Dự luật Quốc hội số 446 (sửa đổi Mục 51210 của Bộ luật Giáo dục tiểu bang California, được Thống đốc ký phê chuẩn ngày 13 Tháng 10 năm 2023, có hiệu lực thi hành từ Tháng 1 năm 2024 trên tất cả các trường tiểu học ở tiểu bang California) bắt buộc tất cả học sinh tiểu học phải học cách dùng bút và học viết chữ bằng tay (Handwriting.)

Bản chép lại của Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, ghi lại 10 sửa đổi đầu tiên của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Getty Images/Leezsnow. 

Trong văn bản luật không nói học sinh phải luôn luôn dùng chữ viết tay và không được gõ chữ in trên bàn phím máy tính thay thế, nên tôi nghĩ rằng học sinh vẫn được dùng chữ in (của máy tính) trong những môn học khác, ngoại trừ môn Handwriting.

Dự luật Quốc Hội 446 (do cựu giáo viên tiểu học Sharon Quirk-Silva bảo trợ) yêu cầu hướng dẫn viết tay cho 2.6 triệu học sinh California từ lớp Một đến lớp Sáu, tức các bé khoảng từ 6 đến 12 tuổi. Các chuyên gia cho biết việc viết tay giúp tăng phát triển nhận thức, khả năng đọc hiểu và kỹ năng vận động bàn tay, ngón tay tinh xảo, cùng nhiều lợi ích khác.

Nếu sau này, trẻ học chuyên sâu về lịch sử, khảo cổ, văn hóa, văn học cổ đại … thì trẻ (lúc này đã lớn) sẽ nhận thấy giá trị của việc được học cách viết và chữ viết tay tuyệt vời như thế nào. Nhất là khi trẻ đọc được các tài liệu lịch sử và thư từ gia đình viết tay của các thế hệ trước.

Cá nhân tôi đang ấp ủ một đề tài nghiên cứu tìm kiếm, chứng minh, trả lại sự thật cho công chúng biết về một số nhân vật trong sử Việt, nhưng tôi chưa làm được, vì tôi không đọc được chữ Nôm và chữ Pháp, mà những tài liệu có thể chứa đựng sự thật lịch sử ấy đều được các tiền bối viết bằng chữ Nôm và chữ Pháp. Cặm cụi tra từ điển từng chữ thì biết đời nào mới xong. Bản dịch cũ phần lớn bị thất lạc, bị tiêu hủy sau ngày 30 Tháng 4 Đen, còn bản dịch mới xuất bản ở quốc nội (dưới áp lực của Ban tuyên giáo và đảng cộng sản) thì tôi rất là “nửa tin nửa ngờ” tính chân thực của bản dịch. Vì hiện nay tôi đã biết “công thức 7 – 3” trong tuyên truyền, nhồi sọ của Đảng Cộng sản VN. 7 là viết chân thực 7 phần (nội dung sự kiện) mà ai cũng biết rõ, 3 là lồng vô 3 phần nội dung bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc có lợi cho việc nâng cao vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản, hạ thấp, vu khống cho “người bị cộng sản ghét.” Độc giả tin 7 phần “thực” thì sẽ tin luôn 3 phần “hư” dối trá kia là “thực.” Vậy là Đảng Cộng sản đã “tẩy não” thành công.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Tôi đưa thí dụ trên để quý độc giả rõ thêm việc đọc được bản gốc tài liệu quan trọng đến nhường nào. Do đó, dạy học sinh tiểu học ở Hoa Kỳ học chữ viết tay cũng quan trọng như vậy. Thử hình dung bọn trẻ sẽ thích thú và vui như “khám phá kỳ quan” khi chúng tự đọc được ảnh bản gốc Hiến Pháp Hoa Kỳ viết vào năm 1787? Thậm chí, chúng có thể tự mình tạo ra một bản Hiến Pháp copy mới với giấy trắng đẹp, mực đậm rõ ràng hơn và giống như bản gốc.

