Lời toà soạn:

Trong tinh thần trao đổi học hỏi, Trẻ đăng bức thư của nhà văn Trần Vũ góp ý về bài viết của nhà báo Huy Phương trong  bài Anh hùng và Phản bội trên mục Chuyện đời thường của Trẻ.

Trong Anh hùng và Phản bội, tác giả Huy Phương viết: “Trái lại Ðại Tá Bigeard, bị bắt tại Ðiện Biên Phủ, sau 50 năm đã ca tụng kẻ thù và chê quân đội Pháp.” Tôi mạn phép không đồng ý.

Thiếu tá Marcel Bigeard chỉ huy Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa thả xuống lòng chảo rồi thăng Trung tá chỉ huy Phản kích Nhảy dù, không phải Ðại tá, là linh hồn kháng cự của phía Pháp. Khi bị bắt, Bigeard đã cương quyết không ra xếp hàng cho đạo diễn Sô-Viết Roman Karmen quay hình, bằng câu từ chối lừng danh: “Plutôt crever (Thà chết)”. Trong lệnh viết tay gửi cho Trung úy Allaire, đại đội trưởng Nhảy dù cuối cùng trên cứ điểm Éliane 10, Bigeard viết: “Lệnh cho Allaire. Ngưng chiến 17h30. Ngừng bắn. Không cờ trắng. Bruno.” Bruno là danh hiệu truyền tin của Bigeard và lệnh viết tay này được Trung úy Allaire cất giữ trong suốt thời gian “cải tạo” cho đến ký kết Genève, rồi trao lại cho Bigeard 15 năm sau. “Không cờ trắng”, “thà chết” – một quân nhân như vậy không áo thụng, không quỵ lụy.

Bigeard đã “chê quân đội Pháp”? 

Trong hồi ký Cho Một Mẩu Vinh Quang (Pour Une Parcelle de Gloire), Bigeard viết: “Nếu ở Ðiện Biên Phủ là 10,000 lính Nhảy dù thì Giáp đã gẫy răng.” Hàm ý chê lính Ả Rập, Châu Phi đã thiếu ý chí chiến đấu, đã bỏ vị trí. Vì có trên 2,000 lính Bắc Phi đã đào ngũ và sắc lính này chiếm đa số ở Ðiện Biên Phủ. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Antenne 2, Bigeard chê bai hàng tướng lĩnh Pháp đã thiết kế sai lầm chiến lũy Ðiện Biên quá xa các phi trường Gia Lâm, Bạch Mai, Cát Bì khiến máy bay không thể ở quá 10 phút trên lòng chảo và đặc biệt, phụ thuộc vào tiếp tế hàng không. Các chê trách này là sự thật mà ai cũng nhìn thấy: để cho Việt Minh chiếm các cao điểm là sai lầm. “Erreur sur toute la ligne” (Sai toàn diện) là phê phán của Bigeard. Thua trận, phê phán là cần làm.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/04/2024)

Bigeard “ca tụng kẻ thù”?  

Viết về Giáp: “Bravo! Vous avez su durer!” (Hoan hô, ông đã biết trường tồn.) Thua trận, phải biết nhìn thấy ưu điểm của đối phương nếu không sẽ là mù quáng. Bigeard nhận ra rất nhanh là Việt Minh luôn biết rút kinh nghiệm sau mỗi thất bại, biết học rất nhanh phương thức tác chiến của Tây phương. Tỷ dụ, Pháp là quốc gia sáng chế ra súng cối nhưng Việt Minh dùng súng cối tài tình hơn Pháp. Vì Pháp dùng súng cối cho mục đích phòng thủ, còn Việt Minh dùng cối thay cho pháo, trong mục đích tấn công. Pháp phân súng cối ra các tiểu đoàn, đại đội trong lúc Việt Minh tập trung súng cối thành từng tiểu đoàn, thậm chí trung đoàn súng cối, giúp tập trung hỏa yểm cao độ. Ðể áp sát các cứ điểm phòng thủ, Việt Minh cho đào hào từ tuyến xuất phát đến sát chân các ngọn đồi do Pháp chiếm lĩnh để tránh pháo… Bigeard khen ngợi các chiến thuật này, là điều không sai. Vì cần biết địch, biết ta. Chính Bigeard cũng đã áp dụng lại chiến thuật Việt Minh bằng cách cho đào hào từ tuyến nhà khi phải tái chiếm một ngọn đồi, làm nên nhiều chiến thắng của Nhảy dù.

Việc hoan hô Giáp đã “trường tồn”, là chính vì phương châm của chính Bigeard dành cho Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa là phải “sống lâu”. Il faut durer, c’est perdurer! (Phải kéo dài, Là phải chịu đựng!)

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Võ Nguyên Giáp trong suốt binh nghiệp chứng minh biết bám trụ, ngay cả khi bị Lê Duẫn khinh khi.

Marcel Bigeard – nguồn The New York Times

Sau nữa, như hầu hết phương Tây, Bigeard không hiểu mọi quyết định bên ngoài mặt trận của một tướng lĩnh Cộng sản là do toàn thể Tổng Quân Ủy Trung ương với Chính Trị Bộ và cố vấn Tàu cùng quyết định, không do một mình Giáp. Giáp không có tự do hành động như Rommel tại Bắc Phi.

Trong chuyến về thăm VN sau cùng, trong đoạn phim Bigeard et la Guerre d’Indochine, Bigeard trong buổi trao đổi với Quân đội Nhân dân đã trách cứ rất nhiều là Việt Minh đã để cho tù binh Pháp chết dọc đường từ Ðiện Biên về các trại tập trung. “Tout ce dont les prisonniers ont besoin, c’est d’une banane par jour pour survivre, mais vous ne l’avez pas fait.” (Những gì tù binh cần là một quả chuối mỗi ngày, để sống sót, nhưng các anh không cho họ).

Xếp Bigeard vào danh mục Phản bội là không chính xác, vì Bigeard là quân nhân nhiều huân chương nhất của Lục quân Pháp, từng nhận Bắc Ðẩu Bội Tinh, được nghi lễ Quốc táng khi chết và khóa 50 của Liên trường Võ khoa École Militaire Interarmes (EMIA) Coetquidan, tương đương với trường sĩ quan trừ bị Thủ Ðức của VNCH, mang tên khóa Trung tướng Bigeard. Ðể vinh danh một quân nhân xuất thân từ hàng binh đã đánh trăm trận để phục vụ tổ quốc và lên đến Tư lệnh Quân khu rồi Thứ trưởng Quốc phòng. Nếu dân Pháp và quân đội Pháp không xem Bigeard là kẻ phản bội, thì làm sao chúng ta, những người Việt, có thể xếp Bigeard vào hàng phản bội?

Xem thêm:   Sau Tết, còn lại gì ...

Phản bội là Georges Boudarel chứ không phải Bigeard. (Boudarel đã theo Việt Minh làm quản giáo rồi chính ủy trong các trại tù binh Pháp và tuy được đặc xá năm 1966 vẫn là đã phạm tội nhưng được ân xá. Tên Việt Nam của Boudarel là Ðại Ðồng.)

TV