Kỳ 3

Thần kỳ hay nguy hiểm?

Thế giới, nhất là người Việt Nam, phải thán phục thậm chí kinh ngạc khi nhìn vào những thành quả phát triển mới đây của Trung Cộng trong lĩnh vực đô thị, giao thông và cả khu vực khoa học, kỹ thuật. Trung Cộng đã trở thành một cường quốc tự lập trong khoa học vũ trụ, đang xúc tiến rốt ráo cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ về chế tạo phi thuyền, trạm nghiên cứu lâu dài trong không gian, các dự án thăm dò xa xôi như Mặt Trăng, Sao Hỏa. Trung Cộng hiện là quốc gia có số các công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vượt xa các nước Tây Âu, đứng trên cả Israel. Trung Cộng còn đạt khả năng độc lập và đang đi đầu trong công nghệ viễn thông 5G, một lĩnh vực được coi là mấu chốt trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc trong khả năng kiểm soát, điều khiển toàn thế giới trong những thập niên tới đây.

Vài con số sau đây sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn mức phát triển của Trung Cộng:

Tính tới đầu tháng Một 2020, Trung Cộng sở hữu 34% các bằng sáng chế liên quan tới công nghệ 5G, trong khi đó Mỹ, Liên Âu, Nhật, Hàn Quốc lần lượt là: 13%, 17%, 8%, 24.5%.

Riêng công ty Huawei (Trung Cộng) thuộc số các nhà sở hữu nhiều nhất các Bằng Sáng Chế Chuẩn Thiết YẾU (Standard-Essential Patents) trong công nghệ 5G.

Huawei đầu tư cho R&D (nghiên cứu & phát triển) chiếm 10% lợi nhuận, năm 2019 đạt trên 15 tỷ đô la Mỹ, năm 2020 vào khoảng 20 tỷ đô la Mỹ (gấp hơn 4 lần ngân sách quốc phòng của Việt Nam trong năm 2019), vượt Apple và Microsoft. Toàn bộ ngành sản xuất xe hơi của Ðức đầu tư cho R&D trong năm 2018 chỉ là 30 tỷ đô la Mỹ.

Nếu nhìn lại toàn lục địa Trung Hoa vẫn còn tối tăm cả theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen trong thập niên 1980, nhiều người sẽ không tránh được cảm giác sửng sốt về sự phát triển của Trung Cộng. Ðây có thể là một lý do để giải thích tại sao gần đây Tập Cận Bình đã công khai so sánh mô hình chính trị của Trung Cộng với mô hình chính trị dân chủ với ngầm ý coi thường.

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Nhưng hãy cẩn trọng, người Việt chúng ta và nhiều người trên thế giới cũng đã từng thán phục về sự phát triển, hùng mạnh của Liên Xô, đặc biệt về khoa học, kỹ thuật.

Khi tìm hiểu về lịch sử các nước phương Tây (Mỹ, Tây Âu), tôi thường chú ý cách thức con người xử tệ với nhau để so sánh với những điều tương tự trong lịch sử Trung Hoa (và Việt Nam). Cả hai nơi, qua sử sách, đương nhiên, tôi đều thấy con người giống nhau ở điểm đều thù hằn và sẵn sàng dùng bạo lực để tiêu diệt kẻ thù, kẻ đối địch không từ cả người thân thích. Nhưng cách thức giết người, trả thù của người phương Tây nói chung không như người Trung Hoa. Nói một cách đơn giản hóa, người phương Tây thường giết người bằng một nhát cho chết ngay, còn người Trung Hoa thường nghĩ ra nhiều cách để làm cho kẻ thù phải chịu đựng nhiều đày ải, đau đớn trước khi tắt thở.

Theo sự đọc của tôi, chắc chắn còn rất hạn chế, người phương Tây không có những cách giết người như tùng xẻo, không có định lệ tru di tam tộc. Xin lưu ý quý vị về sự ghê rợn của câu chuyện ngay sau đây. Sử Trung Hoa ghi lại một sự kiện vào đầu thế kỷ III trước Công Nguyên: Lữ Hậu là hoàng hậu, vợ của Hán cao tổ (Lưu Bang người khai sinh ra nhà Hán) trả thù tình địch, là một tần phi sủng ái của Hán cao tổ, bằng cách cho móc mù hai mắt, chặt cụt cả tay lẫn chân, đặt tên là «nhân trệ» (lợn người), rồi cho nuôi trong nhà xí (Sử ký Tư Mã Thiên, Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê chú dịch, Nxb Văn Học, 2013, tr. 60).

