Theo Sở Lâm Nghiệp và Cứu Hỏa tiểu bang California, các đám cháy Eaton, Palisades và Hurst đã thiêu rụi trên diện tích hơn 38 ngàn mẫu Anh. Hơn 12 ngàn công trình, bao gồm nhà ở và nơi thờ cúng đã bị phá hủy, và các giới chức chính quyền dự kiến sẽ có thêm thiệt hại trong những ngày tới. Tính từ ngày 7 tháng Một tới hôm Thứ Ba, ngày 14 tháng Một, 2025, số người chết đã tăng lên 24 người. Hơn 100 ngàn người phải sơ tán khỏi vùng thảm họa.
Ông Al Hugo, đội trưởng cứu hỏa Los Angeles, với 32 năm kinh nghiệm chiến đấu với ngọn lửa. Trong khi ông đang đi chữa cháy ở vùng khác thì nhà của ông tại Eaton đã bị cháy không còn manh giáp.
Các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ nói rằng đây là trận cháy rừng lớn nhứt trong lịch sử cháy rừng ở California.
“Khi những người ứng cứu đầu tiên và các điều tra viên của Sở Giám định Y khoa Quận Los Angeles thực hiện công việc khó khăn là xác định vị trí và nhận dạng các trường hợp tử vong liên quan đến các đám cháy Eaton và Palisades, số người chết đã tăng lên 25, các quan chức thông báo vào Thứ Ba. Quá trình xác định vị trí và nhận dạng người đã chết vẫn chậm, một số nạn nhân vẫn còn nằm lại nơi họ tử vong.
Trong nhiều trường hợp, điều này là do các điều tra viên vẫn không thể tiếp cận một số khu vực nhất định do những nguy hiểm mà đám cháy rừng để lại, như rò rỉ khí, mảnh vỡ cháy âm ỉ và các công trình không ổn định”. Đài truyền hình KTLA5 cho hay.
Nhiều cá nhân gốc Việt ở Quận Cam đã tự tụ họp lại, tổ chức thành các nhóm đi tới địa điểm sơ tán để phát thức ăn, nước uống đóng chai, quần áo, và đồ dùng cần thiết khác cho người sơ tán. Ngoài nhóm trợ giúp người gốc Việt ra thì có những nhóm trợ giúp nạn nhân của các cộng đồng cư dân sắc tộc khác hoạt động tích cực.
Ngược lại, vẫn có những cá nhân khác lợi dụng tình hình tang thương, hỗn loạn và mất mát của thảm họa để “bán thịt lừa.”
– Thứ nhứt là nhóm giả danh người sơ tán để trà trộn vô những nơi ở tạm của người sơ tán và đánh cắp tài sản của họ.
– Thứ hai là nhóm giả danh cư dân ở khu vực bị cháy vô nhà thu dọn đồ đạc có giá trị còn sót lại, và họ bẻ khóa/cạy cửa vô nhà khổ chủ để thó đồ.
– Thứ ba là giả danh nhân viên chữa cháy đi tới lui, lui tới trong khu vực cư dân địa phương đã sơ tán, và cũng nhằm mục đích cạy cửa thó đồ của chủ nhà luôn. Cảnh sát đã bắt được một người đàn ông giả nhân viên chữa cháy trong khu vực cháy rừng Palisades, Cảnh sát trưởng Quận Los Angeles – Robert Luna cho biết trong cuộc họp báo.
Sở Cảnh sát thành phố Santa Monica đã bắt giữ hơn 40 người kể từ khi đám cháy Palisades bắt đầu vào ngày 7 tháng Một đến ngày 13 tháng Một, đài truyền hình KTLA5 cho biết.
Cảnh sát nói tất cả những người bị bắt đều ở trong khu vực sơ tán của thành phố và hầu hết đều vi phạm lệnh giới nghiêm do lực lượng thực thi pháp luật áp dụng, kéo dài từ hoàng hôn đến bình minh. 10 nghi phạm đã bị bắt vì tội trộm cắp và một trong số họ được phát hiện có Watch Duty app trên smartphone. Watch Duty app đó hiển thị bản đồ các đám cháy đang hoạt động và khu vực sơ tán, bao gồm các khu vực ở Santa Monica. 6 người sở hữu các công cụ trộm cắp như kìm cắt bù-lon (bolt), dụng cụ nạy, cưa tay, bộ chìa khóa điện tử đa năng và chìa khóa kim loại thường. 2 người đã bị bắt vì sở hữu súng ngắn (giấu kín). Không ai trong số những người bị bắt là cư dân của thành phố Santa Monica.
Những người còn lại bị bắt vì các vi phạm khác như tàng trữ ma túy, vi phạm luật lái xe, lệnh truy nã đang chờ giải quyết, vi phạm lệnh ân xá và quản chế.
