Trận đại dịch đã đảo lộn hầu hết các trật tự, thói quen, công việc, sinh hoạt xã hội khắp nơi. Những người có thể, đã thay thế việc đến sở hằng ngày bằng cách làm việc tại nhà. Những người không thể làm việc vì chỗ làm đóng cửa, sa thải người như các tiệm ăn, hàng quán… và cũng có những người vẫn phải tiếp tục công việc cũ, trường hợp của các nhân viên trong ngành y tế. Rồi vì nhu cầu, một số công việc mới xuất hiện.

nguồn: readersdigest.ca

Trận đại dịch tuy chưa chấm dứt nhưng cư dân thế giới đã bắt đầu làm quen với sự xáo trộn ấy, thích nghi để sống còn nhưng xem ra, con người không còn cho rằng công việc làm là điều quan trọng nhất trong đời sống (!?). Trải qua đại dịch, qua mất mát nên hình như người ta đang thay đổi cái nhìn về đời sống? Cuộc sống mỏng manh nay còn mai mất, người thân bất ngờ ra đi vì bệnh tật hoặc còn mê mệt vì hậu chứng sau khi thoát chết… Thế thì làm việc cật lực để làm chi? Công việc chỉ là phương tiện để sinh sống và không còn mục tiêu chính của đời sống?

Về mặt lịch sử, thị trường nhân công tại Hoa Kỳ trải qua nhiều thay đổi trong thế kỷ XX. Hầu như mọi đạo luật về lao động đều do các nghiệp đoàn nhân công đề xướng và thúc đẩy, từ “hưu bổng” cho mọi người bất kể công việc làm đến bảo hiểm sức khỏe, những phúc lợi bảo đảm cho đời sống. Qua nhiều lần thương thảo, kết quả là có đạo luật Social Security, một loại “hưu bổng” (tiền già) cho người qua tuổi lao động hoặc tàn tật, the Fair Labor Standards Act, một phần của New Deal Program. Nhưng Social Security không cung cấp lương hưu cho mọi cư dân, những nhân công trong ngành canh nông, làm công việc nhà (domestic worker)… không đóng thuế lợi tức (không có điểm “tín dụng” hay credit) nên không được cấp dưỡng.

Không đòi được chính phủ tổ chức các chương trình phúc lợi cho mọi cư dân, các nghiệp đoàn công nhân xoay qua thương lượng với chủ nhân hãng xưởng, và ra đời loại bảo hiểm y tế dính liền với công việc làm, “job linked health insurance”.

The Fair Labor Standards Act lập nền tảng cho 40 giờ làm việc mỗi tuần, kèm với các lợi nhuận khác, từ hưu bổng đến bảo hiểm y tế, những phúc lợi thiết thực cho đời sống. Những công việc cung cấp đầy đủ phúc lợi được xem là công việc “tốt” và thường là công việc từ công sở hoặc hãng xưởng. Ngược lại, các công việc như bán hàng (retail), dịch vụ khách sạn, quán ăn quán rượu… thủa xưa đã bị xem là việc của phụ nữ, chỉ để “kiếm thêm” chứ không phải là công việc “chính” của người cột trụ gia đình nên lương thấp và không kèm theo lợi nhuận nào. Loại công việc này nằm ngoài các đạo luật lao động và cũng không có nghiệp đoàn vì đó là những “tiểu thương”, công ty nhỏ hoặc có tính cách “gia đình”.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Tuy nhiên, suốt mấy chục năm qua, ngành sản xuất tại Hoa Kỳ mỗi ngày một suy giảm vì công việc bị chuyển đến những nơi công nhân rẻ, hay “outsources”; số công việc bán hàng, cung cấp dịch vụ lại gia tăng. Ðây là lý do khiến lương bổng của nhân công đứng tại chỗ và mỗi ngày một đông số nhân công không có bảo hiểm sức khỏe cho đến khi đạo luật the Affordable Care Act ra đời.

Từ thập niên 40 của thế kỷ trước, hậu Thế chiến II, cư dân Hoa Kỳ được thúc đẩy, khuyến khích tìm việc, các công việc mang lại đầy đủ phúc lợi cho đời sống: mức lương đủ để sinh sống, bảo hiểm sức khỏe và lương hưu trí. Ðó là chưa kể những “lợi nhuận” khó đong đếm như sự giao tiếp với người làm việc chung, social interaction, “căn cước” hay “nhân thân” (ta là “ai”, làm gì để sinh sống, chỗ đứng trong xã hội ở mức “thang” nào…), và cả một mục đích để tiếp tục sống. Nhân công có việc làm “tốt” là những người “thành công”, dưới mắt xã hội.

