Con người, động vật và thực vật chia chung một thế giới trên quả đất. Ta tự xem mình là chúa tể, là động vật khôn ngoan nhất nên giữ vai trò “chủ nhân”.

Trong vai trò chủ nhân, con người thám hiểm khám phá trái đất. Trong không gian, con người thám hiểm mặt trăng, hỏa tinh… trên mặt đất, ta tìm hiểu cây cỏ, muông thú lớn nhỏ. Ta nuôi thú vật để lấy thịt, lấy lông, lấy da, để làm công việc nặng nhọc nên trâu ngựa được tiếp tục nuôi dưỡng, dành cho đất sống và sinh sản hoặc phát triển như một ngành kỹ nghệ.
Những động vật khác nhất là côn trùng bị xem là “phá hoại” nên chịu tận diệt hết loài này đến giống khác. Khi không thể tiêu diệt nổi loài côn trùng bền bỉ, chịu đựng như con gián thì ta cho rằng gián là loài côn trùng “thông minh”, chẳng thông minh mà trốn tránh được chúa tể đất trời? Nhưng ngoài gián, có loài côn trùng nào thông minh như thế không?

Tìm hiểu về mức thông minh của loài vật, animal behavior, là môn học không mấy phổ thông, nhất là ngành côn trùng học. Từ nhà canh nông đến chuyên viên phòng thí nghiệm, con người tìm hiểu cách sinh sản và phát triển của loài vật nhằm cho nhiều mục đích. Khi cần thiết, ta thúc giục loài vật sinh đẻ nhiều, nuôi cho chóng lớn hoặc tìm cách tận diệt để giữ mùa màng hoa lợi. Thú vật bị nuôi theo kỹ nghệ sinh đẻ nhanh chóng nhưng thịt thà mỗi ngày một mất dần hương vị, thịt gà rồi cũng sẽ như thịt… heo? Ðổi lại, thú vật bị truy diệt cũng biết thay hình đổi dạng, tạo kháng thể để tránh né sự tiêu diệt của con người. Ðại khái là con người và thú vật cũng như cây cỏ đang đuổi bắt nhau, kiểu vỏ quýt và móng tay.
Khi chưa thành công trong mục đích nuôi dưỡng hoặc truy diệt thì con người cho rằng thú vật “thông minh” vì con người chưa thắng, nhưng khi đạt mục đích thì sự “thông minh” của con vật trở nên xoàng xoàng?! Riêng với ngành nghiên cứu thì sự thông minh của loài vật được tạm định nghĩa theo mức thông minh của con người: Dã nhân, cá heo và bạch tuộc được xem là thông minh vì chúng hành xử từa tựa như con người. Chúng có thể giải quyết một số vấn đề, biết giao tiếp, biết chung sống hợp quần, biết thích nghi với môi trường chung quanh, có cả trí nhớ và dường như kích thước của bộ óc (hay lượng tế bào thần kinh [neuron]) tỷ lệ thuận với mức thông minh!?

Chuyên viên nghiên cứu tìm hiểu các đặc tính kể trên, từng đặc tính riêng lẻ, để đối chiếu, so sánh cách hành xử với kích thước bộ óc của thú vật. Riêng với côn trùng, sự so sánh ấy xem ra vô cùng khó khăn vì côn trùng sinh sống khác xa con người. Theo Tiến Sĩ Marc Srour, một nhà côn trùng học nổi tiếng, bộ óc của chúng cũng không sắp xếp theo hình thể bộ óc con người và các loài thú vật khác: Bộ óc của côn trùng xếp đặt theo từng phần nhỏ, sub-brain hay “não phần”, rải rác khắp cơ thể. Những “não phần” này kết nối với nhau và được kiểm soát bởi một trung tâm, central brain, dù vẫn có thể hoạt động riêng lẻ. Như sợi antennae của côn trùng có não phần riêng, miệng, mắt, và chân cũng thế nên côn trùng có thể đi, chạy dù các não phần khác kể cả trung tâm não bộ bị thương tổn.

