Hôm nay, tôi xin được “ba điều bốn chuyện” kể lể về lý do, căn nguyên nào thúc đẩy tôi tham dự cuộc thi “Viết Về Nước Mỹ” do Việt Báo (California) tổ chức, mặc dù tôi là công dân Canada.

Nói không phải “nổ” chớ, tôi đã yêu nước Mỹ từ khi mới bước chân vào lớp Một. Suốt mấy năm tiểu học, tôi học trường Nguyễn Công Trứ, nằm trong khuôn viên Khu Quân Trang, hiệu trưởng là một Sĩ Quan (Thiếu Tá) VNCH. Vì là trường học thuộc quân đội, nên lũ “học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau” chúng tôi cũng được hưởng chế độ viện trợ của Mỹ. Cứ ba lần trong tuần, có xe chở sữa đến cửa từng lớp học, mỗi em được một ly sữa tươi và một lát “bánh mì Mỹ”. Ngày nào được uống sữa Mỹ và ăn bánh mì Mỹ, lòng tôi rộn ràng và y như rằng bữa đó về nhà tôi có cớ để…ngán cơm Việt Nam.

Ðó là ở trường, còn ở nhà thì xóm tôi ngay trước cổng Quân Cụ của chính quyền VNCH, kế bên một Câu Lạc Bộ Mỹ, ngoài ra còn có các trại lính, trại gia binh, nên hàng hoá Mỹ viện trợ được đem bán lại cho người dân xung quanh. Tôi mê nhứt hộp bơ đậu phộng, màu xanh lá đậm, dẹp dẹp, mở nắp ra, lấy ngón tay trỏ quẹt một miếng, bỏ vào miệng sung sướng cảm nhận vị thơm béo tan trên đầu lưỡi. Có lần tôi khóc cả buổi chiều, nhõng nhẽo đòi Má phải đi mua đúng hộp bơ đậu phộng của “lính Mỹ” tôi mới chịu …ăn cơm!

Tiếc thay, tôi chỉ được hưởng không khí tự do dân chủ VNCH tới năm 9 tuổi thì đất nước bị đổi chủ, nhưng cũng không ngờ, duyên nợ với Mỹ Quốc vẫn còn tiếp tục.

Sau ngày tang thương 1975, người dân Miền Nam liều mạng “bỏ của chạy lấy người”, xông pha ra biển cả đi tìm tự do. Hai người anh của tôi lần lượt vượt biển đến trại tỵ nạn Thailand và Malaysia, rồi định cư bên Mỹ. Ôi, những lá thư từ Mỹ và những tấm hình xứ Mỹ đã biết bao lần làm trái tim mộng mơ của tôi thêm mơ mộng, ước mong được đặt chân đến. Thế là, theo phong trào ở Sài Gòn bấy giờ, tôi ghi danh vào học các lớp Tiếng Anh (lúc này chính quyền Cộng Sản bắt đầu cho phép các trung tâm ngoại ngữ hoạt động). Vào đây học mới biết, cả thầy cô giáo và “học viên” đều là dân …phản động! Ai cũng muốn học Tiếng Anh chỉ với một mục đích cuối cùng là …đi Mỹ. Kẻ thì đang chờ đi ODP, người đang hy vọng H.O (lúc ấy, đầu thập niên 80s thì H.O chỉ mới là lời đồn đại), và một số người chẳng ngần ngại kể lại những chuyến vượt biên thất bại của mình, và hẹn ngày …ra khơi tiếp tục!

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Nội dung dạy Tiếng Anh ở các lớp tôi học qua, thầy cô giáo đều dùng sách cũ trước 1975 như English For Today của Lê Bá Kông. Nhiều bài trong giờ học, nói về nước Mỹ, về các thành phố lớn như New York huyền hoặc mùa đông tuyết đổ, về Francisco lộng lẫy đẹp tươi, chúng tôi ngẩn ngơ nghe Thầy giảng mà tâm trí bay bổng đến tận bên kia bờ đại dương. Ông thầy giáo, nghe đâu trước năm 1975 là dân học ở Hội Việt Mỹ rồi sau đó có học bổng qua Mỹ một năm, thành ra Thầy kể chuyện Mỹ mới chính xác (hổng biết ổng có …thêm mắm thêm muối chút nào không, cả lớp há hốc miệng ra nghe với cặp mắt ngưỡng mộ, thán phục khiến ông Thầy hăng say kể về một trời kỷ niệm với Mỹ Quốc năm xưa).

