Rời lòng mẹ, mỗi trẻ sơ sinh được “tặng” cho một chỉ số, Apgar Score, thẩm định tình trạng sức khỏe của hài nhi. Bác sĩ, bà mụ, cô đỡ, y tá… các nhân viên trong khu sản khoa đều sử dụng chỉ số này và ghi chép cẩn thận vào y sử của người mẹ cũng như của đứa con. Sử dụng Apgar Score thường xuyên như thế nhưng không mấy ai biết rõ rằng sau danh xưng ấy là cả một con người bằng xương bằng thịt: Bác Sĩ Virginia Apgar.
Ngày trước, y học chưa có tiêu chuẩn nào để thẩm định sức khỏe của đứa trẻ vừa chào đời, chỉ khi bệnh tật trầm trọng xuất hiện thì sự việc mới rõ ràng nhưng hơi muộn màng. Nhận diện những hài nhi [sẽ] gặp khó khăn và cần được chú ý và chăm sóc cẩn thận để kịp thời chữa trị là việc cần thiết. Nhận ra sự cần thiết ấy, năm 1952, bác sĩ Apgar khởi đầu các tiêu chuẩn để thẩm định sức khỏe của hài nhi ngay sau khi ra đời. Các tiêu chuẩn ấy, đặt tên Apgar Score theo người sáng tạo, được áp dụng khắp nơi cho đến ngày nay. Tạm hiểu là cộng đồng sản khoa “nhìn” đứa trẻ sơ sinh qua đôi mắt của bác sĩ Apgar.
Để thẩm định tình trạng sức khỏe của hài nhi, bác sĩ, y tá hoặc bà mụ áp dụng 5 tiêu chuẩn: sắc da, nhịp tim, phản xạ, độ chắc của bắp thịt (muscle tone), và nhịp thở ngay một (1) phút và năm (5) phút sau khi đứa trẻ chào đời. Mỗi tiêu chuẩn có ba thang điểm gồm zero, một hoặc hai điểm. Tổng số điểm (Apgar score) trên 7 được xem là bình thường, tổng số điểm dưới 3 thì đứa trẻ không mấy khỏe mạnh. Thoạt tiên, hài nhi thường có chỉ số Apgar thấp nhưng chỉ số này sẽ gia tăng sau 5 phút.
Khi sử dụng, để dễ nhớ, bá tánh quen “đặt tên” cho mỗi vần [chỉ số APGAR] là “appearance”, “pulse”, “grimace”, “activity”, và “respiration” nhưng không mấy ai biết đó là tên của “tác giả”, của một con người thật.
Lịch sử y học ghi nhận nhiều công khó của bác sĩ Virginia Apgar. Bà ấy là người tiên phong trong nhiều lãnh vực y khoa: thành lập ngành Gây Mê (anesthesiology) như một chuyên khoa; khởi đầu nhiều công trình tìm hiểu và phát triển cách sử dụng thuốc gây tê / mê trong sản khoa, giúp sản phụ vượt cạn bớt đau đớn, và nhất là các chương trình nghiên cứu và phòng ngừa các dị tật bẩm sinh.
Bác sĩ Apgar là người đã tổ chức và giúp thành lập ngành Gây Mê đầu tiên tại trường Y Khoa, Đại Học Columbia (Columbia University College of Physicians & Surgeons), và cũng là phụ nữ đầu tiên trở thành giáo sư thực thụ (full professor) tại đại học này.
Trong ngành giáo dục [y học], bác sĩ Apgar được biết đến như một vị giáo sư yêu nghề, quý học trò và sẵn sàng dùng mọi cách dễ hiểu để giảng dạy. Bà áp dụng các kiến thức y học vào đời sống hằng ngày. Chuyện kể rằng bà Apgar luôn di chuyển với một bộ dụng cụ y khoa cấp cứu kể cả ống thở và dao mổ theo lời đoan quyết “không ai tắt thở khi gặp tui!”
Sau các phát kiến trong ngành Gây Mê và đặt ra chỉ số Apgar, bác sĩ Apgar nghiên cứu về dị tật bẩm sinh và là thành viên của hội the National Foundation for Infantile Paralysis-March of Dimes (ngày nay là March of Dimes). Tổ chức này, sau khi thành công trong việc chế tạo thuốc chủng ngừa bệnh Tê Liệt, chuyên việc nghiên cứu và trợ giúp trẻ em bị dị tật. Dưới sự điều hành của bác sĩ Apgar, tổ chức March of Dimes nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng của phóng xạ & hóa chất, chứng nghiện ngập [của cha mẹ] ảnh hưởng ra sao đến thai nhi và trẻ em.
Ngoài công việc, bà Apgar làm vườn, câu cá và học lái máy bay để giải trí! Bà còn là một nhạc sĩ vĩ cầm khá nổi tiếng, chơi đàn trong các ban nhạc lớn của thành phố. Chơi đàn nhưng bà Apgar cũng học cách chế tạo vĩ cầm và hồ cầm!
Say mê việc chế tạo đàn, năm 1957, khi một nhạc sĩ thân hữu chợt nhìn thấy miếng ván gỗ phong trong trụ điện thoại của trường đại học, miếng ván đẹp quá, có thể dùng làm mặt sau của chiếc vĩ cầm thì bà Apgar và người bạn … rủ nhau ăn trộm. Họ lấy miếng ván ấy rồi thay thế bằng một miếng ván [mới] cùng màu. Chẳng may miếng ván mới hơi dài, không vừa vặn nên người bạn bèn cưa cắt tại nhà vệ sinh trong khi bà Apgar đứng ngoài canh chừng. Miếng ván ăn trộm ấy trở thành “lưng” của chiếc đàn của bà Apgar, được sử dụng thường xuyên.
Sau khi bà Apgar qua đời, chiếc đàn lừng lẫy ấy được mang ra dùng trong buổi hòa nhạc dịp ra mắt con tem chưng hình bà Apgar vào năm 1994. Sau này, chiếc vĩ cầm được hiến tặng cho trường đại học Columbia.
Bác sĩ Virginia Apgar qua đời năm 1974 ở tuổi 65 vì đau gan. Tên tuổi bà ấy sống mãi với thời gian; mỗi lần một đứa trẻ ra đời, nhân viên trong khu sản khoa của bệnh viện nào cũng xướng tên qua chỉ số Apgar!
TLL