Lời giới thiệu: Phát triển kinh tế và phát triển xã hội không luôn là cặp song hành với nhau. Nếu mục đích tối hậu phát triển xã hội là để con người có đời sống văn minh và an nhàn thì sự so sánh giữa Hoa Kỳ với Tân Tây Lan hay vài nước Bắc Âu cho một trả lời chính xác. Vậy ưu tiên cho phát triển kinh tế hay xã hội? Bài viết như một vấn đề được đặt ra khi cuối năm nhìn lại một quá trình phát triển kinh tế và xã hội của nước Mỹ.

Nhìn quanh, mọi đất nước trên địa cầu đều chăm chú vào các hoạt động có mục đích phát triển kinh tế. Ở các quốc gia dân chủ, các hoạt động ấy giúp nước giàu, dân mạnh; ngược lại ở những nơi pháp trị, chuyên chế độc tài thì các hoạt động kinh tế chỉ nhắm vào việc làm giàu riêng cho quan chức, những người nắm quyền điều hành. Tuy nhiên, thế giới vẫn có một vài ngoại lệ nơi chính quyền địa phương không nhắm đến phát triển kinh tế mà chú trọng đến việc mang lại hạnh phúc cho người dân, Tân Tây Lan chẳng hạn.

Mưu cầu ấm no hạnh phúc là mục đích của mọi con người sinh sống trên mặt đất. Cả trăm năm trước, năm 1930, ông John Maynard Keynes đã dự đoán rằng đến năm 2030, con người chỉ phải làm lụng khoảng 15 giờ mỗi tuần, phần thời giờ còn lại ta tha hồ hưởng nhàn! Lời “tiên tri” ấy chưa thành sự thật như ước đoán vì bốn nền tảng căn bản xã hội, theo ý ông Keynes, chưa được tạo dựng vững vàng. Ðể thành công về kinh tế, con người cần đạt được bốn mục đích:

1) Ngăn ngừa nạn nhân mãn (duy trì một dân số nhất định);

2) tránh chiến tranh và các cuộc nội loạn;

3) đặt niềm tin vào khoa học [mà tiến bộ];

4) tạo cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ. Ðược như thế, sự phát triển kinh tế sẽ đưa đời sống con người đến mức tốt đẹp và một cư dân trung bình sẽ không còn phải làm lụng quần quật như bây giờ (năm 1930).

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Gần 100 năm sau, lời ước đoán của ông Keynes xem ra đã đúng một nửa, đời sống con người [tại Huê Kỳ] quả là đã tốt đẹp hơn, cư dân đã có đủ cơm ăn, áo mặc, chỗ cư ngụ (trừ những người chọn lối sống lang thang?) nhưng hưởng nhàn thì chưa. Bá tánh ai còn đi làm thì vẫn tiếp tục quần quật 40 giờ hoặc nhiều hơn mỗi ngày! Và Huê Kỳ, như mọi quốc gia khá giả khác, vẫn nỗ lực để phát triển kinh tế, trừ Tân Tây Lan!

Tháng Năm vừa qua, Tân Tây Lan đã công bố bản “Wellbeing Budget” đầu tiên, không như ngân sách của các quốc gia khác: Mục đích của Tân Tây Lan là gia tăng sự an vui của cư dân. Trong năm tới, mọi chương trình tiêu xài ngoài những mục cần thiết đều phải hướng về 5 mục tiêu mang lại “an vui”: gia tăng sức khỏe tâm thần, tiết giảm sự nghèo khó của trẻ em, trợ giúp thổ dân; chuyển sang một nền kinh tế ít ô nhiễm và; hoạt động mạnh mẽ trong [thời buổi] kỹ thuật. Ðể đo lường sự tiến triển của các chương trình ấy, chính quyền Tân Tây Lan sẽ tạo ra các chuẩn mực mới mẻ như “cảm nhận về phẩm chất của môi sinh” và “cảm giác gần gũi, quen thuộc”.

Theo Thủ Tướng Jacinda Ardern, phát triển [kinh tế] tự nó sẽ không dẫn đến một quốc gia hùng cường, ta sẽ phải chú trọng đến các yếu tố khác, những yếu tố sẽ đem lại sự an vui cho cư dân, và 2019 sẽ là lúc ta bắt đầu

