Ngăn ngừa sự lan tràn của nhiễm trùng, tiếng Việt ta dùng chữ “cách ly” để chỉ việc tách rời, cô lập người bị bệnh truyền nhiễm, không cho gần gũi với những người chung quanh; ngày nay ta có thêm chữ “giãn cách” hay đứng xa xa người chung quanh bất kể họ có bị bệnh truyền nhiễm hay không. Anh ngữ thì có chữ “Quarantine” và “Isolation”. “Isolation” theo định nghĩa y tế là tách rời người [bị] bệnh truyền nhiễm để tránh lây lan tại bệnh viện trong khi “Quarantine” là chữ được dùng chung cho người và vật bị bệnh truyền nhiễm và thường được sử dụng theo ý nghĩa [y tế] công cộng.

nguồn the new yorker 

Quarantine, gốc Ý từ chữ “quaranta,” có nghĩa là số 40 (Con số 40 có thể xuất phát từ lý thuyết về bệnh cấp tính thời Hippocrates) hay cách ly được dùng theo ý nghĩa “luật pháp”, tách rời người và vật bị xem là mắc bệnh truyền nhiễm. Từ thế kỷ XIV, cách ly đã là biện pháp chính để tiết giảm sự truyền nhiễm bao gồm việc tách rời người / vật bị bệnh, tẩy rửa môi trường chung quanh và hạn chế việc giao tiếp trong môi trường bị xem là nhiễm bệnh.

Cách ly được khởi đầu khi trận dịch hạch (Black Death) lan tràn tại Âu châu năm 1347-1352. Dịch hạch xuất phát từ những thủy thủ, chuột và những kiện hàng từ miền đông Ðịa Trung Hải đến Sicily. Căn bệnh lan tràn nhanh chóng khắp nước Ý gây tử vong khắp Florence, Venice, và Genoa, những thành phố đông đúc giàu có của Ý thủa ấy. Từ Ý, dịch hạch lan sang Pháp và Tây Ban Nha theo các con tàu buôn; trên đường bộ, dịch hạch vượt rặng Alps đến Áo và các vùng đất giữa Âu châu. Ðến cuối thế kỷ XIV, trận dịch tiết giảm nhưng chưa mất dấu; lịch sử ghi chép những lần tái phát dịch hạch trong suốt 350 năm về sau.

Thủa ấy ta chưa có thuốc men gì để chữa trị, chỉ biết trốn tránh bằng cách lánh xa người và vật bị nhiễm dịch hạch. Do đó, chính quyền sở tại ngăn cấm người lạ (như thương buôn), người cùi vào thành phố / thôn làng, từa tựa như việc ngày nay ta có những “chốt” canh và hàng rào bao quanh địa phương. Người bệnh và người khỏe được tách rời nhau. Kẻ vi phạm luật cách ly đã bị xử tử tại chỗ!

Xem thêm:   Lê Xuân Thiết

Chính sách Quarantine được áp dụng đầu tiên tại Dubrovnik, vùng Dalmatian Coast của Croatia vào năm 1377; và bệnh viện [riêng cho dịch hạch hay “lazaretto”] đầu tiên mở cửa tại Republic of Venice năm 1423 trên một hòn đảo nhỏ của Santa Maria di Nazareth. Năm 1467, Genoa áp dụng chính sách cách ly của Venice và theo sau là Marseille vào năm 1476. Các bệnh viện đặc biệt này (lazaretto) nằm xa trung tâm thành phố nhưng vẫn đủ gần để vận chuyển người bệnh và khi có thể, lazaretto được xây cất trên các hòn đảo, chung quanh là sông nước như một thứ “hàng rào” thiên nhiên. Tại hải cảng, bến sông cũng có những tòa nhà riêng biệt để tách rời rồi “gom chung” người và vật bị xem là nhiễm bệnh. Sản phẩm như len, sợi, vải, da, chăn mền… được xem là những vật bị nhiễm trùng và có thể lan truyền bệnh tật. Những món này được “tẩy trùng” bằng cách ngâm nước rồi phơi khô trong suốt 48 tiếng.

Từ trận dịch hạch kể trên, các điều luật về y tế công cộng ra đời, ghi chép tình trạng vệ sinh từ con tàu khởi hành ở điểm xuất phát và bến đậu. Hễ thấy bệnh tật là con tàu bị cách ly, theo dấu từ điểm xuất phát, bến đậu…

Ðạo luật cách ly bằng Anh ngữ đầu tiên ra đời năm 1663, cho phép chính quyền địa phương tách rời các con tàu và thủy thủ bị tình nghi là nhiễm bệnh. Tại các hải cảng vùng bắc Mỹ, biện pháp cách ly được áp dụng để tiết giảm bệnh “Sốt Vàng Da” (Yellow Fever) xuất hiện tại New York (1688) và Boston (1691). Theo sau là trận dịch đậu mùa (smallpox) xuất hiện cùng lúc với các con tàu buôn cặp bến nên chính quyền địa phương cho lệnh cách ly người bệnh tại nhà (cấm ra đường).

Ðến thế kỷ XVIII, Yellow Fever trở thành trận dịch lan tràn khắp vùng Ðịa Trung Hải, Pháp, Tây Ban Nha và Ý nên cách ly được áp dụng chặt chẽ. Cholera (dịch tả) là trận dịch xuất hiện trong thế kỷ XIX, xuất phát từ các tàu buôn khởi hành từ châu Á nên cũng có tên “Asiatic disease”. Tại các hải cảng châu Âu, những con tàu khởi hành từ các vùng đang chịu dịch tả đều bị gọi là “unclean licenses” và bị cấm vào bến. Thủy thủ đoàn, hành khách bị tình nghi là nhiễm bệnh / đã giao tiếp với người bệnh đều bị cách ly, bị đưa vào các lazaretto.

