Thỉnh thoảng Dế Mèn cầm một vật dụng nhìn ngắm, rồi lẩn thẩn tự hỏi tổ tiên “nó” là ai? Ông / bà ấy nghĩ ngợi thế nào mà chế ra được món đồ dùng ấy?

Khắp nơi, từ lâu đài tráng lệ đến căn lều rách rưới ọp ẹp, nhà [cửa] nào cũng là chốn “trở về” cuối ngày của một con người và căn nhà ấy chứa đựng mọi thứ vật dụng của chủ nhân.
Khi đại dịch Vũ Hán nổ ra, chịu bó chân tại chỗ ở thì ngôi nhà bỗng trở thành một lãnh thổ riêng tư, ta có nhiều dịp để nhìn ngắm những món đồ bày biện trong chốn riêng tư ấy và Dế Mèn có nhiều thời giờ để tẩn mẩn mà đọc cuốn sách “The Elements of a Home: Curious Histories Behind Everyday Household Objects, from Pillows to Forks”. Ðọc xong, thấy thích thú nên kể lại với bạn đọc các mẩu chuyện vụn vặt về “lịch sử” ấy.

Trong nhà, các vật dụng thường dù đều xuất phát từ kỹ thuật, và kỹ thuật đã giúp đời sống con người trở nên dễ dàng hơn. Dễ thấy nhất là các vật dụng điện tử: Chiếc điện thoại, tivi, máy điện toán đã giúp ta duy trì mối “liên hệ” với thế giới bên ngoài khi bị “cấm cung”. Ấy là các món đồ xuất phát từ kỹ thuật hiện đại. Còn các thứ khác thì sao? Các kỹ thuật cổ xưa mà ông bà ta sử dụng để chế tạo các đồ dùng thường nhật “cũ” quá nên ta quên mất hay không nghĩ đến như cái nĩa (xiên) để ăn, nệm giường để ngả lưng…? Một thời xa xưa nào đó, các vật dụng kia chỉ dành riêng cho quý tộc phú hào nhưng ngày nay thì hầu như nhà nào cũng có ít nhiều các vật dụng thường ngày kể cả các túp lều tạm bợ dưới gầm cầu.

Bao nhiêu lần dùng cái xiên / nĩa nhưng mãi đến bây giờ Dế Mèn mới biết chút xíu về lịch sử của món đồ dùng tầm thường nhưng cần thiết ấy. Và khi mày mò tìm kiếm thì mới vỡ lẽ ra rằng sau thời kỳ tổ tiên ăn bốc, con người từ từ chế ra vật dụng dùng thay cho bàn tay, ngón tay khi ăn uống.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Người Âu Châu dùng muỗng / nĩa thì bên Á Châu, người ta dùng đũa trong bữa ăn; đũa ngà, đũa vàng, đũa tre … tùy theo tầng lớp xã hội. Ðũa có mặt cả 4,500 năm trước muỗng nĩa. Tuy nhiên, những đôi đũa dùng một lần rồi vứt, waribashi, chế tạo từ gỗ tạp thường thấy trong các quán ăn Nhật Bản chỉ mới xuất hiện trong thế kỷ XVIII, tín đồ Shinto tin rằng vật dụng nào nằm trong miệng sẽ mang theo tư chất, cá tính của người ấy. Do đó, người Nhật không dùng chung đũa với kẻ lạ, dù đôi đũa đã được chùi rửa cẩn thận. Có lẽ câu nói “ăn phải đũa…” của ông bà ta để chỉ việc hành xử tương đồng giữa các cá nhân cũng xuất phát từ niềm tin này đây? Hoặc giả xa xôi hơn, dùng chung đũa cũng có thể là sống chung nhà, cùng ăn uống nên lâu ngày cũng “nhiễm” tính nhau?

Ngoài xiên, đũa, các vật dụng khác như chén dĩa thì sao? Những chiếc dĩa (bằng đất) / “plate” như ta dùng ngày nay xuất hiện trong những năm đầu thế kỷ XVIII (1700). Trước đó, trong thời Trung Cổ, (Medieval 1066 – 1485), cư dân Âu Châu đã dùng dĩa và những chiếc dĩa này là các lát bánh mì cũ 3-4 ngày gọi là “trencher”. Khi thức ăn đã hết, phần trencher còn lại được đem cho người nghèo hoặc quăng cho gia súc. Tổ tiên người Á thì dùng những chiếc lá to bản, mo cau, mo dừa như chén dĩa trước khi có vật dụng chế tạo từ đất nung? Ngày nay, khi hàng quán dọn món súp chứa trong ổ bánh mì sau khi đã bỏ bớt ruột hẳn đã bắt chước tục lệ xa xưa? Khi ăn / uống để chùi miệng, chùi tay ta dùng khăn ăn hay “napkin” nhưng ngày cổ xưa, cư dân Spartan trong thời cổ Hy Lạp thì dùng bột nhào với nước, chế biến “napkin” hay “apomagdalie” ngay tại bàn ăn. Những miếng bột cắt vừa tay dùng để chùi dầu mỡ từ thức ăn và sau đó miếng bột sống kia được dùng làm thức ăn cho chó. Trên bàn ăn, người xưa không dùng dao nĩa (khí giới) nên các mẩu bánh mì được dùng để “lót” hai ngón tay và “kẹp” lấy thức ăn đã được nấu nướng và cắt thành miếng nhỏ từ trong bếp.
Cư dân tại một vài vùng đất theo đạo Hồi ngày nay vẫn giữ thói quen ăn uống này, dùng bánh mì (naan) lót tay và kẹp thức ăn đưa lên miệng.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Quý tộc Trung Cổ dùng khăn trải bàn, khăn vải trắng dài chấm đất phía người ăn, (Thực khách chỉ ngồi một bên chiếc bàn dài), khăn bàn dài như thế để chắn gió và ngăn chó mèo quẩn chân! Khăn màu bị xem là kém thẩm mỹ và giảm vị ngon (?). Bàn ăn trống trơn thiếu khăn trải chỉ có mặt tại những chốn nghèo khó!