Cũng trong thời gian ấy, ngoài những lá thư, hình ảnh của hai anh từ Wichita, Kansas và San Antonio Texas, gia đình chúng tôi còn biết thêm …mùi Mỹ qua những thùng quà mà cứ vài ba tháng chúng tôi nhận được giấy báo rồi hớn hở đến kho Sân Bay Tân Sơn Nhất lãnh đồ. Chờ đợi cả ngày, đem được thùng đồ về, cả nhà xúm lại khui thùng đồ. Nào vải vóc, xà bông, kem đánh răng, áo quần, thuốc Tây, kẹo bánh …đủ cả. Sau khi lấy đồ ra, thì cái thùng carton trống không để lại nơi góc nhà, chỉ vì còn …băng keo dán nơi thùng đồ, để lũ nhỏ còn đi học như tụi tôi khi cần băng keo (tape) thì cứ ra chỗ “thùng đồ” xẻo một miếng. Lúc ấy hàng hoá Việt Nam còn khan hiếm, ngay cả băng keo Mỹ cũng tốt hơn hẳn (dĩ nhiên rồi), mà anh tôi luôn cẩn thận trước khi gửi hàng về Việt Nam, dán vài lớp băng keo chung quanh thùng đồ. Cứ thế chúng tôi cứ “xẻo” dần băng keo, đến khi gần hết thì lại đến lượt lãnh thùng đồ khác.

Buổi trao giải “Viết về nước Mỹ” 2021 của Việt Báo. Kim Loan vắng mặt.

Cái thùng không, ngoài việc cung cấp băng keo cho chúng tôi, còn có cả công dụng toả mùi thơm phảng phất khắp căn phòng. Ðó là mùi hỗn hợp của vải vóc, xà bông Coast, một mùi thơm rất dễ chịu, mà anh chị em chúng tôi gọi đó là …mùi Mỹ. Nhỏ bạn thân hay chạy qua nhà tôi chơi, hễ tới cửa mà đánh hơi thấy “mùi Mỹ” là nó biết gia đình tôi mới được lãnh đồ, riết nó cũng quen và mê “mùi Mỹ”, thậm chí còn xin băng keo về dán đồ nhà nó nữa cơ, nó bảo xài băng keo Mỹ quen rồi, giờ xài loại khác hổng quen!

Gia đình tôi có giấy bảo lãnh ODP của hai ông anh, nhưng hồ sơ giải quyết quá chậm, nên cuối năm 1989, tôi đi vượt biên. Ðến trại tỵ nạn, tôi lại được hưởng “mùi Mỹ” như khi xưa, nhưng lần này chỉ là một mùi thoảng rất nhanh và nhẹ nhàng, qua những lá thư. Cứ mỗi lần nhận thư của hai ông anh, tôi đem về, dùng cây kéo cẩn thận cắt một bên góc phong bì, rồi mở he hé, kê mũi vào hít hà …mùi Mỹ (chắc tôi bị ghiền), nhắm mắt xuýt xoa thoả mãn cho đã “cơn ghiền”, rồi mới rút ruột lá thư ra đọc. Thỉnh thoảng, anh tôi nổi hứng gửi thư cho tôi, còn dán thêm vài thanh chewing gums, ui chu choa, ở trại lúc ấy, đó là món quà xa xỉ và mang “mùi Mỹ” rất đáng yêu.

Xem thêm:   Huyền thoại Hoa Tiên Ông

Ở trại đăng đẳng bốn năm trời, vì thời điểm đó Cao Uỷ đã đóng cửa, những người đến trại muộn màng phải qua cửa ải “thanh lọc”. Phái đoàn Mỹ lúc bấy giờ chỉ nhận những trường hợp thực sự “tỵ nạn chính trị” như các cựu quân nhân VNCH, các thành phần chống đối chính quyền Cộng Sản không thể quay về Việt Nam, còn tôi có thân nhân bảo lãnh diện ODP nên bị loại vào danh sách “ non emergency”, không gấp gáp lắm, thậm chí ông trưởng phái đoàn còn gợi ý tôi nên quay về Việt Nam đi bảo lãnh cùng gia đình!  (Ngu sao về!? Ðã tốn 3 cây vàng tiền vượt biên và mất 4 năm thanh xuân ở Thailand, về với Cộng Sản làm gì!). Có lẽ ông ta cho tôi lời khuyên chỉ vì muốn bớt gánh nặng ngân sách nước Mỹ, vì nếu nhận tôi từ trại thì chính phủ Mỹ phải lo trợ cấp thời gian đầu, còn nếu đi theo ODP thì người nhà phải lo hết. Bởi vậy khi được phái đoàn Canada phỏng vấn tôi đã đồng ý đi Canada, mà từ hồi vào trại tôi luôn… hờ hững ghẻ lạnh với xứ sở này.

