Cuộc chiến Israel-Palestine bùng nổ sau trận tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel tháng Mười năm ngoái, giết người và bắt cóc con tin. Israel trả đũa bằng cách tấn công các thành phố trong vùng Gaza-Palestine.

Trong những ngày đầu, hình ảnh của trận thảm sát, xác người la liệt trên đường phố, các con tin bị lôi kéo, bắt giữ, nhà cửa tan hoang khiến người thế giới kinh hoảng, xúc động, rồi ủng hộ việc phản công tự vệ của Israel. Cứ bị ăn hiếp giết chóc hoài thì uýnh một trận để đời cho kẻ thù hết chỗ thủ ác. Cuộc chiến tự vệ không chấm dứt nhanh chóng mà kéo dài. Nửa năm sau, khi hình ảnh chết chóc, khốn khổ của cư dân Palestine trong dải Gaza lan tràn khắp nơi thì lòng trắc ẩn thương xót Israel lúc ban đầu của người thế giới bị bào mòn. Tấn công tự vệ thì có thể hiểu và cảm thông được nhưng cách trả đũa khủng khiếp kia có quá tay lắm không? Cán cân của lòng thương xót, ủng hộ từ người thế giới nhúc nhích rồi dần nghiêng về phía Palestine.

Chính phủ Huê Kỳ đứng về phía Israel, gửi tiền bạc vũ khí trợ giúp. Israel xưa nay vẫn là đồng minh, địa đầu cầm chân các đối thủ Hồi giáo quá khích trong cuộc chiến âm ỉ giữa thế giới “tự do” và các nhóm khủng bố Hồi giáo. Quân đội Israel xâm nhập lãnh thổ Gaza-Palestine, tàn sát cư dân và phá nát đời sống của họ. Số thương vong lên đến mấy chục ngàn người. Bá tánh bưng lên bàn cân đo đếm mức thương vong của hai bên thì nhận ra Israel đã và đang tiếp tục quá tay với kẻ thù với mục đích “nhổ cỏ tận gốc” nhóm khủng bố Hamas dù cư dân chung quanh, người già em bé chạy trốn không kịp nên chịu trận lãnh đạn.

Khung cảnh thê thảm kinh hoàng ấy đánh động lương tâm con người. Người trẻ, các sinh viên, đứng lên phản đối  khắp nơi, trên dưới 130 trường đại học trên lãnh thổ Huê Kỳ. Họ xuống đường biểu tình rồi dùng cả khuôn viên đại học mà dựng lều cắm trại để ngày ngày la ó theo kiểu “đường dài”. Người trẻ phản đối kế sách tham chiến [ủng hộ đồng minh] của chính phủ Biden rồi phản đối luôn việc trường đại học nhận các món tiền đóng góp kếch xù của các tài phiệt [cựu sinh viên] gốc Do Thái. Đóng góp tiền bạc tạo ảnh hưởng đến ban quản trị, giảng huấn của trường, các đồng tiền “dính máu’ người dân Palestine. Họ đòi trường đại học chấm dứt việc “giao du thân mật” với các tài phiệt buôn bán với Do Thái và chấm dứt cả các liên hệ giáo dục với các đại học Israel vì các mối quan hệ ấy khiến trường đại học thiên kiến, ngả về phía Israel, những người đang gây tội ác chiến tranh tại Gaza?! Nhóm sinh viên này ủng hộ và muốn góp phần bảo vệ cư dân Gaza, “Students for Justice for Palestine” gọi tắt là “pro Palestine”. Ngược lại cũng có các nhóm sinh viên biểu tình chống đối các hình thức kỳ thị Do Thái, antisemitism, và ủng hộ quân đội Israel tấn công Gaza. Và họ la ó, uýnh lộn rầm rĩ khiến cảnh sát phải can thiệp.

Xem thêm:   Trăm năm xe đạp

Trên dưới 2,000 sinh viên đã bị bắt giữ về tội phá hoại tài sản [của trường], gây tắc nghẽn giao thông …

Sinh viên ủng hộ Palestine (trái) và sinh viên ủng hộ Israel (phải), tại các cuộc biểu tình tại Đại học Columbia – New York. nguồn: forward.com

Khởi đầu từ các sinh viên cắm lều trong khuôn viên đại học Columbia vào mấy tháng trước. Họ bất bình với cách trả lời câu hỏi của các viện trưởng viện đại học Harvard, MIT, Pennsylvania khi phải ra điều trần trước quốc hội Huê Kỳ. Viện trưởng các trường Harvard, Pennsylvania đã phải từ chức trước làn sóng phản đối dữ dội của sinh viên, các giáo sư và cả bá tánh, online và offline trong khi các vị viện trưởng khác cũng đang xính vính trước công luận về khuynh hướng chính trị của trường, bênh ai bỏ ai nhất là trường học là nơi “phi chính trị”, món gì cũng được giảng dạy đồng đều nếu có học viên?!

Sau khi các lều trại tại đại học Columbia bị cảnh sát tháo dỡ và sinh viên bị tạm giam về tội phá rối thì người trẻ phản ứng dữ dội, sinh viên tại các trường khác cũng xuống đường chống đối; nhóm “Pro Palestine” biểu tình lan qua Úc, (Australia), Canada, Pháp, Ý và Anh.

