Năm rồi Everest được báo chí nhắc đến hơi nhiều qua hàng chục tai nạn gây chết người cho dân leo núi. Người lên núi / xuống núi bình an đăng đàn kể lại chuyện phiêu lưu. Tựu trung, đặt chân lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn vẫn còn là niềm mơ ước và sự hãnh diện của nhiều con người dù Everest không còn là điều bí mật hay hiếm hoi khi cả ngàn con người đã lên đến nơi rồi chụp hình đăng ảnh khắp chốn.

Rặng Everest. Wikipedia.com      

Một chút về Hy Mã Lạp Sơn: The Himalayas hay Himalaya là một dãy núi tại Á Châu, tạo thành biên giới thiên nhiên giữa các bình nguyên Ấn Ðộ và đồng bằng Tây Tạng. Dãy núi này bao gồm nhiều đỉnh cao chót vót, đỉnh cao nhất là Everest, độ cao của Hy Mã Lạp Sơn lên đến 23,600 bộ Anh (7,200 thước).

Dãy núi này là nơi sinh sống của 53 triệu người, sống quây quần thành những nhóm cư dân của năm quốc gia Nepal, India, Bhutan, Tibet và Pakistan. Tạm hiểu là bá tánh có thể leo núi từ lãnh thổ của một trong năm quốc gia kể trên, tuy nhiên Nepal xem ra là nơi được dân leo núi sử dụng nhiều nhất.

Thám hiểm là một hành động chấp nhận rủi ro, những điều không may xảy ra khi ta ra vào nơi hiểm trở, núi cao biển sâu. Báo chí đăng lền khên những mẩu chuyện người đi lạc trong rừng thẳm chết vì đói khát hay bị thú dữ ăn thịt… Chuyện leo núi Everest gặp tai nạn cũng không ngoại lệ, nhưng bá tánh xem ra bàn tán rầm rộ hơn và săm soi chi tiết hơn về cuộc thám hiểm ấy? Leo núi Hy Mã Lạp Sơn thì có chi đặc biệt hơn những cuộc thám hiểm khác?

Nhiều lý do lắm, bạn ạ! Trước hết, Hy Mã Lạp Sơn là một dãy núi lừng danh thế giới vì sự hùng vĩ, độ cao, hiểm trở… Nhìn ngắm từ xa, dãy núi quanh năm tuyết phủ đã cho  ta cảm giác nhỏ nhoi, khiếp nể tài năng của tạo hóa.

Chinh phục rặng Everest. national geographic

Người đến đỉnh Everest đầu tiên được thế giới ghi nhận là Sir Edmund Hillary dù trước đó những người sinh sống trong vùng cũng leo trèo khá lâu và khá nhiều lần trên dãy núi ấy; họ chẳng có hình ảnh nên không mấy ai hay biết là những cư dân địa phương kia đã leo đến đâu, gặp nạn bao nhiêu lần… Riêng ông cụ Hillary là tay leo núi lành nghề, lại được thổ dân đỡ đần nên khi đến nơi, chuyến hành trình cheo leo được thu hình chụp ảnh đầy đủ và hình ảnh được trưng bày khắp nơi, dẫn chứng cho một kỷ lục không ngờ.

Sau chuyến thám hiểm thành công của cụ Hillary là một khoảng thời gian khá lâu, Everest dường như rơi vào quên lãng, hẳn vì chẳng có gì “mới” để bàn luận?

Thứ đến là sự phổ thông của liên mạng, ai ai cũng có thể vào thăm, đọc bài viết, nhìn hình ảnh và nghe những lời kể chuyện. Cho đến khi liên mạng ra đời, hình ảnh từ Hy Mã Lạp Sơn trở thành phổ thông, chẳng cần là tay nhiếp ảnh hay leo núi nhà nghề, thợ tài tử với cái máy ảnh xoàng xoàng và một chuyến bay thuê mướn là bá tánh có thể chụp hình Hy Mã Lạp Sơn với từng góc cạnh, thì ý muốn leo đến đỉnh núi trở thành giấc mơ của những người ưa mạo hiểm và mong sống chết với giấc mơ của mình. Ðạt được điều mơ ước thì chết cũng cam tâm.

