Khi châu Âu đang chập chững thoát khỏi đêm trường Trung cổ (Moyen Âge) để bước vào thời Tái sinh – Phục hưng (Renaissance), tại Pháp, đã âm thầm ra đời một bản văn khảo về tình trạng mất tự do phổ biến của dân chúng đương thời và mối tương quan giữa bị trị – thống trị. Bản văn có nhan đề Discours de la Servitude Volontaire (Luận về Nô lệ Tự nguyện). Tác giả của bản văn là một người Pháp thuộc tầng lớp cao, Étienne de la Boétie (1530-1563), hoàn thành bản văn khoảng năm 1548 khi đang là sinh viên luật dưới triều đại François Ðệ nhất. Nhưng phải hơn 25 năm sau, và sau khi tác giả qua đời, bản văn mới được công bố từng phần một cách vô danh. Bản văn đã động tới sự sinh tồn của quyền lực tuyệt đối trong các chính quyền đương thời, song, chính tác giả, khi 23 tuổi, lại trở thành công chức cao cấp cho giới thống trị – hoàng gia Henry Ðệ nhị. Tính chất nghề nghiệp cá nhân và bối cảnh thời đại có thể là một gợi ý cho độc giả phải thận trọng khi xem xét một bản văn nói về sự nô lệ và tự do từ một người đang phục vụ giới thống trị.

Chỉ sau vài câu có tính chất dạo đầu, bản văn đã thể hiện ngay sự chán ngán khi nhìn vào tầng lớp dân chúng:

Bây giờ tôi chỉ muốn hiểu tại sao lại có thể có chuyện chừng ấy người, chừng ấy quận huyện, đô thị, chừng ấy dân tộc chịu đựng chỉ một tên bạo chúa duy nhất, kẻ chỉ có sức mạnh do chính họ đem lại, kẻ chỉ có quyền lực áp bức họ chừng nào họ còn muốn chịu đựng và là kẻ sẽ chẳng thể làm xước nổi da họ nếu họ cùng phản đối thay vì cứ chịu mãi đau khổ. Hiện tượng thật đáng kinh ngạc – song thực ra lại là chuyện thường có tới mức cần phải hét lên hơn là sững sờ – khi có hàng triệu người bị hành hạ một cách đáng thương, đầu gục trong gông xiềng không phải do một sức mạnh không cưỡng nổi mà lại do họ mê mẩn cái tên của một kẻ mà lẽ ra họ không nên sợ – vì kẻ này chỉ có một mình – và cũng chẳng nên ái mộ – bởi chính kẻ này đang bất nhẫn và tàn bạo với chính họ.”

Một ấn bản Discours de la servitude volontaire vào năm 1826 -nguồn: wikimedia.org

 

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/14/2024)

– Không dừng lại, tác giả tiếp tục bày tỏ nỗi thất vọng thêm nhiều lần và bằng nhiều cách khi trông thấy sự tuân phục, nhẫn nhục trường kỳ của tầng lớp nhân dân. Những thất vọng có độ ngán ngẩm ngày càng tăng đã tự tạo nên một cảm giác tác giả có thái độ quở trách, khinh khi, chế nhạo, kết tội chính tầng lớp bị trị – những người nô lệ.

-“Ôi, Chúa ơi, sao lại có chuyện lạ lùng như vậy? Bất hạnh này sẽ gọi tên là gì khi hàng vô số người không chỉ tuân phục mà là hầu hạ, không chỉ bị trị mà là bị hành hạ tới mức mất hết cả của nả, cha mẹ, con cái và cả cuộc đời?”

– “Nếu hai, ba hoặc bốn người chịu một người đã là kỳ lạ nhưng còn có thể xảy ra vì người ta có thể lý giải rằng: do nhát gan. Nhưng nếu một trăm, một ngàn người lại chịu sự áp bức của chỉ một người, liệu chúng ta vẫn còn cho rằng là do họ không dám đối đầu hay họ không muốn làm thế hay ta lại còn cho rằng đó không phải là khiếp nhược mà là sự khinh thường, coi khinh?