Trước tình huống ấy, trường đại học giải quyết ra sao? Xem hành động biểu tình của sinh viên là một cách lên tiếng nói hay quấy phá gây hư hại tài sản của trường (muốn biểu tình thì ra đường mà biểu tình)?

Xem thêm:   Về lại tương lai

Có trường thảo luận với sinh viên và cũng có trường hạ tối hậu thư, ngừng phá rối bằng không trường sẽ nhờ cảnh sát can thiệp.

Đại học Northwestern cho phép cắm lều với điều kiện là sinh viên chỉ cắm lều tại chỗ chỉ định trong khuôn viên trường; tạm hiểu là biểu tình có giới hạn, trong trật tự.

Tại trường Brown, ban quản trị đồng ý với một cuộc đầu phiếu vào tháng Mười sắp tới về cách đầu tư tài chánh [có tiếp tục làm ăn với các công ty ủng hộ Israel nữa hay không]; đổi lại, sinh viên chấm dứt việc cắm lều.

Song song với các cuộc biểu tình của sinh viên, chính khách Huê Kỳ đang kêu gọi trường đại học nỗ lực hơn nữa, đề cập và giải quyết làn sóng bài Israel trong các cuộc biểu tình dẫn đến ẩu đả.

nguồn: linkedin.com/

Người trẻ đòi chấm dứt chiến tranh tại Gaza xem ra là mục đích chính của các cuộc biểu tình. Nhưng những tấm biển, biểu ngữ, lời hò hét ủng hộ Hamas trong trường học khiến các sinh viên gốc Do Thái lo âu, sợ hãi. Họ cảm thấy bị đe dọa nên đã lên tiếng yêu cầu ban quản trị của trường bảo vệ. Nhóm người trẻ ủng hộ Palestine có dính dáng chi đến Hamas không? Họ khẳng định là không, chỉ đứng dậy đòi hòa bình vì bất nhẫn, vì công tâm. Trên thực tế, lãnh tụ của các nhóm thân Palestine, như ông Osama Abuirshaid lãnh tụ của American Muslims for Palestine, đã có mặt trong khuôn viên đại học, “nói chuyện” với sinh viên về cuộc chiến tranh. Hô hào “người trẻ là tương lai”, “hãy phản đối trận chiến tranh diệt chủng của Israel”… Những buổi nói chuyện không chính thức nhuốm hơi hướng chính trị ấy hẳn đã góp phần thay đổi ý kiến của người trẻ về cuộc chiến Israel-Palestine?!

Theo truyền thống, trường học, nhất là trường đại học nơi sinh viên đã có phần trưởng thành, độc lập, và có thể suy luận rồi tự quyết định cho cá nhân họ. Sự độc lập tư tưởng ấy dẫn đến các cuộc biểu tình. Biểu tình là một hình thức phát biểu ý kiến, nền tảng của tự do ngôn luận.

Xem thêm:   Đảo Quốc Xanh Greenland

Người trẻ bất bình trước cảnh giết chóc thê thảm mà nạn nhân là cư dân vùng Gaza nên biểu tình. Hình ảnh cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel tháng Mười năm ngoái, Hamas giết người, hãm hiếp phụ nữ, bắt cóc con tin Israel đã phai mờ trong mắt cư dân thế giới hẳn vì mức thương vong giữa hai bên quá chênh lệch? Israel mất mấy ngàn người (1,200 người?) so với con số mấy chục ngàn (35,000) người Gaza? Thảm cảnh đói khát, thương vong, đổ nát tại Gaza khiến người thế giới động tâm nghĩ lại? Đành rằng Hamas châm ngòi cuộc chiến và Israel trả đũa, quyết tâm tận diệt dân quân Hamas xem cư dân trong vùng chiến tranh là những “collateral damage” (“tổn hại phụ thuộc”?); họ chấp nhận nhãn hiệu “khát máu” bất kể dư luận quốc tế nên đi quá đà?!

Chiến tranh Gaza ngày nay bị nhiều cư dân thế giới xem như cuộc chiến “diệt chủng” khơi mào từ Israel.

Những cuộc biểu tình và sự bất bình của người trẻ ảnh hưởng đến ngày lễ tốt nghiệp năm nay. Họ dùng những biểu tượng như quấn cổ khăn rằn của người Palestine, quấn cờ, vẽ cờ Palestine trên áo, trên mũ để lên tiếng về sự ủng hộ Palestine. Cũng có những người trẻ bỏ buổi lễ ra về trước khi nhận văn bằng vì cho rằng diễn giả ủng hộ Israel.

Cuộc chiến Israel-Palestine xem ra còn kéo dài trong những ngày sắp tới dù thế giới ủng hộ “bên này” hay “bên kia”. Người trẻ cũng sẽ vào đời bắt đầu cuộc sống độc lập từ gia đình.

Người trẻ là những viên gạch đầu tiên xây dựng xã hội của thế hệ họ. Được dạy dỗ từ trường học cách suy luận độc lập qua việc áp dụng các dữ kiện trước mắt, lên tiếng về những điều họ cho là phải, như thế nào là tự do, dân chủ, nhân quyền, công lý, bênh vực người yếu kém, chống lại kẻ hung tàn … Đúng hay sai, thành công hay thất bại, tiếng nói của người trẻ là các cuộc biểu tình xuất phát từ khuôn viên đại học đã góp phần tạo nên lịch sử?!

TLL