Giấc mơ Everest xem ra trong tầm tay với! Lên đến đỉnh núi là ta có quyền chụp hình, tha hồ “selfie”, rồi gửi đi khắp nơi làm quà cho bè bạn trầm trồ. Người cẩn thận xây cất giấc mơ ấy qua việc tích lũy tiền bạc để trả chi phí chưa kể việc luyện tập thân thể, nhất là cặp giò cho dẻo dai để thích ứng với độ cao trên 8,000 bộ Anh. Kẻ đi tắt thu ngắn thời giờ hoạch định chương trình qua việc thuê mướn người khiêng vác và ngay cả nói dối về tình trạng sức khỏe để mua giấy phép leo núi…

Sir Edmund Hillary (trái), được ghi nhận là người đầu tiên đến đỉnh Everest. biography.com

Thế là mỗi năm việc thám hiểm Hy Mã Lạp Sơn xem ra một “gần gũi”, mục đích dễ đạt hơn nhờ kỹ thuật tân tiến, những cuộn dây & đồ nghề leo núi trở nên an toàn hơn, giá rẻ hơn… Con người hiểu biết thấu đáo hơn về sinh học nên đã xây cất những trạm dừng chân dọc hành trình leo núi để giúp cơ thể con người thích nghi với không khí ở độ cao, tiết giảm các hiểm nguy khi lên núi… Chục người thành công, rồi trăm người, ngàn người thành công, thế là bá tánh ùn ùn đổ về Nepal, tranh nhau [mua giấy phép] leo núi Hy Mã Lạp Sơn chưa kể những người lén lút leo núi từ phía Ấn Ðộ.  Người ta tranh giành nhau một chỗ đứng trong khoảng thời gian “hoàng kim”, tháng 5, hay lúc tốt đẹp nhất để leo núi, khoảng thời gian trên dưới chục ngày khi thời tiết “ấm” nhất, ít gió bão nhất.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Năm rồi, từ cái chết của cả chục người leo núi Hy Mã Lạp Sơn, bá tánh có dịp săm soi thẩm định các dịch vụ liên quan đến việc leo núi và cả khả năng của những người bạo gan thám hiểm đất trời. Hình ảnh của trăm con người chen chân trên lưng núi chơ vơ giữa trời, kẻ leo lên chờ người đi xuống trên con dốc chật hẹp, tay túm chặt sợi dây thừng “an toàn”, chỉ chờ chực đến lúc đến đỉnh núi để chụp hình ở chỗ “đẹp” nhất khiến những người … không leo núi hè nhau bàn luận, tự hỏi leo núi như thế có gì vui?! “Sướng” nhất là kinh nghiệm trên đường hay chụp được mấy tấm ảnh lúc đến nơi?

Thời tiết “mùa” leo núi Hy Mã Lạp Sơn năm nay rất đẹp, trời quang mây tạnh, không gió không bão tuyết, vậy mà số người thám hiểm thiệt mạng cao không ngờ. Kẻ leo núi rành rẽ thì cho rằng đường đi đông người quá, đông quá nên con dốc hiểm trở kia không còn “an toàn” nữa nhất là lại đông những kẻ thiếu kinh nghiệm nên người ta chết chùm, những tay lành nghề cũng thiệt mạng như mấy kẻ tay mơ! Họ than thở rằng tại sao khi ghi danh tranh tài trong cuộc thi “Mình đồng da sắt” (Ironman), người ta phải có giấy chứng nhận có sức khỏe dẻo dai, đầy đủ, trải qua thời gian huấn luyện theo sách vở mà khi leo trèo đỉnh núi cao nhất thế giới thì chẳng cần điều lệ nào? Gián tiếp, bá tánh so sánh luật lệ từ các quốc gia giàu có với những vùng đất khốn khó, lạc hậu và cứ… đòi áp dụng tiêu chuẩn “bảo vệ sức khỏe” khách thăm viếng!

