Tặng các bạn già để cùng sùi sụt cho… vui với điều khó tránh.

Ðầu tháng Tư vừa qua tôi lại có dịp trở lại thị trấn Magnolia, chủ yếu là duyệt xét lại các hồ sơ thuế khóa hàng năm cho bà Anita trước khi bà gởi cho sở thuế Liên Bang. Mongolia là một thị trấn nhỏ, có dân số khoảng 2000 người, ở ngoại ô thành phố Houston, cách downtown độ 40 dặm về hướng Tây Bắc. Từ hai, ba năm trở lại đây, Mongolia như là một cô bé nhà quê, mặt mũi, áo quần nhếch nhác, bỗng vươn vai trở thành một thiếu nữ đang xuân, quần là áo lượt, phấn son đỏng đảnh. Trong cái thay da đổi thịt của toàn thị trấn thì căn nhà dưỡng lão của bà Anita là một bước thụt lùi thấy rõ. Mỗi ngày thêm già nua, héo úa. Bên trong căn nhà thì những tuổi đời càng ngày càng chồng chất thêm cao là lẽ thường, không ai sửa đổi được. Nhưng bên ngoài căn nhà thì dù người có rời xa nó cả trăm năm thì vẫn nhận ra nó. Tấm bảng gỗ long đinh, nước sơn đã tróc gần hết, người ta phải vừa đọc vừa đoán mới nhận ra hàng chữ The First Family Health Care. Tấm bảng treo giữa một bụi cây rậm ở đầu con đường hẹp trải hắc ín dài chừng 200 thước dẫn vào cửa trước của nhà dưỡng lão. Con đường tróc lở, nhiều ổ gà, rộng vừa đủ cho một chiếc xe hơi. Như tên gọi, đây là nhà dưỡng lão đầu tiên trong vùng, có số tuổi trên năm mươi. Và đây cũng đúng là một gia đình có nhân số chưa quá mười người trong căn nhà trệt hơn 5000 feet vuông, lỗ chỗ những vết nứt trên tường vôi, lần lần bị che mất bởi những ngôi nhà cao.

Thật sự thì tôi đã từng đến đây trong 9 năm qua, mỗi năm ít nhứt là một lần vào đầu tháng Tư. Đến nhà dưỡng lão lần nầy tôi thấy có vài chuyện muốn được chia sẻ cùng quý độc giả. Tôi biết chắc chẳng bao lâu cơ sở nầy sẽ phải đóng cửa vì thua lỗ. Sức người có hạn. Lòng người cũng có hạn. Và những người tôi sắp nhắc đến sẽ không còn. Thời gian xoi mòn hết, từ vật đến người. Kể cả tình người!

Bảo Huân 

  1. Chuyện người giám đốc không giống ai

Tôi biết bà Anita Coleman từ hơn 15 năm nay. Lần đầu tôi gặp bà tại một văn phòng khai thuế của công ty H&R Block mà tôi là một nhân viên làm việc bán thời gian. Tôi là người phụ trách hồ sơ của bà hôm ấy. Từ đó mỗi năm cứ vào mùa thuế là tôi lại gặp bà. Sự thân thiện của chúng tôi cũng tăng hàng năm. Lúc ấy bà Anita đang làm y tá trưởng cho một bịnh viện lớn trên đường Fannin, đồng thời bà còn làm thêm tại một vài bịnh viện khác nữa. Lợi tức hàng năm của bà không năm nào là dưới trăm ngàn. Vậy mà một hôm cách đây 9 năm, bà Anita cho tôi hay bà sẽ bỏ hết công việc ở đây để về vùng Magnolia chăm sóc một nhà dưỡng lão do mẹ bà làm chủ từ mấy chục năm nay. Nay bà mẹ già yếu chính bà cũng cần được chăm sóc. Từ đó hồ sơ thuế của bà Anita và cơ sở của bà do một văn phòng dịch vụ tài chánh khác đảm trách. Có lẽ sau nhiều năm quen biết, Bà Anita dành cho tôi một chút tin tưởng nào đó nên bà chỉ yêu cầu tôi mỗi năm ghé lại nhà dưỡng lão của bà vào thượng tuần tháng Tư để lược xét hồ sơ trước khi gởi đi. Dịch vụ nầy tôi chỉ tính tiền với giá tượng trưng lần đầu, sau đó thì hoàn toàn miễn phí vì cơ sở của bà Anita càng ngày càng lỗ lã. Sự thua lỗ nầy đã có từ nhiều năm trước do mẹ bà Anita vừa là chủ vừa là quản lý. Không phải là cơ sở bất vụ lợi, lại không muốn kêu xin nên không có một trợ giúp nào về tài chánh từ chánh phủ hay từ tư nhân. Cơ sở được điều hành với tính cách gia đình, tuỳ tiện, không có những luật lệ về tài chánh bó buộc. Người già cần nơi an dưỡng thì cứ đến, sẽ được ân cần đón tiếp. Những chuyện tiền nong hay chuyện có bảo hiểm sức khỏe hay không là thứ yếu. Người ta không ngạc nhiên khi biết bà Anita đã dành phần lớn lợi tức của bà phụ với mẹ làm cho cơ sở đứng vững. Từ khi bà Anita trực tiếp quản lý cơ sở thì hàng đêm bà phải dành 4 tiếng đồng hồ làm việc tại một bịnh viện trong vùng để góp vào chi phí điều hành. Ban ngày thì bà túc trực đích thân lo cho bịnh nhân cùng với một y sĩ  đến khám bịnh khi cần. Cũng có vài người hưu trí thay phiên đến giúp bà từ chuyện văn phòng đến việc nấu nướng và quét dọn vệ sinh. Sở dĩ có tình trạng thua lỗ vì những người đến đây đa số là người vô gia cư hay những di dân bất hợp pháp từ vùng Nam Mỹ. Cũng có người Việt Nam lớn tuổi sang Mỹ theo diện đoàn tụ, không có một chương trình bảo hiểm nào, được con cháu đưa vào đây nhờ giúp đỡ.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Việc làm của gia đình bà Anita quả là điều lạ trong một xã hội yêu chuộng tiền tài vật chất và trong một đất nước có chi phí y tế phi mã.

