Carl Sagan không xa lạ trong cộng đồng khoa học thế giới. Ông là một học giả lẫy lừng và cũng là một triết nhân nổi tiếng qua nhiều tác phẩm được người đọc thưởng ngoạn và khen ngợi.

Carl Sagan nguồn: britannica.com

Thế hệ ngày nay ít người biết đến Carl Sagan vì ông qua đời từ năm 1996 nhưng gia sản tinh thần đồ sộ để lại cho hậu thế vẫn được xem là “hợp thời” vì những phương pháp suy luận và giải mã các loại tin tức được loan tải.

Ông Sagan được biết đến qua việc cổ võ cách suy luận theo phương pháp và sự cân bằng giữa hoài nghi và cởi mở (biết lắng nghe và chịu nghĩ lại) mô tả trong bài xã luận “The Fine Art of Baloney Detection”,tạm dịch là “Nghệ thuật nhận ra sự giả dối”. Việc suy luận cặn kẽ là nền tảng của trí tuệ, giúp ta kiểm nghiệm để chấp nhận những dữ kiện thực/đúng, cũng như nhận ra các luận cứ có tính cách tuyên truyền, khoa học nửa vời (pha trộn giữa vài phần thực và nhiều phần giả hay ‘pseudoscience’) cũng như các mẩu tin vịt, hoàn toàn giả!

“Fake news” (tin vịt) hoặc “misinformation” có lý do để có mặt, với nhiều mục đích. Người loan truyền tin giả có thể do vô tình không biết đó là tin giả hoặc nghe xuôi tai, có vẻ hợp lý nên tin tưởng rồi lặp lại, truyền tin. Kẻ cố tình bịa đặt tin giả thường có mục đích riêng: che đậy cái xấu, lừa gạt, gây tiếng vang, kiếm tiền, bức hại kẻ thù và vô số các ý đồ khuất tất khác. Cố tình tạo hoặc loan truyền tin giả là một hành động không tử tế!

Những năm gần đây, việc tung tin thất thiệt trở thành nỗi ưu tư hàng đầu của xã hội, nhất là khi môi trường truyền thông bị ô nhiễm nặng nề vì thiếu người kiểm nghiệm (fact checking). Cứ một người làm công việc kiểm nghiệm thì có 10 kẻ loan truyền tin thất thiệt. Theo Buzzfeed, một công ty truyền thông liên mạng thì cứ 20 mẩu tin giả sẽ được gấp 1.3 triệu lần đọc và truyền tải so với 20 bản tin thật! Số người đọc và truyền tay tỷ lệ thuận với mức tiền kiếm được từ quảng cáo! Chẳng hạn như mẩu tin giả trên Facebook “Giáo Hoàng Francis ủng hộ ứng viên Donald Trump” trong kỳ bầu cử tổng thống 2016 vừa qua. Tóm lại, tin giả luôn “nóng sốt”, “giật gân”, “hấp dẫn” gấp nhiều lần tin thật!

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Tin giả thì đã sao? Lợi/hại thế nào?

Với những người hiểu biết, chịu tìm tòi kiểm nghiệm trước khi chấp nhận thì tin giả xem ra chẳng tác động đến. Họ chỉ tốn thời giờ băn khoăn chút đỉnh rồi bỏ qua, xếp xó. Nhưng với những người bận rộn, ít thời giờ và cũng chẳng bận lòng phân tích bản tin kia thật hay giả lại vội vàng loan truyền xa gần thì tai hại vô cùng. Họ tin cái sai, cái giả là đúng, là sự thật.

Tin giả bóp chết niềm tin của con người, ngay cả sau khi sự thật được chứng minh và tin giả được cải chính. Chẳng hạn như mẩu tin giả nói trên, cả năm sau ngày bầu cử 2016, vẫn có người tin rằng Giáo Hoàng Francis/tòa thánh La Mã đã công khai có ý kiến về cuộc bầu cử của Hoa Kỳ(!). Theo tiêu chuẩn ngoại giao quốc tế, chẳng có chính phủ nào làm công việc ngớ ngẩn, bất cập như việc công khai ủng hộ một ứng viên của quốc gia láng giềng. Thông thường, họ chỉ gửi văn thư chúc mừng người thắng cử!

Theo bài tường trình trên tạp chí Intelligence, kết quả của cuộc nghiên cứu trên 390 người cho thấy cách thức con người “điều chỉnh” ý nghĩ/tư tưởng sai lầm sau khi biết được các mẩu tin trước đó (tưởng thật) được chứng thực là giả. Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy, sau khi hiểu chuyện thật/giả người ta chỉ thay đổi phần nào ý kiến nhưng việc thay đổi ấy chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi trình độ tri thức. Người ít tri thức/ít hiểu biết chỉ thay đổi ý kiến sơ sơ dù biết rằng sự việc ấy không có thật. Dường như cảm xúc sơ khởi của họ đã in sâu vào tâm thức nên khó lòng thay đổi và chấp nhận các dữ kiện mới dù là sự thật.

(https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0160289617301617).