Người leo núi cắm trại. wikipedia.com

“Nhà nghề” giải thích rành rọt thế này: Ðể lên đến đỉnh Everest chót vót, người leo núi phải “nhẹ” mình, càng nhẹ càng dễ leo trèo; chỉ mang theo những món tối cần như một lượng dưỡng khí đủ để sử dụng lúc lên cũng như khi xuống. Khi đường đi bị tắc nghẽn vì phải chờ đợi thì lượng dưỡng khí kia tỏn mỏn dần và có thể không đủ dùng, và đa số, người ta chết vì thiếu dưỡng khí. Ở lưng chừng núi, chẳng mấy ai chịu nhín cho người khác chút dưỡng khí mang theo vì đây là chuyện sống chết của chính bản thân. “Tai nạn” dễ xảy ra ở độ cao 1,000 bộ Anh cuối cùng. Khi ở độ cao ấy, trí óc con người không còn minh mẫn, chẳng mấy ai có thể duy trì khả năng tính toán cho chính xác, chỉ hành xử theo bản năng, thấy đỉnh núi gần quá nên cứ nhất nhất leo, bất kể các dấu hiệu hiểm nguy đang chực chờ.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Bá tánh cũng than phiền về sự cẩu thả của chính quyền Nepal. Nghèo khó quá, du lịch là nguồn lợi tức đáng kể nên chính quyền phóng tay, “phát” giấy phép leo núi để thu lệ phí. Nhiều giấy phép là có nhiều người leo núi, bất kể con dốc nọ có đủ chỗ cho bằng ấy người chen chân hay không, và tai nạn xảy ra. Nepal không đòi hỏi người leo núi phải khỏe mạnh cũng như có kinh nghiệm trước khi cấp giấy phép. Lỗ hổng “luật lệ” này đã dẫn đến việc nhiều tay mơ dấn thân thám hiểm. Thiếu kinh nghiệm khiến người leo núi chậm chạp, và chậm chạp là một lý do khác gây nghẽn đường, kẹt lối.

Một vài công ty cung cấp dịch vụ leo núi đã chuyển sang Hoa Lục hoặc Ấn Ðộ để làm ăn, ít người nên có lẽ leo trèo dốc núi an toàn hơn?

Chính quyền Nepal thì kiểm soát sơ sài, dụng cụ leo núi không theo tiêu chuẩn an toàn nào đáng kể như bình dưỡng khí bị hở, hơi thất thoát nhanh chóng hoặc phát nổ… trong khi con buôn thì thẳng tay làm ăn. Các công ty bán dịch vụ leo núi đã bán các chuyến thám hiểm Hy Mã Lạp Sơn cho những người không rành rẽ, và đôi khi còn tiếp tay với những người cung cấp phương tiện chuyên chở như trực thăng và bệnh viện địa phương để lừa gạt công ty bảo hiểm. Nhiều người bị chứng “High altitude sickness*” chỉ cần tịnh dưỡng tại khách sạn cũng bị khuân vào bệnh viện tiếp nước biển và cho về với một số lệ phí khổng lồ, vẽ vời kê khai thêm bệnh tật để kiếm bạc.

Đoàn người leo núi. Youtube.com

Chẳng có nhân viên công quyền nào kiểm soát vùng núi non kia nên mạnh ai nấy xoay trở, buôn bán. Công ty du lịch đàng hoàng thì có người bảo vệ kiểm soát dụng cụ leo núi, thức ăn, nước uống; chỗ làm ăn bê bối thì cứ thu tiền, giá rẻ hơn, nhưng không cung cấp đầy đủ những thứ hứa hẹn hoặc tệ hại hơn, cung cấp thức ăn đã hư thối, trộn thêm baking soda vào thực phẩm khiến du khách bị ói mửa, tiêu chảy… và cần sử dụng trực thăng để đưa đi bệnh viện!

Tạm hiểu là những kẻ bất lương hè nhau móc túi khách hàng theo hệ thống, từ người bán “tour”, kẻ dẫn đường, công ty chuyên chở đến nhà thương. World Nomads, một công ty chuyên về bảo hiểm du lịch, đã bắt đầu lập danh sách “đen” về các ca “lừa gạt” của những hãng chuyên chở, của công ty bán dịch vụ leo núi, bác sĩ, bệnh viện như Advanced Adventures, Flight Connection International, Swacon International Hospital…

Một chuyến leo núi với đầy đủ dụng cụ, người dẫn đường và theo lịch trình sắp sẵn có một bảng giá khá cao, trung bình khoảng 70 ngàn Mỹ kim trong khi chuyến leo núi “rẻ” nhất cũng tốn cỡ 11 ngàn Mỹ kim. Ở những vùng đất khốn khó, số tiền kể trên là một món tiền đáng kể, trị giá nhiều năm lợi tức của cư dân. Không lạ là họ tranh nhau buôn bán các dịch vụ liên quan đến leo núi hay làm ăn trong “Kỹ nghệ Everest” (Everest industry).

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Chê trách chán rồi người leo núi thành công xoay ra than phiền. Họ khó chịu về nạn trộm cắp và xả rác.

