Giấy hay “paper”, “papier” xuất phát từ chữ gốc “papyrus”, cây Cyperus papyrus, lõi cây được người Ai Cập cổ bào mỏng thành từng lớp để ghi chép từ những thế kỷ trước Công Nguyên, trước khi người Tàu tìm ra cách chế tạo giấy. Việc sử dụng vỏ cây để ghi chép xuất hiện sau khi con người đã sử dụng gỗ, tre và da thú.

Tiếng Việt ta có chữ “sử xanh” hẳn do việc dùng tre để ghi chép (?). Ghi chép [bằng hình vẽ, chữ viết] trên đá, gỗ, tre và da thú không dễ dàng lại dày và nặng nên vận chuyển khó khăn và tơ lụa thì đắt quá nên con người ra công tìm kiếm / chế tạo các vật liệu khác để dùng.

Thủa xa xưa, giấy được chế tạo từ cây và sợi vải theo phương pháp được sách vở ghi nhận trong thời nhà Hán (năm 25-220) và do ông quan Cai Lun khởi xướng. Tuy nhiên, kết quả khai quật (năm 2006) từ cổ mộ tại Fangmatan, tỉnh Gansu phía đông bắc Trung Hoa cho thấy người Tàu đã dùng giấy từ thế kỷ II trước Công Nguyên; từ đó, các nhà khảo cổ tạm kết luận rằng, khoảng 200 năm sau, ông Cai Lun đã hoàn thiện việc chế tạo giấy [thay vì khởi đầu việc chế tạo].

Đến thế kỷ VIII, qua đường Tơ Lụa, cách làm giấy truyền sang vùng Trung Á và đến thế kỷ XI mới lan đến Âu Châu.

Từ khi giấy ra đời, cổ nhân đã dùng giấy vào nhiều việc như ghi chép qua chữ viết, hình vẽ để truyền tải ý tưởng, cảm xúc … Ngoài các chứng thư trong công việc hành chánh, con người đã dùng giấy để chi chép tác phẩm văn chương, hội họa để thưởng ngoạn. Cũng từ giấy, các ngành nghệ thuật khác theo nhau xuất hiện trong những thế kỷ về sau. Nghệ thuật xếp / gấp giấy origami chiếm vị thế hàng đầu; chế tạo hình tượng bằng giấy hay “Papier-mâché” và cắt giấy (papercutting) là những bộ môn nghệ thuật khác cũng thu hút người thưởng ngoạn.

Papier-mâché, tiếng Pháp (giấy [bị] nghiền nát) hay paper mache theo Anh ngữ, là nghệ thuật tạo hình tượng bằng giấy hay “lõi” cây (dùng làm giấy) đôi khi pha trộn với vải và kết dính nhờ keo hồ.

Xem thêm:   Nghệ thuật & khoa học

Người Trung Hoa được xem là ông tổ của nghệ thuật tạo hình tượng bằng giấy sau khi họ tìm ra cách chế tạo giấy, khoảng năm 200. Các hình tượng đầu tiên bao gồm mặt nạ dùng trong các buổi tế lễ, mũ nón và cả các hộp đựng, hòm rương nhỏ. Người Ai Cập cũng sử dụng vỏ cây (papyrus) hoặc vải trộn với keo hồ để chế tạo mặt nạ và hòm rương khi chôn cất từ ngàn năm nay.

Nghệ thuật tạo hình tượng bằng giấy từ đó lan tràn sang những vùng đất lân cận và mang theo màu sắc địa phương. Nhật Bản, Ba Tư, Ấn Độ, các vùng đất Âu Châu đều có những hình tượng chế tạo bằng giấy, từ búp bê, mặt nạ, khay dĩa đến những hộp đựng lớn nhỏ… sơn phết với hoa văn và màu sắc rực rỡ.

Giấy là vật dụng dễ dùng để tạo hình tượng và tương đối rẻ so với gỗ hoặc đá nên khá phổ thông trong nghệ thuật dân gian. Cũng vì giá rẻ, ít tốn kém, dễ dùng nên hình tượng bằng giấy không được quý trọng như tượng gỗ và đá.

Nghệ nhân ngày xa xưa cũng dùng giấy pha trộn với đất nung, thạch cao để tạo hình tượng hoặc để trang điểm [tráng lên mặt] vật dụng bằng gỗ như khung ảnh, lưng ghế… Hình tượng bằng giấy nhiều lớp được thoa dầu như linseed để chống thấm nước, ngăn mối mọt và giữ được lâu dài. “Carton-pierre” hay “gạch [bằng] giấy” được dùng trong kiến trúc như vật liệu nhẹ, trông giống gỗ, đá hoặc kim loại như đồng.

Nghệ thuật tạo hình bằng giấy vẫn được sử dụng để làm mặt nạ trong các buổi lễ lạt ngày nay.

Có hai phương pháp chính để tạo hình tượng bằng giấy: 1) giấy được kết dính bằng keo hồ hoặc 2) giấy đem ngâm nước, nấu chín rồi kết dính bằng keo hồ. Nghệ nhân tạo hình thể bằng sợi thép, vải … sau đó đắp lớp giấy [ướt] bên ngoài, nhào nặn theo ý muốn rồi phơi khô và sau cùng, sơn phết, trang trí. Nhìn chung, “Papier-mâché” từa tựa như cách dùng đất sét, bột hoặc thạch cao nhồi nước để nhào nặn hình tượng rồi sơn phết trang trí.