Khác với nhiều người khi ở trại bị Mỹ từ chối, nay định cư ở nước khác, đâm ra chê bai Mỹ đủ điều, tôi được cái, nhớ dai nhưng không …thù lâu. Vả lại, Mỹ làm việc đúng nguyên tắc, nói sao làm vậy, chớ không nói một đàng làm một nẻo. Bằng chứng là hơn mười năm sau, khi tôi đã ổn định cuộc sống cùng chồng và hai con bên Canada, sở di trú Mỹ đã gửi thư, báo rằng hồ sơ bảo lãnh của anh tôi nay đã đến hạn (anh tôi vẫn kiên trì bổ túc hồ sơ của gia đình tôi), nếu tôi và chồng con vẫn muốn qua Mỹ thì nộp tiền làm visa và các thủ tục khác. Nhưng vì nhiều lý do, mà lý do quan trọng nhất là việc làm pharmacist của chồng tôi nếu muốn qua Mỹ hành nghề phải thi lại một vài exams và cả TOEFL nữa, nên chúng tôi đã từ chối. Té ra tôi cũng …chảnh lắm chớ, hồi đó Mỹ từ chối tôi, giờ tôi từ chối lại, vậy là huề!

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Nói vui vậy thôi, tôi tin chuyện định cư Canada là một duyên số, tôi yêu cả hai đất nước này, chưa bao giờ ghét Mỹ và hờn giận Mỹ, mà tại sao phải ghét khi mà cả gia đình thân nhân ruột thịt của tôi đang ở bển??

Bởi vậy, khi nghe mấy chị quen biết trên các diễn đàn Thơ Văn nói về cuộc thi Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo tổ chức tôi đã hăng hái viết bài tham gia. Chồng tôi là người đầu tiên …ngăn cản:

– Em biết gì về nước Mỹ mà dám thi?

Tôi cãi:

– Ủa, đâu cần phải ở ngay trong nước Mỹ, mà người ngoài Mỹ vẫn có những nghĩ suy những suy nghiệm về nước Mỹ chớ. Nội cái chuyện ngày xưa gia đình anh qua trại tỵ nạn Mã Lai tính đi Mỹ mà vì sốt ruột phải đi Canada rồi sau này tiếc đứt ruột cũng đủ cho em viết một truyện rồi đó!

Ổng hơi quê, nhưng vẫn cố vớt vát…bàn ra:

– Chuyện đó bình thường mà, nhưng làm sao em cạnh tranh với bao nhiêu cây viết khác đang sinh sống bên Mỹ?

– Thực ra, em dự thi vì cái thú vui viết lách, còn chuyện trúng giải hay không chỉ là thứ yếu, nhưng nếu trúng thì em …vui hơn.

Mặc cho lời chế giễu của ông xã, tặng cho tôi hai giải “Can Ðảm” và giải “Ðiếc Không Sợ Súng”, tôi vẫn say sưa viết, và gửi cỡ …chục bài tham gia (được chọn đăng sáu bài). Cuối cùng trời không phụ lòng người, tôi đã được giải Ðặc Biệt. Ông xã tôi cười:

– Mèn ơi, em gửi cả chục bài khủng bố ban giám khảo nên người ta cho em trúng giải đó!

– Kệ chồng, có giải là em vui rồi anh nhé, anh muốn nói gì thì nói!

Ngày ban tổ chức làm lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ, tôi và ông xã xem qua hình ảnh, và vài ngày sau được xem cả chương trình qua đài SBTN mà một thân hữu gửi link. Buổi lễ trang trọng và ấm cúng vô cùng. Thấy tôi ngẩn ngơ tiếc nuối, ông xã tôi lại khơi mào:

– Lần trước em gửi chục bài, vậy lần này còn …ý tưởng gì để dự thi nữa không?

Tôi ỡm ờ:

– Dĩ nhiên là vẫn còn, anh…đợi đấy!!

– Vậy em thi nữa đi, lần này mà trúng giải thì anh thề, anh sẽ đi theo lãnh giải luôn!

Nói xong, chàng cười mỉm chi (nụ cười khó hiểu) rồi bước lên lầu. A ha! Niềm đam mê viết lách chưa bao giờ cạn trong tôi, tôi sẽ làm cho chàng bớt chọc quê tôi, biết đâu đấy, tôi mà dự thi nữa và lỡ …trúng giải nữa thì nhớ giữ lời hứa tháp tùng tôi bay qua Mỹ lãnh giải nhé!

Cứ mơ đi, có ai đánh thuế ước mơ bao giờ!

KL

Edmonton, tháng3/2022