zingiberaceae), củ /rễ (rhizomes) dùng làm gia vị trong thức ăn. Nghệ sinh trưởng tại Ấn Ðộ & vùng Ðông Nam Á nơi khí hậu nóng và ẩm. Nghệ lớn mạnh quanh năm khi gặp nhiều mưa.

Củ nghệ tươi hoặc nấu chín được tán thành bột, có màu cam-vàng tươi, dùng để lấy màu vàng cho thức ăn (phổ thông nhất món cà ry) hoặc dùng như thuốc nhuộm. Tính chất này đến từ chất curcumin trong củ nghệ.

Bột nghệ nếm hơi đắng, hơi cay và có mùi hăng như mùi mù tạt.

Nghệ trong y học dân gian

Nghệ rất phổ thông trong ngành y học dân gian / cổ truyền, có mặt trong Ayurveda, Siddha và cả Ðông Y qua nhiều thế kỷ. Sách vở ghi nhận sự hiện diện của nghệ tại Farmana, khoảng 3,000 năm trước Công Nguyên, sử dụng như thuốc nhuộm (cà sa của các tu sĩ được nhuộm vàng bằng cách dùng nghệ). Từ Ấn, nghệ “lan” sang phía nam Á Châu cùng với Ấn giáo và Phật giáo rồi được thương buôn mang qua Trung Ðông và Âu Châu. Ðến thời Trung Cổ thì nghệ được gọi là “Indian saffron.”

Nghệ dùng trong thức ăn và y học dân gian của Ấn Ðộ nên nhanh chóng được “ăn theo” khi người phương Tây làm quen và ưa chuộng các môn thể dục như Yoga, thiền định (meditation). Khi Yoga trở nên phổ thông thì các món ăn thức uống từ Ấn Ðộ cũng được ưa chuộng và bắt đầu rầm rộ khi được các trang nhà trong kỹ nghệ “sống khỏe mạnh” quảng cáo kịch liệt.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Y học Âu Mỹ và nghệ

Chuyện của nghệ thì xưa như trái đất nên chẳng có chi để nói? Không, không. Bạn ạ!

Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, trong tiến trình tìm kiếm thuốc chữa trị ung thư, hai nhà nghiên cứu Jack Arbiser và Nancy DeMore của đại học Y Khoa Harvard đã tìm ra rằng curcumin có thể ngăn chặn sự phát triển của các vi mạch mới, tiến trình có tên “angiogenesis”. Mọi loại tế bào kể cả tế bào u bướu đều cần vi mạch mới [đưa dưỡng khí và dưỡng chất đến tế bào mới] để phát triển. Từ kết quả ấy, các chuyên viên khác cũng nghiên cứu dược tính của curcumin trong các loại tế bào ung thư như tụy tạng, vú, bạch cầu… Các chuyên viên đều kết luận rằng trong phòng thí nghiệm, curcumin có phần hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển của vi mạch mới.

Ðó chỉ là chuyện mở đầu, khi chuyên viên dược học khởi sự áp dụng kiến thức kể trên vào việc chế tạo dược phẩm chữa trị ung thư thì đã gặp rất nhiều trở ngại; trở ngại lớn nhất là làm thế nào để đưa đủ một lượng curcumin vào máu qua thuốc uống. Lượng nghệ cần thiết để có tác dụng là 1,000 mg/ ngày. Curcumin không dễ dàng hấp thụ qua đường tiêu hóa và cơ thể khó hấp thụ đủ mức lượng [kể trên] của hóa chất này để tạo tác dụng. “Bioavailability” của curcumin rất thấp; nghĩa là cơ thể thẩm nhận (absorb) chất này rất ít sau khi ăn / uống.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Khó khăn hơn nữa là số lượng curcumin chứa trong nghệ chỉ khoảng 3%. Muốn sử dụng ta phải ly trích chất curcumin từ nghệ. Theo tỷ lệ kể trên, để có thể chiết xuất được 1g (1,000mg) curcumin, ta cần khá nhiều nghệ. Ngay cả khi dùng 1,000mg curcumin, mức curcumin hấp thụ vào máu chỉ khoảng 10%! Tạm hiểu là những sản phẩm chứa nghệ lền khên trên thị trường chẳng có món nào chứa một lượng curcumin đáng kể, không đủ để tạo tác dụng. Nôm na là ly latte sữa nghệ hay một vài muỗng bột nghệ nấu cà ri chỉ … “chạy qua hàng curcumin” và có loáng thoáng màu vàng của loại phẩm nào đó, chẳng có chút dược tính nào cả!

Nghệ bị tạp nhiễm

Chưa hết, một số sản phẩm nghệ trên thị trường lại bị tạp nhiễm với chì (lead oxide). Chì là một độc tố, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Ngoài ra, người bán cũng dùng loại bột chì khác như lead chromate hoặc metanil yellow để pha chế các loại bột nghệ. Các độc tố này tạo ra màu vàng cam cho sản phẩm chứa nghệ.

Nghệ như chất dinh dưỡng và sức khỏe

Theo examine.com, một trang nhà tuyên xưng là “liên mạng chứa nhiều dữ liệu nhất về các nghiên cứu dinh dưỡng…”, “nghệ có [dược] tính chống viêm (anti-inflammatory) và hiệu quả trong việc chữa trị viêm khớp xương.”

Các con số thống kê cho thấy rằng bá tánh đang nỗ lực tìm kiếm dữ kiện về “Tác dụng của nghệ”, con số “tìm kiếm” xem là đông đảo nhất trên liên mạng. Kế đến là dầu cá. Cả hai được xem là ‘hiệu quả’ trong việc chữa trị viêm khớp xương.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Thấy bá tánh ùn ùn tìm kiếm tài liệu về nghệ, kỹ nghệ “sống khỏe mạnh” (wellness) liền theo sát nút, “sản xuất” thêm nhiều bài viết trên liên mạng theo kiểu mẫu “một phần sự thật, chín phần hoa lá” để quảng cáo mạnh mẽ. Vừa quảng cáo vừa tung ra thị trường sản phẩm theo bài bản làm ăn. Thế là ta thấy xuất hiện trên thị trường nghệ trăm món: Thuốc uống dạng nước, dạng viên, kem xoa da mặt, da mình mẩy chân tay … Món nào cũng quảng cáo là “chữa” da khô, da nhờn, giúp trẻ lâu, bổ gan, bổ phổi, bồi bổ sức khỏe, gia tăng trí nhớ …
Các nhà phân tích thị trường đã ước đoán rằng thị trường nghệ sẽ lên đến 190 triệu Mỹ kim vào năm 2028!

Kết luận

Về phía khoa học, hiện nay ta có khoảng 70 chương trình nghiên cứu về tác dụng của curcumin trên khắp thế giới. Sỡ dĩ các chuyên gia nỗ lực tìm kiếm vì việc chữa trị đau khớp xương chưa được hoàn chỉnh. Bệnh nhân với chứng viêm khớp xương kinh niên vẫn ngày ngày chịu đau đớn vì các loại thuốc men hiện hành chưa đủ hiệu quả trong việc chấm dứt cơn đau. Như loại thuốc NSAID, ở một mức lượng đủ để trị đau đớn thì chỉ có dùng trong thời gian ngắn, bằng không sẽ chịu các phản ứng phụ như xuất huyết dạ dày, suy thận …

Với các tài liệu hiện nay, tạm kết luận là khoa học chưa chứng minh được tác dụng của nghệ trên cơ thể con người nên chưa thể sử dụng nghệ như một loại dược phẩm.

TLL