Người ta thi nhau làm giàu qua dịch vụ y tế, sức khỏe, thì bà Giám Ðốc Anita đang tiếp bước mẹ mình lội ngược dòng. Bà Anita mỗi ngày phải tốn nhiều công sức và tiền bạc của chính mình kiếm được qua những đêm mất ngủ ở bịnh viện để làm tốt dịch vụ nầy. Ðấy chẳng phải là điều lạ sao? Không biết thế giới nầy có mấy người với trái tim lớn như bà Anita?

  1. Chuyện Người Di Tản Buồn

Tôi viết những dòng này vào đầu tháng Năm, vài ngày sau cái móc Bốn Mươi Ba Năm đánh dấu ngày làn sóng trên một trăm năm mươi ngàn người đầu tiên ồ ạt bỏ nước ra đi sau ngày Miền Nam đổi chủ. Dù đã bao năm qua, người di tản buồn thì vẫn buồn. Người di tản khỏi đất nước mình dù có bám trụ bám rễ trên đất người thì vẫn là lưu vong. Người lưu vong thì làm sao mà vui cho được, phải không? Từ cái ngày đó, người-di-tản-buồn thì ta có thể gặp bất cứ ở đâu, ở chính mình và ở những đồng hương. Cho nên viết về câu chuyện người đồng hương đang sống những ngày tàn trong một nhà dưỡng lão hẻo lánh cũng là dịp để nhắc nhở mình, rằng có những người đã ra đi, cũng như có những người vẫn đang bám đất ở quê nhà không làm sao tránh được những nỗi buồn. Cô đơn cũng là nỗi buồn. Những nỗi buồn nầy chỉ có thể đem giấu vào cái chết mà thôi.