Tin tức, dữ kiện mới đòi hỏi thời giờ và tri thức để tìm hiểu và kiểm nghiệm mức độ khả tín. Vào tuổi già, sự suy luận chậm lại và do đó, người cao tuổi càng dễ bị lừa gạt. Người kém hiểu biết cũng như ít kinh nghiệm cũng dễ bị lừa gạt. Tạm hiểu, tin giả là điều đáng lo ngại. Con người dễ bị ảnh hưởng và khó thay đổi ý kiến từ việc buôn bán (dựa trên quảng cáo láo) đến các chương trình xã hội, giáo dục, y tế, tài chánh… Cách hành xử/đáp ứng nhất nhất đều dựa trên niềm tin và sự hiểu biết của con người sinh sống trong xã hội ấy.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Làm thế nào để kiểm nghiệm tin tức?

Theo ông Sagan, ta có thể sử dụng chín phương cách sau đây:

  1. Tìm xem dữ kiện ấy có được đăng tải trên báo chí/truyền thông nào khác với nơi ta đọc đầu tiên hay không. Ðã là tin tức thì sự việc ấy luôn được loan tải từ nhiều nguồn. Tiêu chuẩn này xem ra khó khăn khi ta không thể dùng loại ngoại ngữ phổ thông, như tiếng Anh chẳng hạn, để đọc báo hoặc nghe tin tức từ ngoại quốc. Chẳng hạn như các bản tin về thế giới từ đài truyền hình của Nhật, Ðức … Nếu chỉ đọc tài liệu/tin tức từ báo tiếng Việt, ta lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng chuyển dịch, suy luận của người viết dựa trên tài liệu ngoại ngữ.
  2. Cổ võ việc thảo luận về dữ kiện, tài liệu và lắng nghe các ý kiến khác nhau để tạo cho mình một cái nhìn rộng rãi hơn.
  3. Ðừng nhất nhất tin vào lời lãnh đạo. Ý kiến của người có thẩm quyền chưa hẳn là đúng. Người có thẩm quyền đã từng sai lầm và có thể sẽ sai lầm nữa. Trong lãnh vực khoa học, ý kiến thẩm quyền chỉ là tham khảo.
  4. Suy luận về nhiều giả thuyết: Khi cần giải thích, nên áp dụng nhiều cách để giải thích, tìm cách chứng minh qua việc loại trừ từng lập luận. Lập luận khó bác bỏ nhất, vững vàng nhất là lập luận sau cùng. Nghĩa là đừng chấp nhận giả thuyết đầu tiên.
  5. Ðừng cố chấp bảo vệ lập thuyết của mình. Ðây chỉ là bước khởi đầu trong việc tìm kiếm, suy luận. Hãy tự hỏi tại sao ta ưa thích lập luận ấy, rồi so sánh với các lập luận khác xem lập luận của mình có vững vàng không. Tìm lý do để bác bỏ lập luận của mình; nếu không, sẽ có những người khác làm công việc ấy.
  6. Sử dụng số lượng: Lập luận/giả thuyết trở nên vững vàng hơn khi đi kèm với các con số. Lập luận dựa trên phẩm chất (qualitative) thường mang vẻ chủ quan nên khó thuyết phục dù lập luận ấy có thể đúng, có thể là sự thật.
  7. Một lập thuyết kết nối từ nhiều dữ kiện. Mỗi kết nối đều phải hợp lý kể cả điểm căn bản.
  8. Khi cả hai lập luận/giả thuyết đều hợp lý như nhau, hãy chọn lập luận đơn giản nhất.
  9. Luôn đặt câu hỏi rằng giả thuyết kia có thể giả tạo hay không? Khi câu trả lời ban đầu là chưa có bằng chứng, chưa có dữ kiện chứng minh giả thuyết ấy thì không nên tin cậy. Hãy đi tìm chứng cớ rồi thử nghiệm và chứng thực trước khi tin cậy và áp dụng/loan truyền.
Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Với một loạt phương thức để suy luận nhiêu khê như thế, xem ra khó lòng áp dụng vào việc kiểm nghiệm tin tức hằng ngày? Và danh sách kể trên chỉ có thể áp dụng vào những ngành khoa học thực nghiệm? Thực ra, việc tìm hiểu và kiểm nghiệm những dữ kiện mới thường được áp dụng vào sinh hoạt hàng ngày, trong mọi việc lớn nhỏ.

Suy luận thường xuyên sẽ trở thành thói quen và con người áp dụng cách suy luận ấy vào việc hành xử. Các tiêu chuẩn từ sách vở của ông Sagan, nói chung, là một kim chỉ nam giúp ta tìm ra suy luận phù hợp với cá tính.

Trong thời buổi liên mạng ngày nay, quá nhiều tin tức thật/giả được trình bày qua nhiều nguồn, qua nhiều phương tiện truyền thông. Một chút suy luận và kiểm nghiệm có thể giúp ta an tâm phần nào. Bởi vì, bị lừa gạt luôn mang lại một cảm giác vô cùng khó chịu hoặc là một kinh nghiệm không vui, dẫn đến sự nghi ngờ mọi thứ chung quanh.

TLL