Soạn giả Viễn Châu

Soạn giả Viễn Châu (1924-2016) tên thật là Huỳnh Trí Bá và là con thứ sáu trong gia đình nên thường được gọi là Bảy Bá. Giới hâm mộ cải lương cũng biết đến một nhạc sĩ Bảy Bá với ngón đờn tranh tuyệt diệu gieo rắc bao nỗi sầu thương. Với niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử từ thuở thiếu niên, ông mày mò những ngón đờn học lóm theo các dĩa hát cũng như những nhóm đờn ca tài tử ở quê nhà. Đến năm 19 tuổi, tài năng phát tiết, ông đã thành thạo các loại đờn tranh, vĩ cầm và guitar. Giữa thập niên 40, ông bỏ nhà đi theo gánh hát và tập tành viết tuồng cải lương. Năm 1950, khán giả bắt đầu biết đến tên tuổi soạn giả Viễn Châu qua vở tuồng cải lương “Nát cánh hoa rừng” được dàn dựng trên sân khấu Việt Kịch của nghệ sĩ Năm Châu. Ông là soạn giả thường trực của nhiều đại ban cải lương ở đô thành Sài-Gòn với rất nhiều soạn phẩm nổi tiếng và được nhiều tầng lớp khán giả mến chuộng.

Ông cũng là người đã khai sanh ra thể loại “tân cổ giao duyên” và “đo ni, đóng giày” cho từng giọng ca qua nét bút tài hoa với nguồn văn chương lai láng. Nhạc phẩm “Chàng là ai” của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết là bài “tân cổ giao duyên” đầu tiên được soạn giả Viễn Châu viết lời vọng cổ với sự trình bày duyên dáng của nghệ sĩ Lệ Thủy. Nhắc đến soạn giả Viễn Châu, người nghe từ thành thị đến thôn quê đều biết đến bài ca vọng cổ lừng danh “Tình anh bán chiếu” qua giọng ca của “vua vọng cổ” Út Trà Ôn.

Soạn giả Viễn Châu 

Bài “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Sáu Lầu được viết theo “nhịp đôi” và ra đời vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi. Trải qua bao biến thiên và thăng trầm của thời cuộc, bản vọng cổ ngày nay đã phát triển thành ba mươi hai nhịp với sáu câu “muồi rệu”. Từ hơn 7 thập niên qua, biết bao bài ca vọng cổ của những soạn giả hữu danh, gọi nôm na là “sáu câu vọng cổ”, đã ra đời và được chắp cánh bởi lớp nghệ sĩ tài danh với làn hơi “nhung căng, lụa trải”.

Xem thêm:   Một ngày vui

Một trong rất nhiều bài ca vọng cổ được yêu chuộng thời đó và mãi đến bây giờ là “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu, tức nhạc sĩ đờn tranh Bảy Bá. Lời bài ca mộc mạc, chân phương, giàu cảm xúc và được tác giả gởi gắm qua nghệ thuật “diễn xuất trong ca ngâm” của vua vọng cổ Út Trà Ôn trên làn sóng điện hay qua băng, dĩa nhựa. Bài ca vọng cổ “Tình anh bán chiếu” được lan xa từ những rạp hát sang trọng nơi thành đô hay những xóm chợ bình dân cho đến những làng quê xa xôi hẻo lánh, hầu như ai cũng biết và thuộc nằm lòng sáu câu vọng cổ tiếng tăm này.

Chiếc ghe bán chiếu từ dưới miệt Cà-Mau vừa cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, và được dân địa phương chiếu cố tận tình. Những tấm chiếu bông xinh xắn đã được lựa chọn kỹ lưỡng từ cọng lác, sợi gai và được đan dệt với bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, yêu nghề.