Cắt theo hình vẽ trên sách vở in sẵn

Giấy được cắt xén để tạo hình thể, paper cutting, Jianzhi là một bộ môn nghệ thuật khác. Ra đời tại Trung Hoa trong thế kỷ V, Jianzhi xuất phát từ việc thêu thùa trong giới quý tộc rồi lan truyền khắp dân gian. Nghệ thuật này được UNESCO công nhận như di sản thế giới. Người Tàu ngày xưa dùng Jianzhi để trưng bày sự giàu có; ngày nay chỉ còn dùng để trang trí nhất là trong các dịp lễ Tết hay đám cưới.

Xem thêm:   Nghệ thuật, bệnh tâm thần & tội phạm

Khi giấy tesuki washi được nhà sư Triều Tiên Doncho mang từ Tàu sang Nhật trong thế kỷ VII thì nghệ thuật tạo hình bằng giấy cũng được truyền bá. Tên gọi “kirigami” (“kiri” = cắt và “kami” = giấy) do tác giả Florence Temko đặt trên cuốn sách “Kirigami, the Creative Art of Paper cutting” xuất bản năm 1962 tại Hoa Kỳ. Cuốn sách thành công rực rỡ nên danh xưng kể trên được đón nhận và sử dụng đến ngày nay.) Kirigami phát triển nhanh chóng sau khi việc chế tạo giấy trở nên dễ dàng tại địa phương. Các cuộc biểu diễn, thi đua cắt giấy hay “kamikiri” khá phổ thông trong thời Edo.

Ngày nay, loại giấy washi được dùng trong nghệ thuật cắt giấy, đóng gáy sách, giấy dán … và là loại giấy sản xuất (bằng tay) từ vùng  Sekishu (Iwami) từ năm 800 nên có tên là Sekishu washi. Loại giấy này được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Tại Luân Đôn, khoảng thế kỷ XVII, nữ sinh trong trường nội trú (tạm hiểu là con nhà khá giả) được học thủ công, từ thêu thùa, đan len, cắt giấy đến gấp giấy để trang trí, trưng bày trong dịp lễ lạt (chứng tỏ tài “công dung ngôn hạnh” của con nhà khuê môn). Một số tác phẩm bằng giấy ấy được khám phá bên dưới nền gỗ khi sửa chữa Sutton House năm 1980, một ngôi trường cũ xưa được xem như di tích lịch sử. Từ tháng Bảy vừa qua, các tác phẩm này được đem ra triển lãm.

Xem ra việc “cắt giấy” thủa ấy tại Âu Châu còn phôi thai, trẻ em tập vẽ hình ảnh, tô màu, tập dùng kéo cắt theo hình vẽ trên sách vở in sẵn…; môn thủ công ấy chưa tinh xảo như bên Hoa Lục, Nhật Bản… trong cùng thời đại.

Xem thêm:   Nghệ thuật, bệnh tâm thần & tội phạm

Riêng về Sutton House, thành lập năm 1657 vào thủa cho con gái đến trường để được dạy dỗ theo chương trình sư phạm như đọc và viết chữ, học toán, âm nhạc và hội họa là một khái niệm vô cùng mới mẻ; chỉ có con nhà khá giả mới có thể cáng đáng lệ phí.

Nghệ thuật cắt giấy này, “thủ công”, khá phổ biến và được dạy tại trường học khắp nơi trên thế giới ngay trong các lớp tiểu học như các môn “học mà chơi” khác như âm nhạc, hội họa …

Thời @, giấy từ từ bị thay thế, ngay cả chứng thư, công văn cũng đang chuyển mình, hóa thân thành “electronic record”, ghi chép bằng hình ảnh [pdf, pic] qua màn hình máy điện toán. Ta có thể lưu trữ cả ngàn chứng từ đủ loại trong một cái dĩa (disk) mỏng cỡ hai ngón tay hay một mảnh nhựa nhỏ xíu dài hai ngón tay (thumb drive). Sách vở, tác phẩm văn chương dễ dàng thu gọn, chỉ cần một cái “pad” để đọc và “tha” đi đâu cũng xong. Dùng dụng cụ điện tử để đọc, đọc sách trên giường trước khi đi vào giấc ngủ, đọc sách trong lúc chờ đợi tại sở giao thông, phi trường … cũng tạm tạm nhưng… mỏi mắt lắm, bạn ạ! Cái ánh sáng từ màn hình của dụng cụ điện tử nó “sắc sảo” thế nào ấy và nhất là không được giở sách mỗi lần sang trang, mất hẳn cảm giác sờ mó thân quen giữa hai ngón tay, mất luôn cả mùi giấy mới…

Tác phẩm hội họa thì Dế Mèn không biết làm thế nào để “thấy” được chiều sâu của nét cọ qua màn hình? Băn khoăn không biết màu sắc có trung thực như khi họa sĩ pha màu bằng sơn hay không? Màn hình chỉ có thể “chụp” lại những màu sắc trong quang phổ [giới hạn] của máy móc?

Nghĩ ngợi lẩn thẩn như thế nên Dế Mèn đâm tiếc, tiếc rẻ cái thời hơi cũ của giấy bút, hẳn phe ta đã già nên không thích thay đổi, từ thói quen thưởng ngoạn đến cách sinh sống hằng ngày?

TLL