Kỳ 2

Khát vọng dân chủ tỉnh táo

Cách đây 14 năm, trong một lần trò chuyện thân mật với một nhân vật từng là thành viên tích cực trong «Thành phần thứ ba» tại Việt Nam Cộng Hòa trước 75, tôi có đặt một câu hỏi: «Ðiều gì quan trọng nhất đã khiến ông tham gia vào các hoạt động chống Mỹ tại miền Nam?» Nhân vật đã nói với tôi rằng: «Khi trông tụi lính Mỹ nghênh ngang trên đường phố, tôi rất ớn.»

Câu trả lời cho thấy ít nhất hai điều: Một, sự chân thành của người trả lời vì khó có chuyện chủ nhà cảm thấy hài lòng khi thấy người khách ở trong nhà mình với một thái độ, hành động tự tin, chủ động hơn cả chủ nhà. Mà lính Mỹ nói riêng, người phương Tây nói chung, theo tôi, thường ít có biểu hiện khép nép, e dè như người phương Ðông do cái văn hóa trọng độc lập cá nhân và thể hình thường cao lớn hơn của họ. Hai, chỉ vì cái dáng vẻ bề ngoài của một số (hoặc tất cả) lính Mỹ, người ta dễ dàng chống lại cả một quốc gia tiến bộ, một nền dân chủ thuộc hạng quý giá nhất trên thế giới. Ở phương diện cá nhân, sự bi đát còn có tính đau xót hơn vì nhân vật sau này đã bị chế độ cộng sản sau 75 sách nhiễu, cầm cố, mà theo ông, thậm tệ hơn nhiều so với trước 75, khi ông chỉ lên tiếng đòi hỏi kẻ cầm quyền phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận như ông đã hưởng trước 75.

Nếu ở một đất nước bình thường như Nhật Bản hay các nước Tây Âu cùng thời, hành động phản chiến, bài Mỹ, chống chính quyền của nhân vật sẽ không đưa tới hệ quả gì nghiêm trọng cho đất nước và cá nhân. Nhưng Việt Nam Cộng Hòa trước 75 ở trong một bối cảnh đặc biệt: cần phải có trợ giúp ngoại lực để bảo vệ đất nước chống lại sự uy hiếp của một chế độ độc tài được tiếp sức bởi cả một khối quốc gia độc tài toàn trị khổng lồ.

Xem thêm:   Tương lai TikTok có bị cấm ở Hoa Kỳ?

Và còn gì bằng nếu chúng ta lại được một quốc gia dân chủ, vừa hùng cường vừa hào hiệp vào bậc nhất thế giới sẵn sàng yểm trợ bằng cả tinh thần, vật lực và nhân lực. Thế nhưng có một phần người Việt tại Việt Nam Cộng Hòa không những không nhận được ra cơ hội quý giá này mà còn đứng vào hàng ngũ chống đối.

Tuy nhiên, lịch sử, truyền thống Việt Nam cùng bối cảnh tuyên truyền sôi động, phức tạp, đa chiều trước 75, của thế giới và Việt Nam, khiến cho việc nhận thức được cơ hội quý giá đó hoàn toàn không dễ.

Chỉ xét riêng dưới góc độ Việt Nam Cộng Hòa, cả Ðệ Nhất lẫn Ðệ Nhị, là một xã hội có nền tảng căn bản là dân chủ (tuy mức độ khiếm khuyết có khác nhau) đã chấp nhận đối lập chính trị và thực thi một số quyền tự do căn bản (ngôn luận, báo chí, biểu tình…) thì việc xuất hiện quan điểm, phong trào chống sự can thiệp của Mỹ, chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là điều tất yếu phải xảy ra vì xã hội con người luôn có căn tính đa nguyên và luôn tồn tại các tham vọng cạnh tranh, giành giật quyền lực bằng quan điểm khác biệt, đối lập mang tính đối trọng với chính quyền đương nhiệm.

Nói cách khác, những cá nhân, những phong trào chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chống Mỹ trước 75 (tạm ngoại trừ sự kích động, mua chuộc, ép buộc của cộng sản miền Bắc) là những thành tố nội tại của một xã hội dân chủ-tự do và cũng là biểu hiện của sự khát khao dân chủ nhiều hơn. Vấn đề chỉ là sự tích cực dân chủ hay «khát khao dân chủ» này đã tiếp thêm một lực quan trọng cho cộng sản miền Bắc đánh sụp toàn bộ chế độ dân chủ (dù còn khiếm khuyết) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Và như thế, có thể nói, đó là «khát khao dân chủ» vô trách nhiệm hay thiếu tỉnh táo.