“Những cá nhân mà chúng tôi câu lưu không sống ở những khu vực mà chúng tôi bắt giữ họ. Chúng tôi phát hiện ra rằng họ không có việc gì phải ở lại những khu vực này,” ông Luna nói thêm. “Vì vậy, tôi muốn nhắc lại với cộng đồng của chúng ta rằng nếu bạn không thuộc về những khu vực bị ảnh hưởng này, thì đừng đến đó. Bạn sẽ bị bắt giữ.”
Các viên chức hữu trách lưu ý rằng đây là “sự gia tăng đáng kể về số vụ bắt giữ thông thường tại các khu phố trong khu vực sơ tán ở phía bắc Montana và Wilmont.”
– Thứ tư là những người không trực tiếp tới hiện trường đám cháy mà “bán thịt lừa” trên mạng xã hội.

Những người đang bị cảnh sát Santa Monica câu lưu vì nghi trộm cắp. Hình: Sở Cảnh Sát Santa Monica cung cấp.
Họ tạo ra những bức ảnh, những đoạn video clip ngắn vài giây bằng công cụ AI, cho thấy toàn bộ ngọn đồi Hollywood đang cháy rừng rực không khác gì lửa địa ngục trong phim thần thoại. Họ cũng tạo ra hình/video clip cảnh những con thú rừng chạy hoảng loạn hoặc chết la liệt trong cánh rừng bốc khói và nền đất đầy dẫy than hồng ở vị trí rất là cận cảnh, cứ như người cầm camera đang đứng tại nơi đó. Nhưng thực tế, ở khu vực cháy, ngoài nhân viên công lực hữu trách ra thì không người lạ nào được phép vô đó, kể cả cánh báo chí Mỹ cũng không thu được hình ảnh đó.
Tới đây thì quý độc giả hẳn sẽ ngạc nhiên không biết họ làm vậy nhằm mục đích gì. Rất đơn giản, trong thời đại mà trương mục mạng xã hội cũng hái ra tiền thì tạo tin giả giựt gân, câu views. Khi đã có số lượng người following đông đảo, gây được niềm tin ở độc giả/khán giả thì họ bán trương mục cho các business “khởi nghiệp” hoặc bán cho các scammers dùng đi lừa người khác. Tử tế hơn thì họ nhận quảng cáo của businesses lấy tiền.
Những người khác thì lấy hình khu dân cư ở Hawaii photoshop lại rồi tung lên mạng xã hội, nói rằng đây là căn nhà có tượng Chúa trong nhà nên không bị cháy, trong khi những nhà xung quanh đều cháy rụi hết. Họ cắt hình một người mặc quần áo giả quỷ Satan trên đường phố trong một video YouTube cách đây 15 năm trước, và gán cho giới showbiz hollywood đã làm ngày 6 tháng Một, 2025. Họ lồng ghép vô cảnh lửa cháy khác và “la làng” lên rằng “Thiên chúa giáng họa” cho showbiz Hollywood vì đã “nhạo báng Thiên chúa.” Nếu ai không hiểu sâu về Kinh Thánh Tân Ước sẽ tin lời họ, nhưng người hiểu Tân Ước sẽ thấy những người này họ đang biến Thiên chúa thành ác thần ích kỷ, tàn nhẫn, và trả thù con người như mấy đứa con nít. Tôi không biết họ hạ bệ Thiên chúa (nhưng núp bóng tôn sùng quyền năng Chúa) nhằm mục đích gì? Họ thờ thế lực đen tối, hay họ cũng chỉ muốn câu views để bán trương mục?
Kiểu lừa online thứ năm là gây quỹ với danh nghĩa giúp cho nạn nhân, qua các trang uy tín như Gofunme, hoặc tạo website giả, QR code giả để “hút” tiền. Nạn nhân là những người lớn tuổi, người nhập cư, người không biết tiếng Anh.
“Chúng tôi có những người có tấm lòng nhân hậu muốn giúp đỡ, họ muốn quyên góp, họ muốn hỗ trợ các nạn nhân,” ông Rob Bonta, Tổng chưởng lý California cho biết trong một cuộc họp báo hôm Thứ Bảy. “Chúng tôi cũng thấy những kẻ lừa đảo đang lợi dụng lòng tốt và sự hào phóng đó để lừa đảo và lừa đảo những cá nhân (có lòng tốt) đó”. Ông Bonta kêu gọi công chúng cảnh giác với các tổ chức lừa đảo tự nhận là tổ chức từ thiện hoặc phi lợi nhuận hỗ trợ nạn nhân hỏa hoạn.
“Đạo cao một thước, ma cao một trượng”. Thiệt bái phục kinh nghiệm cổ nhân. Tôi nghĩ nhắc lại câu này với quý độc giả thêm lần nữa cũng không thừa.
TPT