Xem thêm:   Roma - La Mã

Mục đích của cách ly là để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm nhưng biện pháp này cũng bị lạm dụng bởi chính quyền địa phương để tách rời người ăn mày, gái mãi dâm, kẻ điên loạn… những người sống ngoài lề xã hội, với cư dân trong vùng. Lịch sử cũng ghi chép việc chính quyền dùng biện pháp cách ly chỉ để tách rời các người nổi loạn, chống đối; giới hạn sự di chuyển và đàn áp cư dân. Cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đánh dấu sự bất bình của dân chúng đối với nhà cầm quyền khi tự do bị giới hạn / ngăn cấm. Tương tự, những người ‘cấp tiến’ tại Anh nổi dậy chống lại biện pháp cách ly và việc buộc chủng ngừa đậu mùa vì cho rằng nhân quyền bị vi phạm khi chính phủ đi “quá đà”. Biện pháp ‘cách ly’ từ đó bị xem như biểu tượng của “police power” hay “lạm quyền [của] hành pháp”, đã trở thành một khái niệm xấu mang theo sự sợ hãi, khó chịu và chống đối ngấm ngầm cũng như công khai.

Trên khía cạnh y học ngày nay, “40 ngày cô lập / cách ly” không còn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho mọi chứng bệnh truyền nhiễm. Với bệnh dịch hạch, 40 ngày là khoảng thời gian dài hơn thời gian ủ bệnh, vi khuẩn và vector (sinh vật truyền mầm bệnh) chết nên không còn gieo bệnh nữa. Với dịch tả và Yellow Fever, 40 ngày cách ly là thời gian dài hơn cần thiết. Và mới đây, thời gian cách ly cho Covid-19 là 14 ngày, “quanrantine” không còn đúng ý nghĩa “40 ngày” nữa mà chỉ sự tách rời người nhiễm bệnh với kẻ chung quanh.

Cách ly tất nhiên mang theo những hệ quả xã hội như kinh tế, tài chánh cho các cộng đồng lớn nhỏ, từ thành phố đến quốc gia. Những người phản đối biện pháp cách ly, “Anticontagionist”, cho rằng dịch bệnh là chuyện giả tưởng, hiệu quả của biện pháp cách ly được thổi phồng quá đáng và gây sụp đổ việc buôn bán, vận chuyển, đi lại làm ăn. Họ còn cho rằng “cách ly khiến người ta “ẩu tả”, không còn cẩn thận trong việc tự chăm sóc (?). Khi thương mại bị đình trệ thì các quốc gia liên đới xoay ra cắn đắng nhau, nơi áp dụng biện pháp cách ly một cách chặt chẽ, chỗ lại chỉ muốn phòng ngừa sơ sơ để còn dễ dàng làm ăn và tại cộng đồng quốc tế các trận thảo luận bùng nổ vì bất đồng; sách vở kể lại các cuộc xung đột ý kiến trong the International Sanitary Conferences tổ chức năm 1869 tại Suez Canal nơi bị xem là cửa ngõ của các chứng bệnh [xuất phát] từ Á châu!

Xem thêm:   Tự do hay là Chết

Lịch sử lặp lại một lần nữa khi trận đại dịch Vũ Hán lan tràn khắp thế giới; những quốc gia giàu có áp dụng biện pháp cách ly chặt chẽ trong khi những vùng đất nghèo khó chẳng thể áp dụng ráo riết những tiêu chuẩn vệ sinh y tế tối thiểu để tiêu trừ bệnh tật. Ngày nay, con người lại di chuyển nhanh chóng từ nơi này đến chỗ khác trong vòng vài tiếng đồng hồ nên bệnh tật dễ lan truyền hơn nữa nhất là loại bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp như Covid-19.

Biên giới đóng cửa đã đành nhưng những người sinh sống trong cộng đồng bị nhiễm bệnh cũng phản kháng chuyện cách ly một cách âm thầm hoặc công khai. In hệt như những trận đại dịch ngày trước, kẻ theo người chống. Riêng trận đại dịch Vũ Hán đã kéo dài gần hai năm nay nên cư dân mệt mỏi, chán ngán không còn chịu khó theo lời chỉ dẫn của bộ y tế nữa. Tình trạng nhiễm trùng lên xuống theo những ngày lễ lớn, cứ đông người tụ họp là ta lại thấy con số nhiễm trùng gia tăng chưa kể việc phòng bệnh thiết yếu là chủng ngừa và dùng mask. Trên dưới 50% cư dân Huê Kỳ vẫn không chịu chủng ngừa và vẫn tiếp tục phản đối việc dùng mask như một thái độ chống chính quyền “o ép” dân chúng.

Cách ly đã được áp dụng cả 500 năm nay như một biện pháp tiểu trừ bệnh truyền nhiễm của các cơ quan y tế công cộng, từ dịch hạch (Black Death), SARS 2003, Cúm H1N1 2009 đến đại dịch Vũ Hán. Ta thành công đôi chút trong việc tiết giảm Covid-19 khi thuốc chủng ngừa nhanh chóng ra đời nhưng cộng đồng thế giới vẫn chịu thất bại vì con người không muốn áp dụng các biện pháp phòng ngừa như cách ly, chủng ngừa, dùng mask, rửa tay…

Khi con người không đồng lòng thì ta khó thắng đại dịch?

TLL