Có ca sĩ rất nổi tiếng ở Mỹ và ở Việt Nam, ai cũng biết ca sĩ này rất giàu có, vì anh ta tự khoe biệt thự diện tích 22 ngàn rưỡi feet vuông, xe hơi cá nhân sang trọng, và khán giả của anh ta toàn người giàu có. Giá cát-sê anh này một lần đi hát thuộc loại cao nhứt nhì giới ca sĩ gốc Việt. Tầm tôi thì không đủ tiền làm “khán giả” coi anh ta hát.
2 năm trước, anh ca sĩ nhận được 1ngàn Mỹ kim tiền chính phủ Mỹ trợ giúp dân trong dịch Covid-19, bèn đăng lên Facebook khoe và “Cám ơn nước Mỹ” rối rít. Có người thấy bài đăng bèn vô để lại comments rằng anh giàu như vậy mà nhận 1 ngàn Mỹ kim làm gì? Với anh số tiền đó có đáng gì đâu, sao không từ chối để nhường tiền lại cho người nào thật sự cần giúp đỡ hơn? Anh ca sĩ làm thinh, mà cũng không trả lại số tiền. Fans binh vực ca sĩ thì nói chính phủ Mỹ cho thì cứ nhận, ngu gì không nhận. Người ta cho thì lấy chớ bộ đi ăn cướp, ăn trộm hay sao mà sợ.
Ở đây tôi không lạm bàn thêm việc anh ca sĩ nọ nhận1 ngàn Mỹ kim trợ giúp Covid-19 là đúng hay sai. Nếu anh ta nghèo, thất nghiệp thì anh ta có quyền nhận. Ngược lại, nếu anh ta khai gian, giả bộ nghèo để nhận trợ cấp vì việc ấy cũng có nhân viên chính phủ chuyên điều tra gian lận trợ cấp lo, không phải trách nhiệm của tôi, cũng không phải trách nhiệm của quý độc giả. Bởi vì chẳng có ai cho chúng ta cái thẩm quyền điều tra ấy cả. Chuyện tôi muốn nói là người ta luôn luôn rối rít “Cám ơn nước Mỹ” sau khi nhận được quyền lợi từ nước Mỹ, nhưng mà sau khi “Cám ơn” xong thì làm cái gì để “Trả ơn nước Mỹ.”
Có người nói rằng tôi đi làm tôi nộp thuế là tôi trả ơn nước Mỹ. Nghĩ như vậy vừa đúng vừa không đúng. Người Mỹ nộp thuế cho nước Mỹ để dùng tiền đó xây dựng nước Mỹ hùng mạnh hơn, nói trả ơn cho nước Mỹ là đúng. Nhưng các cá nhân, tập đoàn nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh, sản xuất ở Mỹ, họ bắt buộc phải nộp thuế cho nước sở tại, không có chuyện họ yêu nước Mỹ hay trả ơn nước Mỹ, và họ cũng được hưởng những quyền lợi về xã hội tương đương dân Mỹ.
Chúng ta lái xe chạy bon bon trên những con đường tráng nhựa bóng láng, chúng ta được cấp tiền, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí vì thiên tai, dịch bệnh. Gặp việc gì nguy hiểm, khó khăn, chúng ta gọi điện thoại cho cảnh sát, lực lượng cứu hỏa, gọi cấp cứu đến trợ giúp bất kể thời gian, bất kể điều kiện thời tiết, bất kỳ ở địa điểm nào. Trẻ con trong nhà chúng ta được giáo dục miễn phí cho tới tròn 18 tuổi. Chúng ta được hưởng lương hưu, được hưởng tiền già, được trợ cấp y tế, chăm sóc sức khỏe … Tất cả những quyền lợi ấy đều từ tiền thuế của chúng ta mà ra. Ai nộp nhiều thì được hưởng nhiều, ai nộp ít thì hưởng ít.
Tôi vô Google gõ cụm từ “Làm điều gì có lợi cho nước Mỹ?” Google trả lời: “Không tìm thấy kết quả nào.” Và cho ra một loạt những bài viết như: “10 lý do hàng đầu nên sống ở Mỹ ” “10 lợi ích của người có quốc tịch Hoa Kỳ ” “Nước Mỹ – Đất nước của tự do và cơ hội ” “Tiền trợ cấp xã hội dành cho người lớn tuổi ở Mỹ” “Những điều tuyệt vời khi sống ở Mỹ ” v.v. và v.v. Lạ chưa? Nói theo kiểu bình dân thì hóa ra nước Mỹ làm mọi cả thế giới à?
