Sư tử sống thành đàn ở vùng sa mạc châu Phi, chính xác là ở các thảo nguyên khu vực Đông Phi và Ấn Độ. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam không cho phép sư tử sống hoang dã trong tự nhiên, vì vậy mà Việt Nam không có sư tử. Tuy nhiên, từ rất xa xưa, trong tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam luôn có hình tượng sư tử đi kèm, ấy là nhờ vào sự giao thoa văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam và Ấn Độ.

Phật giáo ví von lời thuyết pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni vang rền, gây chấn động tâm can người nghe như tiếng “sư tử hống,” tượng trưng cho uy lực, sức mạnh tinh thần và trí tuệ của Phật pháp. Do đó, sư tử cũng được “thánh hóa” thành biểu tượng linh vật, từ đầu cho tới chân, đuôi sư tử linh vật đều phải mang một ý nghĩa thông điệp huyền diệu nào đó, với ý nghĩa là linh vật bảo vệ chánh pháp nhà Phật. Vì vậy, tượng sư tử ở chùa Việt không giống với bất cứ con sư tử nào ở ngoài tự nhiên, mà sư tử chùa Việt còn có thể mang đặc điểm nhiều linh vật khác nhau, và các đặc điểm chẳng con vật trong tự nhiên nào có.

Các chùa Việt miền Bắc Việt Nam thời Lý – Trần như chùa Thầy, chùa Phật Tích, chùa Hương Lãng đều tạc tượng sư tử đá đậm chất thần khí Phật giáo: đường nét tổng thể toàn thân mềm mại, lông trên thân mình cuộn xoắn ốc hình hoa, bờm khắc họa cách điệu uốn lượn như sóng, mắt to tròn, mũi to tròn thể hiện bản tánh đôn hậu, miệng cười rộng, răng dày và bằng như răng người, răng nanh không dài nhọn, trán rộng có hoa văn, chân mập và ngắn không cơ bắp cuồn cuộn, không móng vuốt nhọn. Mông sư tử mập tròn có chạm khắc hoa văn xoáy, đuôi vắt lên lưng và cuộn tròn xoắn ốc. Nếu quan sát lâu, người xem có cảm giác đây là một con chó nhà khổng lồ mập mạp, hài hước, đang nằm, hoặc ngồi chơi, điệu bộ vui vẻ. Nhìn chung, sư tử chùa Việt không phô diễn sức mạnh hình thể, không ưỡn ngực khoe cơ bắp, móng vuốt.

Xem thêm:   Phát minh này hao… người

Sư tử thời Hậu Trần miệng rộng có răng nhọn nhưng ngậm viên ngọc tròn trong miệng, tượng trưng cho sức mạnh quy hướng Phật pháp. Ngoài ra, sư tử chùa Việt thường được chạm khắc một chữ “Vương” trên trán (biểu hiện sự cao quý, vương giả.)

Sư tử chùa Việt là linh vật không có thật mang ý nghĩa tượng trưng, nên cũng tùy lúc, tùy tâm trạng nghệ nhân tạo ra nó mà nó có nhiều phiên bản và tên gọi khác nhau. Nếu nhìn nó giống sư tử nhiều hơn thì nó là sư tử, nếu nhìn nó có nét lai chó thì nó có tên là con nghê, những con sư tử có tòa sen trên đầu làm chỗ ngồi cho Phật thì có tên là nghê tọa hoặc Ông Sấm. Hiện nay vẫn còn bảo tồn được tượng nghê đá ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình và nghê đá ở lăng vua Minh Mạng, Huế.

Sư tử đá Thiền Viện Đại Đăng, Bonsall, CA.

Sư tử/nghê còn tượng trưng cho quyền uy của vua chúa, nên thường được chạm khắc tay cầm trên ấn tín hoàng gia hình con nghê đứng hoặc ngồi.

Sư tử các chùa miền Nam phần lớn đều là sư tử gốm, tuổi niên đại nhỏ so với sư tử đá chùa miền Bắc Việt Nam. Cá biệt ở đền thờ vua Gia Long (Đồng Tháp) có đôi sư tử đá đứng nhe răng cười, hình dáng như hai con chó con dễ thương.

Đừng nhầm lẫn sư tử chùa Việt với sư tử Trung Hoa cổ đại. Người Trung Hoa cổ đại thường dùng tượng sư tử đặt trước cửa để canh giữ hầm mộ, nên tượng sư tử Trung Hoa khí thế hung dữ, uy mãnh: đầu lớn, thân cơ bắp vạm vỡ, ngực ưỡn rướn về phía trước, chân mập cuồn cuộn bắp thịt, móng có vuốt sắc nhọn, đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi to, răng nhọn, tai xếch, hàm có râu. Lưng có dải vải có nhiều tua rua, trước ngực đeo chuông, bờm lông dài phủ kín. Sau này, người Trung Hoa làm tượng sư tử nửa cách điệu nửa tả thực, theo kiểu giữ nguyên đặc điểm vạm vỡ, dũng mãnh, bỏ bớt lông xoắn và chuông, lạc, dây xung quanh thân sư tử, một chân giương móng vuốt đè lên một quả cầu tròn như là cách “thể hiện chủ quyền.” Công dụng tượng sư tử kiểu mới này để trang trí sân vườn, cửa/cổng nhà giàu. Sư tử Trung Hoa không chạm chữ “Vương” trên trán.