Người xưa ăn uống đã thế thì họ ngủ nghê ra sao? Trong thời cổ Ai Cập, gối là một vật cứng, món gia dụng chứ không mềm và êm như cái gối ta biết ngày nay. Cư dân trong thời cổ Phi Châu, Á Châu cũng dùng những cái gối đẽo từ gỗ cứng, từa tựa như chiếc đòn (ghế đẩu rất thấp) của trẻ em. Gối thủa ấy là vật giúp chống đỡ cần cổ thay vì tựa đầu hoặc để “giữ” những bộ tóc kiểu cọ không bị đầu đè bẹp lúc ngủ.

Người cổ La Mã, xa hoa trên mọi lãnh vực nhưng chốn ngủ thì lại giản dị, khiêm nhường. Người nghèo dùng ổ rơm lót trong khung gỗ. Giàu có hơn, khung gỗ kia bằng đồng hoặc bạc và nệm giường là những túi nhồi len hoặc lông vịt. Giường ngủ đặt trong một phòng nhỏ có cửa sổ nhỏ xíu, cubiculum, để lấy ánh sáng. Chữ ‘cubicle’ ta dùng ngày nay xuất phát từ đó.

Thủa xa xưa, lò sưởi từa tựa như nơi ta đốt lửa trại, vài viên đá xếp quanh làm “viền” giữa nhà rồi nhóm củi. Lò sưởi là thức thiết yếu, nơi nấu nướng, cung cấp hơi ấm và cả ánh sáng trong đêm tối. Lò sưởi thủa ấy là nơi gia đình quây quần, chia sẻ bữa ăn, các mẩu chuyện hằng ngày nên người trong nhà thường “giữ lửa”, lò sưởi cháy ngày đêm, quanh năm suốt tháng, từ đời này sang đời khác.

Căn nhà ấm áp là chốn trở về nghỉ ngơi sau ngày làm việc mệt nhọc, một nơi trú ngụ che nắng mưa nên sự an toàn là điều tối cần. “Nhà” chỉ là tổ ấm khi ta cảm thấy an toàn, bình yên nên chiếc chìa khóa là vật dụng quan trọng, dùng để “đóng cửa”, ngăn trở thế giới bên ngoài xâm nhập.
Ngày trước, những cánh cổng nặng nề được khóa bằng ổ khóa cồng kềnh và chìa khóa thì nặng cả mấy ký lô. Người giữ chìa khóa phải đeo chìa khóa trên vai, in hệt như lời mô tả của Tiên Tri Isaiah trong Thánh kinh “Chìa khóa [của] nhà David sẽ được mang trên vai…”
Ngày nay thì chiếc chìa khóa kia nhỏ dần, có thể bỏ trong túi và nhiều căn nhà bây giờ chỉ còn những ổ khóa số, ta bấm nút hoặc xoay mấy con số là mở được cửa khỏi cần chìa khóa lôi thôi! Nghĩa là chiếc chìa khóa mất dần ý nghĩa của nó, chẳng còn trang trọng dù vẫn cần thiết như xưa?

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Ðời sống thay đổi, nhu cầu của con người thay đổi nên vật dụng thường ngày cũng thay đổi theo. Có món “lên ngôi” như đũa ngà, nĩa bạc, dĩa sứ, giường nệm hơi, lò sưởi cẩn đá cẩm thạch nhưng cũng có thứ bị thu gọn rồi mất dấu dần dần như chiếc chìa khóa nhưng đằng sau những vật dụng tầm thường ấy là cả một lịch sử, những biến hóa qua thời đại của con người. Kỹ thuật giúp đời sống thoải mái, dễ dàng hơn. Phe ta không còn phải dùng gối đá hay gối gỗ nữa để đêm đêm có giấc ngủ dễ chịu. Lúc ăn uống có muỗng nĩa chén dĩa để dùng, không phải ăn bốc, dùng lá chuối làm vật đựng … Nhận ra công khó của tiền nhân nên Dế Mèn cảm kích lắm. Tạ ơn những người đi trước đã phát minh, chế biến, sản xuất những vật dụng mang lại nhiều lợi ích cho đời sống để con cháu sống dễ dàng hơn và tiếp tục tìm kiếm, sáng chế phát minh những vật dụng hữu ích khác, tiếp nối con đường đã xây dựng sẵn từ những thế hệ trước.

TLL