Biết viết chữ bằng bút có một lợi thế mà máy tính không làm được, đó là người viết có thể tạo ra cho mình một hệ thống ký tự “viết tắt” chỉ người viết hiểu, và viết rất nhanh. Nó không phải là hệ thống chữ tốc ký mà thời xưa ai làm nghề thư ký, báo chí đều phải học. Chữ tốc ký thì bất kỳ ai đã học qua môn tốc ký đều đọc được bản viết của người khác, không có gì bí mật. Thời tôi đang học ở trường đại học luật tôi đã “chế” ra cho mình “ký tự lạ” để ghi bài thật nhanh trong khi giảng viên đang thao thao bất tuyệt trên bục giảng. Hệ thống “ký tự lạ” của tôi bao gồm chữ Việt, Nga, Trung, Toán, Sinh, Hóa, gộp chữ, gộp từ (theo quy tắc của tôi.) Bạn học tôi mỗi lần nghỉ học và mượn tập ghi của tôi chép lại bài đều nhanh chóng trả lại. Tôi hỏi “Chép rồi hả, nhanh dị?” Nó trả lời “Chữ mày nhìn sơ qua thì đẹp, viết rõ ràng, sạch sẽ, nhưng tao đọc không hiểu gì hết. Thôi tao mượn của đứa khác.” Tôi mừng thầm trong bụng nhưng không nói ra. Nó đọc được chữ tôi, rồi nó “ngâm” từ sáng tới chiều hoặc hơn nữa để chép bài thì tôi lấy cái gì mà học? Phải nói cho rõ ràng là thời điểm này học luật là ngành học rẻ tiền nhứt trong các ngành ở đại học, sinh viên không cần mua bất cứ sách nào khác ngoài sách in văn bản luật (giá rẻ) vì có quy định sách luật được “trợ giá” và nhà xuất bản không phải trả tiền bản quyền tác giả. Vì vậy tôi không có cuốn sách nào khác đọc tham khảo, mở rộng.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Tôi đi học ở trường Quận Cam mấy năm nay và tôi nhận thấy đa số bạn học của tôi đều viết chữ rất xấu. Giáo viên lớn tuổi phần lớn viết chữ nếu không đẹp cũng dễ coi, một số ít giáo viên cũng viết xấu tệ.

Người Nam kỳ thời Pháp thuộc ai cũng được rèn chữ ở bậc tiểu học. Cứ nhìn chữ viết trên các loại giấy khai sanh, chứng từ mua bán, bằng khoán đất … nét chữ hơi nghiêng qua bên phải, nét trực thẳng băng, cứng rắn, mạnh mẽ, nét hoành mềm vừa phải, đơn sơ, thoải mái là y như rằng đó là các cụ thời Pháp. Người Nam kỳ gọi lối viết này là “kiểu chân phương”. Chân là rõ ràng từng nét, phương là mỗi ký tự vuông đều đặn, thẳng, ngang thoải mái, không gấp khúc. Tôi chưa được nhìn thấy bản viết tay của các cụ Bắc kỳ cùng giai đoạn ấy nên tôi không có nhận xét.

Ảnh chụp bản viết tay Hiến Pháp Hoa Kỳ (17 Tháng Chín, 1787.) Getty Images/iStockphoto.

Sau này, thế hệ của tôi đi học ở trường với các giáo viên “lưu dụng” cũng được dạy viết chữ y như vậy. Khi học lên các lớp trên, tôi tự lược bớt một số nét hoành nhưng chữ viết của tôi vẫn giữ trên nền tảng ấy.

Chữ viết của các thế hệ “xã hội chủ nghĩa” ngoài Bắc thì tôi chia làm hai kiểu.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Kiểu thứ nhứt rơi vô thế hệ tầm cỡ tôi và nhỏ hơn một chút, viết theo lối “chân phương” nhưng “biến dạng”, nét bút không thẳng, không thoáng, nét đưa ra thường đột ngột bị rụt lại, cong queo, méo mó, và rất nhiều “râu ria,” “dây nhợ” ngoằn ngoèo. Khi tôi còn đôi mươi, tôi không hiểu tại sao người Bắc “xã hội chủ nghĩa” có kiểu viết chữ rụt rè, co cụm ấy. Sau này tôi “ngộ” ra rằng lúc nhỏ tôi thường nghe người lớn nói “Chữ là người, coi chữ viết biết tánh người,” có lẽ kiểu chữ co rút đó nó phản ảnh tâm tư người dân miền Bắc thời ấy: rụt lại, gò ép, thu mình, tự vệ, uốn éo “theo thời thế” và xun xoe khi cần.

Kiểu thứ hai là “chữ cải cách giáo dục.” Kiểu này thì miễn bàn, nhìn nó xấu nhứt trong các kiểu chữ viết tay. Tôi nhận thấy nó mất đầu mất đuôi, ngây ngô, đơ cứng, gò ép, rời rạc từng ký tự. Nếu viết kiểu ấy thì sẽ viết rất chậm.

Tôi thấy hình chụp văn bản cổ Châu Âu viết bằng bút lông ngỗng, ngòi bút sắc nét, chữ chân phương rất hào sảng, sang trọng, quý phái. Hy vọng là các giáo viên dạy viết chữ bằng tay cho trẻ tiểu học ở Cali sẽ hướng dẫn cho các bé viết theo kiểu ấy.

TPT