Khi chúng ta đang sống bình yên và được hưởng mọi phúc lợi của nước Mỹ, nhìn về quê hương, thấy dân Việt Nam quốc nội họ cũng phải nộp thuế y chang như chúng ta, nhưng mỗi khi bước chân ra đường họ đều phải trả tiền lệ phí cầu đường. Khi họ ốm đau vô bệnh viện thì phải ôm theo cục tiền trả trước, bằng không thì nằm chờ chết đi chớ không có tiền không ai cứu chữa. Có con đi học, từ lớp mẫu giáo họ đã phải chạy tiền học cho con đến rạc cả người…
Ở Việt Nam, tôi bị viêm xoang sàng trước mãn tính, viêm họng hạt phải uống thuốc trụ sinh như ăn cơm mỗi ngày, tôi đã vô bệnh viện đốt họng hạt 2 lần, nhưng rồi viêm vẫn cứ viêm. Từ ngày tôi sống ở Mỹ tôi không chữa các bệnh kể trên, mà cũng không thấy bị bệnh nữa, tôi cho rằng tôi tự dưng hết bệnh là nhờ được hít thở bầu không khí trong lành ở nước Mỹ.
Tôi vừa đọc báo online, thấy dân “thổ đu” Hà Nội đóng những cái cọc sắt to và dài trên lề đường trước (hoặc bên hông) nhà của họ, để chống việc bị đậu xe chắn lối ra vào hoặc các tài xế làm nứt tường nhà của họ. Thật nguy hiểm nếu ai đó đi bộ trên lề đường và vấp té, trúng những mũi “chông sắt” ấy. Ngược lại, lề đường nước Mỹ luôn rộng rãi, thoáng đãng, an toàn cho người đi bộ. Không ai được phép chiếm dụng lề đường, cũng không ai được phép đậu xe chắn lối ra vô nhà người khác, và việc này được thực hiện một cách tự giác.
Thời gian tôi còn làm công chức ở Sở Thương mại – Du lịch tỉnh Bạc Liêu, có lần tôi “đu đeo” theo bà chủ tịch Công đoàn (của Sở) để coi bọn họ diễn vở tuồng “thăm hỏi” con rể của sếp bị bịnh tại nhà sếp, bằng tiền quỹ Công đoàn (tức từ tiền lương của công chức trong cơ quan.) Ngay cả con gái sếp nếu đã trưởng thành thì đâu cần cơ quan sếp phải quan tâm như em bé, đàng này lại là con rể. Tấn tuồng xếp hàng vây quanh “bệnh nhân” hỏi han này nọ, làm cho tôi thấy ngao ngán và muốn nôn mữa. Tạ ơn Chúa đã cho tôi đến nước Mỹ để tôi không phải chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt ấy nữa.
Từ ngày tôi bỏ việc cơ quan nhà nước ở Việt Nam thì tôi cũng trút được gánh nặng bị trừ lương (mà không có ai hỏi mình có đồng ý hay không) để “mua công trái,” “nuôi bà mẹ Việt Nam anh hùng,” đám ma, đám giỗ, đám cưới, đám đầy tháng, đám thôi nôi … của thân nhân, gia đình sếp. Đó là tôi chưa tính tới các trường hợp họ còn phải tới nhà “chăm sóc” cho con cháu dâu rể của sếp nữa thì mới có hy vọng lên chức. Ai đã từng sống bằng đồng lương công chức chết đói ở Việt Nam mới thấu hiểu được nỗi niềm hạnh phúc vô biên khi được trút bỏ mớ “xiềng xích” ấy như tôi.
Để trả ơn, việc của chúng ta là tạo ra giá trị cho nước Mỹ. Tạo như thế nào thì tùy khả năng của từng người, không có công thức chung cho tất cả mọi người.
Thí dụ chữ pizza gợi nhớ âm hưởng nước Ý, thì bánh pizza lại làm người ta nghĩ tới nước Mỹ. Chính người thợ làm bánh thập niên 60 (thế kỷ 20) đã biến chiếc bánh Ý trở thành một giá trị Mỹ. Hoặc một chị gốc Việt làm ngành Y rất được bệnh nhân người Mỹ yêu mến, không phải nhờ nói lời ngon ngọt nịnh bợ, mà nhờ sự nhẫn nại, tận tụy, nhẹ nhàng với bệnh nhân.
Tôi đọc chuyện cậu bé nọ suốt ngày chỉ mê chơi games. Cha cậu bé bảo cậu học ngoại ngữ, học toán, học vẽ … nhưng cậu đều làm hỏng cả. Người cha hỏi vậy lớn lên con làm việc gì? Cậu bé trả lời con sẽ chơi games. Người cha choáng váng, lo lắng cho tương lai đứa con mình. Đó là chuyện cách đây 20 năm về trước. Nhưng ngày nay thì chơi games, tạo ra games cũng là một “nghề” nghiêm chỉnh và hái ra tiền, games cũng tạo ra giá trị cho nước Mỹ. Vì vậy, tất cả chúng ta đều có thể trả ơn cho nước Mỹ bằng cách thiết thực riêng của chính mình, mà không cần phải tự ti mình nhỏ bé.
TPT