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Dựa trên kích thước cơ thể, não bộ côn trùng tương đối nhỏ (so với loài người), có số lượng tế bào thần kinh thấp. Nhà côn trùng học Lars Chittka, chuyên về ong, tường trình rằng óc ong chỉ có khoảng 1 triệu tế bào thần kinh (so với loài người, ta có khoảng trăm tỷ). Do đó, khi áp dụng số lượng tế bào thần kinh để “đo” mức thông minh của côn trùng có thể là một chỉ số tương đối, không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, kích trước cấu trúc [đặc biệt] trong não bộ côn trùng có tên “mushroom bodies” thì lại tỷ lệ thuận với mức “thông minh”, cấu trúc này càng lớn thì loài côn trùng “học” được nhiều hơn, nhớ được nhiều hơn những hoạt động trong cách sinh hoạt hằng ngày. Như loài ong, học được cách nhận diện loài hoa nào có thể hút nhụy nhanh chóng và “biết” đường về tổ… Nói chung là loài vật “biết” thích nghi với môi trường chung quanh để sinh tồn được xem là thông minh. Chúng được gom chung vào nhóm “generalist animal”. Ngược lại, khi một loài vật chỉ “ăn” một thứ thực phẩm và không “biết” gì đến môi trường chung quanh như bọ chét (fleas, ticks…), chỉ biết tìm “chủ” để hút máu thì bị xem là không thông minh!?

Vì “thông minh” nên nhóm “generalist animal” phải xoay sở tìm kiếm thức ăn để sinh tồn; “nhìn” quanh tìm nơi trú ngụ, chỗ đẻ trứng / con đến nguồn thực phẩm… rồi thẩm định xem món nào có thể dùng được mà “thử”, món nào có thể nguy hại mà trốn tránh. Cái khó ló cái khôn? Loài kiến “ăn” được nhiều loại thực phẩm khác nhau, biết để lại dấu vết [riêng biệt] để các con kiến khác biết lối đi kiếm ăn mà không lạc đường về tổ. Kiến cũng như ong sống hợp quần và tương trợ lẫn nhau để cùng sinh tồn trong khi bọ cánh cứng (beetle) cũng là côn trùng nhưng chúng sống đơn độc và chết một mình.

Xem thêm:   Cuối Đông

Áp dụng những điều quan sát được từ các loài thú lớn nhỏ, ta có khuynh hướng giải thích theo lý thuyết của con người điển hình là lập thuyết “bộ óc hợp quần” (the “social brain hypothesis”) do nhà nhân chủng học Robin Dunbar đề xướng. Chuyên gia này cho rằng trí thông minh không sẵn có mà nảy sinh, tiến hóa trong loài vật từ con người đến thú vật. Sự tiến hóa phát triển để thích nghi với môi trường sống, làm việc chung và sống chung với xã hội chung quanh. Nói giản dị, để sống thuận thảo, hợp quần, thành viên trong cộng đồng ấy phải “thông minh” mà cùng nhau sinh tồn [chứ không phải là những người / vật thông minh chọn cách sống chung].
Cũng theo Tiến Sĩ Srour, côn trùng xếp hàng đầu về trí thông minh bao gồm ong, kiến và gián. Thiên kiến của ông ấy dựa trên các tài liệu thu góp được, và ba loài côn trùng này được tìm hiểu, quan sát nhiều nhất; một lý do khác nữa là cách hành xử của chúng giống giống loài người.