Thu dọn rác. npr.org

Tuần lễ này, sau khi bị chê bai nặng nề, ông Rabindra Adhikari, Bộ Trưởng bộ Du Lịch của Nepal đã đăng đàn công bố các chương trình điều tra, thẩm định các dịch vụ chuyên chở, dẫn đường… và nhất là tiếp tay với một vài nhóm yêu thiên nhiên tình nguyện đi dọn rác để bảo tồn sinh thái trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Chương trình dọn rác đã mang xuống núi cỡ 24 ngàn tấn rác gồm bình dưỡng khí rỗng, lều rách, dây thừng, chai lọ trống chưa kể phân người và bốn xác chết, chưa biết qua đời lúc nào và vì lý do gì.

Từ năm 1953 đến nay, Nepal ghi nhận đã có 300 người chết tại Hy Mã Lạp Sơn dù họ chưa biết còn bao nhiêu xác chết nữa nằm trong các khối tuyết trên núi.

Thủa xa xưa, chết khi leo núi là một sự rủi ro được mặc nhiên chấp nhận khi dấn thân vào chốn xa lạ. Ngày nay, với những “tai nạn” có thể tránh được từ thương tích, tử vong, đến rác rưởi và các vụ lừa gạt, thánh địa Hy Mã Lạp Sơn và đỉnh Everest còn “trong sạch” và cao vời trong mắt trần gian nữa chăng?

*High altitude sickness (HAS) là một chứng bệnh liên quan đến độ cao hay high altitude, càng lên cao, lượng Oxygen trong không khí càng thấp. Khi lượng Oxygen trong không khí xuống thấp và cơ thể con người không thích nghi được với mức thiếu dưỡng khí ấy thì bị chứng HAS. HAS có nhiều mức độ: nặng nhất là chứng sưng trướng não bộ hay “High Altitude Cerebral Edema” (HACE) cần được cấp cứu. Nhẹ thì chỉ cần xuống núi và tịnh dưỡng.

Nhìn lên đỉnh núi Everest. photo by christopher burns / unsplash.com

Triệu chứng của HAS bao gồm nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa, mệt mỏi, mất sức, ngộp thở, khó ngủ và kém ăn. Các triệu chứng này xuất hiện khoảng 12-24 giờ sau khi lên núi và sẽ tiết giảm sau khi được nghỉ ngơi ở cùng cao độ.

Khi các triệu chứng này không giảm và thêm các triệu chứng khác như tay chân vụng về, lóng cóng, mất thăng bằng khi đi đứng, nhức đầu nặng hơn, khó thở, hoặc trở nên lẫn lộn, ho ra bọt trắng, và hôn mê. Ðây là dấu hiệu của chứng HAS nặng hoặc bị HACE.

Bất kể tình trạng sức khỏe, ai cũng có thể bị HAS, càng vận động ở độ cao, càng dễ bị chứng bệnh này. Vận tốc lên núi càng nhanh, càng dễ bị HAS. Ðộ cao càng lớn, càng dễ bị HAS. Người trẻ tuổi dễ bị HAS so với người già.

Khi bị HAS nhẹ, nghỉ ngơi tại chỗ là cách chữa trị giản dị nhất, uống nhiều nước (tránh cà phê và rượu). Bị HAS nặng hơn, bệnh nhân cần được đưa xuống núi, tịnh dưỡng ở cao độ khoảng 4,000 bộ Anh và có thể cần được chẩn bệnh cũng như chữa trị.

Ðể phòng ngừa, người leo núi cần để cơ thể thích nghi, làm quen với sự thay đổi trong áp suất không khí. Nghĩa là chương trình leo núi phải trải qua nhiều ngày để cơ thể có đủ thời giờ thích nghi, phổi có thể lấy thêm dưỡng khí, hồng cầu có thể luân chuyển nhanh hơn để chuyển dưỡng khí đến khắp cơ thể. Bắt đầu từ cao độ 8,000 bộ Anh, nghỉ ngơi ở đây ít nhất một ngày. Khi lên cao độ 10,000 bộ Anh, ta nên leo khoảng 1,000 bộ Anh mỗi ngày, và ngủ qua đêm tại cao độ này trước khi leo tiếp. Nghĩa là hành trình lên đỉnh Everest sẽ kéo dài khoảng 3 tuần lễ, vừa leo núi vừa nghỉ ngơi. Uống nhiều nước và ăn nhiều tinh bột cho đủ 70% năng lượng hàng ngày. KHÔNG dùng thuốc lá, rượu, cà phê hay thuốc ngủ. Tốt nhất là xuống núi khi bắt đầu có triệu chứng HAS.

TLL

Orlando, FL