Nhưng rồi các quan điểm về nhân công nói trên từ từ thay đổi. Trên khía cạnh kinh tế xã hội, đo đếm các phúc lợi từ công việc làm, thì bá tánh nhận ra rằng, ngày nay hình như “công việc tốt” đã dần dần mất dấu (?!). “Công việc tốt” được định nghĩa là loại công việc cung cấp đủ lợi nhuận để nhân công sinh sống và đôi khi, nuôi nấng / trợ giúp gia đình. Loại công việc cung cấp các phúc lợi phụ trội như bảo hiểm sức khỏe và lương hưu trí để dưỡng già khi ta hết “tuổi lao động”. Tạm hiểu, “công việc tốt” là loại công việc ta có thể trông cậy và nên dồn mọi nỗ lực vào công việc hầu tiếp tục hoặc thăng tiến. Loại “công việc tốt” ấy hầu như mỗi ngày một hiếm hoi vì hãng xưởng thay tên, đổi áo, phúc lợi mỗi ngày một giảm và ngày nay chẳng còn mấy công sở cung cấp hưu bổng nữa. Ngược lại, công việc không mấy “tốt” thì đầy rẫy, lương thấp và nhiều khi chẳng có bảo hiểm y tế.

Ðại dịch Vũ Hán đã khiến sự suy thoái trong thị trường nhân công kể trên trở nên rõ ràng hơn. Hãng xưởng, hàng quán đóng cửa, cả triệu nhân công mất việc làm. Còn những người có việc làm bao gồm nhiều nhóm: Cả triệu con người làm việc ở “tuyến đầu” đã chấp nhận hy sinh sự an toàn cá nhân để đổi lấy cơm áo hằng ngày với mức lương chưa đủ chi dụng. Những người khác dù có thể làm việc tại nhà để sinh sống nhưng đành tiết giảm sự giao tiếp, trao đổi với những đồng sự và cả những phần thưởng tinh thần mà công việc mang lại trước đây. Những người độc thân năng động chịu bó chân ở nhà vì sợ nhưng lại chóng buồn chán, ngán ngẩm nỗi quạnh quẽ chung quanh. Người làm việc tại nhà vừa làm việc vừa phải để mắt trông nom con cái, chưa kể chuyện dạy học để bù đắp cho các buổi học trên mạng; chăm sóc cha mẹ, thân nhân già lão cần giúp đỡ.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Dù làm việc tại nhà hay tại công ty hãng xưởng, nhân công đều có chung một vấn đề nan giải: chăm sóc con cái, cha mẹ già (childcare, adultcare) khi nhà trẻ, nhà “già” (daycare) đều đồng loạt đóng cửa vì sợ bệnh tật lây lan.

Các cuộc phỏng vấn, thu thập dữ kiện về sinh hoạt xã hội trong hai năm qua đều mang nặng những tiếng thở dài ta thán, mệt mỏi và lo âu của những người đang giữ vai trò kiếm sống và chăm sóc gia đình. Họ không có cách nào để trút bớt gánh nặng trách nhiệm kia, thân xác và tinh thần đều nhọc nhằn như nhau. Áp lực nặng nề và căng thẳng như thế, con người phản ứng ra sao? Và câu trả lời là… bỏ việc!

Cũng chính sự tang thương, đổ vỡ từ đại dịch Vũ Hán khiến cư dân “soi gương”, ngẫm nghĩ về mục đích của đời sống rồi tự vấn điều gì quan trọng nhất? Theo tài liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ, chỉ trong tháng Tư, năm 2021, đã có trên 4 triệu nhân công tự ý bỏ việc. Bỏ việc hàng loạt nên hiện tượng này được gọi là “The Great Resignation” và các nhà kinh tế / xã hội đã bắt đầu tìm hiểu, phân tích các dữ kiện liên quan đến thị trường nhân công.

