Quang cảnh đốt sách sau Tháng 4.1975

Ngày trước, tiệm cho thuê sách Cảnh Hưng tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng (Quận 3, Sài-Gòn) suốt ngày tấp nập người đi, kẻ đến. Nơi đây, dân ghiền đọc sách đủ mọi lứa tuổi có thể tìm ra bất cứ quyển sách nào, cho dù thời gian xuất bản đã xa xưa hay khan hiếm trên thị trường. Không đủ khả năng để mua sách mới, mọi người tìm đến những tiệm cho thuê sách với giá cả phải chăng, thích hợp với túi tiền. Cửa tiệm là một ngôi nhà khang trang, được xây lên 3, 4 tầng lầu chỉ để chứa sách. Ông bà chủ ở vào tuổi trung niên, tánh tình vui vẻ, hoạt bát và đặc biệt, cả hai biết rõ vanh vách tựa sách nào nằm ở kệ tủ nào, đang trong tình trạng cho thuê hay vẫn còn đâu đó trên kệ sách. Cách đó mấy mươi mét là hiệu thuê sách “Đại Chúng” khiêm tốn hơn, nằm bên cạnh nhà sách Thanh Bình và ngó xéo qua trường tiểu học Rạng Đông (Aurore).

Biến cố Tháng 4 năm 1975 đã làm đổi thay mọi thứ. Các cửa hiệu bán sách giáo khoa, tiểu thuyết hay cho mướn đều bị đóng cửa và “niêm phong”. Sách báo bị tịch thu và được gom lại chất thành đống giữa lòng đường. Người ta châm lửa và đốt . Những trang sách rách bươm bay tản mạn trong buổi trưa nắng buồn tênh. Mấy đứa nhỏ nhặt được một vài tờ và nhẹ lén giấu vào trong túi áo. Thì ra họ muốn xóa đi cái “tàn dư văn hóa Mỹ Ngụy phản động” và tuyên truyền cho một nền văn hóa cộng sản vô nghĩa sau ngày xua quân vượt sông Bến Hải cưỡng chiếm miền Nam Việt-Nam.

Sách được in lại tại hải ngoại 

Mấy mươi năm vật đổi sao dời, cuộc sống cũng khoác lên một màu áo khác. Thấp thoáng đâu đó trên các nẻo đường Sài-Gòn, người ta lại thấy những cửa tiệm thu mua và bán lại sách báo cũ của một thời rất xa. Như một phép lạ diệu kỳ, sách báo của chế độ trước đã bị thiêu hủy hầu hết mà hôm nay chúng hiện diện giữa cuộc sống xô bồ, nhan nhản giữa một Sài-Gòn không hoa lệ. Trên “con đường sách” gần Nhà thờ Đức Bà có hẳn mấy gian hàng sách báo cũ, lúc nào cũng nhộn nhịp kẻ mua, người bán. Lạ lùng hơn, độc giả hôm nay đa số là những em trai, em gái còn rất trẻ, là sinh viên hay đã ra đời, đi làm và ở lứa tuổi trên dưới 30. Sách mới không đủ tính hấp dẫn, sách cũ khi được tái bản thường được “biên tập” lại (có nghĩa là bị cắt xén cho hợp thời) để tránh việc “nhạy cảm”, và dễ dàng cho việc xin cấp giấy phép ấn loát cũng như phát hành. Vì những lý do đó, các em đã tìm về nguồn sách báo cũ, để tìm hiểu, để chiêm nghiệm và ít ra, được sống lại chút không khí tự do của một thời cộng hòa thịnh trị.

Xem thêm:   Đi bộ buổi sáng

Thập niên 70, trên đường Lê Văn Duyệt, khu chợ Đũi gần rạp chiếu bóng Nam Quang, một dãy tiệm bán sách báo cũ nằm kề nhau dưới ánh nắng chói lóa của Sài-Gòn ngựa xe nhộn nhịp. Bước vào đó, ta ngửi được cái mùi ngay ngáy pha chút ẩm mốc bốc lên từ những trang sách đã hoen màu vàng úa và in hằn nét thời gian. Ngó lên mấy bức tường mênh mông những giá sách, cái thèm muốn, ước ao của thằng bé lên 9, lên 10 là được mang hết về nhà để làm của riêng và đọc cho thỏa thích. Nỗi niềm đó cứ thao thức từ ngày này qua tháng khác nhưng cuộc đổi đời đã xóa tan giấc mơ ngày trẻ dại. Tuổi mới lớn không có đủ ăn, đủ mặc thì nào ước mơ chi đến những trang sách, điều tưởng chừng như xa xỉ sau ngày miền Nam thất thủ. Cuộc sống quẩn quanh áo cơm gạo tiền và cái tự do cá nhân tối thiểu bị đánh cắp đã khiến cho Sài-Gòn tụt hậu và đắm chìm vào u mê tăm tối. Bất chấp hiểm nguy, người ta lặng lẽ ra đi trên những con thuyền mong manh giữa muôn trùng sóng dữ.

Mấy mươi năm sau, khi mân mê trên tay từng trang sách cũ, dòng kỷ niệm như chợt về và đang sống lại mãnh liệt hơn bao giờ hết. Những ngày tháng ấu thơ giữa một miền đất ấm áp dù đã xa xôi nhưng vẫn ngập tràn trong cõi nhớ. Người muôn năm cũ đã khuất xa, bạn bè đứa còn đứa mất, nhưng con đường kỷ niệm sao cứ dài hun hút. Ngập ngừng bước chân trên lối cũ, hàng me tây vẫn bùi ngùi trút lá li ti như tiếc thương những tháng ngày hoa mộng đã qua. Thời gian như những dòng sông nhỏ âm thầm trôi ra biển lớn và ngày tháng qua đi có trở lại bao giờ.

Khẩu hiệu bài trừ sách vở phát hành trước Tháng 4 năm 1975

TV