-“Nếu không phải một trăm, không phải một ngàn mà hàng trăm xứ sở, hàng ngàn đô thị, hàng triệu người không dám vùng lên chống lại một kẻ hành xử với tất cả như những kẻ nô tỳ, nô lệ, thì thử hỏi chúng ta sẽ đặt tên cho hiện tượng này là gì? Hèn nhát chăng? Nhưng mọi thói tật đều có giới hạn không thể vượt qua. Hai người, thậm chí mười người có thể phải sợ một người; nhưng đến ngàn, triệu người, ngàn xứ sở lại không dám cùng nhau chống lại một kẻ duy nhất, thì điều này không còn là khiếp nhược nữa: thói tật này không đến mức đó, cũng giống như sự quả cảm không đòi hỏi một người phải phá một thành trì, tấn công một đoàn quân, chinh phục một vương quốc. Phải chăng thói tật này còn không xứng với cái tên khiếp nhược, không có cả cái danh tự xấu xa mà thiên nhiên không muốn nói và ngôn từ cũng chẳng thèm gọi tên?

Xem thêm:   Nhạc sĩ Văn Phụng đàn cùng ta reo khúc “Ô mê ly”

– Trong một đoạn văn khác, tác giả còn không giấu giếm giọng điệu kết án nhân dân:

-“Ðó chính là vì người dân đang tự bỏ mặc mình hay đúng hơn là đang tự hãm hại mình, bởi vì khi họ thôi hầu hạ là họ sẽ bắt đầu được tự do. Chính nhân dân là người đã tự nô lệ mình và tự cắt cổ mình; là người, có khả năng chọn sống tuân phục hay sống tự do, đã vứt bỏ tự do và nhận lấy gông cùm; là người đã chấp nhận đau khổ hay đúng hơn là người đã tự tìm tới tai họa.- (Ce sont donc les peuples eux-mêmes qui se laissent, ou plutôt qui se font malmener, puisqu’ils en seraient quittes en cessant de servir. C’est le peuple qui s’asservit et qui se coupe la gorge ; qui, pouvant choisir d’être soumis ou d’être libre, repousse la liberté et prend le joug ; qui consent à son mal, ou plutôt qui le recherche.)”

Một ấn bản Discours de la servitude volontaire năm 2018.

Chính những ngôn từ và giọng văn đó đã khiến một số độc giả lầm tưởng rằng tinh thần chính của bản luận văn là nhằm quy nguyên nhân chính của tình trạng nô lệ cho chính người nô lệ và, hệ quả, gia tăng thêm nhiều miệt thị, cao ngạo, thờ ơ trước thảm trạng mất tự do của dân chúng. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy những bức xúc chua xót có tính trách móc, lên án đó chỉ là cái nền hoặc cái vỏ che đậy cho một sự tìm hiểu sâu hơn tới bản chất của một hiện tượng thường được xem là chuyện «thường tình» hay «tự nguyện» đương thời. Étienne de La Boétie, chàng sinh viên luật khoa xuất sắc, đã viết ở đoạn giữa của bản luận văn một câu như thế này:

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Nhưng, theo tôi, chúng ta cần phải thông cảm với những người, từ khi sinh ra, đã phải sống trong cảnh gông xiềng, chúng ta cần phải lượng thứ hoặc khoan thứ cho họ nếu như họ không nhận ra nỗi bất hạnh của đời nô lệ vì họ chưa bao giờ được nhìn thấy bóng dáng của tự do cũng như chưa bao giờ được nghe thấy nói đến tự do là gì.

Song, sự “cảm thông” này không phải là sự khéo léo hay tinh ranh của một nhà chính trị muốn lấy lòng dân chúng, muốn xoa dịu những phản ứng bất lợi từ tầng lớp cùng khổ. Sự cảm thông của chàng sinh viên luật khoa đối với giới nô lệ có nguyên ủy từ những kiến giải dựa trên các quan sát và lập luận về nguồn gốc của hiện tượng «nô lệ tự nguyện» do chính chàng tìm hiểu.

(còn tiếp)

PHS (20/12/2019)

Tất cả các phần dịch trích dẫn là do PHS thực hiện dựa trên bản điện tử tại địa chỉ: https://www.singulier.eu/textes/reference/texte/pdf/servitude.pdf)