Trong đại dịch, nhóm nhân công đang làm việc tại sở chuyển sang làm việc tại nhà. Có người ưa thích sự độc lập [mới], ít tiếp xúc với đồng sự và cảm thấy thời giờ được tiêu xài hợp lý hơn, không phải di chuyển từ nhà đến sở, có thể bớt giờ ăn trưa để làm thêm công việc riêng tư… nhất là những người cần chăm nom thân nhân, làm việc tại nhà là một cách kiếm sống hợp lý và dễ chịu. Bây giờ công sở rục rịch mở cửa lại và đòi hỏi nhân viên phải đến sở. Thế là mâu thuẫn xảy ra, ta phải đáp ứng ra sao? Có người bỏ việc (khoảng 45% nhân viên “cổ trắng”, và 70% số nhân viên này là phụ nữ) cũ để tìm công việc mới, các công việc có thể làm tại nhà như trong thời gian đại dịch. Tạm hiểu là 60+% còn lại là những người bằng lòng với công việc và sửa soạn trở lại sở làm.

Một nhóm khác, những nhân công “cổ trắng” bỏ việc vì không cảm thấy hứng thú với công việc làm nữa và nhất là những ngày “bàng hoàng” trước sự thay đổi của xã hội trong đại dịch, trước những mất mát bất ngờ, tiền bạc không còn thiết yếu nữa. Và họ tìm kiếm các công việc đem lại nhiều thời gian riêng tư hơn, thích thú hấp dẫn hơn.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Nhóm người đang vật vã bơ phờ vì công việc thì bỏ việc vì lương bổng không đủ chi dụng hoặc lương bổng không xứng đáng.

Nhìn chung, những nhân công bỏ việc đã hoặc đang tìm kiếm những gì? Những người gần đủ tuổi nghỉ ngơi thì chọn cách về hưu sớm hơn thời hạn. Về hưu để có thể sống theo ý muốn như ngủ trễ dậy muộn, du lịch đó đây kẻo thiên tai nhân nạn kéo đến thì không còn được thụ hưởng công khó kéo cày, tiết kiệm bấy lâu nay. Nhóm “hưu trí” sớm này tìm cách thu gọn nhà cửa, sống giản dị hơn và sử dụng tiền bạc vào sở thích ít tốn kém. Nhóm người cần làm việc để sinh sống thì chuyển hướng, chọn các công việc bớt đòi hỏi thời giờ để có thể sống với gia đình, thân nhân dù phải nhận mức lương thấp hơn. Nhóm người tiếp tục làm việc nhưng chọn khởi đầu một nghề nghiệp khác, một công việc ít nhọc nhằn hơn để giảm áp lực của đời sống. Và hầu như mọi người đều chú tâm nhiều hơn đến các mối thân tình với người chung quanh. Và tất cả những nhóm người bỏ việc kể trên đã tạo ra hiện tượng thiếu nhân công trầm trọng hiện nay.

Hiện tượng “bỏ việc” không chỉ xuất hiện trong giới nhân công mà cả trong ngành giải trí, thể thao. Hiện tượng các lực sĩ, tài tử ngưng làm việc để nghỉ ngơi cũng không hiếm, nổi tiếng nhất là việc hai lực sĩ trẻ, Naomi Osaka và Simone Biles, ngừng tỉ thí vì không chấp nhận áp lực chung quanh. Ngừng tỉ thí đồng nghĩa với ngừng kiếm tiền, ít ra trong một giai đoạn nào đó.

Thiếu nhân viên, công việc không trôi chảy, và hậu quả tất nhiên sẽ là làm ăn thua lỗ. Trước các phản ứng xem ra bất lợi, chủ nhân hãng xưởng, công ty… đang thay đổi từ từ để thích ứng. Ðầu tiên là gia tăng lương bổng, kế đến là các món tiền thưởng (sign-on bonus) để mời gọi nhân công, gia giảm lịch trình làm việc khi có thể, cho nhân viên làm việc tại nhà… chưa kể các lợi nhuận khác như bảo hiểm sức khỏe, đóng góp với quỹ hưu bổng của nhân viên (401 K) …

Nhìn chung, với cư dân Hoa Kỳ, công việc làm không còn là tâm điểm của cuộc sống nữa, qua nhiều phương cách, nhân công đang tìm kiếm sự bình an, bớt áp lực và câu nói “live to work” (sống để làm việc) đang trở thành “work to live” (làm việc để sinh sống) với những lời giải thích, thay đổi, “du di” theo hoàn cảnh sống.

TLL