Một người phụ nữ trẻ đẹp, duyên dáng ngỏ ý muốn đặt đôi chiếu bông và ân cần mời anh bán chiếu ghé ngang nhà, vào tận chốn “loan phòng” để đo ni tấc của chiếc giường gõ đỏ. Năm hôm sau, khi anh sắp sửa lui ghe, cô còn đứng trên bến sông và dặn dò kỹ lưỡng. Cô nào biết được, anh đã có cảm tình với cô từ buổi đầu tiên gặp gỡ và âm thầm nuôi nấng một mối tình đơn phương sau lần cất ghe rời bến. Khi chiếc áo bông hường của cô đã khuất dạng sau mấy lùm tre, anh quyến luyến ngóng theo cái dáng hình thon thả ấy.

Xem thêm:   Ngồng hành xào hải sản

Bốn tháng sau, khi ghe chiếu vừa tới vàm sông, anh hớn hở vác đôi chiếu bông lên xóm Rẫy và cố gắng bước nhanh để kịp đến nhà người trong mộng. Đến nơi thì cửa nhà đã được khóa kín và sau trước không thấy bóng một ai ra vào. Khi cất tiếng hỏi thăm thì xóm giềng mới cho anh biết, cô chủ đã rời bỏ quê nhà và theo chồng về một nơi khác. Chiếc áo nhuộm bùn của anh thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của kẻ si tình cứ âm thầm tuôn chảy trên môi, trên má. Đôi chiếu bông trên vai bỗng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Chân anh bước liêu xiêu như một thân xác không hồn. Tiếng đờn kìm văng vẳng trên bến sông, lòng anh sắt se như một buổi chiều đông thê thảm. Anh trách thầm cô chủ nhỏ, sao ra đi mà không nói một lời từ giã và oán than cái nghề bán chiếu bạc bẽo, “tô điểm loan phòng cho những gái còn xuân”. Giờ đây, anh và đôi chiếu kia đang cùng chung một số phận, nằm trơ vơ dưới khoang ghe lạnh lẽo. Anh nhổ sào rời bến mà tâm tư trĩu nặng một nỗi u buồn. Con sông Phụng-Hiệp chảy ra bảy ngã, nhưng lòng anh vẫn thương hoài cô gái mỹ miều trên dòng kinh Ngã Bảy dẫu cho mai đây, con sông sâu có lỡ, có bồi.

Hình bìa bài ca “Tình anh bán chiếu” với nghệ sĩ Út Trà Ôn 

“Người ta đã có đôi rồi

Xem thêm:   Vừa lặn vừa... tám!

Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung

Để mình vác cặp chiếu bông

Chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ”

– Lời bài ca mượt mà, trau chuốt và hát thiệt là sướng miệng !

Bao năm rồi, Tám tui vẫn thường nghe những câu nói na ná như vậy từ rất nhiều khán, thính giả mê đắm, mê đuối cải lương từ nơi phố thị phồn hoa cho tới vùng nông thôn hẻo lánh. Nhưng Tám tui lại có suy nghĩ khác. Anh chàng bán chiếu này hơi bị “lấn cấn” trong lãnh vực tình cảm. “Người ta” chỉ gọi anh vào nhà, nhờ đo ni tấc chiếc giường, đặt hàng, dặn dò anh làm cho kỹ lưỡng và.. chấm hết! Cô gái ấy có tỏ tình hay hứa hẹn lời nào với anh đâu mà anh lại đèo bồng ao ước chuyện lứa đôi ! Anh đã mơ tưởng hão huyền, giống như người xưa thường bảo “đũa mốc mà chòi mâm son” hay Trương Chi đem lòng mơ tưởng Mỵ Nương. Mấy chữ “môn đăng hộ đối” vẫn hằn trong suy nghĩ của người dân xứ mình thì đó chỉ là duyên bèo nước tao ngộ chứ chẳng bao giờ được nên nợ vợ chồng !

Giấc mơ đã tan như những giọt sương mai trên nhánh cây ngọn cỏ, anh bán chiếu lui ghe trở về nguyên quán. Tám tui mong sao anh được tỉnh cơn mơ, về quê an thân lập nghiệp và hạnh phúc trọn đời với vợ hiền, con khôn. Mấy lời quê dông dài lượm lặt, Tám tui chỉ muốn góp một vài tiếng trống mua vui và mong mỏi được mọi giới thông cảm và chấp nhận.

TV (01.06.2024)