Xem thêm:   Ca sĩ Thanh Thúy

Lẽ ra trong một xã hội như thế, những người khác biệt chính kiến, muốn cạnh tranh quyền lực với người đương quyền vẫn có thể chỉ trích, phản đối chính quyền, phê phán, phản đối Mỹ ở nhiều phương diện nhưng phải trên cơ sở bảo tồn/gia tăng đoàn kết, sức mạnh chống cộng sản miền Bắc. Giống như một cơ thể con người đang bị bệnh, chúng ta phải tránh, thậm chí phải chống chỉ định một số hoạt động. Nhưng tiếc thay, một thành phần người Việt trong chế độ dân chủ Việt Nam Cộng Hòa không ý thức được các giới hạn đó mà lại tích cực hoạt động theo hướng gây rối loạn chính quyền bằng mọi giá và chống sự hiện diện của quân đội Mỹ bằng mọi cách, đúng như cộng sản miền Bắc mong muốn: «Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào».

Vào thời điểm đó, những người, những phong trào cực đoan như thế rất có thể cũng có cơ sở tinh thần là lòng yêu nước (ghét quân xâm lược), là sự khát khao dân chủ (vì không hài lòng với chính quyền, vì cảm thấy thiếu tự do). Nhưng, một cách thẳng thắn, đó là lòng yêu nước mù quáng, là sự khát khao dân chủ ngu muội. Hoặc, nếu những hành động đó chỉ là biểu hiện của tham vọng quyền lực, quyền lợi (thường tình của con người) thì cũng là tham vọng một cách u tối: chạy theo một quyền lực sẽ đàn áp chính mình. Những ngôn từ vừa nói thực không nhã nhặn chút nào, nhưng sẽ là đạo đức giả nếu chúng ta vẫn tỏ ra điềm đạm, bình tâm khi nhìn viễn cảnh đen tối của đất nước và thực trạng khốn cùng của đại đa số nhân dân sau gần nửa thế kỷ sống dưới cái chế độ đã tự đắc «đánh cho Mỹ cút» để dễ dàng đánh đổ Việt Nam Cộng Hòa – xóa bỏ một chế độ nhân bản, khai phóng nhất từ trước tới nay trong lịch sử dân tộc.

Ngày nay, cái chế độ đã quyết tâm đánh Mỹ đó đã quay sang bắt tay với Mỹ. Nhưng bài học lịch sử đau xót «chống Mỹ, đánh Mỹ» của dân tộc ta vẫn còn rất quan trọng ở hai điểm. Một, chế độ độc tài đương thời dù đã quan hệ với Mỹ nhưng chế độ này vẫn tìm mọi cách để che giấu, hạ thấp các giá trị nhân văn, tiến bộ của chính thể Mỹ, xã hội Mỹ. Hai, Mỹ lại có vai trò quan trọng trong cuộc đối đầu giữa lực lượng dân chủ thế giới và thế lực độc tài đang lên tại Trung Cộng.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Từ điểm một, chúng ta sẽ thấy, khi phê phán, chỉ trích các chính sách của chính quyền Mỹ, của xã hội Mỹ rất dễ bị chính quyền độc tài lợi dụng cho mục tiêu chống Mỹ âm thầm của nó. Ngoài ra, khi phê phán, chỉ trích một chính quyền dân chủ thuộc dạng đầu tàu của thế giới dân chủ nếu không cân nhắc kỹ lưỡng sẽ dễ đưa tới hệ quả làm cho công chúng của đất nước ta, vốn đã bị đầu độc bóp méo về dân chủ, càng thiếu thiện cảm, do dự với dân chủ – cũng đồng nghĩa tạo thuận lợi thêm cho sự tồn tại của chế độ độc tài đương thời.

Ðiểm hai cho thấy thế giới lại đang bước vào một giai đoạn đặc biệt như thời Chiến Tranh Lạnh hoặc Thế Chiến II – bối cảnh đối đầu, xung đột mất còn giữa lực lượng dân chủ thế giới và thế lực ác đang nổi dậy. Trong bối cảnh này, việc phê phán, chỉ trích chính quyền Mỹ nói riêng và chế độ dân chủ nói chung rất dễ làm lợi hoặc vô tình phụ họa cho chính sách tự ca ngợi của Trung Cộng về chế độ độc tài của nó.

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận chế độ độc tài toàn trị Trung Cộng đã làm được những công trình khiến thế giới phải sửng sốt. Song, chế độ này vẫn giữ nguyên bản chất nguy hiểm cho nhân loại.

(còn tiếp)

PHS (23/08/2021)

viết tại Bourgogne-Franche-Comté