Thu rồi Đông, cuối năm cũng là lúc bá tánh quây quần tụ họp tiễn năm cũ mừng năm mới, lễ lạt tưng bừng. Lễ lạt thường đi đôi với ăn uống và ăn uống đi đôi với quá chén, lên ký lên cân. Kẻ thờ ơ nhưng cũng có người băn khoăn với sự thay đổi của cơ thể. Làm thế nào để giữ trọng lượng cũ hoặc quan trọng hơn, làm thế nào để tránh hệ quả của việc quá chén như tiểu đường, cao mỡ…?

Như mọi hoạt động của cơ thể, mức chuyển hóa thức ăn cũng sút giảm theo tuổi tác. Thủa còn trẻ, ăn uống thả giàn mà cân nặng không mấy suy suyển. Đến tuổi trung niên,  mức chuyển hóa chậm lại, thu vào cùng lượng thức ăn nhưng cơ thể bắt đầu lên cân. Vào tuổi già thì mức chuyển hóa lại ì ạch hơn nữa, ta không thể “nạp” nhiều năng lượng mà không lên ký vù vù. Do đó, bài toán chuyển hóa của sinh học cần gia giảm để duy trì sức khỏe, ăn uống ra sao để lấy đủ chất dinh dưỡng cần thiết nuôi cơ thể? Đã có khá nhiều sách vở viết về sinh tố, chất dinh dưỡng, mức năng lượng… dựa trên trị giá [dinh dưỡng] của thức ăn, bài viết này chỉ xin đề cập đến ảnh hưởng của nội tiết tố trên sự chuyển hóa thực phẩm.

Tuổi tác đi đôi với đồng hồ sinh học của cơ thể. Từa tựa như việc năng lượng xuất phát từ mặt trời, vào lúc nắng tắt, cây cỏ cũng như động vật phải tìm cách dự trữ năng lượng và tiết giảm mức tiêu thụ năng lượng để sống còn cho đến khi mặt trời [lại] lên. Đồng hồ sinh học điều hành hệ thống dự trữ năng lượng, “dẫn dắt” cách hoạt động của từng tế bào trong cơ thể theo chu kỳ “ăn uống- nhịn” qua các nội tiết tố. Nội tiết tố điều khiển các hoạt động trong cơ thể, cho ta biết khi nào cần ngủ (mức melatonin gia giảm và buồn ngủ), lúc nào nên ăn uống (đường huyết xuống thấp, insulin-glucagon lên xuống và cảm giác đói khát…) theo một chu kỳ định sẵn. Cơ thể hoạt động tuần tự như thế, nhịp sống hằng ngày. Theo lượng nội tiết tố, ảnh hưởng của thực phẩm thay đổi nhiều hay ít theo giờ giấc trong ngày.

Xem thêm:   Bắp ngô, ngũ cốc hay rau?

Trong những nội tiết tố ảnh hưởng đến sự chuyển hóa [biến dưỡng] thực phẩm, insulin là nội tiết tố quan trọng nhất, điều tiết lượng đường trong máu. Tài liệu nghiên cứu từ phòng thí nghiệm cho thấy cơ thể tiết ra insulin và chịu ảnh hưởng của insulin theo một chu kỳ định sẵn hằng ngày. Với loài chuột, ảnh hưởng của insulin mạnh mẽ nhất trong giai đoạn hoạt động; khi thức, cơ thể làm việc, đi đứng, chạy nhảy… nên cần năng lượng [dưới dạng đường huyết] nhiều nhất. Insulin giúp chuyển đường huyết đến các tế bào bắp thịt. Ngược lại, khi nghỉ ngơi, lúc ngủ, cơ thể không chịu ảnh hưởng của insulin cho lắm.
Nghiên cứu trong con người cũng có kết quả tương tự, thời khắc ăn uống ảnh hưởng đến lượng đường huyết trong cơ thể. Cùng một lượng thực phẩm khi ăn vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối, cơ thể tạo ra mức đường huyết khác nhau; vào buổi chiều tối, mức đường huyết lên cao hơn. Tạm hiểu, insulin không hoạt động hữu hiệu vào buổi chiều tối so với buổi sáng. Với cùng lượng thực phẩm, ăn uống vào lúc sáng hoặc trưa, mức đường huyết thường thấp hơn so với bữa tối.

Insulin cũng ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trên các tế bào mỡ, từ sáng sớm và mạnh mẽ nhất vào buổi trưa; ảnh hưởng này sút giảm vào buổi chiều tối. Nghĩa là ăn uống vào buổi chiều tối có mức đường huyết cao hơn, thực phẩm chuyển hóa thành mỡ dự trữ nhiều hơn nên dễ tăng ký hơn.

Xem thêm:   Cái máy ảnh của con dế mèn

Bộ tiêu hóa trong cơ thể chịu ảnh hưởng của các vi khuẩn [“tốt”]; môi sinh của các vi khuẩn, ecosystem, điều hành sự biến dưỡng của thực phẩm, sinh trưởng và [tự] chữa của các tế bào. Khi hệ thống này chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau, cơ thể khỏe mạnh hơn vì thực phẩm được biến dưỡng hiệu quả hơn. Điển hình là khi dùng thuốc kháng sinh [chữa nhiễm trùng] hay một số dược phẩm khác, ta thường bị tiêu chảy [phản ứng phụ], vì môi sinh của vi khuẩn bị đảo lộn.
Môi sinh của vi khuẩn cũng thay đổi theo chu kỳ ngày/đêm, nhiều loại vi khuẩn hoạt động mạnh mẽ hơn vào ban ngày so với chiều tối. Do đó, thời khắc ăn uống cũng như loại thực phẩm “nạp” vào cơ thể đều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, chu kỳ sinh học của cơ thể hoạt động có phần trái ngược với đồng hồ sáng / chiều, ta thường thèm ăn vào buổi tối. Cảm giác đói [thèm ăn] nhất vào khoảng 8 giờ tối và ít đói khát trong khoảng 8 giờ sáng. Giải thích hiện tượng này, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng thủa xa xưa, khi thiếu thốn thực phẩm, con người thường tìm cách dự trữ và cơ thể làm việc theo mục đích “dự trữ”, cảm giác đói khát thúc đẩy con người ăn uống từ lúc chiều tối để có thể làm việc [tìm kiếm] thực phẩm khi mặt trời lên. Ngày nay, thức ăn dư thừa, con người không cần dự trữ nữa nhưng cơ thể chưa thích nghi với nếp sống mới sau thói quen sinh hoạt từ ngàn năm trước?

Xem thêm:   Bắp ngô, ngũ cốc hay rau?

Những người sinh sống trái ngược với đồng hồ sinh học như làm việc ban đêm, nghỉ ngủ ban ngày thường khó ngủ và dễ béo phì; tỷ lệ chứng bệnh tim mạch, đột quỵ và loạn nhịp tim cũng cao hơn so với người làm việc ban ngày.

Câu nói [đùa] “Ăn như nhà giàu vào buổi sáng, như nhà vua vào buổi trưa và như kẻ ăn xin vào buổi tối” hẳn đã dựa theo kinh nghiệm “nạp” thực phẩm ngày nay? Nghĩa là ta cần thay đổi thói quen ăn uống để duy trì sức khỏe: Ăn uống sớm hơn, “nạp” một lượng thực phẩm vừa đủ, đầy đủ chất dinh dưỡng vào buổi sáng và trưa; buổi chiều tối nên ăn nhẹ, bữa ăn ít chất béo và một lượng thức ăn thấp hơn.

TLL