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Nhưng tính man dã của kẻ cầm quyền Trung Hoa ngày nay vẫn không có gì thay đổi so với tiền nhân của họ trong lịch sử.

Theo sử gia John King Fairbank, người được coi là một trong những học giả lớn nhất về Trung Hoa học, nhận định rằng các vương quyền Trung Hoa trong lịch sử khoảng 4000 năm luôn có ba đặc điểm chính:

Một, người cầm quyền luôn đứng trên mọi pháp luật, có thể làm mọi thứ tùy ý. Người cầm quyền luôn coi việc giết chóc, tàn sát là cần thiết khi cần đối phó với các thách thức đến từ cả ba nhóm người: đối thủ chính trị; quan lại (tức công chức hiểu theo nghĩa hiện đại) và khối người bất mãn, phản kháng.

Hai, cấu trúc chế độ vương quyền không tồn tại bất cứ một cơ chế có tính thiết chế (institutionalized process) để hạn chế hay kiểm soát hành vi của tầng lớp vua chúa. Quảng đại quần chúng không thể đóng góp một cách ôn hòa vào việc hình thành các quyết định chung cho xã hội.

Ba, những người cầm quyền chỉ phản ứng, đáp ứng cho những toan tính, nhu cầu của chính họ. Sự trung thành, tận tụy với quyền lực luôn được ưu tiên chú ý cao hơn mọi mong muốn, lợi ích của nhân dân.

Ba đặc điểm (đã được lược thuật) này được Fairbank nêu ra nhân một lần tái bản một cuốn sách của ông, The Great Chinese Revolution 1800-1985, ngay sau khi chính quyền cộng sản Trung Hoa cho xe tăng nghiền nát nhiều trăm sinh viên – những thanh niên chỉ đòi hỏi dân chủ, tự do một cách ôn hòa trên quảng trường Thiên An Môn. Kể từ đó đã hơn ba thập niên trôi qua, nhưng ba đặc điểm vừa nói vẫn là nền tảng của chế độ chính trị hiện hành tại Trung Hoa lục địa.

Ðiều khác biệt chỉ là ngày nay chế độ của Tập Cận Bình có nhiều phương tiện tinh vi hơn để kiểm soát dân chúng, theo dõi đối địch và có những phương tiện có thể tàn sát một lượng người phản kháng lớn hơn bằng những cách có thể đỡ thô thiển hơn.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Nhìn vào vụ George Floyd tại Mỹ và phản ứng tại các nước Tây Âu, người có trí tưởng tượng táo bạo nhất cũng không dám nghĩ đến khả năng sẽ có một ông/bà tổng thống hay thủ tướng ở Mỹ/Tây Âu ra lệnh cho cảnh sát, quân đội bắn vào đám đông biểu tình phản đối chính quyền.

Nếu nhìn con người cũng chỉ là một loại động vật thì sự man dã luôn tồn tại và có mặt trong mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa. Ðiều đáng nói, trong khi phương Tây, từ vài trăm năm qua, đã dám lập ra và liên tục cải thiện các thiết chế nhằm kiểm soát, ước chế sự man dã của con người, đặc biệt là người cầm quyền, thì kẻ cầm quyền tại Trung Hoa vẫn tìm mọi cách để duy trì cấu trúc chính trị cho kẻ cầm quyền có thể man dã vô độ.

Những thành quả về khoa học, kỹ thuật, công nghệ hay cả về kinh tế, xóa nghèo trong những năm qua của Trung Cộng có thể khiến chúng ta thán phục. Nhưng, nếu xét kỹ, chúng ta sẽ thấy tất cả những thành quả đó cũng chỉ thuộc về đặc tính thứ ba của chế độ độc tài man dã Trung Hoa: nhằm phục vụ trước tiên cho lợi ích, nhu cầu bảo tồn quyền lực, quyền lợi của một số kẻ cầm quyền.

Chưa nói đến các giá trị dân chủ, tự do, quyền con người – những thứ vẫn xa lạ và luôn bị cấm đoán trong xã hội Trung Cộng – chỉ riêng hiện tượng con người tại Trung Hoa lục địa vẫn luôn bỏ nước ra đi khi có cơ hội cũng phản ảnh một phần bản chất phản tiến bộ của chế độ chính trị Trung Cộng.

Nếu mô hình chính trị này lại có thể giành được quyền ảnh hưởng, điều khiển, thống trị cả thế giới, chúng ta sẽ đi đâu?

(còn tiếp)