​“Ðó là bác Trần. Bác vào đây được ba tháng rồi”, bà Anita chỉ người đàn ông đang ngồi trên xe lăn ở cuối hành lang, đầu ngoẹo sang một bên, miệng há hốc. Trên đoạn đường ngắn đi về phía bác Trần tôi đã gặp 3 người khác cũng ngồi xe lăn. Người mà tôi đoán là ít tuổi nhứt chắc cũng không dưới bảy mươi. Khi tôi đi ngang qua, họ quờ quạng đưa những cánh tay khẳng khiu tìm tay tôi, mắt thì mở trừng trừng mà như không thấy gì, miệng thì ú ớ những tiếng không ai hiểu được. Có một người một tay cầm dĩa thức ăn gồm có bắp hột trộn với nui, một tay cầm cái nĩa kiên nhẫn lùa từng hột bắp vào miệng. Cả hai tay đều run nên không có một hột bắp hay một con nui nào vào miệng được. Ðến gần bác Trần tôi mới thấy rõ chất nước vàng vàng chảy thành dòng từ cái miệng há hốc của bác đang say ngủ. Lúc tôi sửa lại thế ngồi cho bác Trần thì bác thức giấc. Bác Trần nhìn tôi với cái nhìn mà sau đó, đã gần tháng nay tôi không quên được. Cái nhìn vừa thân thiện, vừa sợ hãi, vừa vui mừng, vừa buồn bã. Tôi nhớ hình như mình đã từng gặp nhiều lần, thật nhiều lần, những tia mắt như vậy ở đâu đó quanh tôi. Thân người bác nhỏ thó ngồi thẳng dậy như cố vươn ra khỏi chiếc ghế quá rộng. Ðôi mắt bác mở lớn mà hai khóe miệng thì căng ra, hơi thở dồn dập, đôi tay nắm chặt thành ghế. Mười ngón tay không khác gì mấy que cây khô, có thể gãy bất cứ lúc nào. Áng chừng mươi giây đồng hồ sau khi nghe tôi nói lời chào, bác Trần mới định thần, khẽ gục gặc đầu. Sau đó tôi nói thêm vài câu thăm hỏi rồi giã từ bác ra về. Gặp nhau lần đó bác Trần không muốn nói nhiều. Những lần sau thì khác. Gặp tôi bác vui như gặp người thân. Bà Anita nói sau lần bác gặp tôi ngày đầu, bác Trần gần như  ngày nào cũng ngồi xe lăn ra cửa chánh, có ý chờ tôi đến. Lúc trước, khi mới được con cháu đưa vào đây, ngày nào bác Trần cũng mong họ đến. Họ đến thêm được một vài lần nữa rồi thôi. Biết như vậy nên bác Trần chỉ muốn ngồi ở cuối hành lang, ngủ gà ngủ gật, hay chơi với con chó Lyly để khỏi phải mong ngóng. Từ ngày gặp tôi, bác Trần có vẻ vui hơn, cởi mở hơn. Bị một lần tai biến mạch máu não, bác Trần nói năng có khó khăn nhưng tôi nghe hiểu được tâm sự của bác. Suốt những lần tâm sự, không một lần bác trách cứ một người nào, ngược lại bác đã tự trách mình là đã sang đây để làm phiền con cháu. Chỉ đôi ba lần gặp gỡ, tôi rất thông cảm cho người nông dân Miệt Thứ, cả đời chỉ biết có ruộng đồng, cá mắm; sang đây với một ý muốn độc nhứt là gần gũi con cháu; chớ bác đâu hiểu được những khó khăn, những trắc trở ngoài sự tưởng tượng của bác. Bác nhớ quá cái nón mê, cây phảng bén ngót và những cốc rượu đế cà kê dê ngỗng với thằng Ba, chú Tám… Hai cái tên tiếng tây tiếng u của hai thằng cháu nội, dù đã méo mồm, uốn lưỡi…thiếu điều muốn trẹo bản họng mà bác cũng chưa lần nào gọi cho trúng! Bây giờ thì quên phứt các cháu tên gì rồi. Chắc cũng chẳng đứa nào còn nhớ rằng chúng đang còn grandpa ở đâu đó trên đời!

Xem thêm:   Ai nhớ chăng ai

Bác Trần là người thứ hai tôi gặp tại nhà dưỡng lão nầy. Người thứ nhứt là bà Hai, tục gọi là bà Hai Vàm Láng, vốn là người hàng xóm của nhà tôi hồi ở Vàm Láng.         5 năm trước bà rời nhà rồi quên lối về.  Cảnh sát tìm được bà sau 2 ngày đi lạc. Tuần sau sự việc lại xảy ra tương tự. Con gái khóa cửa, bà Hai ngồi trong nhà, khóc suốt ngày. Do sự hướng dẫn của tôi, chị con gái út của bà Hai đưa bà vào đây. Bà Hai có đủ quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe của chánh phủ, các con cháu không phải trả một phí khoản nào. Bà Hai bị bịnh mất trí nhớ, và không thể tự mình lo cho mình được, mà con cháu thì “không rảnh” để lo cho bà. Có điều là bà Hai không quên những chuyện lúc còn ở quê nhà. Gặp chúng tôi bà có dịp nhắc lại bao nhiêu chuyện cũ. Có chuyện vợ tôi còn nhớ nên cùng góp chuyện với bà làm bà thêm hào hứng, nói hoài không biết mệt. Cũng vẫn những chuyện ấy bà Hai cứ lặp lại mỗi lần chúng tôi đến thăm. Có một điều rất tốt cho bà Hai là hình như bà đã quên hẳn các con cháu nên bà chẳng hề nhớ rằng đã từ lâu các con cháu không đến thăm bà. Cái quên nầy thật là cần thiết, tiết kiệm được mấy giọt nước mắt già nua! Chỉ có một lần tôi thấy bà vò đầu con Lyly mà tưởng rằng mình đang vò đầu thằng cháu ngoại, bà đớt đát nói với con chó: “Sao lâu quá rồi ngoại hổng thấy ba má con vô thăm ngoại?” Nghe thấy vậy nhà tôi phải quay mặt về hướng khác, chặm nước mắt. Sau đó chừng non một tháng thì bà Hai mất. Không biết trước khi nhắm mắt bà Hai có gặp được đứa con, đứa cháu nào không. Hay chỉ một mình con Lyly bên cạnh?