Ong thông minh cỡ nào mà được xếp hạng nhất? Sách vở ghi chép rằng ong là loài côn trùng sống hợp quần, có tổ chức xã hội trật tự, mỗi [nhóm] thành viên được chia một công việc và chúng hoạt động nhịp nhàng với nhau. Xây tổ, kiếm ăn, sinh nở, chống lại kẻ thù… các hoạt động này quan trọng cho việc sinh tồn của cả tổ. Nhưng ong có cả những khả năng khác, các khả năng không cần thiết cho sự sống còn. Như khả năng nhận diện và phân biệt mặt mũi con người; ong cũng có thể đếm [dựa trên kết quả của một chuỗi thử nghiệm]. Trong chương trình thử nghiệm này, ong được thưởng cho việc ngừng chân tại mỗi địa điểm thứ ba. Khoảng cách cũng như địa điểm được thay đổi nhiều lần để ong không thể dựa trên mức độ bay và sự “quen thuộc” mà đoán đúng. Tóm lại là ong cứ tà tà dừng lại ở điểm thứ ba, bất kể xa gần, đường lối khác biệt. Chúng biết “đếm” và khả năng đếm lên đến “4” (nhưng không thể đếm đến “5”).

Qua các chuỗi thí nghiệm, con người kết luận rằng ong biết quan sát, học hỏi, và ghi nhớ để giải quyết các khó khăn. Theo Tiến Sĩ Chittka, ong nhi đồng không biết gì về hoa trái; chúng học hỏi ong bô lão để nhận diện hoa trái; vì cây cỏ thì muôn hình vạn trạng, làm thế nào để tìm ra loài hoa trái có mật ngọt? Loài hoa trái nào có thể hút nhụy nhanh chóng dễ dàng [đỡ tốn công sức]? Ong bô lão đã chỉ dạy con em từ cách nhận diện đến kỹ thuật hút mật, “nectar robbing”, chỉ cần chọc một lỗ nhỏ trong hoa là có ăn thay vì phải tìm cách chui vào bên trong cái hoa. Loài ong biết chỉ dạy và biết học hỏi. Ong thợ kinh nghiệm đã chỉ dạy ong thợ học nghề các kỹ thuật ấy và bí kíp kia được cha truyền con nối, cứ như thế tiếp diễn!

Xem thêm:   Chuyện rau cỏ

Khả năng đáng kể nhất là “waggle dance”: Ðây là một phương pháp “truyền thông”, ong “báo tin” cho đồng bọn trong tổ về địa điểm lấy thức ăn. Trong tổ, con ong “múa” theo trục thẳng đứng của một hình bầu dục; đập cánh theo dạng thức đi lên có nghĩa là bay về phía mặt trời, đi xuống là ngược phía mặt trời; phía trái là bên trái và bên phải là phía phải của ánh nắng!
Trong “waggle dance”, ong bay theo mô hình số 8, thời gian bay quanh vòng số 8 “báo” cho các con ong khác khoảng cách của thức ăn. Vòng bay càng lớn, khoảng cách đến nơi có thức ăn càng xa, có khi cả cây số đường bay. Khi thức ăn càng ngon thì ong lặp lại cách múa càng nhiều lần.

Khả năng báo hiệu ấy cho thấy rằng ong biết dùng hình tượng để báo tin trong khi các thú vật gần gũi với con người như dã nhân vẫn không thể áp dụng: Dã nhân dẫn dắt đồng bọn đến nơi có thực phẩm hoặc chỉ trỏ thẳng vào thức ăn để diễn giải.
Về mặt truyền thông, ong thông minh hơn loài vật khác khi sử dụng “waggle dance”; nhảy múa như thế giúp ong cung cấp chi tiết về nguồn thực phẩm, từ khoảng cách đến phẩm chất của thức ăn. Cách báo tin này kín đáo và an toàn, “người ngoài” không nghe được.

Khi mày mò tìm đọc các tài liệu về cách hành xử, sinh hoạt của loài ong thì Dế Mèn le lưỡi. Thì ra ong biết nhiều thứ từ báo tin, nhận diện mặt mũi con người, biết đếm, biết quan sát và bắt chước các hành động hữu ích, hiểu và theo luật lệ đến giải quyết các khó khăn… Thế thì chúng thông minh quá xá rồi còn chi? Không biết loài thú nào khác có nhiều khả năng như thế không nhỉ? Hay là con người chỉ biết ong, kiến, gián và vài ba chủng loại khác để mà xếp hạng?

TLL