Xem thêm:   Sài Gòn yêu em vì đó là em

Người Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản cổ đại thờ chung một vị Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, vị Bồ Tát này thường dùng con sư tử xanh to lớn lông dài răng nhọn làm thú cỡi. Trong Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân đã cho con sư tử xanh này trốn xuống trần gian làm yêu quái, nhưng con yêu quái này nó “ăn chay,” và mục đích của nó là trợ giúp cho con cháu sư tử của nó không bị chúng sanh săn bắt. Xem ra thì con người còn hung dữ hơn cả sư tử.

Nói về chùa Việt thì có lẽ tiểu bang Cali nhiều chùa nhứt. Theo ông Google cho biết Quận Cam có 20 ngôi chùa lớn, chùa nhỏ (quy mô như tư gia 3 phòng) ở ngay Little Sài Gòn đếm không xuể. Đặc điểm chung của chùa Việt ở Quận Cam là không trưng bày tượng sư tử đá thì thôi, mà đã có trưng bày thì đều là sư tử kiểu Trung Hoa cổ, đứng sừng sững như môn thần giữ của, hoặc phô trương sức mạnh kiểu sư tử đá Trung Quốc hiện đại. Tôi cho rằng những bức tượng sư tử đá đặt tại các chùa Việt Nam này được mua cùng một chỗ chế tác.

Chùa bà Thiên Hậu ở Los Angeles là nơi thờ bà Chúa Thiên Hậu, là tín ngưỡng dân gian nửa Tàu nửa Việt, nên tại đây có đôi sư tử đá trắng thật lớn tạo hình kiểu sư tử Trung Hoa cổ đại đặt ngay trước cửa làm “môn thần” cũng không có gì ngạc nhiên. Ở quê tôi cũng có miễu bà Thiên Hậu, mà phần lớn cư dân nơi đây tới miễu Bà để xin xăm và cầu trúng số, gọi bà Thiên Hậu là bà nhà giàu, là Phúc thần cũng không sai. Nhưng chùa Việt thì cần gì phải có “môn thần” trấn giữ của cải?

Xem thêm:   Cánh chim đầu đàn của "Biệt đội Thiên Nga"

Ở Việt Nam hiện nay có xu hướng chế tác tượng sư tử đá “phong thủy” với cách tạo hình phô trương sức mạnh cơ bắp, nanh vuốt, hai mép miệng nhăn nhếch lên để lộ hàm răng nhọn chơm chởm và nanh dài nhọn hoắt, nhìn rất đáng sợ. Tượng sư tử đá trắng nhìn đã ghê, loại size lớn tạo hình bằng đá granit đỏ nhìn còn ghê sợ hơn. Những cặp tượng sư tử đá đỏ size lớn đó nếu dùng làm đạo cụ quay phim ma thì thật là hoàn hảo.

Đầu năm Ất Tỵ, đồng hương Little Sài Gòn rủ nhau đi chùa lớn ở xa, làm tôi cũng tò mò tìm hiểu coi những ngôi chùa Việt lớn ngoài Quận Cam như thế nào. Quả thật là nhiều ngôi chùa rất lớn, có ngôi chùa chiếm nguyên diện tích một ngọn đồi, màu sơn có vẻ như chùa mới được xây cất. Khuôn viên chùa thiết kế đường quanh lối lại, khúc khuỷu “lên thác xuống ghềnh,” thềm đá bậc thang… thật không khác ngự hoa viên hoàng đế Trung Hoa. Hèn chi rất thu hút khách thập phương, vừa có chỗ đốt nhang lạy Phật vừa có phong cảnh nguy nga tráng lệ nhuốm màu thiền để chụp hình kỷ niệm.

Điều làm tôi ngạc nhiên và cũng rất mắc cười là chùa không đặt tượng sư tử Trung Hoa cổ đại hoặc sư tử Trung Quốc hiện đại, mà đặt luôn 4 pho tượng sư tử đá trắng khổng lồ đứng trên bệ cao, đường nét tạo hình đầy chất Disneyland, nhìn không khác gì đức vua Mufasa đang đứng trầm tư mặc tưởng. Bao nhiêu sự trang nghiêm, trầm mặc của ngôi chùa chợt tan biến vì sự có mặt của vua sư tử. Tôi chợt nghĩ hay là chùa ở Mỹ thì sư tử cũng phải “cách tân” lấy hơi theo vua sư tử Mỹ để nổi tiếng nhứt thế giới chăng?

Bài và hình TPT