Người Tân Tây Lan chủ trương rằng sự an vui đến từ sức khỏe tâm thần và những trợ giúp cho thân nhân cũng như trợ giúp cho những người khốn khó chung quanh, nhất là những cộng đồng thổ dân thiểu số. Một trong những ngân sách đề xướng được bá tánh nhắc đến nhiều nhất là việc dành riêng 200 triệu cho các nạn nhân của các thảm kịch gia đình và bị cưỡng bức. Ngân sách này xem ra là con số đáng kể vì nhiều lý do: Ðây là số tiền lớn nhất từ trước đến nay dành cho mục đích trợ giúp nạn nhân bị cưỡng bức và bị hành hung bởi thân nhân; đây cũng là một ngân khoản lớn đối với một quốc gia nhỏ xíu, số cư dân chỉ nhấp nhỉnh 5 triệu người! Tuy không giàu có nhưng Tân Tây Lan là một quốc gia khá giả, và vẫn đang đương đầu với vấn nạn tự tử. Không lạ là chính phủ chú trọng đến tình trạng sức khỏe tâm thần của cư dân.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Người thế giới tò mò đọc bản tường trình ngân sách ấy rồi xì xào bàn luận, không biết số tiền kia sẽ giải quyết được bao nhiêu tệ nạn gia đình và trợ giúp nạn nhân? Khuynh hướng xã hội này có được tiếp tục không sau khi bà thủ tướng đương nhiệm chấm dứt nhiệm kỳ? Nghĩa là cư dân Tân Tây Lan có tiếp tục… nghĩ đến người chung quanh và rộng lòng trợ giúp kẻ khốn khó để cả xã hội cùng thụ hưởng sự an vui? Dế Mèn tẩn mẩn lo hơi xa với các câu hỏi ấy nhưng dù thế nào, hoạt động nhân bản này cũng là bước đầu tiên để cải tổ xã hội và để các quốc gia lân cận nhìn ngắm rồi theo chân?

Bằng mọi loại thước đo, kinh tế Huê Kỳ hiện nay được xem là “mạnh mẽ” vì quốc gia có GDP cao nhất nhì thế giới nhưng giàu có tiền bạc vẫn chưa mang lại sự an vui cho cư dân. Dù phần lớn các lợi nhuận từ phát triển kinh tế đều rơi vào tay những người giàu có (20% đầu bảng tài sản), hầu hết cư dân đều có đủ cơm áo nhưng người ta vẫn lo lắng, bất an vì đời sống xem ra bấp bênh. Người trẻ trung bình còn đi học chưa biết có tìm ra việc làm đủ sống hay không. Người đi làm nhưng không đủ để cáng đáng bảo hiểm sức khỏe lo âu về vấn đề y tế, bác sĩ bệnh viện đắt đỏ khó kham… Trừ một số chương trình xã hội đã cũ (bảo hiểm cho người già (Medicare), tiền “già” hay Social Security…) Huê Kỳ không có một hệ thống “mạng lưới an toàn” nào để bảo đảm cho đời sống cư dân. Và sống lang thang, vô gia cư, đang trở thành một vấn nạn đáng kể cho các thành phố lớn.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Với một GDP đồ sộ và với các chỉ số phát triển đáng phấn khởi như thế, đất nước Huê Kỳ có tươi đẹp hơn không nếu ta cũng tài trợ các chương trình xã hội như Tân Tây Lan đang làm? Thay vì tiêu xài ngân sách vào việc phát triển thêm vũ khí, ta dùng các món tiền này tài trợ các chương trình xã hội? Chẳng hạn như người bệnh được chăm sóc miễn phí hoặc trả chi phí dựa trên mức tài sản, trẻ em được nuôi ăn miễn phí, kẻ không nhà có nơi trú ngụ…?

Những người nghiêng về phát triển kinh tế hẳn sẽ lo lắng về việc thiếu củ cà rốt $, người ta sẽ chẳng cố công tìm kiếm, nghiên cứu hoặc phát minh. Như ở vùng Bắc Âu (Nordic), thoải mái quá nên cư dân… lè phè, chẳng mấy ai xoay trở để tìm ra cách kiếm bạc tỷ như Facebook hoặc Amazon hay phát minh ra những thứ mới lạ!? Ðể trả lời, Dế Mèn sẽ chỉ vào bản đồ trái đất mà nhẹ nhàng rằng Thụy Sĩ cũng an vui, sung túc, và cư dân ở đó vẫn tìm ra vô khối những phát minh khoa học; và GDP tính theo đầu người, họ khá giả hơn người Huê Kỳ!

Như thế, “an vui” chỉ phần nào dựa vào sự sung túc và một đất nước có an vui tươi đẹp hay không đến từ cách cư dân ở đó thẩm định, đặt ra trị giá của đời sống và tiêu xài theo lối đánh giá ấy?!

TLL

Orlando, FL.

Tài liệu:

https://treasury.govt.nz/sites/default/files/2019-06/b19-wellbeing-budget.pdf

https://assets.aspeninstitute.org/content/uploads/files/content/upload/Intro_and_Section_I.pdf

John Maynard Keynes, “Economic Possibilities for our Grandchildren (1930),” in Essays in Persuasion (New York: Harcourt Brace, 1932), 358-373