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Bà Hai đã ở đây và đã ra đi từ 4 năm trước. Bây giờ là bác Trần. Bác Trần chắc cũng không còn ở đây bao nhiêu ngày nữa. Tôi ước ao trong những ngày còn lại bác Trần sẽ như bà Hai, quên hẳn những gì bây giờ để chỉ nhớ chuyện xưa, chẳng hạn như chuyện dặm cù bắt chuột, chuyện đặt trúm giăng câu của những ngày bác còn là nông dân ở Miệt Thứ.

43 năm rồi vết thương cũ vẫn còn mưng mủ. Và những vết thương mới bỗng xuất hiện như một nỗi đau ngậm ngùi. One Thousand Tears Falling. Tựa một cuốn sách của một đồng hương Xẻo Môn của tôi. Lệ vẫn rơi ngàn giọt trên phận người ly xứ! Rơi trên mặt, rơi trong lòng. Rơi trên đất người!

Bảo Huân

  1. Chuyện Con Lyly

Ở phần trên tôi có vài lần nói phớt qua về con chó Lyly trong nhà dưỡng lão của bà Anita bạn tôi. Thật sự thì khi nghĩ tới đề tài để viết chuyên mục Ðất người hay quê ta, tôi muốn chỉ viết về con chó Lyly thật độc đáo nầy. Nhưng suy nghĩ của tôi bỗng gặp phải một người Mỹ tốt bụng và hai người đồng hương tội nghiệp, nên phải viết dông dài như trên. Nhân vật chánh Lyly trở thành nhân vật phụ.

Lyly là tên của con chó lông xù mịn, mỏ bằng, mũi thấp, mắt đen, tai có hình trái tim, chân thấp, thuộc giống Pekingese, một loại chó xuất hiện tại Trung Hoa từ thế kỷ thứ 8, là loại chó quý, rất thông minh, dễ dạy và trung hậu, hay vòi vĩnh, được nuôi trong nội cung và các nhà quyền quý, nặng từ 6 pounds đến 14 pounds. Có thời những con Pekingese còn được coi là một linh thú ở Trung Hoa. Pekingese nhập vào các nước phương Tây từ những năm 1860.

Mẹ của bà Anita nuôi con Lyly từ khi nó mới được sinh ra, đến nay con Lyly đã trên 10 tuổi. Nếu so sánh với tuổi con người thì Lyly đã là bà già bảy mươi. Bà già bảy mươi nầy đã vô hình trung ở trong nhà dưỡng lão từ khi còn thơ ấu. Có lẽ nhờ vậy mà Lyly có những nét độc đáo đến nỗi một đài phát thanh địa phương đã có lần giới thiệu cùng thính giả. Ðó là việc Lyly từ nhiều năm nay đã là người bạn thân thiết của những người cao niên, bịnh tật trong nhà dưỡng lão The First Family Health Care. Lyly phụ giúp người già. Lyly làm trò vui. Lyly làm cho người già cảm thấy bớt cô đơn. Ông cụ làm rơi chiếc dép ở đâu đó, Lyly đi tìm, tha về cho ông cụ. Bà cụ bị nghẹt thở, nói không ra tiếng, Lyly chạy đi tìm bà y tá. Ông cụ buồn bã, Lyly nhảy nhót, cúp đuôi, nhăn mặt làm trò hề. Bà cụ tựa cửa ngồi chờ con cháu đến thăm, Lyly ngồi gọn trong lòng bà như một cử chỉ vừa thân mật, vừa an ủi. Bà cụ vuốt lông Lyly mà ngỡ mình đang vuốt ve đứa cháu ngoại đã bặt vô âm tín. Tôi có cảm nhận là ai trong viện dưỡng lão nầy cũng đều là bạn chí cốt của Lyly; họ nghe, hiểu và chuyện trò với nhau bằng cảm ứng giữa hai trái tim đồng cảm, đồng sàng, đồng mộng.

Từ 10 năm nay không ai nhớ được là Lyly đã làm bao nhiêu công việc lợi ích cho những thân phận già nua, cô đơn trong nhà dưỡng lão. Nhưng có một điều mà người ta vẫn nghĩ là những người già cả tội nghiệp từ nơi đây mà ra đi thế nào cũng mang ít nhiều hình ảnh dễ thương của con chó Lyly, một người bạn thân lúc nào cũng có mặt bên cạnh họ. Thay vì họ mang theo hình ảnh các con cháu mà gần suốt một đời mình đã sanh ra, tâng tiu và nuôi nấng! Còn người thân? Họ đã xa xôi quá rồi!

​Càng nói nghe lòng càng xốn xang!!!

​Không biết tôi có lầm không khi đặt tên cho vùng đất tạm dung này là Hữu Tâm. Ở xứ Hữu Tâm mà sao có những người thiếu trái tim vậy cà!?

Bảo Huân

TBT